Vươn tay ra
Một nụ hôn lên mu bàn tay thường xuất hiện trong các cuộc gặp trang trọng, trong khi hôn lên lòng bàn tay thể hiện sự trân trọng và khao khát rất thân mật. - Dyk Rundenski -
Bàn tay, trong văn hoá của nhiều quốc gia, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đã luôn là 1 trong những biểu tượng quan trọng bậc nhất.
Hành động chắp tay trong Phật giáo mang ý nghĩa dung hợp sự thánh thiện và nhiễm ô, hài hoà cả thần thánh và cõi trần tục. Với Immanuel Kant thì "Bàn tay là phần vô hình của bộ não."
Trong cuốn sách "Chết cho tư tưởng" của Costica Bradatan, đôi bàn tay của con người chính là 1 kim chỉ nam thấu hiểu bản thân ta: "Ta dùng bàn tay để tác động lên thế giới, để định vị mình trong mối quan hệ với nó, cũng như để hiểu và nắm bắt thế giới này."
Đôi bàn tay đã luôn đẹp như vậy đó. Ta nhìn, ta dùng bàn tay trong bao việc hằng ngày, từ cầm cái thìa đôi đũa, từ nắm lấy cánh cửa mở, rồi còn dùng thứ tạo vật được thiên nhiên ban cho đó để nắm lấy một ai đó khác, hay chấp nhận buông bỏ người ấy.
Đầu tiên, bàn tay với mình chính là sự kết nối. Ta muốn cho ai đó biết ta quan tâm đến họ, thì việc tiếp xúc cơ thể là vô cùng cần thiết. Có lẽ chính vì thế nên con người mới nghĩ ra cách nắm lấy bàn tay nhau thay những lời nói chót lưỡi đầu môi. Trong vô vàn văn hoá, ngôn ngữ, luôn tồn tại một vài câu thành ngữ liên quan đến tay, và dường như sẽ luôn có ít nhất 1 câu thành ngữ mang nghĩa giúp đỡ, quan tâm như "lend out a helping hand". Như vậy nói lên được điều gì? Đó chính là bàn tay, không biết từ bao giờ, đã trở thành 1 biểu tượng in sâu trong tâm trí mỗi con người về lòng thương cảm, sự quan tâm và hoà nhập. Họ nắm lấy tay nhau không chỉ nhằm bày tỏ sự cảm thông cho những khó khăn hay đau buồn, mà còn là 1 lời khẳng định chắc chắn hơn, đó là tôi sẽ không rời bỏ bạn. Bởi nếu tôi rời bỏ cậu thì cậu sẽ cô đơn, không 1 con người nào có thể tiếp tục cuộc độc hành trong đời mình. Họ cần 1 đó nắm lấy đôi tay và bước tiếp cùng họ. Đôi bàn tay của mỗi một con người đều thật đẹp vì nó giúp tạo nên những mối liên kết - nguồn sống không thể thiếu của bất kì ai.
Tiếp đó, đôi bàn tay giúp đặt bản thân ta vào vị trí trong thế giới này. Ta dùng đôi bàn tay này tác động lên thế giới, hay nói đúng hơn là những người khác, vì những con người khác tạo nên thế giới mà bản thân ta ở trong đó. Ta dùng đôi bàn tay này để giúp đỡ họ khi khó khăn, cũng có thể gây tổn thương đến họ, hay chạm khẽ vào người họ khi ta cần nhờ họ giúp ta. Ta định vị được bản thân mình trong thế giới này cũng có thể hiểu như ta định vị được bản thân là gì, như thế nào trong trái tim những người khác. Ta hiện lên trong ánh mắt họ thế nào: nhân từ, dịu dàng, phá phách, xấu tính, hay chỉ đơn giản là 1 người qua đường đang cần giúp? Ta định vị được bản thân, thì ta cũng định giá được bản thân. Giá trị của mỗi cá nhân ở đây không nói tới giá trị mà mỗi người nghĩ về bản thân, mà là giá trị của cá nhân đó với cộng đồng. Và đáng tiếc thay, con người ta buộc phải lấy định giá của người khác về mình làm cột mốc đo, chứ không lấy định giá của bản thân về chính mình, bởi như tôi đã nói, con người không thể sống nếu thiếu sự đồng hành. Bạn phải trở nên đáng giá ở 1 mức độ nhất định nào đó thì những con người khác mới phát sinh mong muốn gắn kết với bạn. Cha mẹ bạn yêu bạn như vậy bởi vì bạn là con của họ, bạn đã có sẵn cho mình 1 vị trí cực kì quan trọng trong lòng họ rồi. Nhưng chưa bao giờ định giá của người khác nên bị đánh tráo với định giá của bản thân. Và bàn tay bạn có chính là công cụ giúp bạn xác định vị trí của bản thân mình, trong thế giới của trái tim.
Cuối cùng, bàn tay giúp ta thấu hiểu thế giới. Ta dùng đôi bàn tay nhằm xác định vị trí của bản thân trong thế giới, dần dần len lỏi vào trong trái tim những người khác và có chỗ đứng cho bản thân ở đó. Và 1 khi đã tìm được cánh cửa bước vào thế giới nội tâm của họ, bàn tay giờ đây chính là chiếc đèn dẫn đường giúp ta hiểu rõ thêm nhiều điều về thế giới của người khác - ta dùng bàn tay làm ngôn ngữ giao tiếp với họ, khiến họ hiểu được thành ý của ta. Lấy 1 ví dụ đơn giản thì ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc, không cần 1 lời hé môi nhưng họ vẫn hiểu ý nhau - càng đẹp hơn nữa khi những con người đó nói lời yêu bằng đôi tay của mình, tình yêu của cơ thể giữa những con người khiếm khuyết. "Bàn tay là phần vô hình của bộ não" quả không sai, khi mà con người ta khiếm khuyết đi những yếu tố cơ bản của người như tiếng nói, thì cơ thể nguyên sơ của chúng ta lại thay ta cất lời với thế gian. Hay những cử chỉ thân mật giữa bạn bè như khoác tay nhau, đập vai cũng đã là 1 vẻ đẹp riêng cho sự kết nối và thấu hiểu rồi.
Bàn tay chúng ta đều thật đẹp, bởi chúng ta có thể tạo nên cả thế giới của riêng mình chỉ bằng 2 bàn tay đó.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này