Người ta vẫn nghĩ đi cùng nhóm bạn nhỏ sẽ được nói chuyện riêng tư, còn trong đám đông lớn là mất đi sự riêng tư. Nhưng có những người đối với họ, trong đám đông lớn họ tìm thấy riêng tư cho chính mình, với nhóm bạn nhỏ họ lại miễn cưỡng chia sẻ góc riêng đó. 

Trong một đám đông lớn, bạn có thể nói chuyện nếu bạn muốn và đi chỗ khác lẳng lặng quan sát nếu chẳng cần. Bạn tự có một thế giới riêng, không ai quá quan tâm đến bạn cả. Số đông bận trò chuyện với nhau vài phút rồi lại tranh thủ tìm người khác chuyện trò. Ai nấy cũng nỗ lực dùng chất riêng của mình để thu hút bất kì ai. Nhưng bạn không cần “miễn cưỡng” chạm đến ai, để giữ sự riêng tư cho chính mình. Những lúc như vậy, bạn sẽ thấy mình rất đặc biệt. Nhưng nếu bất chợt thấy ai đó cùng cảnh ngộ (đứng một mình giống bạn), bạn tự bớt đặc biệt hóa chính mình.
Trong một đám bạn nhỏ, bạn có thể nhận được sự quan tâm lâu và sâu hơn. Bạn được phép nói nhiều hơn, nhưng bạn không còn cho phép mình nói. Bạn nhận ra không phải ai lắng nghe mình cũng có thể hiểu mình. Không phải ai ngồi lại cùng mình là có chỗ đứng trong trái tim mình. Dù buồn trong lòng nhưng bạn vẫn phải cười, nên bạn mới thấy cuộc đời mình có khi buồn cười như vậy: Cố gắng đi cùng ai đó để mong một ngày chúng ta được cùng đi. Vậy mà khi có nhiều bạn, bạn vẫn có khi cảm thấy một mình. 
Có lẽ chúng ta không sợ kết nối, chúng ta chỉ cần một lý do đủ lớn để tự kết thân với người khác. Chúng ta không phải muốn nói, mà muốn một người hiểu điều mình nói. Nhưng để có người hiểu thì cần phải nói. Dùng ngôn ngữ có lời để diễn tả những nỗi cô đơn không thể nói nên lời. Nếu không nói ra thì làm sao biết.. Nhưng nói ra chắc gì đã được hiểu? Một sự mâu thuẫn choáng ngự trong tâm trí. Và câu hỏi đặt ra liệu mình có sẵn sàng mạo hiểm nói ra tiếng lòng để đánh cược liệu họ sẽ hiểu hoặc không? Như ván bài thua nhiều lần sẽ tự học cách để bớt thua, bị phũ nhiều lần bạn sẽ tự tìm cách để bớt bị phũ. Hoặc may mắn hơn, tìm được người hiểu mình. 
----
Bữa có bạn nói về một hội chứng mang tên “Cô độc hướng ngoại” - Outgoing Autism. "Cô độc là không có ai ở bên, không ai hiểu thấu, một mình đơn độc chống chọi mọi thứ trên cuộc đời; hướng ngoại là cởi mở, hòa đồng, nhiệt huyết và dễ hòa mình vào với những người xung quanh. Tưởng chừng như đây là hai khái niệm hoàn toàn trái ngược, thế nhưng nó vẫn tồn tại ở một số người..Những người "Cô độc hướng ngoại" có thể tự mình hòa vào đám đông nhưng cũng có thể tự tách mình ra và là những người rất khó để có thể nắm bắt.
Có ai thấy mình giống vậy không? 
Đọc thêm: