Chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã quá quen thuộc với những bộ phim, phóng sự, bài báo, cuốn sách về người lính trong chiến tranh. Tất cả đều là sự vinh danh, là phần thưởng xứng đáng cho những người đã cống hiến mồ hôi xương máu, đã can đảm, gan dạ chiến đấu vì Tổ quốc, vì lí tưởng. Là một người Việt Nam thì đối với mỗi chúng ta những điều đó còn trở thành một phần cuộc sống. Bởi hai cuộc kháng chiến trường kì chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sẽ không thể giành thắng lợi và cuộc sống mà chúng ta biết ngày hôm nay sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có họ. Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, việc vinh danh những người lính thậm chí là làm quá lên những chiến công của họ là điều luôn diễn ra. Nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ nhìn vào những mặt khác của điều này, mà nếu có thì cũng rất mơ hồ.
Liệu trong số các bạn, đã có ai từng nghĩ hoặc cho rằng sự vinh danh, làm quá những chiến công của người lính có thể là một sự khuyến khích bạo lực và chiến tranh. Điều này là hoàn toàn có cơ sở nhất là khi được truyền tải tới những người có nhận thức sai lệch hoặc không đủ khả năng để nhận thức sâu sắc vấn đề, vốn chiếm một số lượng không hề nhỏ. Hãy nhìn vào những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, cuộc chiến đã gây ra biết bao đau thương cho tất cả các bên tham gia. Dù vậy, những người lính Mỹ, họ đã nghĩ gì khi tình nguyện sang Việt Nam, họ cảm thấy thế nào khi trút từng viên đạn, từng trái bom về phía những người Việt Nam. Tự hào, sung sướng, mãn nguyện? Vì được phụng sự tổ quốc, được tiêu diệt Cộng sản, được bảo vệ đất nước, vì đã noi gương những người đã cống hiến để bảo vệ đất nước? Và thế là từ một cuộc chiến tranh phi nghĩa, việc giết được nhiều người Việt Nam bỗng chốc trở thành một việc làm vinh quang. Còn khi họ nhận ra điều đó thì đã là muộn và thậm chí sau lại họ lại tiếp tục mắc phải sai lầm ấy. Sẽ có người cho rằng sự tuyên truyền đả kích, bài trừ Cộng sản mới là lí do khiến các thanh niên Mỹ tình nguyện sang Việt Nam. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác. Sự tuyên truyền ấy chỉ khiến các thanh niên Mỹ căm ghét Cộng sản. Nhưng động lực khiến họ quyết định cầm súng sang Việt Nam tàn sát chính là do những ảo tưởng về sự vinh quang, do nhận thức sai lệch về việc cần noi gương những người anh hùng trong quá khứ. Và phải chăng có lẽ những tổ chức khủng bố, những phiến quân cũng được lập nên vì những lí do ấy? Do những ảo tưởng về một cuộc khởi nghĩa đòi lại quyền lợi cho dân tộc mình, về một cuộc lật đổ chính quyền họ cho là thối nát như những người anh hùng trong quá khứ. Và một lần nữa có lẽ phải chăng cái tư tưởng thù địch cực đoan với người Trung Quốc và cả những vụ bạo động như ở Bình Dương cũng là vì những điều ấy cùng trình độ dân trí thấp gây nên.
Tuy vậy chả lẽ chúng ta nên bỏ hoàn toàn những sự vinh danh dành cho những người chiến sĩ. Không không, nếu làm như thế thì chúng ta có còn xứng đáng được gọi là con người không hả những kẻ vô ơn. Tôi cũng thích xem, thích nghe, thích đọc về những người lính. Tôi cũng cảm thấy tự hào về những chiến công của cha ông. Và tôi cũng sẽ không bao giờ cho phép bản thân mình quên đi những điều ấy. Nhưng một câu hỏi mà tôi đã tự hỏi bản thân rất nhiều và không biết có ai trong số các bạn đã suy nghĩ rằng liệu những người lính có muốn mình và những chiến công của mình được vinh danh trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng hay không?
Chiến tranh không bao giờ chỉ toàn những vinh quang. Chiến tranh là địa ngục trần gian. Là nơi mọi sai lầm đều có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc. Gắn liền với chiến tranh chính là những bi kịch, những nỗi kinh hoàng, những ám ảnh, những cú sốc tâm lí đeo bám người lính suốt cả cuộc đời. Tất cả đều vô cùng đáng sợ đến mức họ không bao giờ muốn nhớ lại. Số người lính bị như vậy là không thể đếm nổi. Nhưng mà khi họ muốn quên đi thì chúng ta lại ngày ngày nhắc về nó, tìm đến họ để nhờ họ sống lại những ký ức kinh hoàng ấy. Vậy liệu sự vinh danh ấy có đáng không? Sẽ có người cho rằng những người lính muốn được như vậy, muốn mình được tất cả mọi người nhớ đến, thậm chí muốn được nổi tiếng. Còn tôi tin rằng những người lính họ ra trận không phải vì muốn được lưu danh mà chỉ đơn giản là vì muốn được cống hiến. Còn những chiến công, những sự vinh danh chỉ đơn giản giống như những đám mây lướt qua cuộc đời họ. Và rồi thay vì ngắm nghía đến chói mắt thì họ sẽ để mặc lại đám mây ấy và trở về với cuộc sống của mình. Còn những người thích nổi tiếng, tôi cho rằng những người đó thậm chí cùng không đủ can đảm ra chiến trường chứ chưa nói đến việc lập chiến công.
Và để giải quyết những điều đó, tôi xin đưa ra một số giải pháp:
- Đầu tiên, tôi không biết liệu đã có ai làm như thế này chưa nhưng theo tôi, cần có sự cho phép của những người lính vẫn đang còn sống thì chúng ta mới được phép nói về họ và những chiến công của họ trên các phương tiện truyền thông.
- Còn điều thứ hai đó là chúng ta cần có thêm cả những phóng sự, bài viết,...về bộ mặt thật của chiến tranh, về sự đáng sợ và kinh hoàng của nó chứ không chỉ đơn thuần là vinh quang. Để giáo dục cho mọi người thấy mọi hành vì kích động bạo lực chiến tranh đều là ngu xuẩn và điên rồ. Vinh quang chỉ dành cho kẻ thắng cuộc. Giống như cái cách người ta sẽ gọi miền Bắc Việt Nam là bọn khủng bố, bọn giết người hàng loạt và đủ những thứ kinh khủng nhất nếu năm ấy miền Bắc Việt Nam thua cuộc. Hay giống như cái cách họ tôn Hitler như một vị thánh đã có công thống nhất toàn bộ thế giới nếu năm ấy Đức Quốc Xã giành chiến thắng để thống trị thế giới.
Cảm ơn tất cả mọi người vì đã đọc.