[Về việc lên kế hoạch đầu năm]
Không lên một kế hoạch cụ thể nào, lại có cái hay của nó.
(1)Tại sao người ta phải lên kế hoạch cho năm mới theo kiểu: năm nay tôi "phải" làm thế này thế kia; tôi "phải" hoạch định cuộc đời tôi theo một hướng đi, mà trong đó tôi đinh ninh rằng hướng đi đó, theo tính toán của tôi, là đúng nhất:
- Tôi "phải" cưới trong năm nay.
+ Thế rủi lên kế hoạch cưới mà không cưới được thì thế nào?
+ Thế rủi lỡ lên kế hoạch mà tôi "phải" cưới (vì tôi "lỡ" đặt kế hoạch) và hành động theo áp lực tôi tự đặt ra (hoặc người khác kì vọng tôi "phải" như vậy), thì có điểm yếu nào không? Có khả năng tôi sẽ quyết định trong hoàn cảnh thiếu dữ liệu để cân nhắc.
- Tôi "phải" mở mở rộng công việc kinh doanh trong năm nay.
+ Lỡ như tôi gặp một trục trặc nào đó, không phát triển được trong năm nay, thì thế nào?
+ Lỡ như tôi lên kế hoạch và "phải" mở rộng mô hình kinh doanh trong năm nay (vì tôi "lỡ" đặt ra kế hoạch và "phải" thực hiện nó), thì có điểm yếu nào không? Vẫn như trên: một quyết định trong tình trạng thiếu thông tin, quyết định trong tình trạng bị áp lực.
(2) Vậy thì tôi không lên một kế hoạch nào. Vậy có điểm yếu nào không? Có khả năng tôi sẽ không "vận động", tôi không thể đẩy cuộc đời mình tiến lên phía trước, vì tôi không cố gắng để thử điều gì mới để khám phá bản thân.
- Nhưng tại sao việc "không lên một kế hoạch nào" lại tương đương với việc "không cố gắng để khám phá bản thân"? Nói cách khác, có cách nào để tôi Khám phá bản thân, và đồng thời không ràng buộc mình vào bất cứ một hướng đi cụ thể nào không?
(1) Việc lên kế hoạch trong hoàn cảnh bị áp lực và thiếu thông tin, & (2) việc không có một định hướng trong năm tới. (1) dễ dẫn người ta tới những ngã rẽ đúng (hoặc sai), nhưng nghiêm trọng hơn, nó gây ra một cảm giác xoa dịu kiểu "Ít nhất, tôi cũng đã làm được một điều nào đó trong danh sách kế hoạch của tôi", trong khi ở những Lịch sử thay thế khác, tôi có thể có những ngã rẽ khác. Tôi không thật sự biết được những kế hoạch nào là đúng đắn nhất.
Nói cách khác, có rủi ro khi tôi gắn bản thân tôi vào bất cứ một kế hoạch cụ thể nào mà tôi tự đặt ra: hoặc nó không đạt được vì tôi đặt nó quá xa vời, hoặc nó đạt được và tôi phải bỏ ra chi phí cơ hội lớn, cho những kế hoạch khác mà tôi không đặt ra.
Một ngã rẽ, nó được định hình và ngày càng rõ ràng khi người ta tiếp nhận thông tin liên tục: nó có thể đúng trong giai đoạn này, và đồng thời không đúng trong giai đoạn khác. Khi lên một kế hoạch cụ thể, người ta đồng thời gạt bỏ cả tính ngẫu nhiên của cuộc sống: có khả năng những kế hoạch ta cố gắng đạt được, không còn hiệu quả và phù hợp, nhưng bởi vì ta "lỡ" lên kế hoạch, nên có gì đó thật sai trái khi ta không tuân theo kế hoạch đó nữa: vì kì vọng của người khác, hoặc vì tự trọng của chính ta nữa. Ta tự ép buộc ta "phải" tuân theo kế hoạch đó, bất chấp việc ngẫu nhiên nó không còn phù hợp. Việc buông bỏ không làm theo một kế hoạch không phù hợp, cũng đã rất dũng cảm.
Thật vô minh.
Nhưng có một nền tảng vững vàng hơn trong việc ra quyết định, là tư duy theo kiểu "phản đề":
- Tôi sẽ không có kế hoạch làm nhà du hành vũ trụ trong năm nay.
- Tôi sẽ không có kế hoạch đầu tư chứng khoán trong năm nay.
Nó chắc chắn hơn nhiều so với tư duy "Thuận đề":
- Tôi "phải" có một kế hoạch nào đó trong năm nay.
Và những cơ hội vẫn còn đó. Với hình thức tư duy này, ta đồng thời có thể duy trì được nhiều cơ hội tiềm năng, và dựa vào thông tin biến động liên tục, ta có thể ra quyết định nhanh và đỡ sai sót hơn.
Vì sao lại đỡ sai sót hơn? Cũng giống như những câu hỏi triết học kinh điển theo kiểu tư duy thuận đề "Tôi là ai?", tư duy theo kiểu "Tôi không thể là ai? " thì chắc chắn và chính xác hơn: ta phải chấp nhận số lượng tiềm năng cá nhân ta không có được, nhiều hơn số lượng tiềm năng cá nhân ta có được: Tuổi thọ và trải nghiệm cá nhân mỗi người có một giới hạn nào đó.
Bằng cách đó, ta loại bỏ bớt một số lượng Khả thể ta không thể trở thành, từ đó ta giải quyết gián tiếp được câu hỏi "Tôi là ai".
Việc lên kế hoạch cũng vậy.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất