Hôm nay là ngày 31/12/2023, ngày mai là 01/01/2024 – tết dương lịch. Một năm nữa lại qua với bao nhiêu vui buồn. Trong khi người người nhà nhà lên mạng flex thành tích năm qua đã làm được gì và chưa làm được gì, thì trong cuộc sống thực chúng ta đang đi gặp họ hàng, bạn bè, người thân. Mỗi dịp lễ, tết như vậy trong lòng tôi lại trỗi lên một nỗi lo vô hình về những bộ câu hỏi rất đỗi “khó chịu” của rất nhiều người khi về quê. Đó là những câu hỏi cực kì riêng tư về tiền bạc:
“Cháu lương bao nhiêu?” “Năm nay mày kiếm được nhiều không?” “Năm nay công ty bạn thưởng tết nhiều không?”
Sau khi tôi trả lời những câu hỏi đó xong sẽ là một tràng vô tận những thằng A, con B đi du học kiếm được từng này tiền, anh C chị D làm content Tiktok xây được cả nhà lầu cho bố mẹ, bạn E bạn F làm IT mới mua được con Mẹc đẹp lắm,… cùng rất nhiều sự so sánh, nói bóng nói gió cực kì khó chịu. Dần dần những câu hỏi như thế khiến tôi rất ghét phải đi giao tiếp với họ hàng và bạn bè vào những dịp lễ như thế này. Đến một ngày đẹp trời kia, sự ức chế của tôi khiến tôi phải hành động. Tôi vùng lên và bật lại luôn. Ồ, kết quả ngoài mong đợi của tôi. Tôi vừa hết khó chịu và sự khó chịu lại chuyển sang cho họ. Hóa ra giao tiếp lại có hiệu quả hơn và tôi lại thích giao tiếp hơn. Tôi dần hiểu được ai thực sự quan tâm đến mình và ai chỉ là đang châm chọc mình mà thôi. Hôm nay, bài viết này sẽ lạm bàn về khái niệm “Money shaming”, cách nhận ra nó và cách phòng tránh.

1, Khái niệm

Money shaming là hành động của một người nhằm “miệt thị” khả năng tài chính, sức khỏe tài chính của người khác thông qua các hành động như: Sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ… nhằm chê bai, chế giễu, đánh giá, phán xét… một cách ác ý về tình hình tài chính của người khác.
Hành động chê bai người khác mang ý nghĩa tiêu cực dễ khiến nạn nhân trầm cảm thậm chí tìm đến cái chết vì cảm thấy tự ti, mặc cảm hoặc bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự.
Money shaming xảy ra phổ biến hiện nay đặc biệt là trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok…
Miệt thị người khác hay Money shaming có thể chỉ xuất phát từ một câu nói đùa như “mày nghèo thế, dạo này nghèo khổ thế,…”
Nhưng hành vi Money shaming còn có thể mang ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác như: Nghèo như vậy mà cũng đòi tán em kia à; nghèo vậy mà cũng học lớp này à; Nghèo vãi đ** ;…
Những câu nói Money shaming vô tình hoặc cố ý cũng đều mang đến những suy nghĩ tiêu cực cho người khác, là “vũ khí vô hình” làm tổn thương đến người khác. Và đặc biệt, Money shaming người khác đã và đang diễn ra rất phổ biến trên các mạng xã hội cũng như trong đời sống hằng ngày.

2, Tại sao người ta lại Money shaming người khác?

Có nhiều động cơ khiến một người lại đi money shaming người khác. Nhưng tựu chung lại sẽ có 4 lý do chính sau:
a) Không giỏi giao tiếp, không biết tìm câu chuyện chung nào để nói nên đành nói về tiền.
b) Có ý tốt, muốn thúc đẩy bạn phấn đấu. Hỏi để xem giúp đỡ được bạn gì không.
c) Có ý xấu, hỏi nhằm mục đích gây khó dễ, miệt thị sự nghèo khó của bạn.
d) Nghĩ bạn có ý xấu, tấn công bạn trước để bạn không tấn công lại họ.
Trường hợp a) Chúng ta gặp rất nhiều. Họ hàng lâu ngày gặp lại, nhiều khi mặt và tên còn chả nhớ nhau. Thật khó để tìm điểm chung giữa câu chuyện của hai người. Nên hầu như người ta chỉ hỏi những câu hỏi xa giao với bạn thôi. Không có ý tốt, cũng chẳng có ý xấu. Vô thưởng vô phạt. Loại này dấu hiệu là bạn trả lời vu vơ thì người ta thường cũng im im luôn không đào sâu vô nữa.
Trường hợp b) Gặp rất ít. Nhưng đã gặp thì tuyệt vời. Bạn phải thấy cơ ở trong nguy. Nếu đã xác định người ta có ý tốt với mình thì phải nhiệt tình, nói rõ vấn đề của mình. Rất có thể người ta sẽ giới thiệu cho bạn một công việc ngon lành. Hoặc một hướng đi tối ưu cho bạn ở thời điểm hiện tại. Nhưng vẫn lưu ý là cuộc đời này “nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều”. Phải hết sức cẩn thận vì rất nhiều người giả vờ thiện lương.
Trường hợp c) Gặp nhiều. Đây là loại lòng lang dạ sói. Khẩu phật tâm xà. Bề ngoài thơn thớt nói người nhưng bên trong bụng giết người không dao. Người ta hạ bạn xuống để nâng người ta lên. Dấu hiệu nhận biết người này là bất kể bạn trả lời câu hỏi như thế nào thì họ cũng sẽ liên tiếp gây khó dễ cho bạn. Bạn nói gì họ cũng phủ định. Họ nói bóng nói gió, nói vòng nói vèo, ẩn dụ hoán dụ. Kể câu chuyện anh A anh B, chị A chị B kiếm tiền tỷ, thu nhập cao,… kể như thể đã chuẩn bị từ trước. Nói chung họ đem lại cho bạn cảm giác bị gây khó dễ, chèn ép và triệt hạ. Nói chuyện với những người này rất áp lực.
Trường hợp d) Kha khá ít. Loại này thì lại rất thú vị. Thường là cao nhân, từng trải, tâm cơ thâm trầm. Thật khó để phát hiện ra họ. Nhưng chịu khó quan sát thì sẽ ra thôi.

3, Cách nhận ra mình đang bị Money shaming.

Có hai loại Money shaming là trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp thì dễ phát hiện thôi. Đó là qua những câu hỏi và những câu cảm thán về tiền bạc người ta dành cho bạn:
“Cháu lương bao nhiêu?”
“Năm nay mày kiếm được nhiều không?”
“Năm nay công ty bạn thưởng tết nhiều không?”
( Câu hỏi)
“Nghèo như vậy mà cũng đòi tán em kia à!”
“Nghèo vậy mà cũng học lớp này à!”
“Sao nghèo thế nhỉ!”
(Câu cảm thán)
Gián tiếp thì tinh vi hơn, khó phát hiện ra hơn nhưng nghĩ kĩ thì sẽ thấy rất thâm nho nhọ đế. Gián tiếp rất đa dạng thể loại và nhiều biến thể, xin kể ra một vài kiểu như sau:
a) Flex một cách quá đáng bản thân. Mũ hãng gì, áo hãng gì, quần hãng gì, giày hãng gì. Mũ bao tiền, áo bao tiền, quần bao tiền, giày bao tiền. Sau đó hỏi giá tiền và hỏi brand của mũ, áo, quần và giày của bạn.
b) Kể rõ ràng rành mạch câu chuyện thằng A con B thu nhập khủng như thế nào, mua nhà ra làm sao, mua xe ra làm sao. Ngay sau khi vừa hỏi bạn thu nhập thế nào, mua nhà mùa xe chưa.
c) Mời bạn đi ăn một bữa ăn xa hoa đắt tiền mà bạn không thể chi trả nổi để chứng minh họ lắm tiền như thế nào. Sau đó khéo léo nhắc cho bạn về sự lắm tiền của họ. Để bạn cảm thấy rõ rệt sự chênh lệch giàu nghèo giữa hai người.
d) Mời bạn đến một bữa tiệc, bóc quà của bạn và của tất cả mọi người ngay trước mặt mọi người để thể hiện sự nghèo khó của bạn.
e) Chê phương tiện đi lại của bạn. Hoặc là đùa cợt về nó.
f) Hỏi bạn khi nào thì xây nhà, khi nào thì mua ô tô trong khi rõ ràng biết thu nhập của bạn rồi.
Rất nhiều nữa, các bạn có thể bổ sung dưới phần bình luận.

4, Cách phòng và chống Money shaming.

Chúng ta đều khác nhau và những người chúng ta nói chuyện đều khác nhau. Tình huống nói chuyện khác nhau và rất đa dạng. Tôi sẽ không đưa ra một câu thần chú có thể hóa giải mọi đòn tấn công của Money shaming. Thế nhưng mà tôi sẽ chỉ cho bạn một số cách “kháng phép” cơ bản sau đây.
Cách 1: Phòng bị ngay từ đầu.
Không có sự phỏng thủ nào là tuyệt đối cả. Nhưng sẽ có những cách phòng thủ tối ưu hơn cách phòng thủ khác. Chuẩn bị trước là một trong những cách như thế. Hãy nghĩ về những lần họp lớp trước đứa nào là đứa hay gây khó dễ cho bạn nhất? Trong những lần về quê thì ai là người hay hỏi mấy câu vô duyên về tiền bạc nhất? Họ là loại nào trong 4 kiểu người đi Money shaming người khác? Họ hay hỏi trực tiếp hay gián tiếp?
Hãy tránh mặt họ đi. Tránh va chạm tối đa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào mà. Nếu chẳng may gặp thì cũng im im ít nói cho qua chuyện. Nếu phải trả lời thì trả lời thật nhạt nhẽo vào. Để họ cụt hứng nói chuyện với bạn. Họ sẽ quay sang tấn công người khác thôi.
Cách 2: Hãy nghĩ ra những kịch bản tốt đẹp, những chủ đề câu chuyện khác ngoài tiền bạc để nói chuyện.
Hãy biết cách đánh trống lảng. Khi người ta hỏi về tiền thì mình nói về thời tiết, về bữa cơm, về rượu hôm nay ngon quá, về trận bóng hôm qua, về sổ xố hôm nay về bao nhiêu, về chiến tranh Ucraina, về hôn nhân gia đình,… tùm lum các chủ đề khác. Những chủ đề vô thưởng vô phạt, không động chạm ai.
Cách 3: Chủ động tấn công, phản công nhanh mạnh.
Cách này là lấy cứng đối cứng. Gặp phải đối thủ mạnh mẽ và dai như đỉa đói thì cách này thực sự có hiệu quả. Điểm trừ duy nhất là bạn phải tập phản xạ, đôi khi gặp người mạnh quá thì toang. Trả lời thật nhanh và gãy gọn. Sức công phá càng cao càng có hiệu quả.
Phản công: “Cháu lương bao nhiêu” – “Cháu còn thua lương con trai bác”
“Cháu lương bao nhiêu” – “Bác biết cháu tên là gì không””Biết cháu con ai không mà hỏi haha”
“Năm nay mày kiếm được nhiều không?” – “Cháu đáng thất nghiệp, bác có chỗ nào có việc giới thiệu không”
“Năm nay mày kiếm được nhiều không?” - "A thằng này mày chê tao nghèo à?"
Chủ động tấn công: Cảnh báo Tà đạo, sử dụng tất cả các thể loại sát thương có thể dùng. Người sử dụng phải giữ vững tam quan kẻo bị thoái hóa biến chất. Cách này sử dụng cả body shaming, face shaming, money shaming, marriage shaming, sex joke,… để tấn công người ta trước. Chỉ dùng để đối phó với kẻ ác.
“Dạo này anh gầy thế nhỉ? Chắc cãi nhau với vợ nên bị bỏ đói đúng không haha”
“Ơ cậu có thức đêm nhiều không, sao mắt lại thâm quầng thế kia”
“Quỳ nhiều lắm đúng khum, thấy đầu gối thâm hết rồi kìa, lần sau chịu khó đi đôi quần tất vào nhé”
“Phấn nền hôm nay hơi xu cà na nha”
"Ơ mặt bạn dính cái gì kìa, hình như là sự nghèo đó bạn"
“Bác cố gắng sống thọ đến lúc cháu giàu nhé bác, bác là dạo này ốm yếu lắm rồi đấy”
Vân vân… nói chung là cứ xem kẻ thủ ác khác nói gì rồi cosplay theo, sớm muộn cũng đắc đạo.
Chúc các đạo hữu giữ vững đạo tâm khi thực hiện cách số 3 nhé.
Cách 4: Kiếm thật nhiều tiền.
Cách 1, Cách 2, Cách 3 chỉ là tiểu đạo thôi, nâng cao năng lực tài chính của bản thân mới là đại đạo. Khi bạn giàu rồi thì họ không thể miệt thị bạn vì sự nghèo được nữa. Nụ cười chế diễu ngày hôm qua sẽ tắt ngấm. Thay vào đó họ mới là người phải lo lắng về những câu hỏi kia.
Cảm ơn vì đã theo dõi bài viết. Nhớ upvote để ủng hộ tác giả.
Đọc thêm:
31/12/2023 An Phạm