Vì sao Trung Hoa thường thất bại khi xâm chiếm Việt Nam?
Sử sách Trung Hoa không thiếu những bậc kì tài, những vị tướng đánh Đông dẹp Bắc lưu danh thiên hạ.Hà cớ nào tất cả đều bại trận khi...
Sử sách Trung Hoa không thiếu những bậc kì tài, những vị tướng đánh Đông dẹp Bắc lưu danh thiên hạ.Hà cớ nào tất cả đều bại trận khi đánh sang Việt Nam, là vì sao?
Để giải thích vấn đề này ta sẽ nhìn vào các vấn đề then chốt như: Địa hình, khí hậu, chính trị, mục đích của Trung Hoa đại lục lẫn Việt Nam từng giai đoạn.
Bàn về địa hình:
Chuyện biên giới Việt-Trung:
Nhìn vào bản đồ ta thấy được khu vực biên cương Trung-Việt chỉ từ cánh cung 3 tới cánh cung 4 có địa hình tạm xem là bằng phẳng ( dưới 1500m). Trong khi những khu vực khác địa hình rất cao ( trên 1500m), nên nếu nhìn vào bản đồ mà đánh giá, rõ ràng con đường tạm cho là dễ đi nhất chỉ có một đường duy nhất.
Ngoài ra, các vua chúa nước Nam ta cũng luôn tạo mối quan hệ tốt với các dân tộc nơi đây. Một mặt nhằm tránh sự bạo loạn vì các vị vua đều hiểu rằng khi các dân tộc miền núi bạo loạn, rất khó để đánh dẹp hoàn toàn được. Bằng chứng là sự phát triển của người Mông Cổ ở khu vực miền núi. Mặt khác các vua chúa muốn dùng các dân tộc này như một vùng đệm, tai mắt phòng khi Trung Hoa sang xâm lược.
➤ Từ đó, các vương triều Trung Hoa rất khó để phát động một cuộc chiến chớp nhoáng phủ đầu quân đội ta.
Chuyện địa hình Thăng Long:
Kinh thành Thăng Long đặt ngay tại Hà Nội, ngay từ cái tên " Hà Nội" ta nhìn thấy "Hà" là sông, "Nội" là bên trong, vậy có nghĩa Hà Nội là khu vực có rất nhiều con sông bao quanh.
Xét theo góc độ của người trấn thủ: đây rõ ràng là một căn cứ quân sự tự nhiên hoàn hảo. Xung quanh Hà Nội là đồng bằng, sông nước thuận lợi cho việc trồng trọt (phục vụ chiến tranh).
Xét theo góc độ của kẻ đi đánh: rõ ràng tình hình không suôn sẻ cho lắm. Đặt chân qua biên giới thì có các dân tộc vùng cao quấy nhiễu, nhiều đồi núi dốc làm chậm việc binh nhu. Về phần bộ binh, các con sông gây trở ngại cho việc tiến binh của một lượng lớn bộ binh. Về phần thủy binh, rừng rậm và các con sông nhỏ ngoằn ngoèo khiến cho tàu chiến trở thành nơi tập bắn phá của quân phục kích.
Chuyện địa hình Trung Hoa:
Các triều đại Trung Quốc phần lớn cho đặt kinh đô tại khu vực Bắc Kinh, Khai Phong. Nếu xét quãng đường từ Bắc Kinh-Khai Phong tới Hà Nội ( 2325km) còn lớn hơn rất nhiều so với chiều dài nước Việt ta thời NAY ( 1750km). Qua đó, thay vì đem lực lượng chính quy có qua đào tạo sẽ rất tốn kém thì việc bốc dân tại các khu vực lân cận được xem là tiết kiệm chi phí, thời gian hơn.
Kết luận: chỉ riêng về phần địa hình, ta thấy được chỉ riêng việc điều binh đi đánh đã là một bài toán "khó" cho các vương triều Trung Hoa. Tiếp sau đây ta sẽ bàn về vấn đề khí hậu, một vũ khí tự nhiên của quân dân ta và kết hợp với địa lý nước Việt sẽ trở thành một rào cản phòng thủ kiên cố hơn bất kì pháo đài quân sự nào trên thế giới!
Bàn về khí hậu:
Ở Châu Á, ta nhìn thấy Việt Nam nằm hoàn toàn từ Chí tuyến Bắc đến gần Xích đạo, trong khi đó Trung Quốc có xu hướng nằm từ Chí tuyến Bắc trở lên. Vậy sự khác biệt giữa hai khu vực vĩ tuyến dẫn đến điều gì?
Khí hậu miền Bắc Việt Nam:
Miền Bắc có bốn mùa rõ rệt gồm Xuân, Hạ, Thu, Đông. Với sự hạn chế trong công nghệ, kĩ thuật. Chuẩn bị tấn công một quốc gia có thể lên đến vài tháng đến vài năm. Mà một năm có 4 mùa, nghĩa là mỗi mùa sẽ là 3 tháng. Điều này ảnh hưởng như nào đến thời cuộc?
Nếu quân Trung Hoa muốn đánh vào mùa Xuân đồng nghĩa họ phải chuẩn bị vào mùa Thu hoặc Đông. Nếu họ muốn đánh vào Hạ thì phải đốc binh vào Đông hoặc Xuân, đánh vào Thu thì phải sẵn sàng từ Xuân hoặc Đông và nếu muốn đánh Đông thì phải có binh từ Hạ hoặc Thu. Điều này cho thấy để sẵn sàng một lực lượng binh nhu thì phải mất khoảng độ 3-5 tháng. Vậy nó ảnh hưởng như thế nào?
Xét về mùa Xuân: thời điểm ăn Tết của cả ta và Trung. Tinh thần chiến đấu thời điểm này không cao, tiềm lực huy động cũng khó khăn khi binh lính được cho về quê ăn Tết.
Xét về mùa Hạ: khí hậu nóng bức oi ả của miền Bắc chắc chắn không dễ chịu gì với người Trung Hoa, vì họ đa phần sống ở vùng từ Chí tuyến Bắc trở lên. Chênh lệch nhiệt độ tại khu vực này sẽ làm binh sĩ dễ mắc bệnh, những căn bệnh tưởng chừng đơn giản như ( tả, sốt, rét, cúm) ngày nay chính là án tử với nên y học kém phát triển khi xưa. Xuất binh đánh vào mùa Hạ khiến tỉ lệ tử vong do bệnh cao, làm suy nhược tinh thần chiến đấu hơn cả mùa Hạ.
Ngoài ra, cơn mưa mùa hạ sẽ là rào cản tuyệt vời làm chậm bước hành quân cũng như vận chuyện lượng thực. Đường đất đá gặp mưa không khác gì một vũng đầm lầy làm chậm quá trình tiến công cũng như vận tải lương thực. Chậm lương thực là một chuyện, lương thực bị hỏng hóc lại là chuyện khác, cho rằng binh sĩ có thể ăn lương thực hỏng cầm cố qua ngày nhưng chính lẽ đó sẽ làm họ dễ mắc bệnh hơn. Một vong tuần hoàn "bệnh" không thể thoát khỏi!
Xét về mùa Thu, Đông: đây có thể coi là thời điểm lí tưởng để đánh vì nhiệt độ khá phù hợp với nền nhiệt chung của Trung Quốc, nhưng làm gì có chuyện đánh trong 3 tháng bao giờ! Nghĩa là sau 3 tháng tiến đánh, họ phải đối mặt với mùa đông miền Bắc, sự thay đổi nhiệt độ này đối với con người hiện đại còn dễ mắc bệnh huống chi là người xưa. Cái lạnh là vũ khí tự nhiên ghê gớm bằng chứng là Napoleon và cuộc chinh phạt nước Nga, hay Hitler và chiến dịch xâm lăng thánh địa Cộng Sản. Hai sự thất bại này phần lớn là công của mùa đông giá rét. Nói vậy để ta biết sự tác động ghê gớm đến cục diến chiến sự của mùa đông.
Kết luận: với sự khác biệt của khí hậu, tinh thần cũng như các chiến sách chiến đấu chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều. Kết hợp với sự khắc nghiệt của địa hình, một bức tường cao sừng sững được dựng nên tác động nặng nề tâm lý, sức khỏe của quân sĩ. Và Napoleon, Hilter chính là ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này.
Bàn về chính trị:
Trung Quốc trước thời nhà Nguyên:
Lịch Sử trung học dạy ta rằng ta đánh thắng Trung Hoa. Nhưng lịch sử nước ta cũng hiếm khi nói đến việc " Trung Hoa đó" là Trung Hoa như thế nào? Trước thời nhà Nguyên, Trung Quốc luôn bị chia năm xẻ bảy bởi diện tích khổng lồ của họ. Đó không phải là một Trung Hoa thống nhất. Vậy nếu xem xét trước thời nhà Nguyên, ta chỉ đang đánh với một Trung Hoa "bất ổn".
Điển hình là nhà Tống, khi này vừa căn mình chống nhà Tây Hạ, Kim vừa đi xâm chiếm nước Việt. Tuy vậy, nhà Lý với sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt cũng nhiều lần rút quân và sau cùng là đóng trại ở bờ sông Như Nguyệt. Một bậc anh tài như Lý Thường Kiệt cũng không ít lần rút quân dẫu cho đánh trên sân nhà cho thấy rõ ràng quan-quân Trung Hoa không phải chỉ toàn kẻ bại trận. Đánh du kích, phòng thủ chính là thế mạnh của quân ta khi quân dịch gặp khó trong việc tải lương ( xa xôi, cướp bóc, kinh phí cao), hoăc gặp khó với khí hậu Việt Nam. Kết quả ra sao? cả hai bất phân thắng bại và quân Tống đành rút quân về nước. Liệu đó có phải là bỏ chạy, là yếu kém?
Mình cho rằng không, quân Tống vẫn có thể dốc toàn lực đánh ngay sông Như Nguyệt, nhưng đánh rồi thì làm gì tiếp? giữ như nào, và hao tổn trên con sông này sẽ ảnh hưởng như nào đến sự tồn vong của nhà Tống trước thế lực Tây Hạ, Kim? Nên nhìn vào cục diện riêng tại Việt Nam, quân Tống đã thua, nhưng nhìn vào cục diện toàn mặt trận, có lẽ đây là cách tốt nhất cho sự sống còn của vương triều Tống.
Trung Quốc từ thời nhà Nguyên:
Đây có thể coi là một Trung Hoa thống nhất, tuy nhiên vẫn còn đó những thế lực nổi dậy trong khắp khu vực nhưng không đáng kể như thời kì "bất ổn". Vậy Trung Hoa thua có phải do kém nhân tài không?
Trung Quốc thời kì này không chỉ đem binh đánh nước ta, mà còn đánh các quốc gia lận cận, hay sang đánh cả trời Âu. Giữ một quốc gia, giữ các thuộc địa, đánh các quốc gia khác, thiết nghĩ chuyện này còn khó hơn việc thống nhất gian sơn " đánh thì dễ, giữ mới khó". Vậy xem ra các thời kì này, quân phương Bắc này cũng cực nhọc không kém hay thậm chí là hơn thời kì "bất ổn chính trị".
Ngoài ra, sự tranh giành quyền lực trong triều đình cũng tác động không nhỏ đến thời cuộc. Kẻ muốn đánh, người muốn dừng, đảo chính. Những người cầm đầu đã như vậy thì lòng quân sẽ ra sao?
Kết luận: Chính trị rối loạn, cũng như những khó khăn khi phải nghĩ cách điều binh, chiến phí đắt đỏ gây ra rối loạn xã hội là những yếu tố khiến các vương triều Trung Hoa ngao ngán khi phải đánh trong một thời gian dài.
Bàn về mục đích:
Yếu tố mục đích cũng góp phần vào chiến lược, sự thành bại của cả hai bên.
Về phía Việt Nam:
Chúng ta sau 1000 năm Bắc thuộc đều có sự căm thù nhất định với giặc phương Bắc, chúng ta có lý do để đánh, ta đánh vì tô quốc, ta đánh vì tín ngưỡng tổ tiên, ta đánh vì quê hương, gia đình. Tinh thần quân sĩ chắc chắn khác với những kẻ ngoại ban. Và tất nhiên, đánh ở sân nhà luôn có lợi hơn nơi đất khách.
Về phía Trung Hoa:
Mục tiêu xâm lược Việt Nam ta chỉ nhằm phục vụ cho vua-quan phương Bắc. Người lính sau các trận đánh thường được cho về quê với phần thưởng ít ỏi. Vậy mục tiêu đánh của lính Trung là gì? có phải ai cũng muốn hy sinh mạng mình mà chẳng mang lại giá trị gì? Và liệu Nho giáo, Phật Giáo (hai tôn giáo chủ đạo) có xem việc xâm lược là điều nên làm?
Ví dụ tiêu biểu là Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Ở đậy, mình không phủ nhận tài năng hơn người của Nguyễn Huệ nhưng ta cũng nên xem xét yếu tố mục đích của cả hai phe. Như Nguyễn Tiếp cũng đã nói:
Bây giờ, trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc. Chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào. Quân lính phân vân không biết sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê
Vậy là tính riêng mục đích đánh hay giữ cũng là một yếu điểm mà Tây Sơn có thể khai thác. Ngoài ra, Tết (mùa Xuân) cũng chính là lúc quan quân tiệc tùng tưng bừng, không màng quân sự. Ai nấy cũng muốn ăn chơi, trở về với gia đình. Chính lẽ đó, tinh thần binh sĩ lung lay dữ dội khi nghe tin Tây Sơn tiến đại binh đánh Thăng Long.
Tổng kết:
Vậy là bên cạnh yếu tố nhân tài, đại đoàn kết dân tộc, cũng có những yếu tố khác tác động không hề nhỏ đến sự thành-bại của ta và Trung. Có thể sẽ có ý kiến trái chiều nhưng nếu xem việc ta đánh Chiêm, Champa, ta sẽ thấy có một sự tương đồng rất lớn, mãi đến thời các chúa Nguyễn ta mới có thể thôn tính hoàn toàn Champa, dẫu cho bao lần ta đánh tan kinh thành Champa, Chiêm Thành, bắt sống các tôn thất, là vì sao? Có phải do ta quá hiền hậu mà tha cho họ, hay là vì lý do khác?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất