Watchmen ( p2) - The Watch Never End
Sau bài viết đầu tiên, Jophanro tôi đây quyết định sẽ phân tích về hai nhân vật có lẽ thoát thần nhất trong cả tác phẩm: Doctor Manhattan...
Sau bài viết đầu tiên, Jophanro tôi đây quyết định sẽ phân tích về hai nhân vật có lẽ thoát thần nhất trong cả tác phẩm: Doctor Manhattan và Ozymandias và tổng kết lại.
OZYMANDIAS-THẦN THÁI CỦA MỘT KẺ VÔ NHÂN TÍNH.
Ozymandias-Adrian Veidt là nhân vật xuất hiện tương đối ít trong 9 số đầu tiên của tác phẩm. Trong suốt cuộc hành trình của các nhân vật được chuyển giao từ Rorschachs, Nite Owl, Ozymandias gần như không hề đóng vai trò trong việc là người dẫn truyện. Chính việc làm như vậy khiến cho chúng ta có liên tưởng rằng đây là một nhân vật mang nhiều tính chất của một kẻ phản diện và là boss cuối của bộ truyện. Bản thân Adrian Veidt, vốn là một con người giàu sang cũng khiến ta liên tưởng tới việc đây là nhân vật đại diện cho các ông chủ tập đoàn, xí nghiệp khổng lồ của nước Mỹ vào những năm 80s, của tầng lớp giàu có, tinh hoa thống trị vào thời điểm bấy giờ trong xã hội nước Mỹ.
Tuy nhiên, Alan Moore lại một lần nữa khiến cho tất cả phải kinh ngạc bởi theo góc nhìn của tôi, nếu coi Adrian Veidt, một người đã giải nghệ là một kẻ sặc mùi tư sản thì Ozymandias là một kẻ luôn tự coi bản thân mình là một Superman, một Alexander Đại Đế, một Người Vitruvius trong bức tranh của Leonardo da Vinci, một vị thần đúng nghĩa tự tạo cho mình trách nhiệm canh chừng giấc ngủ của toàn nhân loại.
Cuộc đời của Ozymandias dát vàng từ đầu đến cuối, hắn xuất hiện như một vị vua, sinh ra trong sự giàu sang, sống trong sự vô địch và học hỏi và đối nhân xử thế như một vị thần, như một kẻ nắm giữ quyền lực đích thực. Hắn ra đời trong một gia đình nhập cư giàu có với ngành nghề sang trọng làm nước hoa với một trí tuệ ưu việt được mệnh danh là "Người đàn ông thông minh nhất thế giới". Mọi việc xảy ra thật bất thình lình, thật lạ lùng mà cũng thật tự nhiên đến mức hắn còn tự hỏi "Phải chăng chính tôi đã quyết định mình thông minh?"
Ozymandias tựa như một vị vua, phải, hắn chính là vị vua trong thế giới của Watchmen, một kẻ với tiền bạc, với danh vọng, với sức mạnh và sự kính nể mà cả xã hội dành cho hắn. Hắn chính là siêu anh hùng hoàn hảo nhất, mạnh mẽ nhất trong Watchmen, có lẽ chỉ sau Dr Manhattan. Chặng đường đến với thế giới siêu anh hùng của hắn ta cũng chỉ đơn giản là tham vọng muốn được chạm đến những ngưỡng cửa của các vị thần, được trở thành vị thánh nhân của toàn thế giới, được thống nhất và định hình lại chính thế giới loài người như cách Alexander Đại Đế, người hắn dành cả chọn sự ngưỡng mộ và kính nể, làm năm xưa. Hắn đi cứu người, đi ngăn chặn những kẻ khác làm những trò vi phạm với chuẩn mực của xã hội chỉ đơn giản là vì với hắn, tài năng mà số mệnh ban cho hắn thật phí phạm nếu như không dùng nó.
Nhân tính là gì với hắn? Hắn có tình yêu, nhưng với hắn tình yêu ấy, nhân tính ấy chẳng là gì với tham vọng của hắn. Từ Ozymandias, ta dần nhận ra hắn đang mang trong mình bản ngã của một vị quân vương với tham vọng to lớn đủ để tàn sát hàng triệu người, một tên bạo chúa đích thực, một kẻ hoàn hảo ,toàn diện về mọi mặt. Chính bởi tham vọng và cách suy nghĩ ấy mà với Ozymandias, Rorschach và Comedian chẳng khác nào những kẻ hoang tưởng, phát xít, là những thành phần cần bị loại bỏ khỏi trật tự thế giới mà hắn dày công gây dựng.
Thế nhưng, trong thoáng chốc, vị vua với khát khao trở thành thần đối mặt với một thần hoàn hảo và mất đi sự hoàn hảo của chính mình
Vị vua đối mặt với vị chúa, đó là một phân cảnh cực kỳ ý nghĩa trong Watchmen. Vị vua của nhân loại, kẻ luôn khao khát trở thành vị chúa giải cứu, thống nhất và định hình cả thế giới theo tư tưởng của hắn nói chuyện với vị chúa thực sự, và mất đi ánh hào quang của chính hắn.
Ozymandias: Jon, chờ đã, trước khi anh đi... Liệu tôi đã làm điều đúng đắn? Lúc kết thúc, nó đã ổn thỏa.
Doctor Manhattan: "Lúc kết thúc. Không có gì kết thúc, Adrian. Không có gì từng kết thúc-Nothing Ever End."
Ozymandias: Jon, chờ đã! Ý anh là sao khi....
Dr Manhattan không bao giờ gọi Adrian Veidt là Ozymandias. Với ông, Ozymandias chỉ đơn giản là một con người, thật nhỏ bé và yếu đuối so với một kẻ "đã đi trên mặt trời". Còn Ozymandias, trong thoáng chốc hắn đã mất đi sự hoàn hảo của một vị thần. Vị vua đối mặt với vị chúa , có lẽ đó là mối quan hẹ giữa Adrian Veidt và Doctor Manhattan.
DOCTOR MANHATTAN-VỊ CHÚA RỜI BỎ NHÂN LOẠI.
Dr Manhattan chính là siêu anh hùng thực sự duy nhất có năng lực trong tác phẩm, một vị chúa thực sự. Đây cũng là nhân vật thể hiện nhiều sự mâu thuẫn nhất: Hành xử như người ngoài hành tinh nhưng lại là con người, là vị chúa với quyền năng thống trị nhân loại nhưng lại phục vụ nhân loại. Nhân vật này được xây dựng với những quyền năng vô hạn của chúa trời như phân thân, dịch chuyển tức thời, biến hóa thân thể, điều khiển vạn vật, tách phân tử,... Nếu nhìn thoáng qua Dr Manhattan và Ozymandias với hai tông màu đối lập nhau vàng kim và xanh da trời nhạt, chúng ta sẽ nhanh chóng cảm nhận sự khác biệt giữa hai con người này, giữa một vị chúa và một vị vua. Sự khác biệt ấy còn được thể hiện cách nhân loại đối xử với họ. Nhân loại luôn có niềm tin mãnh liệt cùng sự ngưỡng mộ và kính nể tuyệt đối dành cho Ozymandias, họ coi Ozymandias chính là người hùng đích thực, một nhà hảo tâm, một công dân mẫu mực của siêu cường Hoa Kỳ còn với Dr Manhattan, với họ chỉ là sự ngờ vực, sợ hãi, khinh bỉ. Dr Manhattan luôn bị coi như một thứ vũ khí nguyên tử di động và là con tốt của chính phủ Mỹ. Nhân loại luôn đổ lỗi cho ông, họ đổ lỗi cho ông về sự tồn tại của chạy đua vũ trang và chạy đua hạt nhân, họ thậm chí còn đổ lỗi cho ông về chiến tranh giữa nước Mỹ và Liên Xô ngay cả khi ông rời bỏ bọn họ. Thực tế mà nói, không cần sự hiện diện của Dr Manhattan thì chúng ta đều biết rằng cuộc chạy đua vũ trang vẫn sẽ xảy ra trong thế giới thực của chúng ta, và trong một thế giới lụi tàn và mang nhiều tính chất phản địa đàng ( dystopia ) như Watchmen, thì cuộc chiến tranh hạt nhân có lẽ đã xảy ra từ lâu rồi nếu không có sự xuất hiện của Dr Manhattan. Một điểm đáng nói, đáng chú ý ở đây đó là Dr Manhattan chính là người đã giúp cho nước Mỹ chiếm thế thượng phong trong chiến tranh hạt nhân, làm chần chừ phe Liên Xô và người giữ gìn hòa bình thực sự trong thế giới của Watchmen, nhưng không một ai biết ơn ông hay thể hiện sự tôn trọng với ông mà chỉ có sự đổ lỗi, đổ lỗi vì những căn bệnh ung thư, đổ lỗi vì sự leo thang của cuộc chiến tranh hạt nhân, đổ lỗi vì sự tận diệt của thế giới. Với tôi mà nói, cách nhân loại nhìn nhận Dr Manhattan và Ozymandias đã thể hiện rất rõ qua những câu nói độc thoại của bác bán báo Bennard khi nói về siêu anh hùng.
Với Ozymandias ( Khi nghe tin về một kẻ chặt con mình để tránh bị chết chiến tranh hạt nhân và Ozymandias bị bắn ): "...Kẻ thì chặt con mình ra, kẻ thì bắn Adrian Veidt... Ai lại muốn bắn một người như vậy? Đến "thánh" như Veidt còn bị bắn thì bọn như chúng ta còn biết bấu vía vào đâu? Veidt là một anh hùng thực sự. Làm từ thiện. Công khai danh tính. Chẳng có gì để giấu diếm. Chúa ơi, cuối cùng sẽ sao đây?..."
Với Dr Manhattan ( Khi nghe tin đồn tiếp xúc với ông ấy bị ung thư và bị áp bức bởi cánh nhà báo ): "Ha! Tôi biết mà! Anh thấy chưa.... Ung thư! Tôi nên biết chứ! Họ phải trục xuất tên phóng xạ này đi! Đày hắn đi! Ha! Vợ cũ hắn nói họ không quan hệ tình dục được! Nghĩa là hắn đồng tính! Nghĩa là hắn đồng tính như tờ ba đô. Vợ bác từng mơ mộng về tên gớm ghiếc này! Bác đã nghi rồi...
Tuy nhiên, hai con người này, bỏ qua những khác biệt về ngoại hình và sức mạnh có nhiều điểm chung hơn chúng ta nghĩ. Cả hai đều có sự vô nhân tính đến tuyệt đối, không hề quan tâm đến nhân loại hay có lòng nhân đạo với họ. Hơn bao giờ hết, điểm giống nhau nhất giữa hai người họ chính là tầm nhìn, chính là phán xét của họ đối với thế giới. Ozymandias khinh thường toàn bộ phần còn lại của loài người, Dr Manhattan không quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của loài người, từ cảm xúc đến cả sinh mạng nhưng cả hai đều có khao khát làm cho cuộc sống của loài người được phát triển hơn, giúp đỡ con người được sống phát triển hơn. Với Ozymandias, hắn có tham vọng lớn lao là được cứu lấy nhân loại khỏi chính họ, thống nhất họ lại và định hình một thế giới của khuynh hướng nghệ thuật và tư duy sáng tạo, một thế giới chịu ảnh hưởng từ hắn. Với Dr Manhattan, ông cũng có tham vọng lớn lao không kém đó chính là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho nhân loại và khiến cho họ hiểu được những nhận thức tuyệt đỉnh của mình, hiểu được những vẻ đẹp của tạo hóa nhưng cuối cùng, ông lại xa lánh và rời bỏ thế giới loài người.
Để hiểu được nguồn gốc của sự xa lánh ấy cũng như tầm nhìn của Dr Manhattan, chúng ta cần phải hiểu rõ về nguồn gốc của Dr Manhattan. Dr Manhattan, trước kia là Jon Osterman. Ông vốn là một người Đức gốc Do Thái nhập cư đến Mỹ cùng cha mình để tránh nạn diệt chủng của phát xít Đức. Trong chuyến hành trình của mình , để bảo vệ cậu bé Jon khỏi đám phát xít mà chính mẹ của Jon đã đánh lạc hướng chúng và nhận lấy cái chết. Cha của Jon, ông Josef là một thợ đồng hồ. Từ cái chết của người vợ và ước mơ được cùng con trai và vợ đến với nước Mỹ và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta có thể nhận ra Josef đã vô cùng day dứt khi phải để vợ ra đi và luôn luôn muốn sự kiểm soát tuyệt đối đến với cuộc sống của ông. Nhưng cuộc đời không phải một cái đồng hồ dễ dàng để kiểm soát, bản thân Josef cũng biết vậy nên chính ông cũng đã say mê vào từng chi tiết trên từng chiếc đồng hồ, để được tận hưởng cảm giác kiểm soát từng khả năng và ngã rẽ, và vô hình chung, chính lòng say mê ấy đã truyền sang cậu bé Jon, cậu bé ấy cũng đã rất buồn rầu, nuối tiếc và đau khổ khi mẹ mình mất và luôn phải sống trong khao khát của người cha cũng như những suy nghĩ, tâm tư về những khả năng có thể xảy ra trong tương lai và sự nuối tiếc trong cuộc sống. Và như vậy, cậu bé Jon Osterman đã có một ước mơ đơn sơ và giản dị: Trở thành một thợ sửa đồng hồ, nối gót theo người cha của cậu. Thế nhưng, vào năm 1945, ngay sau khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagaxaki, ước mơ giản dị ấy của Jon đã bị dập tắt không thương tiếc, bởi, mỉa mai thay, chính là người đã truyền lửa cho ước mơ ấy, ông Josef.
Vì vậy mà Jon đã phải từ bỏ ước mơ của mình và nhập học vào Đại Học Princeton trong ngành vật lý lượng tử. Thời gian trôi đi, Jon Osterman trở thành một tiến sĩ vào năm 1959. Trong khoảng thời gian đó, thật diệu kỳ và lạ lùng thay, Jon đã chạm đến tình yêu. Một tình yêu thật đẹp, thật giản dị, thật ngọt ngào với một cô gái mạnh mẽ và cá tính tên Janey Slater. Có thể với Jon, mọi chuyện sẽ khác. Anh vẫn làm được công việc về khoa học nguyên tử, vẫn lập được một gia đình nhỏ nhoi với Janey và sống một cuộc đời bình yên và hạnh phúc, nhưng đó vẫn chỉ là một khả năng, một ước mơ nhỏ nhoi mà thôi...
Vào tháng 8 năm 1959, một câu chuyện điển hình của siêu anh hùng đã xảy ra đến với Jon Osterman: Một gã tiên sĩ ất ơ bất cẩn nào đó vô tình chạm vào mấy thí nguy hiểm trong phòng thí nghiệm, rồi đột ngột trở thành siêu anh hùng qua một tai nạn ( e hèm, Jay Garrick, e hèm ). Jon cũng như vậy, anh vô tình bước vào phòng thí nghiệm ngay lúc đang diễn ra thí nghiệm về lực "trường nội sinh". Nếu trong hoàn cảnh thông thường của mấy bộ truyện siêu anh hùng, đó sẽ là giờ phút khai sinh ra một siêu anh hùng vĩ đại với những sử thi về chiến tích anh hùng cổ điển của nước Mỹ, nhưng với Jon , những gì anh nhận được thật sự cực kỳ đắng ngắt. Người anh yêu, ôi Janey, Janey dịu dàng, Janey ngọt ngào, sao em lại có thể rời bỏ anh vào những giây phút cuối cùng trong cuộc đời anh, giấc mộng tình yêu ngọt ngào của Jon đã vỡ tan tành khi cô ấy lại rời xa anh tại những phút giây cuối cùng của đời anh, người anh yêu thương nhất lại không ở bên anh vào lúc anh sắp ra đi. Chẳng có gia đình, chẳng có người cha, người mẹ nào ở bên anh, những người bạn bè ở phòng thí nghiệm chẳng hề có ai cùng chia sẻ , lắng nghe những lời trăng trối cuối cùng của anh, mà chỉ đơn giản là những gương mặt bàng hoàng, sợ hãi của những người đồng nghiệp. Cuối cùng, khi thời khắc đã điểm, Jon đã nhận được một cái chết đau đớn tột cùng, bị xé tan thành từng mảnh trong sự tuyệt vọng và bất lực .
Nhưng rồi, ông lại một lần nữa tái sinh, một lần nữa gặp lại Janey. Thế nhưng, liệu tình yêu ấy , liệu tình người, liệu cuộc sống có còn níu kéo ông không? Janey ngọt ngào, ôi Janey, người mà ông từng dành trọn cả tình yêu thương sâu sắc chính là người đã từ bỏ ông ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ban đầu khi gặp lại Janey, có thể bản thân ông vẫn còn tình yêu với bà nhưng tình yêu cứ nhạt nhòa đi, bởi lẽ trong khi Janey, người đã rời bỏ ông lại ngày càng già đi theo năm tháng thì ông vẫn ở tuổi 30 sung sức, trẻ khỏe ấy. Trong lần viếng thăm Captain Metropolis cùng kế hoạch lố bịch thành lập Crimebuster của ông ta, Dr Manhattan đã không thể nào không kiềm chế được ham muốn nhìn vào nữ siêu anh hùng Silk Spectre. Có thể nhiều người không thích cái cách Manhattan nhìn vào Silk Spectre và cách ông yêu bà, bởi cái tình yêu ấy nó có phần kinh tởm nhưng hãy hiểu cho cuộc đời ấy của ông. Ước mơ của ông bị đoạt đi một cách không thương tiếc bởi chính người cha, ông sống với không chút tình yêu từ người mẹ, tình yêu với thế giới loài người của ông đã biến mất, với Janey của ông đã mất đi theo thời gian. Dr Manhattan yêu Silk Spectre, có lẽ cũng chỉ đơn giản là ông ấy yêu một phiên bản khác của Janey Slater, cùng hai con người nhưng đều là những người phụ nữ mạnh mẽ, có lẽ sau tất cả, ông ấy muốn trải nghiệm một cuộc tình, một giấc mộng như trước kia ông từng tận hưởng với Janey, một cuộc tình nhẹ nhàng, ngọt ngào, một cuộc tình mà ông không bị phản bội, một cuộc tình với không có cái đắng cay nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng cuối cùng, cuộc tình ấy lại tan biến đi, và đó cũng là lúc Dr Manhattan dần mất đi sự gắn bó đối với chính thế giới loài người.
Một điểm cần phân tích nữa đó chính là cách Dr Manhattan nhìn nhận thế giới. Dr Manhattan nhìn nhận thế giới rất khác so với loài người. Ông gần như đang trải qua tất cả sự kiện trong cuộc đời mình cùng một lúc, vì vậy mà với ông không hề có hiện tại, quá khứ hay tương lai. Nó cũng giống như cách Silk Spectre Laurie Juspeczyk nói về ông: "Cách ông ta nhìn sự vật, cứ như ông ta không thể nhớ được chúng là gì và chẳng quan tâm. Thế giới, thế giới thực, đối với ông ta, chỉ như đi qua một màn sương mỏng và mọi người chỉ là những chiếc bóng... Những chiếc bóng trong sương mù." Chính bởi sự khác biệt về nhận thức như vậy, vô hình chung đã làm cho Dr Manhattan dần dần xa lánh thế giới loài người khi không ai hiểu được những nhận thức và suy nghĩ của ông về thế giới.
Tập #9 của Watchmen là một tập truyện xoay quanh Silk Spectre cùng nguồn gốc của cô nhưng với tôi mà nói, đây vẫn là một tập truyện thể hiện rất rõ về cách nhìn nhận của Dr Manhattan đối với các sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Trong suốt cả tập truyện, tác giả không ngừng khắc họa góc nhìn của Dr Manhattan, góc nhìn khác xa nhân loại ấy đề cao nghệ thuật và những vẻ đẹp của tạo hóa , của một Sao Hỏa, của một thế giới không có sự tồn tại của sự sống như thế nào. Chúng ta thấy ông liên tục so sánh giữa con người và những kỳ quan hùng vĩ nhất của Sao Hỏa, thấy ông ngưỡng mộ , trân trọng và đắm say vào những vẻ đẹp của tạo hóa. Có lẽ trong thâm tâm, ban đầu Dr Manhattan cũng muốn nhân loại hiểu được những nhận thức tuyệt đỉnh của mình, hiểu và trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cuối cùng, ông lại quá mệt mỏi trước sự phức tạp và đòi hỏi của nhân loại, quá mệt mỏi trước sự than vãn và kêu cứu của họ và di chuyển đến một thế giới khác , một nơi "ít phức tạp hơn", một thế giới nơi ông có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nó.
Có thể thấy rất rõ trong cuộc nói chuyện, Laurie không ít lần kêu gọi Dr Manhattan hãy cứu lấy thế giới. Theo góc nhìn của cô, cứu thế giới là chuyện sống còn, là hành động của cô để bảo vệ Dan, bảo vệ những người vô tội, những người cô yêu thương. Còn với Dr Manhattan, ông muốn đặt câu hỏi, muốn suy nghĩ về giá trị, về lợi ích của sự sống, về vẻ đẹp của nó khi so sánh với Sao Hỏa, với tạo hóa, từ đó đặt câu hỏi về việc liệu Trái Đất có đáng được cứu, thật thư thái và đậm màu sắc suy tưởng của những bức tượng Suy Ngẫm, đối lập với cái nóng vội và trần tục của Silk Spectre. Hai người liên tục thể hiện một sự xung đột một chiều từ phía Laurie về các cách để hiểu rõ và nhận thức chính giá trị của thế giới loài người đối với họ. Cuối cùng, trong đầu truyện này, Dr Manhattan quyết định cứu lấy thế giới, không phải vì tình yêu hay cảm xúc của ông đối với thế giới loài người mà với ông, nó là một kỳ quan, là một sự hùng vĩ, là một vẻ đẹp, một nét nghệ thuật mà ông đã quên mất, đã không hề để ý. Nhân tính dường như đã không còn tồn tại trong ông, mà với ông chỉ có những ngộ nhận về giá trị của vạn vật theo góc nhìn của một vị chúa, của tạo hóa. Cả câu chuyện trong tập #9 chính là về các cách khác nhau để nhận thức , để hiểu rõ thế giới, hiểu rõ những giá trị của nó.
"Trong mỗi sự kết hợp của con người, cả tỷ tinh trùng ganh đua một trứng, nhân lên cho vô số thế hế, bất chấp sự khác biệt của những bậc tổ tiên khi còn sống. Họ đã gặp nhau, tạo ra chính xác những đứa con trai , con gái... Đến khi mẹ em gặp một người mà bà ghét đủ bề. Từ sự kết hợp đó, cả tỷ đứa trẻ đã cạnh tranh để thụ tinh và chỉ có mình em ra đời. Chắt lọc ra một sự sống từ sự vô định đó cũng như biến Oxi thành vàng vậy... Là một sự kiện không tưởng. Là một phép màu."
"Đúng. Mọi người trên thế giới. Nhưng thế giới có quá nhiều người đến nỗi phép màu đó trở nên quá thông thường và ta đều quên nó. Anh quên nó. Chúng ta nhìn chằm chằm vào thế giới và thấy nó vô tri vô giác. Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, mới hơn, nó thật đáng kinh ngạc."
Cuối cùng, Dr Manhattan cũng đã rời bỏ nhân loại để đến với một thế giới mới, đến DCU-một vũ trụ nơi tràn ngập các siêu anh hùng. Trong làn gió bụi mập mờ của nước Mỹ, ông chứng kiến Superman nâng chiếc ô tô vào ngày 18 tháng 4 năm 1938. Rồi rất lâu sau đó, ông trải qua sự kiện Doomsday Clock. Những tưởng ông nghĩ đây sẽ là cái kết của cuộc đời mình nhưng không, Superman, trung tâm của vũ trụ mà ông tới đã nói một điều rất đơn giản, rất bình thường đó chính là ông có thể sử dụng năng lực của mình, hy sinh tất cả để cứu thế giới. Superman đã truyền cảm hứng và khiến cho Dr Manhattan thực sự thức tỉnh, thực sự có lại được với tình yêu với Janey, có được nhân tính, có được niềm tin về thế giới trong Watchmen. Niềm hy vọng cùng chủ nghĩa siêu anh hùng đã nảy nở trong vị chúa đến từ một thế giới chìm sâu trong hố sâu tuyệt vọng. Dr Manhattan đã cứu lấy thế giới, ông được truyền lấy ngọn lửa bất diệt hy vọng của Người Đàn Ông Thép và cuối cùng, ông đã chết sau khi làm mọi cách có thể. Cuộc đời của Dr Manhattan chưa bao giờ hạnh phúc, nhưng với cái kết cho cuộc đời của ông, nhà văn Geoff John và Gary Frank, hai người cầm trịch Doomsday Clock đã thực sự hồi sinh lại giá trị của chủ nghĩa anh hùng, đốt lên ngọn lửa hy vọng trong thế giới Watchmen đầy tuyệt vọng và tạo một cái kết viên mãn cho chính ông và thế giới Watchmen.
AFTER ALL, WHO WATCHES THE WATCHMEN?
Đây là câu nói chủ đạo của tác phẩm. Nguồn gốc của câu nói xuất phát từ câu thơ cổ của nhà thơ La Mã Juvenal: "Quis custodies ipsos custodes?''. Dịch theo nghĩa thông thường, chúng ta có thể hiểu nó nghĩa là "Ai bảo vệ những người bảo vệ", thế nhưng nó vẫn có thể được dịch ra nghĩa tương tự như câu trên "Who Watches The Watchmen?"-"Ai canh gác cho những kẻ canh gác?"
Đây là câu nói đề cao tư tưởng dân chủ của người Mỹ. Đó là tư tưởng của sự giám sát, của sự công bằng, nghiêm minh, chính trực, của khao khát được hiểu rõ những thứ xung quanh và được phán xét mọi thứ của xã hội Mỹ. Mặt khác, đây là câu nói thể hiện sự sợ hãi , ngờ vực và sự thoái hóa trí tuệ theo tư duy số đông trước những thứ nguy hiểm hay "được tin là nguy hiểm". Người Mỹ sợ hãi, nghi kỵ trước những thứ gì mà họ không thể kiểm soát được. Họ khao khát những câu chuyện anh hùng cổ điển, những khoảng khắc đầy quyến rũ và kỳ bí của những người hùng đeo mặt nạ, được sống trong Giấc Mơ Mỹ và thuyết Vận Mệnh Hiển Nhiên nhưng rồi sau cùng lại phản đối, lại đào thải các siêu anh hùng ra khỏi chính thế giới của họ.
Từ nền tảng của phong cách tư duy xã hội ấy của nước Mỹ , Alan Moore đã bộc lộ một ước nguyện thật chân thành, thực tế là muốn giết chết chủ nghĩa siêu anh hùng như thế nào qua Watchmen. Cả tác phẩm thể hiện sự sụp đổ, thối nát tận cùng cùng tính hư vô hỗn mang của chủ nghĩa siêu anh hùng với xã hội Mỹ. Phù thủy của làng comic đã lấy những mô típ thông thường, kiểu mẫu về tội phạm Republic với những kế hoạch ngu ngốc, về những cuộc điều tra về kẻ giết người, về cái ác phải bị trừng trị và về những tay siêu anh hùng kiểu mẫu Hoa Kỳ đi cứu thế giới rồi bồi đắp, gây dựng cho nó sự tuyệt vọng, đen tối đến tột cùng. Chúa là một thằng khỏa thân da xanh có tình nhân là một con bé kém mình đến 21 tuổi rồi rời bỏ nhân loại đến Sao Hỏa đi ngắm cảnh mà không thèm quan tâm đến nhân loại. Siêu anh hùng kẻ thì bất lực, vô dụng, nghiện ngập, kẻ thì đi hiếp dâm, nói dối để được nổi tiếng, lừa dối cả thế giới, có kẻ lại bạo lực, đen tối, phát điên, ảo tưởng, bắn phụ nữ mang thai, đốt người, diệt chủng giết chết hàng triệu người và không thể cứu được thế giới theo cách bình thường trong những bộ truyện siêu anh hùng mà phải bằng những cách cực đoan, thực tế, tàn bạo và nghiệt ngã nhất.
Xã hội Mỹ, xã hội mà họ bảo vệ thì đầy những kẻ bệnh hoạn, ghê tởm , súc sinh và thốt nát, xã hội sắp sụp đổ ấy chỉ luôn chực chờ ngày tận thế khải huyền đến hỏi thăm. Thế giới trong Watchmen đã thể hiện rất rõ những mối lo âu đương thời của thế giới thực tại vào những năm 80s , một thế giới lụi tàn, một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ các phương tiện truyền thông dối trá, một thế giới đầy rẫy tội ác, sự bất công và những lời dối trá đáng khinh miệt, một thế giới ghê tởm bởi sự bệnh hoạn và súc vật của chính nó, một thế giới nơi chủ nghĩa vật chất cùng sức mạnh của đồng tiền lên cao và giá trị đạo đức, lòng tin và sự công bằng thấp một cách đáng sợ tưởng như không đáy, một thế giới mang đậm màu sắc phản địa đàng, phản xã hội không tưởng, một thế giới cực đoan bị hủy diệt một cách ngu ngốc, cơ hội và thảm hại bởi chính nó, và phải đến khi chết thì chút tình người, lòng người, chút nhân tính, bản ngã của con người mới được thể hiện rồi mất đi trong tích tắc.
Từ chính thế giới ấy, chúng ta cả 6 hình tượng siêu anh hùng trên đều dần vượt qua cái khuôn khổ của mô típ siêu anh hùng đi cứu thế giới và trở thành 6 hình mẫu về cách hành xử, suy nghĩ, sự phán xét và tư tưởng của những nhà lãnh đạo, của những chính trị gia trên toàn thế giới.
Rorschach đại diện cho tầng lớp vô sản, sống trong lao động nghèo khó, anh muốn công lý tuyệt đối đến mức cực đoan , cứng rắn nhưng chính bởi cách hành xử như vậy mà pháp luật xã hội loài người lại xua đuổi, ngăn cấm anh như một con chó dại sủa trong điên cuồng và vô vọng. Ozymandias đại diện cho tầng lớp tư sản giàu sang tinh hoa của nước Mỹ, hắn muốn thống nhất thế giới lại và để nó phát triển theo góc nhìn của hắn nhưng nhân loại lại tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu và chỉ khao khát những lợi ích , những sáng chế từ trí tuệ của hắn. Dr Manhattan đại diện cho những nhà thông thái, cho những nhà trí thức, ông muốn loài người hiểu được những suy nghĩ, những nhận thức của mình và khao khát phát triển một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ nhưng loài người lại sợ hãi và biến ông thành thứ vũ khí nguyên tử. Nite Owl đại diện cho tầng lớp trung lưu của nước Mỹ với cuộc sống bình thường, những con người luôn khao khát một công lý tuyệt đối nhưng không đi đến cùng để giành lấy nó. Trong suốt cả bộ truyện anh không hề thể hiện một khao khát hay quan điểm chính trị cụ thể nào cho đến khi Rorschach làm chuyến đi tù, anh mới hiểu được chuyện, mới đi mặc lại chiếc áo choàng của mình để cứu lấy thế giới cùng người đồng đội xưa. Silk Spectre đại diện cho những con người trẻ, những con người đắm chìm trong một cuộc sống không phải chính mình, một cuộc sống không lối thoát bị ảnh hưởng bởi định kiến và đồng tiền cho đến khi thấu hiểu được mọi chuyện và trải nghiệm được tình yêu thực sự của cuộc sống và của chính mình. Cũng như Nite Owl, cô không hề có ý định mặc lại chiếc áo choàng cho đến khi trải nghiệm vẻ đẹp của tình yêu đích thực và phải cùng anh đi cứu thế giới và Rorschach. Comedian đại diện cho tầng lớp chính trị gia và những cựu quân nhân nước Mỹ, thấu hiểu nhưng bị hủy hoại nặng nề bởi chính xã hội của họ, cả một đời tranh đấu không để lại cho họ thứ gì trừ chủ nghĩa hư vô và sự tuyệt vọng tuyệt đối trước bối cảnh tận thế hủy diệt nhân loại.
Cả sáu con người trên liên tục tranh đấu với nhau, liên tục mâu thuẫn, đối đầu với nhau với những phong cách, lối suy nghĩ khác nhau nhưng đều khác biệt, đều gay gắt, đều đậm màu phi nhân tính, thậm chí đến mức cực đoan, đều bị loại bỏ khỏi chính xã hội của họ, của chính thế giới loài người mà họ trước kia từng thuộc về theo những cách cay đắng, buồn bã, tủi hổ và đau đớn nhất. Cả bộ truyện không chỉ là một chuyến hành trình đi cứu thế giới viển vông ,mơ hồ và rập khuôn mà còn là sự mâu thuẫn, sự tranh đấu, sự xung đột đỉnh cao giữa những chủ nghĩa, những tư tưởng, những nhận thức, những cách hiểu vu vơ về chính thế giới của chúng ta, để rồi cuối cùng chỉ để lại câu hỏi nan giải về tính đạo đức đúng sai cùng hỗn mang, cùng hư vô rồi chìm trong tuyệt vọng, sự xấu hổ, ô nhục về một nền hòa bình giả tạo đáng ghê tởm và khinh miệt dễ dàng bị sụp đổ ngay trong chốc lát.
Hết phần 2
Bài viết được dựa trên cảm nhận của tôi khi đọc Watchmen và được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn tôi tham khảo nhiều nhất chính là dưới đây và Wikipedia về Watchmen.
Những trang truyện đều được lấy từ Vietcomic-DCVN cả. Rất cảm ơn những admin và người dịch truyện đã cho phép tôi mượn những trang truyện được dịch, chú thích và được hoàn thành một cách hết sức công phu và toàn diện. Một lần nữa, xin cảm ơn!
P/S:
Bài viết nhiều chỗ vẫn còn sơ sài, thiếu, mong mọi người góp ý và giúp sửa chữa những lỗi sai ấy. Ngoài ra, tôi cũng khá là ngu văn nên nhiều chỗ còn lặp từ.
PEACE!
Comics
/comics
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất