Xây dựng mục tiêu tuổi 30 và kế hoạch quản lý tài chính cá nhân
Nếu cứ sống thoải mái như hiện tại thì tương lai sẽ thế nào?
Bước đầu quản lý tài chính cá nhân, ai cũng sẽ có những mục tiêu cho riêng mình ứng với từng độ tuổi khác nhau. Song mục tiêu tài chính tuổi 30 có lẽ sẽ đặc biệt hơn vì đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Người ta cũng hay bảo rằng khoảng thời gian từ 20-30 là 10 năm vàng, nó sẽ quyết định bạn là ai sau đó. Điều này tạo ra không ít áp lực dành cho những người trẻ.
Để hiểu hơn về chủ đề này, RedBag đã có cuộc trò chuyện với anh Vũ Nhật Khánh - Quản lý vận hành của Công ty Cổ phần RIO Technology. Hãy xem khách mời hôm nay của chúng ta đã đặt ra những mục tiêu tài chính nào và thực hiện nó ra sao nhé.
Chào anh. Khi nhắc đến mục tiêu tài chính tuổi 30, 3 điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?
Có lẽ đây cũng là một áp lực của người Việt Nam nói chung, đó là nhà. Sẽ có nhiều người đặt mục tiêu mua xe, nhưng với anh, anh không quan trọng lắm về xe vì dù gì nó cũng chỉ là phương tiện. Chúng ta vẫn còn nhiều phương án di chuyển khác thay thế như Taxi hoặc Grab, nó sẽ kinh tế hơn việc đầu tư mua xe.
Điều thứ hai anh mong muốn đó là tự do tài chính sau tuổi 30. Tự do ở đây không phải mình muốn làm gì thì làm mà nó cho phép mình được quyền ra quyết định trong những tình huống cần thiết. Chẳng hạn như hiện tại do công việc của anh cũng khá bận rộn, nên nếu có việc gấp ở quê, anh sẽ không thể sắp xếp về ngay được. Do đó, mục tiêu của anh đến tuổi 30 là làm sao để mình có những quyết định tối ưu lợi ích của mình nhất.
Điều cuối cùng có lẽ là kế hoạch lập gia đình. Khi lập gia đình, mình không chỉ sống cho cuộc sống của mình nữa mà còn vì những người thân. Tuy rằng xã hội bây giờ vợ chồng đều có thể bình đẳng kiếm tiền và nhận được sự hỗ trợ từ gia đình hai bên. Nhưng từ phía bản thân anh, anh vẫn muốn tự mình cân và nuôi cả gia đình. Để nếu vợ anh muốn làm những việc liên quan đến sở thích thì cũng không quá áp lực về kinh tế gia đình.
Gia đình có phải là yếu tố ảnh hưởng đến những mục tiêu này của anh?
Nó chỉ xuất phát từ bản thân anh thôi. Rất may mắn là gia đình anh không có áp lực gì cả. Mẹ anh cũng có tư duy giống anh rằng nếu tốt nhất thì mình vẫn có thể nuôi được cả gia đình. Mẹ anh cũng có kế hoạch tài chính riêng để tính đến trường hợp nếu hai thằng con của mình bất tài thì mẹ vẫn có cái nhà dành riêng cho chúng nó. Đến bây giờ mẹ anh vẫn tư duy như vậy.
Dù vậy, khi đã đi làm anh cũng khá độc lập và chủ động. Chắc có lẽ vì vậy mà gia đình anh cũng không tác động gì nhiều, để anh tự do lựa chọn điều mình muốn.
Hiện nay có một thuật ngữ “Peer Pressure” được hiểu là áp lực đồng trang lứa. Anh có nghĩ rằng những mục tiêu của mình cũng một phần ảnh hưởng từ bạn bè hay tiêu chuẩn nào đó của xã hội không?
Chúng ta thường có thói quen nhìn vào bạn bè hay đồng nghiệp rồi tự so sánh họ với bản thân mình. Tại sao họ lại đạt được những thành tựu mình không có? Tại sao cuộc sống của họ hoàn hảo hơn của mình? Trái ngược lại anh chưa từng so sánh và gặp áp lực về những vấn đề này.
Anh có một người bạn thân, hiện đang là Co Founder của Minex vừa gọi vốn thành công. Anh theo dõi người bạn này từ khá lâu rồi dù tụi anh đã không còn nói chuyện nhiều như trước, nhưng không hề gặp Peer Pressure. Ai cũng có những vấn đề và thử thách riêng trong cuộc sống dù bề nổi của họ có hào nhoáng đến đâu. Chúng ta không là họ nên không thể biết được họ đã trải qua những gì để đạt được thành công.
Nhìn lại bản thân, anh vẫn đang đi trên con đường riêng của mình. Thế nhưng điều làm anh áp lực trong giai đoạn hiện nay có lẽ là Genz. Các em bây giờ có xuất phát điểm tốt hơn anh cả về kiến thức lẫn cơ hội. GenZ bây giờ rất giỏi nên anh có một áp lực là nếu mình không tiến nhanh hơn thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Khi không có áp lực từ gia đình và bạn bè, có bao giờ anh không giữ được kỷ luật để theo đuổi mục tiêu không? Và anh thường làm gì để ứng phó với những tình huống như vậy?
Anh nhận thấy tính kỷ luật của mình khá thấp. Mỗi lần đi sai kế hoạch như tiêu lố vào phần tiền đầu tư, anh thường xem nó là bài học cho mình. Anh sẽ phân tích rõ lý do và những tác động xung quanh. Sau vài lần như thế, anh hiểu được rằng phần nhiều thất bại đều do tính cách con người. Muốn sửa đổi thì mình phải thay đổi thói quen đầu tiên, nhưng nó cũng không phải việc ngày một ngày hai có thể làm được.
Do đó, anh thường đẩy mình vào những tình huống không còn sự lựa chọn nào khác. Chẳng hạn, anh chỉ giữ lại đúng 5 triệu để ăn uống mà thôi, đến lúc hết tiền rồi anh cũng không còn cách nào khác.
Thật ra hiện nay vẫn còn có các công cụ đòn bẩy khác tiêu biểu như thẻ tín dụng. Anh không cần đi vay nếu tiêu hết 5 triệu mà có thể dùng thẻ tín dụng để chi tiêu đỡ, tháng sau bù lại bởi nó miễn lãi 45 ngày.
Anh đã lên kế hoạch tài chính như thế nào cho những mục tiêu này?
Anh có bản kế hoạch tài chính cá nhân đầu tiên của mình vào năm 21 tuổi. Trong một lần được nhìn thấy bản kế hoạch cuộc đời từ một cuộc trò chuyện với sếp anh. Anh nhớ không lầm thì nó được thiết kế khá khoa học và chi tiết theo từng năm. Cũng nhờ vào kinh nghiệm làm việc tại nhiều công ty mà nay anh mới có tư duy tốt về việc lập kế hoạch tài chính cho mình.
Khi lập kế hoạch, một trong những điều quan trọng mình cần nắm rõ đó là các chỉ số về tài chính. Ngày trước anh hay lập kế hoạch theo kiểu hoa mỹ, văn chương và hơi hướng não phải. Càng về sau, trải qua nhiều lần thay đổi kế hoạch, anh đã lập được bản kế hoạch tài chính thuần số từ đầu đến cuối.
Trước tiên, anh sẽ dự tính xem khoản thu nhập, tiết kiệm và đầu tư của mình sẽ phân bổ như thế nào để đạt được mục tiêu tài chính tuổi 30. Khi đã có số tiền mục tiêu thì việc còn lại là phân chia số tiền cần đạt được theo từng năm. Anh sẽ phân chia theo năm trước rồi mới chia nhỏ hơn theo tháng.
Cứ liệt kê ra con số cụ thể cho từng khoản như chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Chi tiêu thì sẽ gồm có chi phí cố định, phát sinh hay những khoản chi tiêu chỉ một năm một lần như mua vé về Tết. Lúc đó, mình sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.
Anh có áp dụng nguyên tắc nào về quản lý tài chính cá nhân không?
Có. Anh thường dựa vào quy tắc 50-30-20. Ngày đó, anh sống hơi cảm tính, chưa biết cách quản lý tiền, chỉ biết nếu mình tiêu 50% thì các khoản còn lại vẫn bảo đảm đúng tỷ lệ 5/3/2 nên tặc lưỡi cho qua. Sau khoảng thời gian làm theo kiểu đó, anh chợt nhận ra nếu mình cứ tự thỏa hiệp như thế thì không ổn.
Từ đó, anh chọn tỷ lệ khác phù hợp hơn với mình dù vẫn đi theo nguyên tắc này. Sau khi phân bổ các khoản hợp lý, anh sẽ để tiền vào ngay từ đầu tháng. Anh có thể phân ra nhiều phần trong tài khoản và không đụng đến nó. Chỉ có cách đó chúng ta mới theo đúng được kế hoạch đã vạch ra ngay từ đầu. Ngoài quy tắc 50-30-20 cho quản lý tài chính, anh còn những nguyên tắc khác về đầu tư như tốc độ tăng trưởng đều sẽ tốt hơn rủi ro cao.
Thu nhập của anh hiện giờ đến từ những nguồn nào? Liệu mức thu nhập này có đủ giúp anh đạt được mục tiêu tự do tài chính sau tuổi 30 hay không?
Anh đang có hai loại thu nhập là thường xuyên và không thường xuyên. Khoản thu nhập thường xuyên sẽ bao gồm lương và phụ cấp hàng tháng. Ngoài ra, anh cũng có một nguồn thu nhập khá thường xuyên nữa đó là chứng khoán. Tuy không phải tháng nào cũng mua vào bán ra, nhưng nó vẫn tương đối đều đặn.
Bên cạnh đó, anh cũng có một vài dự án nhỏ bên ngoài hợp tác cùng bạn bè. Anh gọi đó là những khoản thu nhập không thường xuyên và vì vậy cũng rất khó để lên kế hoạch cho những khoản thu này. Vậy nên, anh nghĩ mình sẽ phải cố gắng nâng cao năng lực bản thân đặc biệt là khả năng quản lý thời gian để không bị tiền chi phối.
Tuy nhiên, để đạt được tự do tài chính sau tuổi 30, anh nghĩ mình vẫn cần điều chỉnh thêm về kế hoạch. Bản thân việc lập kế hoạch chỉ để mình nắm rõ hướng đi, chứ trong quá trình thực hiện, mình sẽ không chắc thực hiện đúng theo được 100%, sẽ có những khoản phát sinh khác như sửa xe hay đặt vé về quê gấp,... Những khoản đó đều nằm ngoài kế hoạch của mình.
Do đó, kế hoạch cũng như mức thu nhập sẽ thay đổi theo thời gian, nên cứ mỗi năm anh sẽ ngồi xuống đánh giá và cải thiện lại. Tuy nhiên mục tiêu chung của năm 30 tuổi vẫn sẽ giữ nguyên.
Để tối ưu được thu nhập của mình, nhiều người thường nghĩ đến việc đầu tư từ sớm. Anh có như vậy không?
Anh chỉ mới bắt đầu đầu tư chứng khoán từ đầu tháng 5/2021 thôi, nó cũng không sớm lắm. Nhưng anh có một chút nuối tiếc rằng tại sao mình lại không đầu tư sớm hơn. Dù thế, anh vẫn không tự trách bản thân mình quá nhiều, bởi với số vốn năm 21 tuổi chắc chắn cũng không đủ đầu tư được bao nhiêu. Tuy nhiên, khi mình đầu tư vào thời điểm mình tích lũy được nhiều hơn thì cũng không sao.
Anh có thể chia sẻ thêm cách anh tìm hiểu về chứng khoán được không?
Nếu mình có một người bạn rất giỏi về chứng khoán và mình yêu cầu là: “Mày ơi bây giờ tao muốn đầu tư vào chứng khoán nhưng chưa biết gì về nó cả. Mày giúp tao giỏi như mày đi.” Lúc đó dù rất sẵn sàng nhưng người ta cũng không biết giúp mình như thế nào. Do đó, mình phải có sự tìm hiểu nhất định, phải có được cái nhìn tổng quan về chứng khoán. Rồi mới biết mình cần nên hỏi điều gì? Sau đó, mình có thể tham khảo thêm ý kiến từ bạn bè, tham gia vào các diễn đàn đầu tư để hiểu hơn.
Theo anh đánh giá mình đã thực hiện được bao nhiêu % kế hoạch rồi?
Xét theo lộ trình kế hoạch đã đặt ra trong năm nay, anh đã đạt đúng theo tiến độ. Anh nhận thấy kế hoạch của mình khá cứng nhắc, có thế nào thì phải theo thế đó. Trong trường hợp xảy ra các tình huống ngoài dự tính, đó sẽ là gánh nặng rất lớn cho năm sau. Do đó, để phòng những biến động ngoài dự kiến như Covid chẳng hạn, lúc nào anh cũng ở trong tâm thế muốn đạt được hơn 100% những mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù đánh giá là đã hoàn thành đúng tiến độ, nhưng anh vẫn chưa cảm thấy hài lòng lắm. Anh vẫn muốn thêm nữa.
Trên con đường đi đến mục tiêu tài chính tuổi 30, anh đã gặp phải những khó khăn nào và làm thế nào để anh vượt qua nó?
Anh nghĩ đa số khó khăn chỉ là mình tự tạo áp lực cho mình mà thôi. Mục tiêu tuổi 30 của anh không bị áp lực bởi gia đình và xã hội mà là do anh tự đặt ra. Anh nghĩ điều này sẽ tốt hơn cho mình. Thỉnh thoảng cũng có vài khủng hoảng như khi nghe tin giá vàng giá hay bất động sản tăng. Những yếu tố như vậy thường sẽ làm thay đổi các con số mục tiêu của anh, nhưng mà gọi là khủng hoảng cũng chỉ là một cách gọi cho vui thôi.
Như đã chia sẻ anh có đề cập đến việc nâng cao năng lực bản thân nhất là về khả năng quản lý thời gian. Anh quản lý thời gian của mình như thế nào?
Mọi người khi cố gắng gia tăng thu nhập thường sẽ có hai lựa chọn đó là đầu tư theo chiều sâu hoặc chiều rộng. Chiều sâu nghĩa là nâng cao trình độ về mặt chuyên môn. Chuyên môn cao sẽ giúp mình nâng cao hiệu quả công việc và tăng thu nhập. Còn chiều rộng nghĩa là đa dạng hóa thêm nguồn thu nhập.
Tuy nhiên, có những lúc mình sẽ bị tiền chi phối thời gian, ôm đồm làm nhiều việc nhưng không nhận lại đúng số tiền tương xứng với sức lao động của mình.
Anh không biết nhiều kỹ năng về quản lý thời gian, nhưng anh biết được về ma trận Eisenhower đã cho anh cách nhìn nhận khác về mức độ ưu tiên công việc. Còn lại anh học được cách quản lý thời gian từ những sai lầm của mình. Có thời điểm anh cực kỳ bận, chỉ làm việc, làm xong thì nhận ra mình đã hết thời gian và không còn làm được việc gì nữa. Lúc này, anh quy đổi lợi ích mình nhận được theo thời gian làm việc. Ví dụ mình dành ra khoảng 100 giờ để thực hiện một dự án. Vậy mình cần biết dự án đó sẽ mang đến những lợi ích tương xứng nào cho mình?
Anh nghĩ các bạn trẻ hiện nay không thiếu những cơ hội, nhưng cơ hội nào chất lượng đó mới là quan trọng. Khi anh đã có một tiêu chuẩn nhất định số tiền kiếm được trên một giờ? Nó sẽ giúp anh quyết định anh có nên làm thêm việc này hay không. Làm thêm những việc dưới chuẩn của mình thì sẽ gây mệt mỏi bởi mình không được đền đáp xứng đáng với kỳ vọng của mình.
Chỉ xuất phát từ kỳ vọng của bản thân thôi mà cũng không thỏa mãn được thì sẽ tạo thêm áp lực cho mình. Do đó, cách anh quản lý thời gian của mình sẽ là phân chia mức độ ưu tiên cho công việc, thời gian còn lại sẽ dành cho bản thân hoặc tìm kiếm những cơ hội mới.
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang mong muốn hướng tới “Work-Life Balance”, nghĩa là cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Anh nhận thấy mình có đang thực hiện được điều này hay không?
Khách quan mà nói nếu người khác nhìn vào anh sẽ thấy anh là một người không “balance” (cân bằng). Anh đã từ bỏ rất nhiều thú vui và sở thích của mình, nhưng không có nghĩa là anh đang phải chịu đựng một điều gì đó. Anh vẫn nhớ rất rõ vào buổi tối hôm đó khi anh đang cố gắng hoàn tất công việc, anh bỏ bữa và hậu quả là bị đau dạ dày. Từ bé đến giờ anh chưa bị đau dạ dày bao giờ.
Anh nhận ra mình đang sống buông thả và không biết chăm sóc bản thân. Anh thoát khỏi trạng thái đó và chủ động cân bằng lại cuộc sống của mình. Anh cố gắng giảm bớt công việc lại và tối ưu thời gian hơn. Được một thời gian anh lại tự hỏi: Nếu cứ sống thoải mái như hiện tại thì tương lai sẽ thế nào?
Sau đó, anh quyết định bỏ bớt thời gian dành cho chính mình. Thế nhưng, lần này cũng như bình thường mới vậy, anh có sự chủ động thích nghi hơn trước. Lúc trước, Work-Life Balance có thể là 12 tiếng cho công việc và 12 tiếng cho cuộc sống. Nhưng bây giờ không cần đến 12 tiếng nữa mà chỉ cần 8 tiếng nghỉ ngơi, 16 tiếng để làm việc. Khi quyết định sắp xếp thời gian như vậy thì thật vui vì anh cảm thấy mình làm nhiều hơn nhưng vẫn không bị mất cân bằng.
Điều quan trọng là nên biết rõ mình đang làm gì và làm đến bao giờ? Chắc chắn anh không thể làm như thế này mãi, nhưng anh sẽ cố gắng tích lũy đủ để sau này có một cuộc sống chất lượng. Lúc ấy, quay trở lại đền bù cho bản thân sau cũng không muộn.
Sau cùng, anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang trên đường xây dựng và thực hiện mục tiêu tài chính tuổi 30 giống như mình không?
Ngày trước, anh thường có suy nghĩ rằng số tiền mình kiếm được không đáng là bao, mình chỉ cần không tiêu xài hoang phí là được. Mình cũng không nhất thiết phải quản lý tài chính cá nhân hay đầu tư từ sớm. Nhưng theo anh đó là một sai lầm. Các bạn trẻ nên có sự tìm hiểu về tài chính cá nhân và bắt đầu thử nghiệm càng sớm càng tốt.
Giả sử, nếu đầu tư 1 triệu đồng thì cuối năm các bạn cũng kiếm thêm được 150.000 đồng. Tuy nó không bằng một bữa đi ăn lẩu, nhưng nếu duy trì việc đó thì mình sẽ có thêm một năm kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính. Đồng thời, nâng cao tính kỷ luật cho bản thân. Đấy là những cái mình nhận được và đó cũng là lời khuyên anh dành cho các bạn trẻ hiện nay.
Cảm ơn anh về những chia sẻ vô cùng bổ ích và thú vị về chủ đề mục tiêu tài chính tuổi 30 ngày hôm nay. Chúc anh sẽ sớm đạt được mục tiêu tài chính mà mình đã đề ra và luôn hạnh phúc.
Nguồn:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất