Về việc giúp đỡ người khác
Về hai quan điểm trong việc giúp đỡ người khác và việc nhận sự giúp đỡ.
Mình sống ở vùng ngoại thành, nơi mà mọi người vẫn thường sống theo kiểu "Có đi có lại mới toại lòng nhau". Kiểu như, nếu hôm nay tôi giúp bạn thì hôm sau khi mà tôi cần, bạn cũng phải giúp tôi, nếu không, bạn là đồ con chó, đùa thôi, ý mình là vô ơn, không biết trước biết sau.
Điều ngược lại cũng tương tự, nếu như hôm trước người này giúp mình, mình sẽ tìm mọi cách để trả ơn cho họ sớm nhất có thể, và đôi khi nếu không làm được, mình cảm giác như mang nợ họ vậy. Điều thú vị ở quan điểm này mà mình quan sát được là, mọi người có xu hướng trả ơn xong là xong luôn, nhẹ gánh nhẹ nợ. Tức là giả sử như một người giúp bạn, sau đó bạn giúp lại họ, vậy là huề, cán cân giúp đỡ đã cân bằng, và mỗi người lại đường ai nấy đi, có khi chẳng hề nhớ tới việc mình đã được giúp thế nào nữa.
Bố mẹ mình có lẽ cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm này. Đơn cử như vài tuần trước, nhà mình (suýt) bị cháy, bác hàng xóm đã giúp đỡ nhà mình rất nhiều: gọi cứu hỏa, huy động mọi người xung quanh khuân giúp đồ ra khỏi nhà mình, còn bảo nhà mình mang đồ vào nhà bác để tạm nữa. Bác ý hàng ngày bán cá ở chợ; hôm nay có lẽ do chợ ế, bác gọi mẹ mình nhờ ăn hộ một con cá. Mẹ mình từ chối vì trong tủ vẫn còn chất nhiều đồ ăn, giờ mà thêm con cá to bự chắc hết chỗ để mất.
Buổi tối trong bữa ăn cơm, mình nghe bố mẹ nói chuyện. Bố mình thì cho rằng mẹ mình vẫn nên mua ủng hộ nhà bác ấy để trả nợ, do hôm trước nếu không có bác ấy, nhà mình chắc thành tro và bảo mẹ mình rằng hôm sau ra chợ, nếu thấy có cá có tôm thì cứ mua cho bác. Mẹ mình cũng đồng ý vậy. Mình khá ngạc nhiên vì mới chỉ cách đây không lâu, bố mẹ mình cũng chẳng tôn trọng hay yêu quý bác ấy lắm, vậy mà thái độ của họ đối với bác hàng xóm đã thay đổi.
Và mình cũng biết rằng, không bao lâu nữa, khi bố mẹ mình cảm thấy đã "trả nợ đủ", cán cân giúp đỡ tiến dần về cân bằng, mọi thứ sẽ lại dần về quên lãng. Có khi lúc ấy thái độ bố mẹ mình lại như khi chưa từng có đám cháy nào xảy ra.
Mình nghĩ điều này là do giả định ngắn hạn về thời gian và hẹp về không gian giữa mối quan hệ người với người. Ngắn hạn về thời gian là kiểu như, nếu ngày mai tôi chết, tôi chẳng nợ trần thế điều gì. Hẹp về không gian có nghĩa là ảnh hưởng của việc giúp đỡ nhau giữa hai người chỉ nằm trong cuộc sống cá nhân của hai bên, không liên đới gì tới người khác cả.
Mình lại có quan niệm hoàn toàn khác như trên. Mình nghĩ rằng mối quan hệ giữa người với người phức tạp hơn thế. Mỗi người trong chúng ta là một mắt xích nhỏ bé trong một mạng lưới khổng lồ và phức tạp. Mỗi một mắt xích hành động, dù ảnh hưởng ít hay nhiều, cũng làm cái mạng lưới đó rung theo.
Có lần mình đọc một câu hỏi trên Quora đại ý là "Nếu tôi không có con, tại sao tôi vẫn phải đóng thuế để xây dựng trường học?". Câu trả lời khi ấy khiến mình khai sáng ra phần nào (cái này cũng đại ý thôi nhé):
"Vì chúng ta là một xã hội cần sự tương trợ lẫn nhau. Chúng ta sẽ đều hưởng lợi, bằng cách này hay cách khác, khi đóng góp vào đó. Hôm nay, bạn đóng thuế cho giáo dục dù bạn không có con. Khoảng hơn chục năm nữa, khi bạn già yếu và đau ốm trong bệnh viện, những bác sĩ và y tá điều trị cho bạn có thể là những đứa trẻ khi xưa đã được cung cấp một nền giáo dục đủ tốt, nhờ vào những đồng thuế của bạn. Hay vài ngày nữa, khi nhà bạn cháy, những người lính cứu hỏa đến dập lửa cho nhà bạn có thể khi xưa đã được hưởng những điều kiện vật chất, mà một phần trong đó do ông bà hay bố mẹ của bạn đã góp công."
