[Cảnh báo có spoiler sương sương]
[Wall of text]
[Review sách] - The Witcher - Cái gì đó đang kết thúc, cái gì đó đang bắt đầu.
Tác giả: Andrzej Sapkowski 
Tag: fantasy
Gồm 3 tập tiền truyện là:
The last wish
Sword of Destiny
Season of Storms
Và 5 tập mạch truyện chính:
Blood of Elf
Time of Contempt
Baptism of Fire
The Tower of the Swallow
Lady of the Lake
Vì tôi chưa đọc được Season of Storms và vì nó cũng không liên quan lắm đến cốt truyện chính nên tôi sẽ chỉ viết về 7 cuốn kia thôi nhé.
Nếu bạn muốn đọc, bạn có thể đọc theo thứ tự như trên, bản dịch eng và việt đều đã có (do tác giả là người Ba Lan), chỉ cần một vài từ khoá tìm kiếm đơn giản là bạn có thể đọc dễ dàng và .... free, vì bộ này chưa được xuất bản ở Việt Nam nên....
Hai tập đầu tiên The last wish, Sword of Destiny là tiền truyện và mục đích là giới thiệu nhân vật và thế giới giả tưởng của The Witcher nên nó rất dễ đọc. Từng chương một của 2 tập trên là những câu truyện ngắn tách biệt với nhau, kể về cuộc sống và nghề nghiệp của Geralt - một Witcher - thợ săn quái vật - một chuyên gia về quái vật và cách tiêu diệt bọn chúng. Những quái vật này là những thành phần đại diện cho Hỗn Mang còn sót lại sau sự hội tụ của các tinh cầu, đối lập với Trật Tự - là những gì các giống loài thông minh lập nên để cân bằng thế giới. Và đương nhiên, vì Witcher là một nghề, nên bạn muốn tiêu diệt một con ma cà rồng đêm đêm đi hút máu ở làng bạn, một con striga đi ăn nội tạng, một con kikimora tung hoành khắp đầm lầy....thì bạn phải thuê một Witcher với một giá cả phải chăng. Vì thế Witcher không phải là một anh hùng cao cả đi diệt quái vật cứu người mà họ đơn giản chỉ là một người đột biến, và họ được huấn luyện làm công việc này để kiếm tiền và sinh tồn. Và vì những chương truyện trong hai tập này tách biệt với nhau nên dòng thời gian nó cũng vậy, rất lộn xộn, và nó còn lộn xộn hơn nữa trong mạch truyện chính, nhưng điều thú vị là những chương truyện này có âm hưởng của những câu truyện cổ tích kinh điển như Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn, Nàng tiên cá, Thần đèn, Người đẹp và quái vật..... chỉ là nó có hơi phũ phàng và đen tối theo bối cảnh thời trung cổ của truyện, một phiên bản truyện cổ tích khác mà không nên kể cho trẻ em trước giờ đi ngủ. Đó là bởi vì không phải thợ săn tha cho bạch tuyết mà là hắn đã....hiếp cô và rồi bị cô cắt cổ trong lúc ngủ; Quái vật ở đây thực ra là một gã nhà giàu nhờ cướp bóc, bị dính lời nguyền vì đi hiếp một phù thuỷ, còn người đẹp lại là một con bruxa....những sự liên hệ này là nền để giới thiệu tính cách và công việc của Geralt một cách không thể hợp lý và lôi cuốn hơn. Nhưng ngoài việc giới thiệu dàn nhân vật chính và thế giới giả tường gồm quái vật và những chủng tộc khác như người, dwarf, elf, hobbit, dryad...thì nó cũng dần dần lập nên vấn đề cho cốt truyện chính, đó là thời đại đang dần thay đổi. Thời đại của kinh miệt và hỗn loạn sắp sửa đặt mầm mống với sự bành trướng của con người, khi mà giờ đây quái vật không còn là đại diện của Hỗn Mang, mà là con người với những thất tình lục dục. Witcher tiêu diệt quái vật nhưng đâu mới là quái vật, là cái ác thật sự trong thế giới mà Hỗn Mang sắp sửa ngự trị này, trong thế giới mà cái gì đó đang dần kết thúc.

Đọc thêm:

Henry Cavill trong vai Geralt
Tôi đánh giá cao cách dẫn truyện, mở và đặt vấn đề trong 2 cuốn tiền truyện này, có những chương đọc rất cuốn và hay nữa, như chương truyện về người thương nhân halfling (hobbit), chương Thần đèn với sự xuất hiện của Yennefer....truyện không chỉ toát lên chất fantasy mà còn thể hiện rõ nội tâm, tích cách đặc trưng của nhân vật (để so sánh với sự phát triển tâm lý sau này), và còn phản ánh rõ sự xung đột giống loài và những mâu thuẫn đang tiềm ẩn nữa. Có những chương vấn đề không hẳn là được giải quyết, mà nó bỏ ngỏ ở đấy, một cái kết mở để ta tưởng tượng, suy ngẫm về những bản tính tốt đẹp đang dần mai một và kém quan trọng so với sự đấu tranh sinh tồn của loài người. Trật tự và Hỗn mang, tất cả ...
Anya Chalotra trong vai Yennefer.
Tiếp đến là 5 cuốn với cốt truyện chính đi từ Blood of Elf đến Lady of the Lake. Tôi sẽ không đào sâu vào cốt truyện mà chỉ nói về cách dẫn truyện và điều khiến The Witcher đặc biệt đến khác biệt như thế nào. Một phần vì cũng không muốn spoil nhiều và để các bạn tự đọc và khám phá cốt truyện và cả cái kết. 

Freya Allan trong vai Ciri

Đọc thêm:

Có lẽ đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật kể truyện của tác giả khi làm timeline của truyện lộn xộn, như cách tác giả đã dẫn truyện cho 2 cuốn đầu. Nhưng với 2 cuốn tiền truyện thì bạn sẽ chẳng cần phải nhớ vì nó biệt lập, nhưng khi vào cốt truyện chính thì nó lại là cả một vấn đề. Điểm tích cực là như vậy người đọc không thể dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, làm tăng sự hồi hộp và bất ngờ khi có một cú twist đột ngột. Nhưng nó cũng có một nhược điểm là khiến người đọc phải ghi nhớ để không quên mất mạch truyện và tự hỏi mình đang đọc cái gì . Hiệu ứng cánh bướm được sử dụng rất nhiều ở trong truyện hay nói đúng ra nó như là một chủ đề xuyên xuốt. Định mệnh, nhân quả. Có chi tiết về con rắn Ouroboros tự cắn đuôi mình biểu tượng cho vòng tuần hoàn, vòng luân hồi, là Duy nhất, là sự bắt đầu, và cũng là sự kết thúc. Sự xuất hiện của nó có thể coi như để chấm dứt một chu kì khép kín và mở ra một chu kì mới. Và những chi tiết này giường như là xương sống của tác phẩm để từ đó phát triển những nhân vật chính và mối quan hệ của họ xoay quanh điều này. "Cái thứ gì đó đang kết thúc, cái thứ gì đó đang bắt đầu".
The Witcher với bối cảnh ở thế kỉ 12-13, ngoài màu sắc fantasy thì còn phải kể đến chiến tranh, chính trị, làm mở rộng phạm vi của truyện. Và để bao quát hết được những điều đó, ngoài ngôi kể chuyện lấy từ góc nhìn của những nhân vật chính như  Geralt, Yennefer, Ciri thì còn phải nói đến dàn nhân vật phụ vô cùng lớn. Từ một vị vua cho đến một kẻ gián điệp, một binh lính cầm cờ, một học giả, một kẻ ở ẩn sâu trong đầm lầy, từ cả địch cho đến ta...., mỗi người đưa ra một góc nhìn làm phong phú và bao quát tất cả những sự kiện đang xảy ra trong thế giới giả tưởng này. Mỗi nhân vật này là một cái tên, sẽ có nhiều cái tên được gọi lên, mỗi cái tên lại mang một nút buộc mà chỉ có thể được mở ra khi đọc đến cuối cùng và kết nối với những nút buộc khác, tạo thành một mạng lưới cốt truyện, nhân vật đồ sộ. Và mỗi một cái tên là một cuộc đời, một không gian thời gian, một con người mà bằng cách nào đó góp phần vào vòng xoay vạn hành của thế giới, thứ mà người ta gọi mơ hồ là định mệnh. Không một ai là thừa thãi, họ đều có vai trò ít nhiều quan trọng và tất cả đều liên hệ với nhau bằng một sợi dây số mệnh, mặc dù cái kết của họ có thoả mãn người đọc hay không, thì đó cũng sẽ là một nút buộc được mở để có thể mở những nút buộc tiếp theo. Có thể bạn sẽ đọc đoạn đầu và tự hỏi cái tên này là gì, có liên quan gì đến nhân vật chính? Tất cả chỉ được giải ở cuối cùng mặc một sự thốt lên ngỡ ngàng "thì ra là vậy". Và đó cũng chính là điểm khác biệt của The Witcher, khi lồng ghép hiện tại và cả dự báo tương lai của từng nhân vật phụ, ngắn gọn trong một phân chương truyện nhỏ, cả mở đầu và cái kết, bất ngờ, tiếc nuối, bí ẩn, phuc phàng...đó sẽ là những gì bạn đọc và cảm nhận được. Khi chỉ có mình bạn biết được điều gì tàn khốc sẽ xảy ra với những nhân vật hiền lành vô tư kia. Đó là điều khác biệt của The Witcher - nhưng gì sẽ xảy ra đều xảy ra từ trước.
The Witcher có lối kể truyện tạm ổn, nhưng vì nó đi từ quá nhiều cái tên phụ rồi mới dẫn đến nhân vật chính, motip câu truyện được dẫn dắt bởi sự thuật lại của các nhân vật chính điển hình là Ciri khá phổ biến nên tạo cảm giác lan man, và dễ nản khi đọc. Chưa kể cái kết của một số nhân vật chưa được xây dựng thực sự tốt đối với tôi, như Cahir, ma cà rồng Regis, Tissasia... thậm chí là cái kết của 2 trong 3 nhân vật chính là YenneferGeralt...nó khá hụt hẫng và...chưa thoả mãn lắm. Dù biết rằng ai cũng có một số mệnh, là một bánh răng nho trong vòng quay của vũ trụ, khi một chu kì kết thúc, con rắn Ouroboros tự cắn đuôi mình, thì đó cũng sẽ là cái kết cho họ, dù biết vậy nhưng nó vẫn chưa thực sự thoả mãn tôi.
Điều tôi thích nhất là cách tác giả xây dựng những mối quan hệ mà điển hình  câu truyện tình yêu của YenneferGeralt, họ có yêu thương, cãi vã, ghen tuông, ngốc nghếch, nhớ nhung và mọi thứ bậc cảm xúc mang tên tình yêu của hai người đầy những khác biệt, nó thật sự rất đẹp, rất đáng ngưỡng mộ.
Nói chung The Witcher vẫn là một bộ fantasy được, có đủ loại quái vật và những luận điệu triết lý nhân học như bác học đến từ những kẻ không ngờ tới hay những kẻ chẳng_phải_là_người. Một con ma cà rồng xem máu người là vodka, một bác sĩ, một thương nhân, một nông dân là halfling, một hội người lùn với ngôn từ chửi tục phong phú, những gã elf ngẩng cao đầu và chết vì sự đạo mạo; những mâu thuẫn cổ điển kinh miệt tưởng chẳng thể dung hoà, nhưng cách giải quyết lại đơn giản đến từ một lần hạ cái tôi đưa bàn tay của những kẻ khốn khổ... The Witcher đầy đủ hết và nó vẫn là một bộ fantasy đáng đọc cho những ai mê thể loại này. 
Tôi sẽ rate bộ này 7/10.
Đọc thêm: