Suốt quãng thời gian ngồi trên ghế trường THPT, câu hỏi về ngành nghề mình thật sự yêu thích để theo đuổi trong tương lai luôn khiến tôi băn khoăn. Giữa vô vàn sự lựa chọn, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi ngành “Truyền thông”.

“Truyền thông” – chiếc chìa khóa của Thế kỉ 21

Thế giới mà chúng ta đang sống thay đổi theo từng giây. Nó đòi hỏi chúng ta cập nhật tin tức một cách nhanh chóng nhất để bắt kịp với những sự thay đổi trong xã hội và đó chính là lí do ngành Truyền thông ra đời. Nếu như ngày xưa Truyền thông chỉ là một công cụ để giao tiếp, truyền tải thông tin thì ngày nay, nó như một thế giới thu nhỏ của thế giới thực, khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn rất nhiều.
Lĩnh vực Truyền thông được chia ra làm nhiều nhóm ngành, bao gồm: ngành truyền thông báo chí (Journalism), ngành truyền thông thực hành (Communicarion practice), ngành truyền thông số (Digital media) và ngành nghiên cứu truyền thông (Communication studies). Mỗi lĩnh vực đều có một đặc điểm riêng, chức năng riêng để phục vụ cho các mục đích của đời sống xã hội.

Những yêu cầu để trở thành một người làm Truyền thông thành công

Có lẽ bởi vì truyền Thông chính là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của một xã hội nên vị thế của ngành Truyền thông đang ngày càng trở nên to lớn hơn, quan trọng hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, sự cạnh tranh cho những ai đang theo đuổi lĩnh vực này đang dần trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Để có một chỗ đứng vững chắc trong ngành Truyền thông, đầu tiên bạn cần phải biết rõ bạn là ai, bạn có khả năng gì để từ đó chọn hướng đi đúng đắn nhất giúp bạn phát triển bản thân. Bạn phải trang bị cho mình một vốn kiến thức xã hội đủ rộng, tư duy nhạy bén để nắm bắt thông tin cũng như khả năng sáng tạo, dám nghĩ khác để thể hiện được cái tôi độc đáo của chính mình. Bên cạnh đó, một người làm Truyền thông cũng cần phải thành thục những kĩ năng mềm như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng quản lí thời gian,.. bởi khi thiếu đi những kĩ năng đó, thành công sẽ khó lòng mà mỉm cười với bạn.

Truyền thông qua góc nhìn cá nhân

Sinh ra và lớn lên ở Huế - một thành phố nhỏ nơi ngành Truyền thông chưa thật sự phát triển như những nơi khác, tôi “đánh liều” bay một quãng đường dài 669km ra Hà Nội để theo đuổi ước mơ của mình. Trải qua hơn ba tháng theo học tại Chương trình liên kết giữa Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Đại học Middlesex London ngành Quảng Cáo, PR và Truyền thông, tôi nhận ra rằng bản thân mình đã chọn và đi đúng hướng. Là một người luôn coi việc đến trường vô cùng nhàm chán, ba tháng vừa qua chính là lần đầu tiên trong đời tôi hào hứng chờ đợi các buổi học, lắng nghe bài giảng đầy hứng thú. Tôi có thể cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân qua từng ngày, cảm nhận được rằng mình đang sống một cuộc sống có ích. Ba tháng vừa qua cũng là lần đầu tiên tôi được sống đúng với cá tính của mình, phát hiện ra những khả năng mà trước đây bản thân chưa hề biết đến và nhìn thế giới một cách trưởng thành hơn. Việc theo đuổi con ngành Truyền thông đang dần dần giúp tôi tìm ra câu trả lời mình là ai, những điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì:
Điểm mạnh:
  • Một trong những điểm mạnh khiến tôi tự tin nhất đó chính là khả năng quan sát, và đánh giá mọi việc xung quanh một cách nhạy bén. Điều này có thể giúp tôi biết chính xác tình trạng hiện tại của bản thân, đánh giá sự việc một cách đa chiều, thấu hiểu đối phương cũng như lên ý tưởng để từ đó giải quyết tình huống một cách hiệu quả nhất.
  • Tiếp đến, tôi là một người có đam mê, có ý chí tiến thủ và biết tiếp thu ý kiến từ mọi người. Tôi tin rằng đó sẽ là những yếu tố quan trọng giúp tôi tiếp tục phát triển và hoàn thiện bản thân mình, là bàn đạp giúp tôi đi xa hơn trong tương lai để đạt được vị trí mình mong muốn trong ngành Truyền thông
  • Tôi cũng là người có khả năng diễn đạt bản thân và dẫn dắt người khác. Những ưu điểm này giúp tôi thể hiện quan điểm cá nhân và thuyết phục người nghe một cách dễ dàng hơn, khiến việc quản lí một team trở nên hiệu quả hơn để đạt được hiệu suất công việc tốt
Điểm yếu:
  • Tôi chưa thật sự tự tin vào khả năng của bản thân và điều này khiến tôi chần chừ, thiếu tính quyết đoán trong việc đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, ở một mặt khác, việc thiếu sự tự tin đòi hỏi tôi phải giải quyết công việc một cách thận trọng hơn để tránh gây ra sai sót trong quá trình làm việc.
  • Bên cạnh đó, tôi cũng chưa giỏi trong việc sắp xếp, phân bố thời gian một cách hợp lí. Việc không phân bố thời gian hợp lí khiến những lần “chạy deadlines” của tôi vất vả hơn, đôi khi làm việc kém hiệu suất vì thiếu thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

Vị trí mong ước của bản thân

Dựa trên sở thích cá nhân, những ưu và nhược điểm của bản thân, vị trí mà tôi luôn muốn đạt được trong ngành Truyền thông chính là Creative Director. Việc trở thành một Creative Director có thể giúp tôi thỏa sức thể hiện đam mê đối với nghệ thuật tạo hình tượng cho thương hiệu, truyền tải thông điệp của thương hiệu đến với công chúng. Dù đây là một vị trí khá khó khăn để đạt được, đòi hỏi phải có vốn kiến thức sâu rộng, kĩ năng cũng như kinh nghiệm dày dặn, nhưng tôi hy vọng rằng với ngọn lửa luôn sôi sục dành cho ngành Truyền thông cũng như sự nỗ lực bền bỉ của mình, tôi có thể chạm tay đến vị trí này vào một ngày không xa.
_________________________________________________________________________

Mục đích của bài viết:

  • Cung cấp cho người đọc một cái nhìn chân thật về việc theo đuổi ngành Truyền thông
  • Củng cố lại vốn kiến thức cơ bản về ngành Truyền thông
  • Xác định độ thích hợp của bản thân đối với ngành nghề mình đang theo đuổi và vạch ra mục tiêu cần đạt được.

Target audience:

  • Những bạn trẻ, đặc biệt là học sinh lớp 12 đang muốn theo đuổi lĩnh vực Truyền thông.

Các bước ra ý tưởng và sắp xếp ý:

  • Xác định được mục đích của bài viết
  • Lên bố cục cho bài viết
  • Research qua một số thông tin, những khái niệm, định nghĩa chuyên ngành
  • Phân tích, đưa ra quan điểm của bản thân trong bài viết để trả lời cho những câu hỏi: “Tại sao? Như thế nào?”