Vô cảm, độc ác từ thiếu dinh dưỡng tinh thần
Chúng ta thường cất câu hỏi: hôm nay sẽ ăn gì? Thế nhưng, chúng ta hầu như không cất tiếng hỏi: hôm nay chúng ta sẽ đọc gì, xem gì,...
Chúng ta thường cất câu hỏi: hôm nay sẽ ăn gì? Thế nhưng, chúng ta hầu như không cất tiếng hỏi: hôm nay chúng ta sẽ đọc gì, xem gì, nghe gì.
Khi chúng ta kiếm được tiền thì hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ vật chất như ăn uống, mua sắm, tích lũy mà chúng ta quá ít nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống tinh thần.
Nhiều người khi có được một mảnh đất rộng thường xây một ngôi nhà càng to càng tốt mà không nghĩ đến một mảnh vườn để trồng cây và hoa và để chim chóc đến ở.
Trong rất nhiều ngôi nhà chúng ta không thấy một tủ sách, không thấy một bức tranh hay những đĩa nhạc. Có một thời, nhiều nam thanh nữ tú thuộc con cái của những gia đình giàu có tham gia các cuộc đua xe và sẵn sàng chết. Họ bỏ phanh xe, quấn khăn lên đầu và phóng xe điên rồ từng đoàn trên phố.
Tôi đã nói chuyện với một thanh niên quen biết đã tham gia đua xe. Chàng trai đó nói anh không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và anh muốn phá tan cái cảm giác u uẩn đó. Có một bóng mây u ám nào đó đang phủ kín tâm hồn họ và họ muốn xóa tan đám mây đó. Nhưng họ không biết cách nào giải phóng tâm hồn họ ngoài những hành động điên rồ như vậy hoặc lao vào ma túy và những thú vui vật chất khác. Vật chất chỉ có thể thỏa mãn những đói khát xác thịt còn văn hóa mới giải phóng được tâm hồn.
-> Bài viết đầy đủ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Bài viết này chạm tới một vấn đề vừa quen vừa lạ: Vì sao con người lại trở nên vô cảm hơn, lại đâm đầu vào những 'thú vui' kỳ quặc vô nghĩa?
Lời đáp: Vì tâm hồn của con người quá nghèo nàn.
(Hẳn nhiên, đây không phải một câu trả lời đầy đủ và còn quá nhiều yếu tố khác chưa được xét tới: như môi trường, như hoàn cảnh gia đình, hay là các áp lực... Tuy thế, nếu ngưng mơn trớn nhau thì... ừ, đây là đáp án)
(Ảnh: christopher relander)
Cũng khá đáng sợ nhỉ, cái cảm giác trong mình trống rỗng và rồi phải khỏa lấp bằng những niềm vui nhất thời. Nếu chê trách những người như thế thì tôi cũng thấy không đành lòng. Bởi tôi đã quen biết bao người từng yêu và từng say mê rất nhiệt thành, đến nỗi dốc lòng dốc sức. Nhưng rồi, họ thất vọng. Họ không thể vượt qua tường thành cuối cùng. Vì người đứng trên đổ đá xuống vùi lấp họ. Hoặc chính đồng đội đâm sau lưng họ. Đại loại thế. Họ suy sụp.
Họ mất lòng tin.
Việc mất lòng tin có thể khiến một người trở nên yếu đuối không tin được. Mà trớ trêu thế này, lòng tin và tình yêu ban đầu càng lớn thì tổn thương càng kinh khủng. Họ trở nên cạn khô, tuyệt vọng, dần dần biến thành loại người vô cảm và thậm chí tàn bạo. Chứng kiến bạn bè của mình biến đổi theo chiều hướng như vậy, sẽ chẳng ai nỡ lòng chê trách, chỉ biết tìm cách ở bên cạnh, chờ cho thời gian làm mọi việc ổn lại.
Đôi khi nghĩ lại, tôi băn khoăn liệu những người như bạn mình, ngoại trừ việc trèo cao ngã đau ra, thì họ còn sụp đổ vì nguyên do khác: Đó là không còn điều gì khác có khả năng níu giữ, bảo vệ, nâng đỡ, xoa dịu họ? Lúc này, tôi trở về lập luận ban đầu: Thế giới tâm hồn, thế giới tinh thần của cá nhân quá nghèo nàn; vậy nên không có đủ cơ sở để chống đỡ một khi cây cột trụ bị phá vỡ.
Nhìn lại mình, đã có thể tự tin mà nói nội tâm đã đủ mạnh mẽ để chống chọi, tồn tại trong xã hội này một cách tử tế hay chưa?
/an-choi
- Hot nhất
- Mới nhất