"Vì sao em lại chọn ứng tuyển cho vị trí a,b,c này?"
Câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn
Dường như ai phỏng vấn xin việc làm, có thể là intern, specialist hay manager ở các công ty lớn nhỏ khác nhau đều mắc phải câu hỏi tưởng chừng nghe thì dễ nuốt nhưng để ăn điểm trong mắt của HR thì lại là câu chuyện khác.
Một số lỗi thường mắc phải
Ứng viên hay mắc những lỗi gì khi phỏng vấn?
Ứng viên hay mắc những lỗi gì khi phỏng vấn?
Khi trả lời thì nghe có vẻ trơn tru nhưng kết quả nhận lại là đơn từ chối. Vậy nguyên nhân là do đâu?
a/ Yếu tố ngoại cảnh
Ngoại cảnh có thể là những câu trả lời mà khiến cho nhà tuyển dụng "không đỡ trước được" vì tính cá nhân của nó. Một số ví dụ minh họa cho nguyên nhân đầu tiên:
- Ba mẹ em thấy công ty này tốt nên kêu em apply vào thử - Em cần kiếm tiền trang trải chi phí học tập - Em thất nghiệp và đây là công việc duy nhất em tìm được
Well...ý là nó không sai, nhưng đó là chuyện của bản thân mà, ai lại quan tâm chứ? HR chỉ cần biết vì sao bạn là chọn ứng tuyển công việc này là do bản thân tự tin có đủ năng lực, có kinh nghiệm hay cảm thấy mình phù hợp với vị trí này chứ không quan tâm nguyên nhân chủ quan của bạn vì cơ bản nó không thể hiện được điều gì ở bản thân cũng như không chứng minh được vì sao công ty nên chọn bạn cả.
b/ Chưa tìm hiểu kỹ về công ty
Nghe có vẻ hư cấu vì làm gì có ai bao giờ đi ứng tuyển lại không biết gì về công ty đó chứ. Thật ra là có và có nhiều lại là chuyện khác. Điều này khá phổ biến ở các bạn đi rải CV khắp các công ty đang tuyển dụng vị trí mình quan tâm, vì tâm lý của các bạn đó đơn giản "chỉ cần mình chăm chỉ rải CV thì kiểu gì chả có công ty mời đi phỏng vấn". Vì vậy, khi được hỏi về những gì mình biết về công ty thì lại "xịt keo":
- Em không biết gì về công ty ạ - Em chỉ biết công ty sơ sơ thông qua quảng cáo trên mạng thôi ạ - Em nộp CV cho nhiều công ty nên không có thời gian tìm hiểu
Vâng, -1 điểm trong mắt nhà tuyển dụng với các câu trả lời như vậy. Bản thân ứng viên còn không quan tâm và có sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như vậy thì mốt đi làm thì không biết chuyện gì xảy ra nữa đây. Ứng viên không đặt cái "tâm" vào việc phỏng vấn thì liệu có đặt cái "tâm" vào công việc của mình không?
c/ Trả lời một cách ngang ngược
Bạn không đọc nhầm đâu! Một vài trường hợp trả lời như kiểu tạt gáo nước lạnh vào mặt HR vậy đó. Mình không "vơ đũa cả nắm", nhưng dường như 1 vài bạn GenZ trả lời phỏng vấn hơi thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng, đặc biệt các các tuyển dụng online. Một vài câu trả lời nghe có vẻ khó tin nhưng đã có trường hợp xảy ra trong các cuộc phỏng vấn:
- Em thấy mở tuyển vị trí đơn apply vào thôi - Em không quan tâm lắm công việc, nhưng em cần việc nên mới chọn vị trí này - Thì em thấy em đáp ứng đủ nhu cầu của vị trí nên em ứng tuyển thôi
Thiệt tình mà nói thì các câu trả lời này thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng cực kì. Nếu ngẫm lại thì sẽ thấy rằng chính bạn là người có nhu cầu tìm việc chứ HR không có nhu cầu cần bạn cho công ty. Hãy nghĩ rằng nếu thái độ trả lời như vậy thì khi vào công ty làm thì thái độ còn tiếp diễn ra thế nào nữa.
Vậy thì phải trả lời thế nào để ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng?
Làm thế nào để "lấy lòng" nhà tuyển dụng?
Làm thế nào để "lấy lòng" nhà tuyển dụng?
