Hôm nay có một bạn nick là Tôm Lê đăng bài trong group “Osho Việt Nam: Thiền và Yêu” nói về bốn loại “giải”: giải đáp, giải thích, giải buồn và giải ngu. Lời của bạn thế này:

Tôi được nghe: có 4 loại Giải: Giải đáp: là dạng trả lời đúng câu hỏi, đúng đáp số. Nhưng người nghe có câu trả lời vẫn không hiểu nguyên lý, không thông minh, không tiến bộ thực sự; Giải thích: là dạng trả lời làm sao khiến người nghe thích thú nhưng không tiến bộ thực sự, khiến người nghe hâm mộ người nói; Giải buồn: dạng trả lời giúp người nói giải tỏa căng thẳng bực mình; Giải ngu: là dạng trả lời giúp ích cho người nghe hiểu biết thật, giúp xóa bớt ngu si, ảo tưởng.

Ví dụ: Khi có một cô gái hỏi vì sao một chàng trai thích cô ấy:

Người giải đáp: anh ta thích em vì anh ta thích thôi, chả vì sao cả.

Người giải thích: anh ta thích em vì em đẹp và em tốt tính, anh ta chăm sóc em vì anh ta rất yêu em.

Người giải ngu: anh ta quan tâm đến em là do anh ta ham muốn thân thể của em đấy. Anh ta nhắn tin cho em nhiều để em phụ thuộc anh ta dần. Anh ta đưa em đi chơi, chăm sóc em rất nhiều, nhưng có khi mục đích đằng sau chỉ là muốn sở hữu em. Đằng sau một câu nói, một hành động tốt hoàn toàn có thể do tâm hồn xấu quyết định.

Sự thật thì bốn khái niệm này dùng chung chữ “giải” – nghĩa là giúp cho một điều gì đó thoát khỏi trói buộc (trong “giải cứu, giải khai”). Thằng em mình cũng có làm một cái page tên “Giải ảo bảo hiểm”. Chữ “giải thích” lại là một từ ghép, không phải giải cho người ta thích như ý của bạn nói. Về mặt từ ngữ thì bốn khái niệm trên được hiểu theo một nghĩa khác, không chính xác so với khái niệm gốc của chúng, tuy nhiên đó là một cách hiểu thú vị.
Bài này mình sẽ dùng cách lý giải của bạn Tôm Lê để nói thêm về bốn loại “giải” này. Thứ tự của các loại “giải” do mình sắp xếp lại theo một thứ tự mà mình cho là tăng dần.

1. Giải đáp: là đưa ra đáp án cho những vấn đề mà một ai đó đang gặp. Cùng một câu hỏi, đáp án này có thể khác nhau theo từng cấp độ, từng hoàn cảnh. Nhiều khi nó chỉ là một quy ước hay luật lệ nào đó. Đáp án có thể không phải là câu trả lời chính xác và duy nhất, nó mang tính thống nhất và quy ước nhiều hơn. Giống như việc đứa bé hỏi mẹ nó con từ đâu sinh ra, mẹ nó bảo: mẹ lượm ngoài bãi rác về. Đó là một loại giải đáp.
Giải đáp theo ý của tác giả thì lại là việc đưa ra đáp án đúng nhất có thể và giúp cho người hỏi có đầy đủ thông tin và kiến thức để lý giải về vấn đề, nhưng không gợi ý sâu xa hơn, không giúp họ tiến bộ. Điều này giống như google vậy, nó có thể có mọi thông tin cần thiết, vấn đề là đọc, hiểu và vận dụng thông tin đó như thế nào là việc của mỗi người.
2. Giải thích: Cái này thật ra đúng nghĩa của nó là cùng nghĩa với giải đáp bên trên, nhưng bạn này lại diễn chữ “thích” ra thành việc nói sao cho người ta thích, sao cho người ta hâm mộ người nói, chỗ này rất vui mà cũng đúng. Có rất nhiều biểu hiện ở các diễn giả, những người chuyên khích lệ tinh thần làm việc hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo, người làm sale, marketing, bảo hiểm hoặc bán hàng đa cấp… Những người này thường rất giỏi, hoặc học thuộc bài do những người rất giỏi soạn ra, rồi sau đó dùng lý lẽ và tài hùng biện để khiến cho người nghe thật thích thú, say mê, tràn đầy năng lượng, bước ra khỏi vùng an toàn gì gì đó để làm theo ý họ.
3. Giải buồn: Cũng là một loại cảm xúc, mà thiên về an ủi người ta hơn. Dạng này thường thấy ở những người bạn thân với nhau hoặc mấy tổng đài tư vấn. Người ta nghe tâm sự của người buồn, tỏ ra đồng cảm, phân tích một chút rồi chuyển hướng cảm xúc sang chỗ khác hoặc nói điều gì đó gây hứng thú để khiến người nghe bớt buồn, có thể có vài lời khuyên vô hại nào đó nữa. Dạng câu hỏi và câu trả lời “giải buồn” này thường thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
4. Giải ngu: Đây là một trạng thái khó đạt được, vì nó không chỉ liên quan đến khả năng truyền đạt của người nói mà còn ở khả năng tiếp thụ của người nghe. Mà không chỉ là khả năng, phần nhiều còn ở cái duyên giữa hai người. Cùng một điều nhưng người này nói thì người ta không nghe, không hiểu, người khác nói thì người ta lại nghe, lại hiểu.

Tác giả Tôm Lê thì cho rằng: Người giải ngu có thể sẽ chẳng trả lời được, vì họ chỉ trả lời nếu điều ấy có ích cho người nghe.Để hiểu được người nghe, họ tốn thời gian hỏi han, thấu hiểu trình độ, vấn đề mà người nghe đang gặp phải.

Mình cũng đồng ý với quan điểm đó. Muốn giải đáp hay giải thích, giải buồn thì dễ thôi, còn giải ngu thì còn phải tùy duyên, có khi mình biết rõ mình không thể nào đủ khả năng nói cho người kia hiểu, họ không trùng với tầng năng lượng của mình, không kết nối được với nhau thì không nói còn tốt hơn.
Nhìn lại thì các bài viết của mình đều ở trạng thái “giải thích” theo nghĩa đúng của nó: giảng giải về ý nghĩa, nói ra suy nghĩ, góc nhìn về một chủ đề nào đó. Không có kích thích cho người ta ham muốn cái gì, cũng không chủ động “giải buồn” cho ai, tất nhiên càng không cao đến độ “giải ngu”.
Mình vẫn luôn cố gắng nói điều muốn nói một cách dễ hiểu, rõ ràng và đơn giản nhất, và đôi lúc cũng tự hỏi có thể làm gì đó tốt hơn, cao hơn một chút được không. Có nhiều thứ trải nghiệm mà mình không nghĩ có thể giải thích cho người khác hiểu, mình chưa viết ra. Thôi để từ từ, khi nào đến lúc đủ duyên thì viết, giờ cứ tiếp tục “giải thích” thôi.
Không biết các bạn đọc qua bài này thấy bốn khái niệm kia thế nào, mình thấy thú vị ghê.
03.3.2020