Thật vậy, khi chúng ta giúp đỡ một người nào đó, chúng ta không chỉ tương tác với người đó mà chúng ta đang tương tác với cả một xã hội. Và ngược lại, khi nhận được sự giúp đỡ, ta cũng đang nhận được phản hồi từ cả một hệ thống, một quá trình. Các bác sĩ không từ trên trời rơi xuống. Các bác sĩ phải trải qua một quá trình sinh trưởng, phát triển và rèn luyện để có thể điều trị cho bạn. Và trong quá trình ấy, họ cũng chẳng phải một bàn tay gây dựng nên tất cả mà cũng còn cần phải nhận được nhiều điều kiện về vật chất và tinh thần từ môi trường xung quanh họ, dù trực tiếp hay gián tiếp. Những người lính cứu hỏa, hay bất kì ai khác cũng vậy.
Tuy nhiên, ý mình không bảo rằng là cứ giúp đỡ một ai đó bất kì đi rồi một ngày sẽ nhận được đủ những thứ mà mình đã từng cho đi. Trong cuộc sống thực, khó có thể cân đong đo đếm được như vậy, và kể cả có thể làm thế, cơ hội cũng chẳng hề phân chia đồng đều. Nhưng ý mình muốn nói rằng, nếu như có cơ hội giúp đỡ người khác, tại sao không làm vậy, biết rằng việc mình làm có thể gia tăng cơ hội cho họ, và (khả năng rất nhỏ thôi) một ngày nào đó sẽ là cho mình?
Ngoài ra, còn một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định giúp đỡ người khác là chi phí - lợi ích của việc làm đó. Các bạn có thể nghĩ mình là đứa tính toán máu lạnh, nhưng khoan, hãy để cho mình giải thích. Đúng là mình có chút tính toán thật, nhưng mình thấy điều đó hoàn toàn hợp lý (đối với mình).
Trước khi muốn giúp người khác, mình phải tính xem việc đó có hợp lý không, mình có khả năng làm được không, nếu làm được, chi phí bỏ ra có xứng đáng với lợi ích đem lại không.
Về tính hợp lý, ý mình là việc họ nhờ mình có thỏa đáng không. Trong cuộc sống, mình đã gặp rất nhiều trường hợp mà có người nhờ mình những thứ mà tự thân họ có thể làm được. Ví dụ như, "Ê mày, từ này nghĩa là gì ý nhỉ?" hay "Mày ơi, mày làm giúp tao phần bài nhóm này của tao đi" hay là, "Ê lấy hộ cái bút vừa rơi xuống gầm bàn ở ngay cạnh chân tao phát". Mấy trường hợp như này, chắc chắn mình không giúp.
Sau khi xét tính hợp lý, mình sẽ xét đến khả năng của mình. Nếu không làm được, sẽ trả lời nhanh gọn lẹ luôn để họ còn tìm phương án khác, dền dứ chỉ tổ mất thời gian của cả mình lẫn họ. Còn nếu làm được, sẽ xét đến chi phí - lợi ích. Nếu lợi ích cho họ lớn hơn hoặc bằng chi phí mình bỏ ra, OK triển luôn. Còn nếu ngược lại, tức để giúp họ một điều nho nhỏ mà mình phải lao tâm khổ tứ, vắt kiệt sức lực thì mình sẽ từ chối.
Vậy còn những người đã giúp mình thì sao, chẳng nhẽ không thể một lần hi sinh vì họ? Thực ra điều này cũng còn tùy thuộc vào mức độ thân thiết của mối quan hệ. Nhưng nhìn chung, mình không nghĩ rằng để chiều lòng bên kia mà mình phải khổ sở giúp đỡ là ý hay. Vì về lâu về dài, điều này sẽ có hại cho cả hai bên. Một bên luôn nghĩ rằng chỉ cần nhờ là bên kia sẽ giúp rồi cứ thế nhờ những điều quá sức, một bên thì mệt mỏi, nhưng lại không nỡ từ chối vì luôn muốn làm hài lòng bên kia và dần dà, mối quan hệ sẽ không còn được tốt đẹp như nó có thể.
Trong các mối quan hệ, mình luôn giả định rằng chúng ta sẽ sống với nhau lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta sẽ luôn có nhiều cơ hội để giúp đỡ nhau. Mình giúp một người, không phải vì mong đợi một cơ hội trả ơn, mà chỉ đơn giản vì... mình có thể làm vậy. Tương tự vậy, mình cũng không giúp một người từng giúp mình để trả ơn họ, mà cũng chỉ là vì mình có thể. Đối với mình, ân huệ là một thứ quý giá mà không phải ai cũng có cơ hội nhận được, và vì vậy càng không thể cân đo đong đếm hay bù trừ cho nhau. Vậy nên, khi một người giúp mình và mình giúp lại họ, không phải là mọi thứ đã xong xuôi, mà thực chất, là mình nợ họ ân huệ, và họ cũng vậy.
Và hơn nữa, bí quyết của một mối quan hệ tốt đẹp là biết được rằng mình có thể nhờ những gì và giúp những gì.
Bài không mang tính phán xét cách giúp đỡ nào đúng hay sai. Mình hiểu và tôn trọng quan điểm trái ngược với mình về việc này. Mình nghĩ rằng, chỉ cần mọi người thỏa hiệp được với nhau thì mọi thứ đều ổn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất