12 Angry Men (tạm dịch: 12 người đàn ông giận dữ) là một bộ phim Mỹ sản xuất năm 1957, được chuyển thể từ vở kịch truyền hình cùng tên của Reginald Rose.[3][4] Bộ phim được chính Rose viết kịch bản và sản xuất, và do Sidney Lumet đạo diễn. (Wikipedia).
Chúng mình đang trong những ngày kiềm tỏa, nhiều bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy vô cùng bức bí khi cứ làm việc rồi sinh hoạt quanh quẩn trong bốn bức tường. Bạn mình hôm qua dành cả mấy tiếng để kêu ca rằng nó cuồng chân khó chịu lắm, mình bảo: Mày đi xem "12 Angry men" đi!
Chân dung 12 người đàn ông giận dữ
Bạn nghĩ sao về việc có 12 người đàn ông từ rất nhiều nơi, rất nhiều ngành nghề, tụ họp lại trong một căn phòng trên đất Mỹ vào những ngày nóng nhất trong năm?
Chi tiết cái quạt hỏng ngay đã mở đầu cho một không khí vô cùng bức bối và căng thẳng cho toàn bộ phim.
Phim dài 96 phút, và thời gian ở ngoài căn phòng đó là...3 phút! Họ là bồi thẩm đoán cho một vụ án thanh niên 18 tuổi xuất thân từ khu ổ chuột đâm chết cha, nếu có 12 phiếu "có tội", bị cáo sẽ bị tử hình.  À, thời đó mấy cái giám định pháp y với phân tích DNA từ vết máu chưa phát triển đâu ạ, nên dựa trên lời khai, vật chứng, nhân chứng và phân tích, quyết định của 12 người đàn ông này là "quyết định sống còn."
Mình nghĩ, đây cũng có thể là điểm yếu của dân chủ thời bấy giờ, khi và quyền sinh sát lại không được những người có chuyên môn, năng lực trong lĩnh vực phá án và xử án quyết định, mà lại do những người môi giới chẳng hạn dùng quan điểm để kết luận.
Và xem này, đứng trước một sự việc mình xem là vô cùng nghiêm trọng như thế. Họ, tỏ vẻ thích thú (Tôi không biết. Rất là thú vị), buồn ngủ, vào phòng tắm 5 phút, đọc báo phân tích thị trường ngày hôm nay, muốn ra thật nhanh vì còn có vé cho trận bóng tối nay... Có người lần đầu tham gia, có người đã tham gia rất nhiều lần. Nhưng họ đều rất dửng dưng, trong khi, tất cả đang liên quan đến mạng sống của một con người cơ mà. Ok, đoạn đầu nó đã làm mình tức rồi. Họ không ngừng nhắc đi nhắc lại về việc phải ra khỏi đây sớm.
Mọi điều có vẻ hiển nhiên và chẳng có gì phải bàn ở đây cả, nó xuất thân từ một nơi bần hàn đầy rẫy tội lỗi, bạo lực, có cả nhân chứng, có cả vật chứng.
Chẳng cần thảo luận gì, họ biểu quyết luôn. 11 có tội, 1 vô tội. 
Ôi câu bé! Luôn luôn sẽ có một người khác.
Có vẻ như người ta xem phiếu vô tội của bồi thẩm 8 là một cách chơi trội chẳng hạn.
Tôi không biết... Nó chỉ mới 18 tuổi... Tôi chỉ muốn nói chuyện thôi... Thật không dễ để tôi giơ tay và đưa thằng bé đến cái chết mà không thảo luận một chút... Đây là mạng sống của con người. Chúng ta không thể chỉ quyết định trong vòng 5 phút...
Và rồi, chúng ta có thể ở đây một tiếng. Không phải để nói chuyện phiếm, chúng ta ở đây để làm gì?
Mình nhận ra rằng, nếu mình dùng góc nhìn của bản thân thì sẽ đưa đến sự phán xét. Vì tính đúng, sai luôn là tương đối. Đôi khi ta nghĩ mọi chuyện không liên quan đến ta, nên ý kiến của ta sẽ khách quan. Ôi không, nếu ta không tìm hiểu cặn kẽ, không đứng từ góc nhìn của người đó, ta sẽ rơi vào cãi bẫy phán xét chủ quan lúc nào không hay.
Không thể làm tôi đổi ý dù anh có nói thêm 100 năm nữa.
Điển hình của tính chủ quan cứng đầu mà chắc rằng ai cũng từng mắc ít nhiều. Chúng ta xem mình làm tiêu chuẩn, mà mặc kệ mọi lí lẽ, chỉ cứng đầu làm theo ý mình. Nó cũng là kiểu suy nghĩ một thời gian của mình, và đến khi mình biết lắng nghe, biết để cái tôi của mình xuống, thì mình đã học được rất nhiều điều hay và ngày càng tiến bộ.
Chúng ta là người lớn mà ... Chúng sinh ra đã nói dối.
Cái lí luận kiểu quái gì vậy. Kiểu dựa trên uy tín cá nhân, chỉ vì ông là người lớn, còn bị cáo mới 18 tuổi và nó sinh ra trong một hoàn cảnh chẳng mấy tốt đẹp. Và một câu hỏi rất hay của bổi thẩm 8: 
Tôi muốn hỏi ông vài điều. Ông không tin thằng bé. Điều gì khiến ông tin người đàn bà đó?
Anh quả là đồ ranh ma.
Phần tranh luận lại rẽ sang chỉ trích cá nhân rồi. Trong phim sẽ có rất nhiều cảnh cãi cọ như thế. Những người đàn ông liên tục chỉ trích, chế giễu hạ bệ nhau để bảo vệ lí luận của mình.
Tôi nghĩ thằng bé có tội. Tôi nghĩ rõ ràng đấy chứ. Không ai nghĩ điều ngược lại
Mình nghĩ chính anh ta cũng không chắc chắn về quyết định của mình, nhưng vì không ai chứng minh được thằng bé vô tội, vậy nên nó có tội là đương nhiên. Trường hợp này là ngụy biện bất khả tri (ad ignorantiam) (dựa vào sự thiếu hiểu biết): lập luận rằng một tuyên bố là đúng vì nó đã được chứng minh là không sai.
Cuộc tranh luận càng ngày càng gay gắt, những lí lẽ chắc chắn và thuyết phục "mười mươi" ban đầu, ngày càng lung lay tợn. Càng nói, họ càng phát hiện ra những điểm bất hợp lí, những lỗ hổng to oạch trong chuỗi bằng chứng của những nhân chứng có vẻ như là "mắt thấy tai nghe".
Dần dần, số phiếu vô tội tặng lên, đồng nghĩa với có tội giảm đi. Động cơ, lí luận của mỗi người thì khác nhau. Nhưng mình không thể nào rời mắt khỏi màn hình và nuốt từng chữ, từng chữ một. Màn tranh luận đã đi vào kinh điển rồi. Tất nhiên, trải nghiệm mỗi lần xem của mình khác nhau. Lần đầu thì mình thêm được góc nhìn về việc nhìn nhận đa chiều về một sự việc, tiếp theo đó là bài học về tranh luận. về sự phán xét. Sau đó là những lỗi ngụy biện mà bản thân mình rất hay mắc phải. Có lẽ, mình sẽ xem bộ phim này rất nhiều lần.
Đến cuối cùng, chúng ta có 12 phiếu vô tội. Nhưng chúng ta không biết được thằng bé đấy có giết cha hay là không? Có thể những lập luận từ đầu đến cuối phim là sai bét? Nhưng có hề chi, dù sao vẫn có một cuộc điều tra khác cho những nghi vấn đặt ra? Và mạng sống của một con người không còn bị quyết định bởi ảnh hưởng của một trận bóng nữa.
Chật ních trong một cái phòng
Bản thân của chúng ta, khi đứng trước sự kìm kẹp hay hạn chế không gian luôn nảy sinh ra phản ứng chống lại hay tìm cách thoát thân. Đi cách ly thì phá khóa bỏ trốn, thì lên sân bay chạy ra nước ngoài. Họ chỉ quan tâm đến cảm nhận và sự thoải mái của cá nhân, mà không nghĩ đến bao nhiêu người đang gồng mình chống dịch. Giống như ban đầu, những người đàn ông ở đây, họ vì quan điểm, lợi ích cá nhân mà bỏ qua quyền được xét xử kĩ càng, công tâm của một đứa trẻ. Luôn luôn là sự ích kỉ.
Mạng sống của đứa bé, dù nó có quá khứ bất hảo, xuất thân như thế nào thì vẫn là mạng sống của con người. Mà mạng sống của ai cũng như nhau cả thôi. Giống như, đứng trước dịch bệnh, loài người mới biết mình nhỏ bé như thế nào.
Covid-19 dạy cho chúng ta rằng mọi người trên thế giới, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp nào…cũng đều bình đẳng trước dịch bệnh.
Đây là những dòng trong bức thư ngỏ của Bill Gates.
Vậy đó, có những khi chúng ta vô tình quên mất nhiều điều.
Nói túm lại, đây là một bộ phim mà mình rất thích. Phim đen trắng, không cần bối cảnh, kĩ xảo các thứ, nhưng hút vô cùng. Những góc quay cận mặt, ánh mắt, ngôn ngữ, động tác, đến cả cầm khăn lau mồ hôi cũng vô cùng tròn trịa. Đúng khẩu vị của mình.
Cũng có lí do cả để chỉ 12 gã đàn ông trong một căn phòng tồn tại cùng năm tháng chứ nhỉ? Những bài học, thông điệp, và trải nghiệm suy tư phim mang đến, mình chắc rằng sẽ còn giá trị mãi với thời gian.

Đọc thêm: