What Remains of Edith Finch là một tựa game với cái tên rất dài, nhưng thời lượng chơi lại rất ngắn. Dù vậy, đây lại là một trong số ít những tựa game có thể gần đạt được đến ngưỡng nghệ thuật thuần túy. Câu chuyện của game không thực sự phức tạp, khó hiểu hay nhiều ngã rẽ. Nó rất đơn giản, nhưng lại được truyền tải theo nhiều cách khác nhau và vô cùng xuất sắc. Và với bản thân tôi, What Remains of Edith Finch sẽ luôn nằm trong top những game xuất sắc nhất mà tôi từng chơi.


DẪN NHẬP


Trong phần lớn các cộng đồng người hâm mộ của các loại hình giải trí như phim ảnh, sách truyện hay videogames, việc thảo luận các tình tiết quan trọng trong cốt truyện – điều mà chúng ta thường gọi là “spoilers” – mà không có cảnh báo, thì hầu như luôn bị chỉ trích. Thuật ngữ “spoilers” và những quy tắc bất thành văn xung quanh nó đã tạo nên một ý niệm rằng: spoilers đã và sẽ luôn luôn hủy hoại tác phẩm, và rằng nếu như cái kết của câu chuyện bị lộ ra trước khi nó kết thúc, thì câu chuyện gần như không còn nguyên giá trị nữa. Ý niệm này được tạo thành bởi suy nghĩ: nếu chúng ta đã biết được kết cục trước khi câu chuyện đạt được đến điểm cuối của nó, thì sự bất ngờ sẽ không còn, và hiển nhiên là cảm giác phấn khích sẽ biến mất. Do vậy, những người “spoilers” thường bị gắn mác là kẻ phá hoại trải nghiệm tác phẩm, và khiến những người khác không thể có được đánh giá về tác phẩm trong trạng thái nguyên vẹn nhất có thể.
Lối tư duy này thực chất có thể nói là khá quan trọng hóa vấn đề khi nó quá tập trung vào yếu tố bất ngờ, khó đoán định của câu chuyện và cho rằng giá trị của tác phẩm nằm ở đó mà hầu như bỏ qua không xét đến việc bản thân câu chuyện được diễn giải ra sao để đến được cái kết. Phải chăng chúng ta đang quá coi trọng chỉ đến đoạn kết mà thường cho rằng tự bản thân câu chuyện không quá quan trọng? Phải chăng chúng ta đang chỉ quan tâm đến một số điểm nhất định trong cốt truyện - những điểm được cho là đóng vai trò then chốt nên không thể và không được “spoil” - mà bỏ qua những giá trị khác của tác phẩm? Tính thẩm mỹ trong câu chuyện, lời thoại, xây dựng - phát triển nhân vật, và các yếu tố nhỏ hơn nữa, chẳng phải cũng quan trọng không kém trong việc tạo nên một tác phẩm xuất sắc hay sao? “Spoiler” có thực sự phá hỏng hoàn toàn tác phẩm, hay tự bản thân chúng ta đã quá tin vào tư duy ấy, dẫn đến việc tự cho rằng việc “spoiler” đã hủy hoại hoàn toàn trải nghiệm của bản thân?
Vậy nếu một tác phẩm tự bản thân nó đã cho chúng ta biết đoạn kết mà không cần phải đi đến cuối câu chuyện thì sao? Một tác phẩm “tự spoil” chính mình, thì phải chăng giá trị trải nghiệm của nó thấp hơn các tác phẩm khác? 
Đôi lúc, chính những câu chuyện mà chúng ta biết rõ kết cục lại có thể cho chúng ta biết cách để đối mặt với những điều bất biến trong cuộc sống. Và với cuộc đời của mỗi con người, thì điều bất biến ấy chính là cái chết, không gì khác. Con người không bất tử, không thể sống mãi. Ai rồi cũng sẽ phải chết, và khi ta tạo ra một tác phẩm nói về cuộc đời, thì kết cục sẽ luôn là cái chết. Nhưng biết trước rằng nhân vật đến cuối cùng sẽ chết, có phá hỏng tác phẩm hay chăng? Rõ là không, bởi vì với những tác phẩm như vậy, trọng tâm của nó không phải là cái chết, tức không phải kết cục, mà là “chết như thế nào”, hay tổng quát hơn, hành trình đi đến kết thúc đó như thế nào.
What Remains of Edith Finch là một tựa game như vậy. Một tựa game nói về cái chết, và tất cả nhân vật xuất hiện trong này đều đã và sẽ chết, không có gì phải giấu giếm, và không cần phải giấu giếm. What Remains of Edith Finch là một lăng kính, từ cái chết, nó phản chiếu lại cuộc sống của các nhân vật trong câu chuyện đầy bi kịch và đậm chất thơ của nhà Finch. Và What Remains of Edith Finch chính là một trong những tựa game xuất sắc nhất trong nhiều năm qua.
Tất cả chúng ta đều biết kết thúc của What Remains of Edith Finch.
Nhưng tất cả chúng ta đều sẽ không thể ngờ được rằng, câu chuyện của nó có thể đem đến những cảm xúc đáng nhớ ra sao.


"CÁI CHẾT" TRONG VIDEO GAMES


Trước khi nói về cái chết trong What Remains of Edith Finch, hãy nói về “cái chết” trong video games trước, để hiểu được sự khác biệt của What Remains of Edith Finch trong việc khai thác hình ảnh cái chết như thế nào. “Chết” trong video games thực chất là một khái niệm, một cơ chế quen thuộc và tồn tại trong hầu hết các tựa game trên thị trường. Và cũng trong hầu hết trường hợp, “chết” trong game đồng nghĩa với việc thất bại và bị tạm thời loại bỏ khỏi game. “Chết” trong game không giống như chết ở ngoài đời thực, hẳn nhiên rồi. “Chết” trong game chỉ là một trạng thái tạm thời, và nhu cầu của người chơi đòi hỏi nhân vật trong game làm sao có thể thoát khỏi trạng thái “chết” này nhanh chóng nhất có thể để quay lại chơi tiếp. Và chết ở ngoài đời, thì như chúng ta đã quá hiểu, là điểm kết, là sự vĩnh cửu, là chấm dứt hoàn toàn.
Cũng có một số game tồn tại cơ chế “permadeath” - “chết hẳn”. Cơ chế này khiến chúng ta phải quay lại từ đầu mỗi khi nhân vật chết và sẽ mất toàn bộ item cũng như kỹ năng đã có được (ví dụ như Dead Cells, The Binding of Isaac, Hades và nhiều game có yếu tố roguelike khác). Nhưng suy cho cùng, những cái “chết hẳn” này cũng không hẳn là chết, vì dẫu sao nhân vật vẫn hồi sinh, có phải? Bản chất của game có yếu tố Roguelike là như vậy, và cho dù có phải bắt đầu lại từ đầu, có mất hết mọi thứ từ lần chơi trước, thì nhân vật vẫn có thể hồi sinh, và có cơ hội thu thập lại các item/kỹ năng đã mất đó. Sẽ chẳng thể gọi là mất hoàn toàn nếu có cơ hội lấy lại chúng. Và như thế, những cái “chết hẳn” của Roguelike, cũng không truyền tải được thứ quan trọng nhất khi ta nói về cái chết: đó là sự mất mát. Chết, nghĩa là chúng ta phải chấp nhận rằng một con người đã ra đi, đã mất đi vĩnh viễn, không còn tồn tại trên cõi đời, không thể quay lại nữa. Còn nếu không như vậy, thì đó không phải là cái chết.


Đọc thêm:

Tuy vậy, vẫn có một số ít game đã thực sự truyền tải được cảm giác mất mát đó đến với người chơi. Đó là những cái tên tương đối quen thuộc như XCOM hay This War of Mine. Điểm khác biệt của những game như vậy là nó không cho bạn trực tiếp vào vai một nhân vật, mà bạn sẽ đóng vai một “thế lực” khác và điều khiển các nhân vật trong game. Với XCOM, bạn đóng vai vị chỉ huy của lực lượng và trách nhiệm của bạn là điều binh khiển tướng, cử lính của mình đi làm nhiệm vụ. Còn như trong This War of Mine, bạn điều khiển một nhóm người cố tìm cách sống sót trong thành phố đổ nát và rền rĩ tiếng bom đạn trong cuộc nội chiến cuối thế kỷ 20. Mỗi một thành viên trong đội/nhóm của bạn sẽ sở hữu một vài kỹ năng đặc biệt nhất định, và một khi họ mất đi thì sẽ không cách nào quay trở lại được. Điều này tạo được một cảm giác mất mát thực sự nếu một thành viên chẳng may hy sinh khi làm nhiệm vụ, đặc biệt với This War of Mine. Nếu như trong XCOM với bối cảnh là một lực lượng quân sự thì việc hy sinh là điều không thể tránh khỏi với quân nhân thì trong This War of Mine, những nhân vật mà chúng ta điều khiển lại chỉ là những con người bình thường. Họ chẳng phải quân nhân, họ chẳng có lý tưởng gì cao đẹp, mà chỉ đơn giản là cố gắng để sống sót trong một cuộc nội chiến tàn khốc. Họ có những câu chuyện của riêng mình, có lý do để sống sót, và họ có những vấn đề khác nhau. Sự đa dạng trong tính cách và câu chuyện này khiến những nhân vật trong This War of Mine gần gũi hơn, dễ đồng cảm hơn, và khi họ chẳng may bỏ mạng, ta sẽ thấy thấm thía hơn sự mất mát mà cái chết của họ đem lại.
Ví dụ ở trên về XCOM và This War of Mine cho ta thấy rằng: việc tạo nên một cơ chế có thể khiến người chơi cảm nhận được sự mất mát là có thể làm được. Thế nhưng đó mới chỉ là cảm giác “mất đi một thứ gì đó”, còn để khiến cho cảm giác ấy trở thành “mất đi ai đó”, thì cần phải nhờ vào đội ngũ biên kịch và xây dựng câu chuyện cho game. Và câu chuyện của các nhân vật càng gần với thực tế đời sống ở ngoài hơn, thì chúng ta sẽ càng dễ đồng cảm hơn. Chính vì như vậy, cho nên What Remains of Edith Finch mới tạo được một ấn tượng đáng nhớ đến thế. Với việc khắc họa cái chết của các thành viên trong một gia đình lớn qua nhiều thế hệ, What Remains of Edith Finch tạo cho ta một cảm giác thân thuộc đến đáng sợ, nhưng đồng thời, bằng nghệ thuật kể chuyện của mình, tựa game cũng đồng thời khiến cho những cái chết ấy có phần bớt nặng nề hơn. Thật trái ngang phải không, khi mà một tựa game nói về cái chết lại có thể đẹp và giàu chất thơ đến như vậy? Và cũng thật kỳ lạ, khi một mặt, What Remains of Edith Finch có thể khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về cái chết, nhưng cũng đồng thời không làm chúng ta trở nên quá sợ hãi và ám ảnh với nó. Sự tài tình trong việc thiết kế cách kể chuyện của game đã khiến What Remains of Edith Finch trở thành một tác phẩm đặc biệt và xuất sắc thật sự.


WHAT REMAINS OF EDITH FINCH VÀ LĂNG KÍNH PHẢN CHIẾU CÁI CHẾT


Tựa game bắt đầu với việc chúng ta - nhân vật chính, ngồi trên phà với một cuốn sổ đang mở để trên đùi, bên cạnh là vài bông hoa loa kèn. Cuốn sổ này thuộc về một cô gái trẻ tuổi có tên là Edith Finch, và chúng ta sẽ theo chân Edith trong chuyến hành trình này, được nhìn, được nghe về câu chuyện của nhà Finch. Đã hơn bảy năm trôi qua, kể từ ngày Edith và mẹ mình đột ngột rời bỏ ngôi nhà lâu đời của nhà Finch. Trải qua nhiều năm, ngôi nhà ấy đã bị bỏ hoang, nằm ở một nơi hẻo lánh, không người vãng lai, chẳng ai coi sóc. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1937 bởi Sven Finch - ông cố của Edith. Cha của Sven - Odin Finch, vốn là người Na Uy, và bởi sợ hãi lời nguyền được đồn đại là đã ám ảnh nhà Finch suốt nhiều thế hệ, ông quyết định bỏ lại quê hương và đem theo mọi thứ tới Mỹ. Nhưng thật đáng tiếc, Odin đã bỏ mạng ngoài khơi bởi một cơn bão, ngay trước khi có thể đặt chân lên vùng đất mới. Và trước khi nhà Finch dựng nên ngôi nhà mới, thì nghĩa trang của họ đã thành hình, với ngôi mộ đầu tiên thuộc về Odin.
Nhân dạng được Odin ưa thích khi lang thang khắp Cửu Giới
Quê hương của nhà Finch là Na Uy - một quốc gia Bắc Âu, và người đầu tiên được mai táng trong nghĩa trang mới của họ là Odin, một cái tên quen thuộc trong thần thoại Bắc Âu. Odin được mệnh danh là Cha của muôn loài, là chúa tể các vị thần Aesir. Odin là một vị thần đại diện cho nhiều thứ, ví dụ như Sự Thông Thái, Tri Thức, Sự Chữa Lành, Cái Chết, Giá Treo Cổ, Chiến Tranh, Thắng Lợi, Ma Thuật, Thi Ca. Ngài là vị thần tối cao, một bậc thầy về cổ ngữ rune, và có vô vàn quyền năng, trong đó có thể kể đến khả năng giao tiếp và thậm chí kêu gọi người chết sống dậy. Odin là một vị thần ưa thích việc cải trang thành một người hành hương và thường đi lang thang khắp Cửu Giới. Việc đặt tên cho ông cố của Edith là Odin là để ám chỉ đến những chi tiết cốt lõi trong câu chuyện của What Remains of Edith Finch. Tựa game này nói về cái chết, và Odin là một vị thần đại diện cho cái chết. Tựa game này nhắc đến một lời nguyền được cho là thứ đã ám vào nhà Finch, và điều này chính là Ma thuật, hay ít nhất thì nó đại diện cho Ma thuật. Odin là một vị thần thích đi lang thang, và chi tiết này gợi đến việc Odin Finch bỏ quê hương mà tìm đến vùng đất mới. Cuối cùng, khả năng giao tiếp và gọi người chết sống dậy của Odin chính là nhắc đến cách kể chuyện độc đáo của What Remains of Edith Finch. Với mỗi câu chuyện được kể về các thành viên nhà Finch, chúng ta sẽ tạm vào vai chính người ấy, “trải nghiệm” cái chết của họ.
Odin Finch sợ hãi thứ được cho là lời nguyền của nhà Finch, là nguyên nhân khiến cho nhiều thành viên của gia tộc phải chết yểu. Và khi chúng ta khám phá những câu chuyện của các thành viên nhà Finch, việc có nhiều người chết yểu là có thật. Ví dụ như câu chuyện đầu tiên - câu chuyện của cô bé Molly, người qua đời khi mới 10 tuổi. Trong những dòng nhật ký cuối cùng, cô bé viết rằng có một đêm cô bé bị phạt không được ăn tối, và vì quá đói, Molly đã ăn rất nhiều thứ, từ thức ăn cho thỏ đến kem đánh răng và quả dại. Thế rồi đột nhiên Molly biến thành một con mèo, một con cú, rồi một con cá mập và cuối cùng là một con thủy quái, nhưng cuối cùng con thủy quái ấy lại chui vào gầm giường cô bé và ăn thịt cô. Đây, có lẽ là những ảo giác của việc ngộ độc thực phẩm gây ra, khi Molly đã ăn nhiều thứ độc hại trước khi qua đời.
Hoặc ta có thể kể thêm cái chết của Barbara Finch - người qua đời khi 16 tuổi và vốn là một diễn viên nhí nổi tiếng đang đi tìm lại tài năng. Cái chết có phần kinh dị và quái lạ của Barbara được tái hiện dưới dạng một cuốn comic. Ban đầu, mọi chuyện có vẻ bình thường với việc Barbara ở nhà trông người em Walter cùng bạn trai Rick trong đêm Halloween, và rồi cả hai cãi nhau, cô đuổi Rick đi. Sau đó, ngôi nhà bị một kẻ sát nhân đột nhập, cô đụng độ với hắn, đánh gục hắn, nhưng rồi mọi chuyện trở nên kỳ quái một cách khó hiểu. Đó là khi một nhóm những người hóa trang làm quái vật xuất hiện, và rồi cả bọn biến thành quái vật thật và ăn thịt Barbara. Cảnh sát kết luận rằng Rick - người cũng đang mất tích - đã giết Barbara và chạy trốn cùng với thi thể, khi mà tất cả những gì người ta tìm được chỉ là một cái tai.
Hai cái chết của Molly và Barbara, cũng như những câu chuyện còn lại của các thành viên nhà Finch, khiến chúng ta cảm nhận được nghiêm túc và trang trọng trong chủ đề mà game muốn truyền tải - cái chết. Chúng còn khiến chúng ta thấy được sự mong manh và trần tục của một kiếp người, và càng khẳng định sự bất biến của cái chết, khi mà ai cũng sẽ phải chết, dù sớm hay muộn. Nhưng điều đặc biệt ở những câu chuyện này là cách mà game sử dụng từ ngữ và hình ảnh kết hợp với nhau một cách tài tình để khắc họa những cái chết ấy. Thực ra việc sử dụng những đoạn text đóng vai trò xây dựng cốt truyện nền cho nhân vật được đa số game thực hiện khá nhiều, nhưng phần lớn đều chỉ tồn tại dưới dạng những cuốn nhật ký hoặc các mẩu ghi chú tìm được trong game và người chơi sẽ phải tạm dừng để đọc chúng. Điều này đã có phần làm gián đoạn trải nghiệm nhập tâm của người chơi, và thường sẽ không phát huy được tối đa hiệu quả. What Remains of Edith Finch đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa những dòng text đó vào trong gameplay. Gần như toàn bộ thời lượng và các phân đoạn của What Remains of Edith Finch đều diễn ra bên trong căn nhà rộng lớn và nhiều ngóc ngách này. Và việc của người chơi là tìm cách vào được bên trong căn phòng ngủ của những người quá cố và “trải nghiệm” lại cái chết của họ thông qua những phân đoạn riêng biệt. Bản thân ngôi nhà cũng là một phần trong câu chuyện nền của từng thành viên nhà Finch, thông qua cách mà họ trang trí phòng ngủ của mình.


Đọc thêm:

Những căn phòng ngủ trong ngôi nhà to lớn này được trang trí riêng với từng chủ nhân của nó, nhưng có điều gì đó khác lạ ở những căn phòng này. Trong những game khác, một căn phòng phản chiếu hình ảnh của chủ nhân khi hoặc người đó vẫn còn sử dụng nó (ví dụ như Gone Home) hoặc khi người đó buộc phải rời bỏ căn phòng (ví dụ như Prey). Cả hai trường hợp này đều không đúng với What Remains of Edith Finch, khi những căn phòng vẫn luôn luôn được giữ nguyên vẹn, kể cả khi chủ nhân của nó đã qua đời. Đây là một việc làm tương đối dễ thấy ở ngoài đời, khi người thân của một thành viên quá cố trong gia đình thường hay có xu hướng muốn giữ nguyên vẹn căn phòng như một cách tưởng nhớ người đã mất. Nhà Finch, cụ thể là Edie Finch - bà cố của Edith, cũng làm như vậy. Edie là người đã chứng kiến gần như mọi thành viên của nhà Finch qua đời, từ bố chồng mình là Odin, cho đến những người con, người cháu của mình. Mỗi khi một thành viên của nhà Finch qua đời, căn phòng của người đó được niêm phong lại, và khi có một thành viên mới ra đời, việc mà Edie làm là làm thêm phòng, mở rộng căn nhà. Vì thế nên khi khám phá căn nhà, chúng ta sẽ có cảm giác nó khá lộn xộn và không được sắp xếp trật tự cho lắm. Đó là kết quả từ việc nhiều lần cơi nới, mở rộng căn nhà, và đồng thời cũng là ẩn dụ cho chính gia đình nhà Finch. Căn nhà, cũng như gia đình nhà Finch, là một cái cây. Mỗi khi một thành viên mới ra đời, căn nhà cũng được mở rộng thêm, hệt như khi một cái cây lớn lên và các cành của nó mở rộng ra vậy.
Lại nói về “lời nguyền của nhà Finch”, dù nó có thật hay không, thì dường như Edie không bị nó làm ảnh hưởng khi bà sống rất thọ, đến 93 tuổi. Và trong cái đêm Edith cùng Dawn - mẹ cô - bỏ căn nhà ra đi, bà vẫn còn sống và nhất quyết không chịu rời đi. Vào gần cuối game, khi đã biết được về cái chết của tất cả những thành viên trong gia đình, Edith đã quay trở lại căn phòng của chính mình và suy nghĩ về câu chuyện của bản thân cô sẽ diễn ra và kết thúc thế nào. Vào đêm trước khi Dawn và Edith rời khỏi nhà, Edie nói với Dawn rằng Edith có quyền đọc lịch sử của gia đình, và kể cả nếu như có rời bỏ căn nhà, thì cũng không cách nào chạy trốn được khỏi “lời nguyền”. Thế nhưng Dawn, người đã quá mệt mỏi, quá căng thẳng và có lẽ đã rơi vào trầm cảm khi chứng kiến quá nhiều người thân lần lượt qua đời, đã bùng nổ. Cô nói rằng thực chất chẳng có lời nguyền nào cả, thứ giết chết cả gia đình chính là Edie và những câu chuyện hoang đường về “lời nguyền” ấy đã ám thị các thành viên của nhà Finch và gián tiếp đẩy họ đến cái chết. Lúc đó, Edith bỏ mặc hai người cãi nhau mà bắt đầu đọc những ghi chép của Edie về lịch sử gia đình Finch và cả cái đêm bà ra ngoài bờ biển, lựa lúc thủy triều rút mà đến gần tàn tích căn nhà cũ của gia đình Finch. Tuy nhiên, Edith chưa kịp đọc hết thì mẹ cô đã can thiệp. Dawn xé quyển sổ làm hai và kéo Edith ra ngoài, cả hai lên xe và rời khỏi căn nhà mãi mãi, để Edie ở lại. Cuối cùng, lần lượt cả Edie và Dawn cũng đều qua đời, để lại Edith - lúc đó là một cô gái 16 tuổi, và cũng là người cuối cùng của nhà Finch. Lúc này, Edith cũng đang mang thai, và ghi chép trong cuốn nhật ký nói rằng, nếu chúng ta (tức người chơi, hay ám chỉ đứa con của cô) đang đọc những dòng này, thì tức là cô đã qua đời.

Nhân vật chính của game hóa ra lại không phải là Edith, mà là con trai của cô. Toàn bộ tựa game này, là “câu chuyện về Edith Finch”, và cuốn nhật ký mà chúng ta đọc ở đầu game, chính là cuốn nhật ký mà Edith viết để lại cho người con của mình. Và lời nhắn gửi cuối cùng của Edith đến cho người con của mình, người mà cô biết mình sẽ không thể gặp, chính là hãy trân trọng cuộc sống này, cho dù nó có dài hay ngắn đi chăng nữa. Những câu chuyện của gia đình nhà Finch mà Edith muốn để lại cho người con trai, chính là minh chứng cho việc sự sống và cái chết tuy ranh giới mỏng manh ra sao, nhưng nó cũng có thể đẹp đến nhường nào. Cảnh cuối cùng của game chính là cảnh người con trai của Edith đặt hoa lên mộ của cô ở nghĩa trang gia đình Finch. Game đã tự spoil chính mình khi cho chúng ta biết rằng đến cuối cùng thì Edith sẽ phải chết, cũng như mọi thành viên nhà Finch. Và tựa game không hề cố gắng giấu giếm điều này, mà ngược lại, nó còn đưa ra một vài chi tiết ẩn dụ ở đầu game, ví dụ như cuốn nhật ký của Edith, và bó hoa loa kèn - loài hoa hay được sử dụng trong đám tang. 
Những phân đoạn cuối cùng của game là một loạt các hình ảnh ẩn dụ đầy tinh tế. Khi Edith kể về lúc hai mẹ con cô rời khỏi căn nhà, cố gắng thoát khỏi thứ gọi là “lời nguyền của nhà Finch” để tìm kiếm tự do, Edith đã giơ cánh tay của mình lên cạnh cửa sổ xe ô tô và liên tục uốn lượn nó dọc theo đường. Hình ảnh này gợi nhắc cho chúng ta về hình ảnh một cánh chim, và thường thì hình ảnh cánh chim bay lượn trên không hay được gắn với sự tự do. Cảnh tiếp theo là cảnh Edith cầm một bông hoa bồ công anh, và những cánh hoa bay đi lả tả vì bị thổi bay bởi những cơn ho không ngớt của mẹ cô. Hình ảnh này ám chỉ rằng mạng sống của Dawn - mẹ Edith, đang dần rơi rụng như những cánh hoa kia. Hình ảnh tiếp theo đó vừa tượng trưng cho cái chết và sự mất mát, lại vừa tượng trưng cho tình cảm và sự yêu thương lẫn nhau của những người trong gia đình. Đó là cảnh hai bàn tay của Edith và mẹ cô đan vào nhau trên giường bệnh. Và cảnh tiếp theo đó, khi Edith bắt đầu vật lộn với việc tìm kiếm ý nghĩa đằng sau sự sống và cái chết của toàn bộ gia đình mình, một không gian tối tăm bao trùm tất cả. Nhưng sau đó, ánh sáng dần xuất hiện, và đến lúc này, ta biết rằng góc nhìn của người chơi đã đổi thành người con của Edith đang chuẩn bị chào đời. Và khi ánh sáng của thế giới bên ngoài tử cung tối tăm của Edith tràn vào mắt đứa trẻ sơ sinh ấy, hình ảnh được cắt ngang và dần biến thành trang cuối cùng của cuốn nhật ký. Và lúc này, người con của Edith đã lớn, nay trở lại thăm mộ của mẹ, và của tất cả các thành viên nhà Finch - một hình ảnh ẩn dụ của cái chết và sự sống cùng tồn tại.

Chủ đề của What Remains of Edith Finch là cái chết, và “cái chết” tự nó đã là một chủ đề đậm tính triết lý. Nhưng điều thú vị ở đây là việc một người sẽ thay đổi hành vi và cảm xúc ra sao khi đối mặt với cái chết, có thể là cái chết của những người xung quanh, hoặc của chính bản thân họ. Và rõ ràng đó là một chủ đề đáng bận tâm, bởi vì con người luôn phải đối mặt với cái chết, con người không bất tử. Chúng ta không thể tránh khỏi cái chết, vậy nên cách duy nhất để vượt qua nỗi buồn và sự sợ hãi cái chết, chỉ có thể là xây dựng cho mình một thế giới quan để nhìn cái chết với một con mắt vô thường hơn. Điều quan trọng nhất không phải là trốn tránh cái chết, mà là làm sao để khiến những suy nghĩ về nó không ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người. Xung đột trong câu chuyện của What Remains of Edith Finch không chỉ là về một cuộc chiến không cân sức giữa gia đình nhà Finch với cái chết, mà còn là xung đột về hai thế giới quan khác nhau, hai cách nhìn về cái chết và sự sống của các thành viên nhà Finch. Một bên, là sự thi vị hóa, lãng mạn hóa và kỳ ảo hóa cái chết của các thành viên trong gia đình của Edie. Thế giới quan của Edie đã khiến cái chết trở thành một thứ gì đó không còn đáng bận tâm, và vì vậy mà ảnh hưởng một cách tiêu cực tới các thành viên trong gia đình. Và bên còn lại, là một cách nhìn thực tế hơn về cái chết, nhưng không hề tiêu cực của Dawn, và sau này là Edith. Dawn nhìn cái chết với một con mắt đơn giản, thực tế, không thi vị. Cái chết không phải điều gì đáng sợ, nhưng nó cũng không phải một điều bình thường không cần quan tâm đến. 
Lý do cho việc những cái chết của gia đình nhà Finch được hiện lên thông qua những câu chuyện có phần không thực tế, là vì chúng được kể thông qua lời kể của Edie, dưới con mắt và thế giới quan của bà. Phần lớn các câu chuyện của What Remains of Edith Finch được kể thông qua một người kể chuyện không đáng tin, tức là unreliable narrator. Và người đó ở đây là Edie, với những câu chuyện của bà. Như đã nói, Edie có một cách nhìn về cái chết khá là xa rời với thực tế và có phần kỳ ảo, nên những câu chuyện của bà dù vẫn nhắc đến cái chết, nhưng đều tồn tại những chi tiết thi vị đến không ngờ. Nhưng khi ta đã biết Edie là một người kể chuyện không đáng tin, ta sẽ có thể tìm ra sự thật trong những cái chết của các thành viên nhà Finch. Ví dụ như em bé Gregory không hề hóa thành cóc và thoát ra khỏi bồn tắm bị tràn nước mà em đã chết đuối trong đó. Lewis cũng không tới một thế giới fantasy, nơi anh trở thành một vị vua và đặt đầu mình vào một cái máy chém, mà anh đã tự sát. Edie luôn muốn giữ một cái nhìn màu hồng về gia đình nhà Finch, kể cả về cái chết của họ, nên bà đã kể lại những câu chuyện ấy. Bà giữ lại toàn bộ vật dụng của những người đã khuất trong căn phòng của họ, vì trong thâm tâm, bà vẫn coi một phần của họ vẫn tồn tại. 

Thế nhưng, với việc kể lại những câu chuyện kỳ ảo về cái chết này tới các thế hệ sau, và giữ lại vật dụng của những người đã mất, Edie đã ngăn bản thân cũng như các thành viên khác của gia đình có thể sống tiếp một cách bình thường. Edie đã để “cái chết” chiếm giữ cuộc sống của mình. Bà quan tâm đến những người đã khuất nhiều hơn những người còn sống, kể từ giây phút đầu tiên khi bà đặt chân đến đây, thông qua việc khăng khăng muốn xây dựng nghĩa trang trước cả căn nhà. Sống trong một môi trường như vậy, những đứa trẻ nhà Finch đều bị ảnh hưởng bởi thế giới quan của Edie, và đó là lý do họ đều không coi cái chết là một điều gì đó đáng bận tâm. Mà có thể họ còn chẳng quan tâm tới cái chết. Và chính cách sống này đã dần khiến các thành viên gia đình nhà Finch trở nên xa cách, bởi vì, làm sao ta có thể quan tâm tới những người đang sống, khi ta còn bận tâm tới những người đã khuất hơn? Ngôi nhà của gia đình Finch bất ổn, to lớn và nặng nề, chính là ẩn dụ cho sự bất ổn trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đến khi bùng nổ với việc Dawn và Edith bỏ Edie ở lại mà rời đi, vĩnh viễn.
Nhưng liệu thông điệp của What Remains of Edith Finch có đơn thuần chỉ là “đừng lãng mạn hóa và né tránh đối mặt với cái chết như Edie” hay chăng? Có lẽ là không, vì thế giới quan và cách sống của Edie còn phản ánh một chủ nghĩa mà có lẽ chúng ta ai cũng phần nào làm theo: chủ nghĩa thoát ly thực tại - escapism. Edie muốn thoát khỏi thực tại tàn nhẫn, thoát khỏi việc phải đối diện với những cái chết của các thành viên trong gia đình bằng cách vẽ ra một phiên bản khác về những bi kịch ấy. Edie quả thật đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới các thế hệ sau của gia đình, nhưng hãy thử đặt bản thân mình vào Edie, liệu bạn có can đảm đối mặt với tất cả những cái chết đầy bi kịch và thương tâm ấy? Bạn có đủ can đảm cất đi hết những vật dụng của người đã khuất - những thứ gợi nhắc kỷ niệm về người đó - đi hay không? Bạn có thể kể với những thế sau rằng những người ấy đã mất đi theo những cách đau đớn và bi thảm đến chừng nào? Những câu chuyện của nhà Finch cho ta thấy việc chấp nhận đối mặt với cái chết có thể khó khăn đến mức nào, và thông qua đó, ta thấy được sự dũng cảm của Dawn và Edith khi có thể đối mặt với sự thật, và rời bỏ căn nhà ấy. Và cái chết của Dawn, cũng như cái chết của Edith, là hai cái chết không hề được thi vị, lãng mạn hóa, mà nó thực tế và trần trụi đến đáng sợ. Đó là minh chứng cho việc họ đã từ bỏ được chủ nghĩa thoát ly thực tại để đối mặt với cái chết, một cách hiên ngang và dũng cảm.

NHỮNG GÌ CÒN LẠI CỦA EDITH FINCH


Và hãy nói một chút về Edith. Edith là người cuối cùng còn lại của nhà Finch, sau khi Dawn ra đi. Và cô giờ đây có thể chọn kể lại những câu chuyện của nhà Finch cho thế hệ sau như thế nào. Trong trang nhật ký cuối cùng, Edith đã vẽ ra một lăng kính mới về cái chết, một lăng kính tồn tại cả hy vọng và vẻ đẹp, và không hề có bóng dáng của escapism như những câu chuyện của Edie. Và đó không chỉ là lời nhắn của Edith tới con trai cô, mà còn là lời nhắn của tựa game tới tất cả chúng ta, những người cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi escapism khi tìm đến game.
“Nếu chúng ta có thể sống mãi, có thể sẽ có thời gian để hiểu rõ mọi thứ, nhưng nếu vậy, có lẽ điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm, ấy là mở to đôi mắt, để chứng kiến, và tận hưởng tất cả những gì kỳ lạ nhất của cuộc đời ngắn ngủi này. [...] Nếu tôi có ra đi, xin bạn hãy đừng buồn. Thay vì thế, mong bạn hãy cảm thấy thật tuyệt vời khi tất cả chúng ta đã có cơ hội được sống.”
Người con trai của Edith đã đọc những dòng này trước khi đặt hoa lên ngôi mộ của cô. Và cậu hiện là người nhà Finch duy nhất còn lại, và cũng là người đầu tiên biết về những cái chết trong gia đình theo cách thực tế nhất, không hề được lãng mạn hóa. Và Edith đã mong rằng cậu đừng để cái chết của cô, cũng như của các thành viên trong gia đình trở thành gánh nặng cảm xúc giống như với Edie. Edith mong rằng, dù biết về những cái chết ấy, cậu cũng hãy sống một cách bình thản, đừng quá bận lòng về những người đã khuất.
Với tất cả những bi kịch đã đổ xuống gia đình nhà Finch, ta không biết rằng thành viên duy nhất còn lại của họ sẽ sống như thế nào. Cậu sẽ trốn tránh cuộc đời giống như Walter? Cậu sẽ xa lánh mọi người giống như Milton? Hay cậu sẽ để cho cảm xúc lấn át mình, để rồi chìm đắm trong mộng tưởng và dẫn đến kết cục như Lewis? Nhưng ta có thể tin rằng, có lẽ mọi chuyện sẽ không tệ như vậy. Edith đã làm tất cả để truyền đạt lại thế giới quan và triết lý sống của mình cho cậu, thông qua cuốn nhật ký ấy. Edith hiểu rằng, kể những câu chuyện về cái chết của nhà Finch, không phải là để cậu sợ hãi, mà là để cậu biết gia đình mình đã sống và chết ra sao, để cậu có thể tự chọn cho mình một cách sống. Và như thế, có lẽ “lời nguyền” của gia đình Finch đã bị phá vỡ.
Và cuốn nhật ký và những câu chuyện được kể trong nó, là những gì còn lại của Edith Finch.