Theo như quan điểm cá nhân của mình, mình sẽ chia làm 3 tiêu chí để trả lời: Hiểu biết về công ty, độ phù hợp về văn hóa, độ cam kết lâu dài.
a/ Hiểu biết về công ty
Việc bạn hiểu biết về công ty chứng tỏ bạn đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn, dù không nói trước được điều gì nhưng nhà tuyển dụng đã thấy được việc bạn đặt cái tâm vào việc phỏng vấn của bản thân và một chút quan tâm cho công ty.
Không cần phải hiểu biết quá sâu rộng để rồi kể ra một nùi thứ dài dòng để "flex" sự hiểu biết cho nhà tuyển dụng đâu! Bạn đơn giản chỉ cần nói một vài điều cơ bản có thể là về sản phẩm, dịch vụ hoặc định hướng tương lai của công ty là đủ để thể hiện được sự quan tâm rồi. Bạn có thể trả nôm na như thế này:
- ...em đặc biệt rất thích sản phẩm và dịch vụ này của công ty, vì nó có chất lượng rất tốt và rất được các đối tượng xyz tin tưởng sử dụng - Em thấy sứ mệnh của công ty mình rất phù hợp với định hướng tương lai của em và em nghĩ nếu em có cơ hội được làm việc cho công ty thì em sẽ cố gắng hết cống hiến hết mình để hoàn thành sứ mệnh đó
b/ Phù hợp với văn hóa
Văn hóa ở đây là văn hóa công ty, khái niệm nhỏ hơn là khai niệm văn hóa. Văn hóa công ty là giá trị, niềm tin, quy tắc và hành vi chung được chi sẻ bởi các thành viên trong công ty. Nói một cách dễ hiểu hơn thì văn hóa công ty được thể hiện qua các mặt như là giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh, quy định cũng như hành vi ứng xử. Vậy thì nó liên quan gì đến câu trả lời?
Cũng dễ hiểu thôi mà! Có thể có nhiều công ty đang tuyển vị trí đó tại cùng một thời điểm, và bạn chọn công ty abc để apply thì phải chứng minh rằng mình là mảnh ghép phù hợp với công ty.
Vậy thì trả lời thế nào để chứng minh bản thân xứng đáng được lựa chọn? Sau đây là một vài câu trả lời theo ý kiến của mình.
- Mặc dù có một vài công ty đang ứng tuyển vị trí này, nhưng sau khi em tìm hiểu kĩ thì em lại ấn tượng với công ty mình nhất do em cảm thấy sứ mệnh xyz của công ty là rất tốt và phù hợp với hướng phát triển của bản thân em. - Em thấy môi trường làm việc của công ty rất năng động, trẻ trung và nó rất hợp với một bạn Gen Z như em . Bên cạnh đó, những quy định và giao tiếp ứng xử trong công ty khá chặt chẽ và đúng đắn nên em nghĩ đây sẽ là cơ hội để em phát triển những kĩ năng giao tiếp của bản thân mình.
c/ Độ cam kết lâu dài
Độ cam kết lâu dài là yếu tố cuối cùng cũng như là yếu tố thể hiện tầm nhìn, định hướng đường đi của bản. Tuy biết là "cuộc sống ai lường trước điều gì", nhưng trước mắt việc bạn cam kết như vậy sẽ tạo ra được niềm tin cho nhà tuyển dụng cũng như thể hiện được ước mong được làm việc và định hướng phát triển bản thân. Một số cách trả lời khôn khéo vấn đề này:
- Nghề xyz là định hướng nghề nghiệp lâu dài của em nên em nghĩ đây sẽ là nơi để em được thể hiện những hiểu biết của bản thân cũng như là nơi phù hợp để trau dồi những kiến thức cần có cho tương lai - Em cảm thấy bản thân mình rất phù hợp với những văn hóa, định hướng, sứ mệnh của công ty nên em nghĩ đây sẽ là nơi em gắn bó lâu dài để phát triển bản thân
Kết luận
Tóm cái váy lại thì phỏng vấn là chuyện không thể thiếu được khi đi xin việc làm. Tuy nhiên kết quả của cuộc phỏng vấn lại không nằm ở những thông tin trên tờ giấy mà nó nằm ở chính thái độ và cái miệng của bản thân. Câu hỏi "Vì sao em lại chọn vị trí này?" gần như có khả năng ra rất cao và cũng là một trong những bước đệm giúp bạn nổi bật hơn so với cái ứng viên khác, vì vậy hãy chuẩn bị câu hỏi này thật kỹ lưỡng và trả lời nó một cách khôn ngoan nhất có thể.
Nguồn hình ảnh: