Vulnerability.
Mình để tựa TA vì thích từ này, trước khi biết cả nghĩa TV của nó. Có một câu nói của nhà văn người Mỹ Madeleine L'Engle mà mình đã...
Mình để tựa TA vì thích từ này, trước khi biết cả nghĩa TV của nó.
Có một câu nói của nhà văn người Mỹ Madeleine L'Engle mà mình đã từng nghe được từ khá lâu: "Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng khi trưởng thành, ta sẽ không còn bị tổn thương. Tuy nhiên, trưởng thành tức là chấp nhận thương tổn. Sống tức là bị tổn thương."
Mỗi ngày gần đây, khi xem một đoạn trong "Only Yesterday (Omohide Poro Poro)", mình lại nhớ về một chút ký ức ngày xưa, khi còn là một đứa trẻ. Cái tôi ấy luôn cao ngút trời, muốn khẳng định mình là đúng, mọi người xung quanh đều sẽ phải nhường nhịn mình vì bé nhất, và rằng luôn được quyền tự do đòi hỏi. Cho tới một ngày khi gia đình chẳng còn quan tâm tới chuyện mình tự bỏ cơm, tự nhốt bản thân trong phòng, và không thèm nói với ai. Đứa trẻ trong mình khi ấy, tồn tại một trạng thái cảm xúc, mà mình bằng một cách nào đó, đã khá tin rằng khi lớn rồi người ta sẽ chẳng có nó nữa đâu, sự tổn thương, từ việc dám đối đầu, cùng với nỗi sợ hãi từ sâu bên trong.
Một cô bạn thân thiết đã từng nói rằng bạn ấy tin khóc là một sự can đảm. Muốn khóc, phải khóc để được nghe thấy bản thân rõ hơn. Không ủng hộ cũng chẳng phản đối, mình lắng nghe từng tiếng một, giữ đầu dây bên kia trong sự im lặng. Thể hiện cảm xúc là một sự mạnh mẽ của tinh thần, được xây dựng từ sự tin tưởng người đối diện và rằng, dám bị tổn thương. Dấn thân vào mỗi mối quan hệ là một lần vô hình chúng ta chấp nhận những khả năng sức khỏe tinh thần của mình có thể bị thương tổn bởi một hành vi, một lời nói, hay chỉ từ cảm nhận riêng tới từ nội tâm. Cảm giác này nhẹ thì như đám mây đen kéo tới vào một ngày trời nắng trong, cơn mưa rào trong lòng đang yên ả, tệ hơn thì như ta nhìn một khoảng không trống rỗng trong tâm hồn. Nhưng liệu tổn thương có tệ tới vậy không?
Trong cuốn "Sự liều lĩnh vĩ đại", có một sự phân biệt rất rõ giữa hai từ "vulnerability" và "weakness" mà Brené Brown, giáo sư tiến sỹ nghiên cứu về chuyên ngành này mà mình rất thích, chỉ cho chúng ta thấy trong từ điển Merriam-Webster, rằng bản thân từ "vulnerability" có nguồn gốc từ tiếng Latin (vulnerare), có nghĩa là bị thương, có thể bị thương và, đón nhận tấn công hoặc sự phá hủy. "Weakness" theo một hướng khác, có nghĩa là sự yếu đuối, là thiếu đi khả năng chịu đựng hoặc thương tổn. Bởi vậy, chúng không và không nên được đi đôi với nhau, cũng như những người tổn thương mạnh mẽ thể hiện cảm xúc thực tại của họ đối với người đối diện mà họ tin tưởng.
Trong khi những khả năng tổn thương vẫn luôn ở đó, đi kèm với sự phát triển của xã hội hiện nay, đằng sau nó còn ẩn giấu những sự có thể tìm tòi và phát triển bản thân sau những giây phút tự vấn, sự dũng cảm bước ra ánh sáng sau khi đã đắm chìm trong những không gian riêng thật lâu, sự nuôi dưỡng hy vọng vào những điều tốt đẹp ở tương lai phía trước, hay sự khám phá tìm tòi ra một cộng đồng nơi có cùng suy nghĩ và sự sẻ chia; đó là chất xúc tác đưa chúng ta tới với những điều tốt đẹp hơn, khi không chỉ chăm chăm nhìn về những điểm thứ yếu, chỉ cần nơi đó có niềm tin.
Bởi vì tổn thương, như Brené Brown đã từng nói, là giao điểm của sự can đảm và nỗi sợ hãi.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất