Xàm về Super league
Khi cả thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch và những người hâm mộ bộ môn túc cầu vẫn chưa được trực tiếp vào sân để xem đội bóng...
Khi cả thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch và những người hâm mộ bộ môn túc cầu vẫn chưa được trực tiếp vào sân để xem đội bóng con cưng thi đấu thì các đội bóng lớn đã đưa ra một quyết định khiến những người quan tâm xôn xao bàn tán. Hẳn hai từ “Super League” sẽ không có gì xa lạ nếu bạn là fan của quả bóng tròn. Super League là một giải đấu cấp câu lạc bộ được tổ chức hàng năm gồm hai mươi câu lạc bộ tham gia. Trong đó, sẽ có mười lăm đội bóng sáng lập tham gia thường xuyên và năm đội bóng được bổ sung dựa trên thành tích thi đấu trong mùa trước của họ. Thực chất, giải đấu này được lên kế hoạch để cạnh tranh hoặc thay thế Champions League, cũng là một giải đấu bóng đá cấp câu lạc bộ châu Âu nhưng do UEFA tổ chức.
Vậy có gì đáng để bàn luận liên quan đến sự kiện này, khi mà hiện tại một số câu lạc bộ sáng lập đã đưa ra quyết định cuối cùng là không tiếp tục tham gia. Từ góc nhìn của một người không mấy am hiểu về bóng đá, chỉ xem bóng khi thấy thích hay còn gọi là fan phong trào, mình chỉ thấy câu chuyện này xoay quanh chữ “ích kỷ”.
Cái cớ mà Florentino Perez (người sẽ là Chủ tịch của European Super League) đưa ra để thành lập Super league là ‘Super League ra đời để cứu bóng đá’. Ông khẳng định với giới báo chí rằng “Chúng tôi tạo ra Super League để cứu bóng đá. Nếu vô địch Champions League, bạn sẽ nhận được 120-130 triệu euro từ UEFA. Nhưng với Super League, chúng tôi sẽ kiếm được nhiều hơn thế. Ngay cả ở Premier League, nếu các CLB hàng đầu mạnh hơn về kinh tế thì những đội khác cũng sẽ trở nên mạnh hơn. Đó là một hệ quả”.
Với phát biểu này, chúng ta có thể hiểu rằng, việc tham gia vào giải đấu Super league sẽ giúp các đội bóng có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với việc chỉ tham dự Champions League. Từ việc kiếm được nhiều tiền hơn, các đội bóng tham gia giải sẽ trở nên mạnh hơn, như một hệ quả. Hiểu nôm na, mười lăm đội sáng lập, với tấm vé tham dự giải chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để kiếm tiền và phát triển hơn, đương nhiên điều này đúng với cả Real, câu lạc bộ mà Perez đang làm chủ tịch. Với năm đội tham dự giải còn lại, họ có thể sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình đá cúp quốc nội để giành được tấm vé tham gia Super league. Và sau đó thì họ sẽ gặp khó khăn hơn trong giải đấu vì các vấn đề liên quan đến sức khỏe các cầu thủ dẫn đến khả năng cao không đạt được thành tích tốt. Trên thực tế, mười lăm đội chắc suất dự Super league sẽ dồn sức để kiếm tiền tại giải đấu này và sẽ buông các giải quốc nội (ví như các đội bóng lớn thường dùng đội hình hai đá mấy cúp vớ vẩn để tập trung lực lượng cho Champion league). Dường như sự tham gia của năm đội bóng bổ sung chỉ để cho “đủ tụ”, để người ta khỏi nói đây là cuộc chơi nội bộ của mười lăm ông lớn trong làng túc cầu châu Âu. Suy rộng ra, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo xem cái lý do cao cả cho sự ra đời của Super league rằng “Super League ra đời để cứu bóng đá” hay nó chỉ ra đời để cứu (hay làm giàu?) một số câu lạc bộ (hay một số người?) nhất định.
Chưa kể, nếu Super league ra đời thật sự, viễn cảnh sẽ như thế nào nếu một vài năm sau, cũng có một số câu lạc bộ cảm thấy không hài lòng với Super league và rồi cũng đòi tách ra mở giải riêng? Mọi thứ sẽ vỡ vụng cả ra. Để hàn gắn lại mọi thứ, có lẽ họ sẽ lại chọn cách làm như cái cách mà các giải đấu hiện giờ vẫn đang được tổ chức vậy.
Xét đến Champion league hiện tại, để tham dự giải, các đội phải đạt được thành tích nhất định tại giải quốc nội (trước đây họ phải vô địch, nhưng để mở rộng giải, thu được nhiều lợi ích hơn, gần đây họ phải gia tăng số đội tham gia. Và vì thế, tùy vào mỗi giải khác nhau mà số lượng đội sẽ dao động – có lẽ từ 1-5 đội). Chính vì lý do này mà các đội phải cố gắng lọt vào top của bảng xếp hạng giải quốc nội, dẫn đến mở rộng khả năng phát triển cho cả giải quốc nội chứ không phải chỉ Champion league. Có lẽ đây là phương án tốt nhất mà giới quản lý bóng đá đã tìm ra để vừa thu hút người xem, vừa phát triển nền thể thao bóng đá. Tuy nhiên, nếu mọi thứ đều ổn thì chả việc gì các câu lạc bộ lớn lại đòi tách ra tổ chức giải riêng. Có lẽ, các câu lạc bộ hàng đầu (những người thường xuyên – chứ không phải luôn luôn) là những người đóng góp vào sự hấp dẫn của giải đấu hàng đầu thế giới Champion league nhưng họ nhận thấy lợi ích kinh tế thu được là thấp hơn kỳ vọng (có lẽ vì UEFA đã giữ lại phần mình quá nhiều) nên mới phản ứng tiêu cực như vậy.
Như vậy, sự tình phát sinh và diễn biến đến mức này chính do sự ích kỷ của các bên, một bên mong muốn nhận nhiều hơn và chắc chắn cho cái sự nhận nhiều của mình, một bên thì lại muốn giữ khư khư miếng mồi ngon nhưng lại không muốn sang sẻ thêm cho người đóng góp. Để giải quyết, phương án tốt nhất có lẽ là sự chia sẻ đồng đều và nỗ lực cân bằng sự ích kỷ của các bên.
Trên thực tế, dù Super league có thất bại, đây cũng chính là lời nhắc nhở cho UEFA vậy.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất