- Huy ra nhận chuyến sỏi về Bắc Ninh nhé!

Tiếng bà đốc vọng ra từ căn phòng gọi là 'văn phòng' trong dãy nhà hình chữ nhật ngót nghét hai chục năm tuổi. Nơi đây là trạm xe, chuyên chở vật liệu xây dựng. Tầm năm, sáu chiếc xe tải cùng vài cái ba gác đỗ chéo nhau dưới tấm bạt che nắng; tất cả đều im lặng với cái nắng trưa hè. Những cỗ kim loại ấy ẵm trọn bầu không khí ngột ngạt của thành phố tầm giữa ngày.

- Rồi rồi, tẹo tôi đi ngay. - Tiếng người đàn ông tên Huy đáp lại. Anh ngáp một cái thật dài, gãi gãi cái gáy oải, rồi đứng dậy vươn vai.

Ngay đến bộ trang phục anh mặc cũng khiến người ta dễ đoán nên ngành nghề: chiếc áo mai ô rồi chiếc áo dài tay chống nắng, chiếc quần soóc màu be, nhiều túi, bám bụi. Không cửu vạn thì cũng tài xế, mà phải là tài xế xe tải.

- Bao giờ sỏi tới hở?
- Tầm hai giờ. Sắm sửa đi rồi còn 'tải'.
- Rồi rồi nói mãi.

Dụi dụi mắt, Huy bước vào phòng vệ sinh. Anh vặn vòi nước, chụm hai bàn tay thô ráp lấy dòng chất lỏng mát lạnh kia áp vào khuôn mặt. Làm vậy hai, ba lần, anh với cái khăn lau tay. Và như mọi lần, trước mỗi chuyến lên đường, anh đều nhìn vào trong gương.

Anh không nghĩ gì. Không có gì chạm tới cái óc mới tỉnh dậy của anh. Rồi Huy nhìn. Nhìn làn da đen sạm qua lớp tay áo xắn lên mấy nấc, nhìn bộ ria lâu rồi chưa cạo, nhìn toàn thể những gì là dáng vẻ của anh. Tĩnh tới mức thứ duy nhất chuyển động là giọt nước lăn trên mặt anh. Huy lấy bàn tay to lớn vuốt mạnh một cái.

---

3 giờ 12 phút chiều.

Nắng không có dấu hiệu giảm đi độ gay gắt. Vài đám mây cạnh đó cũng chẳng có ý định giương mình ra chắn. Từng đợt gió thoang thoảng, và cái mát chỉ tới trong giây lát. Hàng cây có vẻ ngái ngủ, những ngọn lá không muốn di chuyển. Hôm nay lại là ngày cuối tuần, nơi hẻo lánh này hiếm chủ cửa hàng cố gắng bày bán.

Trong cái không gian tĩnh như vậy, tiếng Thiện mở cánh cửa xe nghe vang. Ngoảnh lại Huy đang từ từ đi ra xe, nó hỏi:
- Anh lái trước à?
- Hôm nay chỉ tới Bắc Ninh thôi. Chú mày lái được đúng không?
- Dạ vâng.
'20 tuổi mà như ông cụ non' là những gì Huy nói về Thiện, thằng con lớn của bà đốc. Từ nhỏ người đàn bà ấy đã không muốn, hoặc chính xác hơn là không có điều kiện, để cho con lên đại học cao đẳng. Đủ khôn để học lái tải trong hai năm, đủ cái ý tứ để lễ phép với Huy suốt năm nay, và đủ cái thông minh của một thanh niên tiềm năng. Đáng tiếc thay. Nhưng Thiện không quá dằn vặt về việc không được học cao; thay vào đó, nó hiểu. Có lẽ sự thật ấy đáng trân trọng lắm. Không rõ mẹ nó có nhận ra không...

Sẽ là chuyến đi một giờ từ ngoại thành Hà Nội về Bắc Ninh. Thiện quan sát tốt, nên giao phó chuyến này cho nó luyện tập cũng hợp lý, Huy ngẫm. Và như mọi lần, họ khởi hành với nhau.

---

Chạy trên đại lộ vắng vẻ, nắng nóng và ngột ngạt, chiếc xe sắt vù vù lao đi. Âm thanh cái bạt phập phùng trước làn gió mạnh nói lên cái xe tải như muốn bắt đầu câu chuyện còn hơn tài xế cùng phụ lái. Khi trước, họ nói chuyện với nhau nhiều. Nhiều thứ để bàn, nhiều điều tự nhiên bật ra từ tưởng như hư không, có cả mấy lần Thiện xin lời khuyên về nó với bạn gái nữa. Những chủ đề tưởng như bất tận, giờ mất hút vào cái 'lặng yên' của người cầm lái: cái gạt cần và tiếng rung lắc từ cỗ xe.  

Nói rằng cao tốc có nhiều thứ để nhìn ngắm không sai. Chỉ là, nhìn nhiều rồi thì đâm chán thôi. Nhất là với cánh tài xế chuyên chở. Luôn là vạch kẻ đường, làn đường, dãy đèn giao thông xanh đỏ vàng, cả ba-ri-e thấp lè tè nữa. Thiên nhiên thì khác hơn chút. Giả dụ hôm nay nắng to thì mò đâu ra cánh chim hay tiếng hót nào. Các loài vật cũng chẳng khác người là mấy nếu ngày nào cũng nắng, đều chậm rãi và thả lỏng. Nếu có giai điệu lãng mạn nào được cất lên, thì có lẽ là vài nốt rì rào nơi hàng cây trĩu lá. Thỉnh thoảng tiếng hót của xe ô tô cũng chen vào nữa. Đem câu chuyện về cảm nhận chuyến tải với các anh tài, họ sẽ đưa một trả lời ở khoảng mức độ 'bình thường'. Vậy mà có nhiều người cho rằng tải thú vị lắm (chắc chỉ trong vài ngày đầu thôi).

Vậy nên, chuyến này Huy ít nói hẳn. Hoặc đó là một phần lý do anh như vậy. Thiện đâm tò mò. Rốt cuộc sau vài lần nhìn lén sang vẻ trầm mặc của Huy, Thiện mới mở lời trước tiên:
- Hôm nay anh ít nói ha.
- Ừ... đúng là vậy thật. - Huy đánh mắt ra ngoài cửa sổ, gật gù.
- Anh muốn nói về chuyện đó không?
- Chuyện gì?
- Chuyện anh đang giữ trong đầu chứ còn gì.
- Ừm... thôi. Lúc nào khác đi.
Thiện hiểu ý, và sự tập trung đã hoàn toàn đặt vào con đường trước mắt. Thằng bé tinh tế lắm, và nó thể hiện điều đó ra rất đỗi thường tình. Không dễ thấy ở một trai tráng tuổi đôi mươi, khi mà cái định kiến ám lên rằng phải cứng rắn và xử sự 'giống người đàn ông trưởng thành'. Thật sự, con bé nó yêu nên thấy may mắn, và cũng đủ nhạy cảm để đáp lại điều tương tự.

Vậy nhưng, Huy thật lòng không muốn bàn về những gì có trong đầu anh. Tất cả dòng suy nghĩ, toan tính, nghĩ ngợi, theo anh gộp lại thành một mớ ren hỗn tạp mà tay sêu thiện nghệ cũng chưa tìm thấy lối ra. Anh nghĩ về nhiều điều, tới mức chỉ dùng tới từ 'nhiều' chứ không dám đếm.

Công việc của anh. Những thông báo về các chuyến đi gần xa, giấy tờ vận chuyển của vô vàn nguyên vật liệu cùng hàng loạt cung đường đông vắng đều đã tuyệt nhiên trở thành cái quen, cái thuộc trong Huy. Thậm chí, dường như thỉnh thoảng chính anh còn không nhớ được tuần trước mình đã lên xe đi đâu. Anh như nửa tỉnh nửa mê, tỉnh táo khi đang cầm lái nhưng mơ màng sau đó. Mỗi ngày trôi qua đều như ngày nào, và anh cũng không mong đợi có biến chuyển gì quá lớn nữa. Ranh giới giữa sự thành thạo và vô thức, trong tâm trí Huy, hình như đã bong tróc phần nào...

Những con người anh gặp hàng ngày cũng vậy. Tới hơn phân nửa những khuôn mặt lọt mắt, anh hầu như sẽ không gặp lại thêm lần nữa. Những nơi anh đi tới cũng không ngoại lệ. Từ Thái Bình cho tới Thanh Hóa, tải của anh không đến thắng cảnh để thỏa mãn con mắt dán đường, mà là các công xưởng, công trình xây dựng bụi bặm, đầy bê tông và kim loại.

Và rồi, anh nghĩ tới chính gia đình mình. Một vợ, một chồng và một căn chung cư tầm tám mươi mét vuông, cùng với một thai nhi được bảy, tám tháng. Mỗi lần anh tưởng tượng ra viễn cảnh ấy, anh lại thấy hai dòng tâm trạng đối nghịch.

Căn nhà vợ chồng anh sớm muộn cũng phải chuyển hộ khẩu, bởi ở Hà Nội, lại còn nhà cao tầng, cho thuê thì thử hỏi có thêm đứa con sẽ khó khăn ra sao... Dù nghèo, dù khó, anh và vợ chắc chắn sẽ kiếm từng đồng lương để hoàn thành mục tiêu đó. Chính Huy đã nhận ra khá sớm rằng, mình sắp đón đứa con chào đời với tâm trạng hân hoan như vạn ông bố khác. Bởi vậy, anh cố gắng; tay lái anh chắc hơn, anh bớt bận tâm tới chuyện nhỏ nhặt hơn, và đã bắt đầu học cách cư xử chuẩn mực hơn. Động lực ấy đi đôi với một người vợ ôn nhu, trở thành cội nguồn sự trở mình mà ngay Huy khi có cơ hội nhìn lại luôn khiến lòng anh gợn xúc cảm.

Thế nhưng, có mặt tích cực thì ắt sẽ tồn tại khái niệm ngược lại. Không cần phải đi học cao xa cũng nhận ra định luật muôn thuở đó. Vậy mà, ngay ở việc không có kiến thức cấp cao đẳng hay đại học, lúc trước đây ít làm anh bận tâm, giờ đây quay lại đối mặt với việc giáo dục con của Huy. Những điều ở đời, anh tự nhận đã thụ hưởng được một số không nhỏ, tuy nhiên trong thời đại này, học vấn được ưu tiên học trước, và anh thấy được vợ chồng anh sẽ gặp khó trong công cuộc định hướng con. Còn gì nữa nhỉ? Phải rồi, tất nhiên phải là tài chính rồi. Nghề tải và nghiệp nội trợ đâu có đủ để trang trải lâu dài cho con. Những chuyến đồng hành với các tuyến đường tính trắng ra chỉ đủ cho hai miệng người lớn. Anh không chấp nhận việc nhà có hai người đi làm, không nằm ở vấn đề khả năng của vợ anh, mà là anh tuyệt nhiên không đòi hỏi nửa kia của mình phải lao lực, tốn sức khỏe mà bỏ cửa trống nhà. Tiền thuê đã trả xong, giờ chờ tới tháng sau là đủ tiền mua căn hộ riêng rồi, thủ tục đã gần xong nên nói qua loa là vợ chồng Huy đã xoay được. Khổ nỗi, vấn đề của tương lai không chờ tương lai tới để nảy sinh. Điều đó ghim chặt trong đầu Huy, thỉnh thoảng lại đau đáu. Rồi anh cũng phải tạm biệt con đường, tạm biệt con tải, tạm biệt Thiện, tạm biệt bà đốc và cái phận trang trải trên nhựa đường qua mưa qua nắng. Anh nên cảm thấy phấn chấn, vì chuỗi ngày sắp đến sẽ không còn trôi qua vô biến, hoặc ít ra là anh thấy như thế. Trong thẳm sâu tâm khảm, biết được sự chia tay ấy ắt thành hiện thực, anh ngậm ngùi. Ngậm ngùi chứ. Tiếc nuối chứ. Nhớ chứ. Có thể sẽ là công nhân hoặc thậm chí gần gũi là tài xế tắc-xi, nhưng công ăn việc làm tới đây không mang lại những cảm giác ở đây, trên chiếc xe này. Nó làm anh nhớ lại hồi mới vào nghề, như Thiện hiện giờ... Cả đời anh đã luôn giãy giụa giữa biển trắc trở, và đây chỉ là một trong mấy trăm nỗi bộn bề đã, đang và sẽ được giải quyết. Buổi chiều hôm lại càng tỏ ra phù hợp cho cái suy nghĩ của anh được tuôn trào, nhưng cái cách anh cảm được thì chưa chắc là cái tốt...

Tạm thời ngơi nghỉ nghĩ giây lát, anh nấn ná lại chút ngậm ngùi khi nhìn ra cửa kính mặt trời đằng xa dần chạy sang nửa bên kia địa cầu. Nắng lúc này yếu dần, đôi lúc nhẹ rung cái chạm của mình lên ghế phụ lái. Từ đằng sau những quả đồi xa tít tắp, đến trên dãy nhà dân cư xứ quê, qua các mảnh nương rẫy xanh non, và rồi tới đôi chút tàn dư trên cánh tay anh bên cửa sổ. Tưởng như ở xa lắm, nhưng khi nhìn ra thì thật cận kề. Trong khoảnh khắc nắng lụi ngày lìa ấy, Huy nhận thấy, sao mà những tia nắng vội ra đi vậy, vội hơn lúc tới, vội bỏ cái gay gắt đã làm đen sạm làn da người lái xe. Cái vàng ruộm trước đó, sau khi hoàn thành xong công việc của nó, lại dần dà đuối sức, và thế mà biến mất hẳn.

5 giờ đúng. Xế chiều. Sắp sớm chiều tà. Yên ả đến mức đôi chút khó tin.

Anh muốn thở dài. Nhưng thật mệt. Đến nỗi anh không muốn nữa. Và đã thật lâu, anh để cho những bộn bề kia ru ngủ. Cái nắng chiều cũng sắp tắt...

---

5 giờ 47 phút chiều.

- Anh. Anh Huy. Dậy đi, tới nơi rồi.

Tiếng gọi nhỏ nhẹ và vài cái lay vai của Thiện đánh thức Huy ở ngay trước cổng công xưởng ở Bắc Ninh. Anh dụi dụi mắt, rồi mở rộng ra tưởng như giật mình, rằng mình đã thiếp đi từ lúc nào mà giờ đây đã tới nơi. Anh lại ngoảnh mặt sang nhìn Thiện, nó cười mỉm, tỏ vẻ hưng phấn lắm: - Đấy anh thấy chửa? Em lái được cả một chuyến này!

Mọi khi, Thiện cùng lắm được lái một nửa chuyến rồi đổi tay lái cho Huy. Hôm nay, thằng bé đã lái cả chuyến. Với một người đã chứng kiến Thiện học lái sát sao nhất, thì quả là anh thấy tự hào chứ. Chẳng nói chẳng rằng, anh cầm chắc lấy vai Thiện, rồi gật đầu tỏ ý chú mày làm tốt lắm...
Ít khi Thiện bắt gặp ánh mắt này.

Hình như, thằng bé nhận ra trong khóe mắt kia hơi ướt vị nước chát, dưới nắng xế chiều.