Trong tiếng Anh có 1 từ, đó là Vulnerable – nghĩa là dễ bị tổn thương, thường được dùng để chỉ nhóm các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, dù là vật chất, tinh thần, tình cảm… hay là dễ bị ảnh hưởng, tấn công.
Ví dụ, một cô gái mỏng manh dễ vỡ, chưa chia tay đã sụt sùi có thể được gọi là một vulnerable girl. Trẻ em nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, bệnh tật…) cũng có thể được coi là một nhóm đối tượng vulnerable.
Hay như đợt dịch vừa rồi, các nước nghèo, kém phát triển sẽ được coi là một nhóm đối tượng yếu thế vì hệ thống y tế nghèo nàn, khả năng chống trả trước biến động lớn về kinh tế – xã hội thấp, truyền thông khó khăn… sẽ khiến cho các nước này dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn, bị tổn thương, khó hồi phục…
Nghe có vẻ tiêu cực, nhỉ? Nhưng mình lại hay biến mình thành một đối tượng Vulnerable.
Vì sao vậy?
Trước tiên hãy trở về với khái niệm vulnerable, vì sao 1 người hay 1 nhóm đối tượng lại trở nên vulnerable?
Đó là bởi nhóm đối tượng này thường không có “lá khiên” “lá chắn” để bảo vệ họ. Họ bị phơi trần, bóc trần (expose themselves) trước thế giới. Và vị vậy họ dễ bị tấn công, dễ bị tổn thương.
Khi mình để bản thân mình trở thành 1 đối tượng vulnerable, mình “tắt” đi tấm lá chắn giữa mình và đối tượng mình giao tiếp/ làm việc hay chung sống cùng.
Mình chân thành cởi mở với họ và để cho họ có cơ hội thấy những điều yếu đuối hay không đẹp đẽ/ hoàn thiện bên trong mình – những điều mà có lẽ chúng ta vẫn luôn được dạy là phải giấu đi, đừng để họ biết và đừng để họ sử dụng điều đó để tấn công chúng ta.
Vậy mình làm vậy để làm gì? Và mình sẽ được gì?
1, Để mình được là chính mình. Và mình được là chính mình.
Con người thực ra thường gồm 2 kiểu: 1 kiểu nhìn thấy và tin rằng bản chất con người xấu xa – và 1 kiểu ngược lại: nhìn thấy và tin vào điều tốt, tin là bản chất con người là tốt đẹp.
Mình nhận thấy rằng ngay cả các nhà khoa học, kinh tế lỗi lạc cũng thường cũng thường dựa trên 2 cách nhìn như vậy mà xây dựng các lý thuyết về quản trị, lãnh đạo của họ. 
Ví dụ người tin rằng con người bản chất là xấu xa sẽ cho rằng các biện pháp kỉ luật, kiểm tra, kiểm soát, trách phạt… sẽ là cần thiết để ngăn cản việc nhân sự trở nên lười nhác hay biến chất, tham lam…
Còn người tin rằng bản chất con người là tốt sẽ nghĩ rằng việc xây dựng một môi trường tốt, khen thưởng..vv.. sẽ khiến con người cảm thấy được trân trọng và bộc lộ nhưng gì tài năng và cao thượng nhất của họ.
Thực ra không phải kiểu nào tốt hơn kiểu nào, mà có lẽ chỉ đơn giản là thiên tính và môi trường sống khiến một người thấy cách nhìn nào “tự nhiên” hơn với mình hay dần trở thành cách nhìn của mình.
Và mình thấy mình có thiên hướng nghiêng về kiểu số 2 nhiều hơn.
Mình tin rằng bản chất bên trong thực sự của con người là tốt. Hoặc mình đã quá may mắn nên được gặp quá nhiều người tốt trong cuộc đời.
Mình thấy họ quá trời điểm tốt, từ cách họ ăn mặc, nói năng, đi lại hay giải quyết công việc… Bên cạnh đó, thực tâm mình tin rằng khi mình cởi mở, chân thành và cởi mở với người đối diện, họ cũng sẽ như vậy với mình, dù điều đó có thể mất thời gian, 1 hay nhiều chút.
Và khi mình tin như thế, thì… mình làm như thế thôi! Không cần phải gồng lên hay tính toán, che đậy làm gì. Hay như anh bạn mình hay bảo mình: Nếu em là mèo thì hãy cứ là mèo. Và là cáo khi em thực sự là cáo. Nhưng đừng là thứ gì ở giữa, một cách cố gắng. Cho mệt.
2, Vulnerable trong Tranh luận: Được nhiều hơn mất
Mình rất hay làm vậy. Ý là trở nên vulnerable trong các cuộc tranh luận, thậm chí là đàm phán.
Buồn cười nhỉ? Nhưng thực tế là khi làm vậy, thay vì mình trở thành kẻ thua cuộc, mình đã hay được nhiều hơn mất – vì nhờ việc làm như vậy, mình đã ngăn cuộc chiến phân định thắng thua ngay từ đầu.
Take 2 to fight – đúng vậy, cần phải có 2 phe thì mới tạo ra được một cuộc chiến. Người kia không thế “đấm vào mặt” mình, dù là nghĩa đen hay bóng, nếu mình không cho cuộc chiến nổ ra ngay từ đầu.
Khi người kia tung một “đòn” về phía mình bằng những lời lẽ chỉ trích, chê bai, phàn nàn hay mỉa mai: mình… đồng tình với họ.
Thậm chí mình còn khẳng định thêm ý kiến của họ bằng cách tự thừa nhận: mình đã sai lầm, mình đã ngốc nghếch, mình… đã thật ngáo ngơ khi làm vậy. Mình không phản kháng, không tung đòn lại để tạo một cuộc chiến.
Thực tế mình hay nghĩ là: một sự việc xảy ra có thể có nhiều góc nhìn, mỗi người có thể có một “sự thật” khác nhau, nhưng cảm xúc của họ đã có là thật. Mình tôn trọng cảm xúc đó. Và nếu mình, dù vô tình hay cố ý gây ra cho họ những cảm xúc tiêu cực như vậy, họ vẫn xứng đáng nhận được một lời xin lỗi của mình trước khi cùng nhau giải quyết.
Phải, cùng nhau giải quyết. Khi mình đã đồng tình với họ thì không còn là 2 phe, mà mình ở phe của họ. Mình thừa nhận họ có quyền cảm thấy như vậy, đồng cảm với họ dù mình có thể không đồng tình với họ.
“Em hiểu, nếu em là chị, với những khó khăn hiện tại công ty mình đang trải qua, lại thêm trải nghiệm không tốt khi mua những sản phẩm khác trước đây, em cũng có thể thấy giải pháp em đưa ra giá có vẻ quá cao hay khó để chị có tin em một cách dễ dàng. Đó là em tư vấn chưa tốt nên chưa khiến chị hiểu hết…”
Hay:
“Em hiểu, nếu ở trong hoàn cảnh của anh, nhìn thấy những thứ như anh thấy, em cũng sẽ cảm thấy tức giận như anh. Em cảm thấy thật áy náy. Xin lỗi vì đã khiến anh cảm thấy như vậy. Dù thực ra em không hề có ý đó….”
Và khi đó mình sẽ thấy được “the beauty of No”  (mà nếu có dịp mình sẽ chia sẻ sâu ở một bài viết khác) – cũng như sự cao thượng từ khách hàng, từ người yêu hay những người mình đang giao tiếp.
Nghe thật là “trí trá” – bạn đang nghĩ? Phải, nó sẽ thật trí trá – nếu mình không thực sự chân thành cảm thấy như vậy.
Keyword ở đây là sự chân thành.
Và thực lòng muốn tốt cho người kia – một cách gọi khác: Yêu họ. Yêu không nhất thiết chỉ dùng cho tình cảm nam nữ. Yêu đơn giản làm muốn điều tốt cho người kia. Và khi mình thực sự yêu họ, mình sẽ khó có thể – cùng lúc đó – phán xét họ. Và khi mình không phán xét, mình sẽ sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, cái tôi giảm đi hơn, và họ có thể cảm nhận rõ hơn tình cảm của mình. Khoảng cách được kéo gần thay vì đẩy xa.
Kết cục là, thực tế, mình thường được nhiều hơn mất. 
3, Học được nhiều hơn
Khi mình cho phép bản thân vulnerable, mình tránh được cái bẫy và gánh nặng của việc “being perfect” – lúc nào cũng phải hoàn hảo.
Nếu bạn từng cố gắng hoàn hảo hay tỏ ra hoàn hảo, bạn sẽ biết điều đó mệt mỏi thế nào. Và nó ngăn cản rất nhiều cơ hội của chúng ta để được học, được lắng nghe những chia sẻ, bài học từ người khác.
Nếu muốn trở thành miếng bọt biển hấp thụ những kiến thức xung quanh, hãy để bản thân được vulnerable, để người đối diện thấy mình cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi hoặc “học” họ để hiểu họ, để hợp tác, để cùng phát triển cùng họ.
Hồi lớp 8, thầy giáo đã nói với mấy đứa mình một câu mà đến giờ mình vẫn nhớ: bông lúa đẹp là bông lúa cúi đầu.
Cúi đầu không xấu, cúi đầu thậm chí giúp mình có tự tôn hơn nếu mình cúi đầu để học, để hiểu người – để hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa hơn.
Yếu đuối không xấu, yếu đuối thậm chí có thể giúp mình mạnh mẽ hơn nếu mình chấp nhận sự yếu đuối cùng những khiếm khuyết của bản thân để học, để hiểu người – để hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa hơn, cống hiến được nhiều hơn.
Tâm Tâm
Sài Gòn, 30/4/2020.
629 Lượt Xem