Khi gõ những dòng này, tôi nghĩ về bức thư tình đầu tiên và có lẽ cũng là bức thư tình cuối cùng của mình. Toàn bộ nó dường như chỉ để nói “tôi yêu anh”, nhưng toàn bộ nó không hề có ba chữ “tôi yêu anh”.
Tôi muốn thành thật nhưng sợ phải thành thật, vì không những tình yêu có thể không được chấp nhận mà tình bạn cũng sẽ không còn. 
Tôi nghĩ về cuốn nhật ký năm cấp hai chi chít các ký hiệu, vô số các ẩn dụ, được giấu kín dưới gầm giường, chỉ dám lôi ra khi cả nhà đi vắng.
Tôi muốn thành thật nhưng sợ phải thành thật, vì nếu chị gái tôi vô tình đọc được nó và hiểu được nó, gia đình tôi sẽ biết một sự thật mà tôi hằng giấu kín: Tôi thích con trai.
Tôi nghĩ về Socrates, về Galileo, về Alan Turing, về Anna Politkovskaya, về cái giá mà họ phải trả vì đã biểu hiện một cách thành thật.
Tôi nghĩ về Animal Farm của George Orwell, Lolita của Vladimir Nabokov, Brave New World của Aldous Huxley hay Madame Bovary của Gustave Flaubert, những cuốn sách sinh ra bởi sự thành thật nhưng không được sống yên ổn cũng chỉ vì thành thật.
Tôi nghĩ về con đường văn chương Việt Nam, từ những vùng vẫy để thoát khỏi cảnh ao tù nước đọng, đến trăm hoa đua nở tìm tự do sáng tạo. Chẳng phải đáp lại thành thật là hy sinh và mất mát?
"Hôm nay, con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tập trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp" (Văn Cao, Mấy ý nghĩ về thơ)
Nhiều người viết luôn muốn thành thật, nhưng đồng thời sợ hãi phải thành thật. Nếu viết là thành thật, thì chúng ta cần gì đến uyển ngữ và political correctness? (cf. The Invention of Lying, 2009). Làm sao chúng ta có thể lờ đi sức nặng của kỳ vọng, của định chế, của đức tin trên bàn tay cầm bút của mình?
Còn nếu viết chỉ để cho riêng mình đọc, xong rồi đem đốt đi hoặc đem chôn thì sao? Liệu người viết có thể hoàn toàn thành thật với chính mình hay không?
Tôi nghĩ là không, bởi vì viết là vận dụng đến một thứ công cụ không hề tuyệt đối cho suy tưởng: Ngôn từ. 
Ngôn từ trói buộc tư duy vào một dạng thức tuyến tính, nó “mài nhẵn” đi những sắc nhọn của referent để chuyển hóa thành sign, nó làm đông cứng lại những dạng thức lỏng lẻo và bay bổng của ý niệm, nó thúc ép người viết phải nhào nặn tác phẩm của họ cho vừa cái khuôn của thể loại. Điều này chính xác như Marshall McLuhan đã nói: "The medium is the message". 
Đã có rất nhiều rơi rớt và méo mó của ý niệm từ lúc phôi thai cho đến khi thành một văn bản hoàn chỉnh. Ngôn từ là một hình thức biểu đạt không tuyệt đối.
"Tôi nghĩ
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ
Sự bất lực của hình thức biểu đạt
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi
Sự khéo léo của ngôn từ nào kể lại được
Ai nhặt cho tôi buổi sáng mai này
Nhặt được ánh hoang vắng trong mắt em gái tôi
Nhặt được sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi
Nhặt được niềm hy vọng hão huyền trong lòng chị dâu tôi
Và nhặt được mùi vị nghèo nàn trên cánh đồng quê
Tôi rốt ráo bắn tỉa từng ý nghĩ
Tìm cách săn đuổi cho nó vào chuồng
Và tôi hú gọi trên cánh đồng lòng
Tru lên như con sói hoang
Tôi gắng gặt một lượm sống
Bó buộc lỏng lẻo bởi dải băng ngôn từ
Tôi hú gọi trên cánh đồng người
Tôi nhặt những ánh mắt đời
Hòng dõi theo ánh mắt tôi
Dõi vào cõi ý thức
Cõi ý thức mênh mông xa vời
Dầu tôi biết vô nghĩa, vô nghĩa, vô nghĩa mà thôi."
(Nguyễn Huy Thiệp, Thương nhớ đồng quê)
Viết là bày tỏ niềm khát khao thành thật trước nỗi sợ hãi phải tiết lộ, là nỗ lực tự do khi không được phép tự do. 
Viết là một triển hạn của chịu đựng. 
“Viết là một sự vụ của triển hạn, luôn luôn chưa hoàn thành, luôn luôn đang được thực hiện, và nó tràn khỏi mọi vật chất khả sinh hoặc sở nghiệm. Đó là một quá trình, tức là một sự chuyển của sống băng ngang cái khả sinh và cái sở nghiệm”, (Gilles Deleuze, Văn chương và cuộc đời)
Có một sự thật hiển nhiên là không ai yêu cầu chúng ta viết cả. Chúng ta viết để cảm thấy thỏa mãn. Nhưng vì sao chúng ta lại cảm thấy thỏa mãn?
Đặc điểm này lại liên quan mật thiết đến đọc.
Dù muốn dù không, người viết không thể lờ đi sự tồn tại của người đọc. Ngay trong khoảnh khắc một văn bản được viết ra, nó mong mỏi sẽ được đọc bởi một ai đó, vào một lúc nào đó.
Mấu chốt của sự thỏa mãn nằm ở chỗ: Qua văn bản, người viết cố gắng thành thật và người đọc thấy được nỗ lực thành thật của người viết.
Lúc này, tôi chợt nghĩ về những bài viết mà tôi viết để kiếm sống. Dù chúng có hàng chục nghìn pageview, hàng trăm comment và share, điều đó cũng không làm tôi vui bằng chỉ vài upvote, vài comment trên Spiderum.
Viết trên Spiderum, tôi không đi xa khỏi sự thành thật, mà đến gần hơn sự thành thật của chính mình. Và tôi vui khi có ai đó thấy được nỗ lực thành thật này.
Tôi lại nghĩ về Riggan Thomson trong Birdman: The Unexpected Virtue of Ignorance. Vì đâu ông ta không tiếp tục ở Hollywood, làm vừa lòng đại chúng để có được những hợp đồng triệu đô, mà phải chạy đến Broadway để chịu sự dày vò của các nhà phê bình?
Vì ông ta muốn chính mình được nhìn nhận khi nỗ lực thành thật.
Trong 150,000 năm nhân loại, nếu không được có ai đó nhìn thấy, không được có ai đó lắng nghe, không được có ai đó thông hiểu và không được có ai đó yêu mến, thì còn sống để làm gì nữa chứ?
"And did you get what you wanted from this life even so? 
I did. 
And what did you want? 
To call myself beloved, to feel myself beloved on the earth."
Raymond Carver, Late Fragment
Trịnh Nhật Tuân