Khoảng giữa thế kỷ XVIII, cách mạng công nghiệp tuy đã lắng xuống, nhưng ở châu Âu vẫn còn dấy lên những tranh luận về tính thẩm mỹ của các sản phẩm được tạo ra bằng quy trình sản xuất hàng loạt. Nhiều trào lưu đã phát sinh để tìm cách giải quyết bài toán về sự đối lập giữa quy trình sản xuất công nghiệp và tính thẩm mỹ của sản phẩm, mà rộng hơn là giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật, giữa máy móc và con người. Nhưng hầu như lời giải tối ưu – toàn diện – nhất quán – lâu dài nhất lại đến từ một trường đào tạo mỹ nghệ ở Đức có tên là Bauhaus.
Tòa nhà Bauhaus ở Dessau
Bauhaus được thành lập năm 1919 bởi kiến trúc sư Walter Gropius. Trong khoảng 14 năm tồn tại (1919-1933), trải qua 3 thế hệ hiệu trưởng (Walter Gropius, Hannes Meyer và Ludwig Mies van der Rohe), di dời địa điểm 2 lần (từ Weimar chuyển sang Dessau năm 1925, rồi lại từ Dessau chuyển sang Berlin năm 1932), Bauhaus đã để lại những di sản to lớn cho nghệ thuật, kiến trúc, lẫn thiết kế mà không thể nào nói hết.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin trình bày 3 vấn đề: triết lý của Bauhaus, những đóng góp lớn nhất của Bauhaus đối với thiết kế nói chung và ngành thiết kế đồ họa nói riêng.
1. Triết lý của Bauhaus:
Tính toàn thiện, hoàn chỉnh của mọi thiết kế: Bauhaus muốn liên kết các loại hình nghệ thuật tạo tác từ kiến trúc, điêu khắc đến hội họa với kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ; cũng như tái lập và đúc kết kinh nghiệm từ tất cả những trường phái mỹ nghệ trước đó để tạo ra những sản phẩm có tính nhất quán và hoàn chỉnh về tinh thần, nội dung lẫn hình thức. Gropius quan niệm mọi nghệ thuật thị giác đều phải hướng đến việc thiết lập một tổng thể có tính vật chất, cụ thể là không gian sống, nhằm làm địa hạt cho các trải nghiệm giác quan của con người văn minh. (Theo đó, mỹ thuật thuần túy sẽ trở thành mỹ thuật ứng dụng, và cùng với tri thức về khoa học kỹ thuật và tính phổ cập đại chúng, nó trở thành khái niệm ‘thiết kế’.)
Tuyên ngôn Bauhaus (1919) viết bởi Walter Gropius
Thiết kế hướng đến bình đẳng xã hội: Về phía người tạo tác, sẽ không còn phân biệt giữa nghệ sĩ và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ hay người sản xuất, không còn ngăn cách về địa vị, năng lực, sự phù phiếm hay kiêu ngạo… vì nghệ nhân đồng thời là nghệ sĩ, nghệ sĩ đồng thời là kỹ sư, tất cả những kiến thức đa ngành sẽ được hội tụ lại ở 1 con người để đảm bảo tính toàn thiện và hoàn chỉnh. Về phía người tiêu dùng và thưởng lãm, các sản phẩm được tạo ra sẽ hướng đến sự giản tiện, tiết kiệm và đồng nhất để phục vụ cho sự tiêu dùng của toàn dân – bất kể họ thuộc giai tầng xã hội nào.
(Hai điều trên được thể hiện ở Bauhaus Manifesto năm 1919 của Walter Gropius)
Hình thức phải tuân theo chức năng: Dù tạo tác của thiết kế có là một cái ghế, một cái tủ hay một ngôi nhà, thì hình thức của nó cũng phải trung thành với chức năng của chính nó, nghĩa là, nó phải hữu hiệu, bền chắc, kinh tế và đẹp.
Nắm cửa trước giai đoạn cách mạng công nghiệp rất cầu kì và tốn sức khi gia công.
Tay nắm cửa được thiết kế bởi học viện Bauhaus, vẫn được dùng đến ngày nay.


















Giản tiện trong sự đa dạng, tiết kiệm về không gian, chất liệu, thời gian, tiền bạc: Bauhaus khuyến khích sự khám phá những chất liệu mới, sự tìm tòi nghiên cứu những kỹ thuật mới. Song, với thiết kế, mỗi cá nhân phải sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống để phát triển những sự mới mẻ trong thiết kế; nghĩa là, thiết kế phải tuân thủ những luật lệ nguyên tắc của thời đại, không có những chi tiết bóng bẩy, phù phiếm không cần thiết. Sự giới hạn về những đặc điểm thiết kế, hình dạng và màu sắc là để đảm bảo khả năng tái thực hiện bởi những người khác trong sản xuất công nghiệp trên quy mô lớn. Việc thiết lập tiêu chuẩn trong thiết kế là để đảm bảo cho sản xuất công nghiệp để phục vụ đại chúng. Trong kiến trúc, cụm từ “tính công năng” có thể dùng để mô tả đặc điểm này.
(Hai điều trên được thể hiện ở Principles of Bauhaus Production năm 1926 của Walter Gropius)
Mr. "Armchair" thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe năm 1927.  

2. Di sản của Bauhaus trong thiết kế

Chương trình đào tạo thiết kế của Bauhaus: 
đây là chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển cho đến hoàn thiện bởi nhiều thế hệ giảng viên của Bauhaus từ Walter Gropius, Johannes Itten, László Moholy-Nagy đến Josef Albers. Chương trình này tích hợp các kiến thức về mỹ thuật thuần túy lẫn thiết kế. Nó bắt đầu bằng một khóa sơ bộ để giúp học viên làm quen với chất liệu, lý thuyết về màu sắc, đường nét, hình khối và các “đơn vị” cơ bản nhất của nghệ thuật thị giác… để chuẩn bị cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Những người thầy ở Bauhaus, trên tầng thượng của tòa nhà Bauhaus Dessau. Từ trái sang phải: Josef Albers, Hinnerk Scheper, Georg Muche, László Moholy-Nagy, Herbert Bayer, Joost Schmidt, Walter Gropius, Marcel Breuer, Vassily Kandinsky, Paul Klee, Lyonel Feininger, Gunta Stölzl and Oskar Schlemmer.
Tiếp đó, học viên sẽ được đến các workshops để học song song với thực hành tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Những workshops này được phân loại theo chất liệu, bao gồm đồ kim loại, đồ gỗ, dệt may, đồ gốm, typography và vẽ tranh tường. Từ 1925 trở về sau, Bauhaus mở thêm nhiều workshops về các chất liệu khác, về photography, và cả kiến trúc.
Thời kì đầu, mỗi workshop có 2 giáo viên, 1 chuyên về kỹ thuật và 1 chuyên về mỹ thuật. Về sau, khi trình độ mỗi giáo viên được nâng cao, đồng thời 1 số học viên xuất sắc được giữ lại giảng dạy, chỉ còn cần 1 giáo viên đảm nhiệm workshop.
Chương trình đào tạo thiết kế của Bauhaus là chương trình đào tạo thiết kế hoàn chỉnh đầu tiên, làm nền tảng cho sự ra đời của các chương trình đào tạo thiết kế ngày nay, trong đó có thiết kế đồ họa.
Bauhaus đã khẳng định một điều tạo tác cái đẹp là một năng lực có thể được truyền dạy và khơi nguồn từ chính mỗi người
Mô hình khóa học ở Bauhaus.
Cơ sở lý thuyết của mỹ thuật ứng dụng:
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, thông qua những workshops, những buổi triển lãm, những tạp chí và sách được biên soạn bởi những giảng viên và học viên xuất sắc, Bauhaus đã để lại những lý thuyết quan trọng trong lĩnh vực thiết kế mà đến nay vẫn còn được đánh giá cao:
1. Lý thuyết thị giác Gestalt: 
Bauhaus vận dụng công trình nghiên cứu mang tính phổ quát của thị giác con người này để đề xuất những phát kiến của mình về thiết kế. Lý thuyết Gestalt đề xuất khái niệm về similarity/continuity; closure/proximity; figure-ground; symmetry.
2. Functionalist Typography: 
Typography của Bauhaus chịu ảnh hưởng bới triết lí về “tính công năng”. Theo đó, chữ được đối xử như đúng mục đích sử dụng của nó – phương tiện giao tiếp. Vì vậy, Bauhaus hạn chế mọi biến đổi thêm thắt đối với các chữ cái. Mặt khắc, Bauhaus hướng đến sự cắt giảm các chi tiết thừa của con chữ nhưng vẫn đảm bảo tính dễ đọc, ngắn gọn, đơn giản. Bauhaus hầu như chỉ tập trung phát triển chữ Sans Serif, phủ nhận font Serif và font Black Letter của dân tộc Đức hiện thời vì cho là chúng cầu kì một cách thừa thải, thiếu tính bình đẳng, tính đại chúng và tính quốc tế. (Điều này về sau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kềm cặp về chính trị của Đức Quốc Xã đối với Bauhaus) Bauhaus xem chữ có sức nặng tương đương hình ảnh, và đối đãi với nó như với shape vậy. Những đặc tính nổi bật nhất của typgraphy của Bauhaus là clean lines, less is more, geometric foundation và text as shapes.

3. Negative Space: 
tức khoảng trống, vùng không gian không có một objects hay text gì cả. Khác với Expressionism ngay trước đó, các nghệ sĩ Bauhaus cảm thấy sự dồn nén, sát khít và quá mức của các đối tượng hình ảnh gây ra một sự khó chịu và thiếu lí tính, đồng thời không thể được cảm thụ hiệu quả bởi đại chúng. Họ nhận ra việc tận dụng khoảng trống có giá trị quan trọng trong việc tạo ra tính cân bằng và hài hòa của thiết kế. Và họ đã áp dụng điều này không chỉ trong hội họa, mà trong cả điêu khắc, nhiếp ảnh, kiến trúc…
"Untitled," 1928 của László Moholy-Nagy
4. Geometric Abstraction: 
Không gian hai chiều trong tạo hình mỹ thuật của Bauhaus đã thay đổi cách thể hiện truyền thống bằng cách triệt tiêu các nỗ lực tả thực. Các shape được ngăn cách ra bởi những line màu với độ dài biến đổi. Wasily Kandinsky, Paul Klee, Johannes Itten, Oskar Schlemmer, Laszlo MoholyNagy, và Josef Albers đều tin là việc sử dụng những hình học cơ bản là cách thể hiện phù hợp nhất của thời hiện đại. Trong cuốn Point and Line, Kandinsky nói, “Một cách tự nhiên nhất, kiến thức khoa học mới của mỹ thuật có thể phát triển khi cho phép những dấu hiệu được trở thành biểu tượng và mắt nhìn và tai nghe của con người tự biết mở ra một con đường từ tĩnh lặng đến ngôn từ.“

5. Lý thuyết về màu sắc: 
Lý thuyết về màu sắc của Bauhaus được khai mở đầu tiên bởi Johannes Itten với các lý thuyết về hue, saturation, sự nóng lạnh của màu sắc, về khả năng phối màu… mà đến ngày nay vẫn còn được dạy ở nhiều nơi. Về sau Josef Albers mở rộng thêm lý thuyết này tới cái ảo giác về màu sắc, tác động của chúng lên nhận thức và tình cảm con người… khi nghiên cứu và phân tích nó dưới ánh sáng của tâm lý học. Đây là những đóng góp rất quan trọng trong lý thuyết về sử dụng màu sắc trong thiết kế đồ họa đương đại.
Một trong những điều được kể lại rất nhiều là những giảng viên lẫn học viên ở Bauhaus thực sự đã xây dựng được một cộng đồng cùng chung sống và làm việc tích cực, hiệu quả và giàu tình cảm. Họ luôn đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Mặc dù các giảng viên lẫn học viên ở Bauhaus đã nỗ lực rất nhiều trong việc duy trì hoạt động và cộng đồng Bauhaus, năm 1933, dưới sức ép của Quốc Xã, Bauhaus buộc phải đóng cửa. Những giảng viên ở Bauhaus lưu lạc ở nhiều nơi khác nhau, nhiều người nhập cư ở Liên Xô hoặc Hoa Kỳ. Ở những nơi này, họ được ưu ái giao những vị trí giảng dạy ở những trường Đại học hoặc Cao Đẳng về thiết kế và mỹ thuật ứng dụng. Nhiều nơi trên thế giới cũng ráo riết tìm kiếm và tuyển dụng những người từng được học tại Bauhaus để giúp họ phát triển mô hình đào tạo tương tự. Tuy Bauhaus đã không còn, nhưng tất cả những con người ở học viện Bauhaus ngày trước đã mang những di sản vô giá của 14 năm qua ấy lan tỏa ra khắp thế giới. Sức ảnh hưởng của những di sản ấy vẫn tồn tại đến tận ngày nay.



Bài viết này có tham khảo những nguồn tư liệu sau: 
[1] Group project for ART 328: History of Graphic Design. Fall 2014. The building blocks of Bauhaus
[2] Michael Erlhoff & Tim Marshall, Design Dictionary, Perspective on Design Terminology (2008)
[3] Walter Gropius, Bauhaus Dessau—Principles of Bauhaus Production (1926)
[4]  Walter Gropius, Bauhaus Manifesto and Program (1919)
[5] Bernhard E. Bürdek, History, Theory and Practice of Product Design (2005)
[6]  Alex Walker , Simone Sala,  Dial-a-Style #1: Bauhaus Design on Sitepoint. Link: https://www.sitepoint.com/nailing-detail-bauhaus-design/
[7] Maya Lekach, Know Your Design History: The Bauhaus Movement on 99designs. Link: https://99designs.com/blog/creative-inspiration/know-your-design-history-the-bauhaus-movement/