Một nhà thờ nào đó trong phố cổ Havana
Một nhà thờ nào đó trong phố cổ Havana
Cuba một buổi tối nọ, chẳng sầm uất cũng chẳng tồi tàn. Khu phố cổ giữa lòng Havana (thủ đô Cuba) vẫn sáng rực đèn đường, nhưng chỉ lác đác vài người đi lại. Một tốp khách Việt Nam đang rảo bước đằng xa. Họ xì xầm với nhau, bảo là đi tìm mua rượu Rum đặc sản, và theo như đã tìm hiểu từ trước, thì phải mua ở phố này, đường này, hàng này mới chuẩn.
Nói mồm là thế, tra mạng là thế. Nhưng càng đi họ càng thấy có vẻ như mình đã đi xa khỏi khu phố cổ, hay còn gọi là khu phố du lịch. Họ đã sang một khu phố dân sinh khỉ ho cò gáy nào đó, nơi mà người dân trố mắt nhìn những tên ngoại lai ngơ ngác. Tình cảnh chẳng khác nào một nhóm khách tây đi lạc từ Mã Mây sang khu Giảng Võ vậy. Càng đi càng thấy đèn đường như thưa hơn, đường phố đông đúc hơn và cảm giác bản địa hơn.
Trong chuyến cuốc bộ đó, họ đã phần nào thấy được một thoáng nhịp sống thường ngày của Cuba. Không phải là những nhà hàng. Không phải quán bar. Không phải bảo tàng. Không phải sân khấu. Không phải những quảng trường, những nhà thờ và những bãi biển. Không phải những thứ mà nền du lịch Cuba thường quảng cáo tới bạn bè năm châu.
Đây chỉ là một khu phố bình thường. Nhưng đây là Cuba. Đây mới là Cuba. Nhịp sống buổi tối trong khu phố dân sinh đó chẳng khác nào cuộc sống sau giờ cơm tại một con ngõ nhỏ ở Việt Nam tầm 20 năm trước.
Điều đầu tiên là chẳng ai ở yên trong nhà. Cả cửa chính cả ban công đều mở toang. Người lớn, từ đàn ông tới phụ nữ, từ người già tới thanh niên, họ ngồi bên bệ cửa, họ ngồi ở lề đường, họ ngồi trên ban công. Họ kê bàn kê ghế, họ ngồi xổm ngồi bệt. Họ nói chuyện rôm rả, từ thì thầm khi ngồi sát nhau, tới í ới nhau qua hai cái ban công liền kề, rồi thì hò hét từ đầu phố tới giữa phố. Đèn đường tối lù mù cũng chẳng sao, vì ánh sáng hắt ra từ mỗi nhà là đủ làm con phố sáng rực. Họ bàn tán bằng thứ tiếng Tây Ban Nha liến thoắng và trầm bổng. Họ cãi nhau ủm tỏi cho cả thiên hạ xem. Họ lầm bầm bình phẩm khi có bà vợ nào đó tát ông chồng ngay giữa phố. Có lẽ niềm yêu thích hóng drama vẫn luôn là một phần không thể thiếu của con người. Việt Nam 20 năm trước cũng vậy. Hết giờ cơm là các mẹ trong xóm lại tụ tập xì xào, nào chuyện chồng, chuyện con cái, chuyện học hành, chuyện lùm xùm ông A bà B, chuyện cơm áo gạo tiền. Các ông chồng thì lúi húi pha ấm chè đặc, tay ôm khư khư cái điếu cày, vừa đờ đẫn trong cơn say thuốc lào vừa liên mồm chém gió về ông bí thư với ông chủ tịch, về tây và tàu, về xăng và đất. Và khi nhà nào có đánh ghen, thì cả xóm có thừa chuyện mà tám trong cả tuần.
“Ngày ấy, mọi mâu thuẫn đều công khai, vì cả xóm sống chung trong một đại gia đình” - Gia Đình Gãi Ngứa
Người lớn thế nào thì trẻ con y vậy. Tụi trẻ con Cuba ăn xong liền ùa ra phố tụ tập với nhau. Chúng nó cứ đi thành đoàn, lang thang khắp phố. Chả hiểu chúng nó chơi trò gì mà đuổi nhau toán loạn. Đứa nhỏ lùa đứa nhỡ, đứa nhỡ đuổi đứa lớn, ríu ra ríu rít cả khu. Vui vẻ là thế, nhưng trẻ con mà, chẳng thể tránh được xô xát. Đứa thì vấp ngã sấp mặt, khóc ầm ĩ. Đứa thì dẫm phải nước cống, kêu la oai oái. Và có đứa còn làm buổi tối ấy thêm sôi động bằng cách đấm thẳng vào mồm một đứa khác. Thế là cuộc chiến nảy lửa giữa hai chiến binh trẻ tuổi nổ ra ác liệt, cho tới khi mẫu thân của hai chiến binh chạy tới can ngăn. Xin được đoán rằng kịch bản xảy ra sẽ chẳng khác gì phiên bản Việt Nam, tức là sẽ có hai viễn cảnh: một là hai bà mẹ bắt hai đứa nhóc xin lỗi nhau, rồi lôi về đánh hai đứa nó một trận, hai là hai bà mẹ sẽ chửi nhau ỏm tỏi về sự không biết dạy con. Và trong viễn cảnh nào, thì mọi người cũng đều hướng con mắt và đôi tai về hướng có drama.
Góc phố nào ở Havana cũng thấy có tranh tuyên truyền cổ động. Mặt ông Fidel góc phố này, mặt ông Raul góc phố kia, mặt ông Che Guevara trên tường nhà nọ. Việt Nam chúng ta cũng đâu kém cạnh gì, băng rôn khẩu hiệu, chân dung lãnh tụ giăng đầy ngoài ngõ. Rồi thì tiếng tivi vọng ra từ các nhà trong phố, nó đồng điệu và giống nhau một cách kì lạ. Có lẽ họ đều đang mở thời sự của Cuba chăng? Quả là người anh em xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, thay nhau canh gác thế giới. Việt Nam ngủ thì Cuba thức, Việt Nam thức thì Cuba ngủ.
Có lẽ lý do lớn nhất mà lối sống đầy tình làng nghĩa xóm vẫn tồn tại mạnh mẽ như vậy là vì internet ở Cuba chưa phổ biến. Để vào được mạng, người ta phải mua thẻ cào điện thoại (được lên mạng tầm 1 tiếng với mỗi thẻ), rồi phải đứng ở nơi có sóng wifi (công viên, quảng trường, ...). Trải nghiệm lên mạng trở nên vô cùng đặc biệt, khi mà hàng chục người cứ lang thang trong công viên với điện thoại trên tay và xác thẻ cào vương vãi đầy dưới đất. Nó vừa mang tính cộng đồng, vì họ phải tụ tập ở nơi công cộng, nhưng cũng vừa có tính cá nhân, khi mà ai cũng chìm đắm vào thế giới trong chiếc điện thoại khi mà thẻ cào đã kích hoạt. Lại nhớ cái hồi Việt Nam mới có internet. Ngày đó muốn lên mạng thì phải ra quán nét ngồi. Trải nghiệm đó chẳng khác gì, cũng vừa cộng đồng vừa cá nhân.
 Một góc phố ngẫu nhiên ở Havana
Một góc phố ngẫu nhiên ở Havana
Chỉ một thoáng chốc tại con phố nhỏ của Havana ấy cũng đủ để đám khách du lịch được xuyên không về quê hương họ của hai thập kỷ trước. Nhìn Cuba để thấy Việt Nam đã từng trông thế nào. Nhìn Việt Nam để thấy Cuba có thể sẽ ra sao. Trong tương lai, có thể các gia đình Cuba sẽ đóng cửa im lìm cả ngày và chẳng biết mặt hàng xóm của nhau. Có thể lũ trẻ con sẽ phải ngồi ngay ngắn ở bàn học khi bữa cơm kết thúc. Có thể từng người Cuba sẽ thoải mái lướt mạng mọi lúc mọi nơi mà chẳng cần phải đi câu sóng. Có thể cuộc sống Cuba dần trở nên riêng tư và cá thể hơn.
Đổi thay là tất định, dù muốn hay không. Nhưng, được sống lại một phần quá khứ thân quen ở chốn xa lạ, quả là một trải nghiệm đặc biệt và may mắn.