Về niềm tin với chính sách
Trong đại dịch lần này, tôi đã phải cách ly 3 lần, tại 3 đất nước. Việt Nam, quê hương của tôi, là nước duy nhất không cung cấp thực...
Trong đại dịch lần này, tôi đã phải cách ly 3 lần, tại 3 đất nước. Việt Nam, quê hương của tôi, là nước duy nhất không cung cấp thực phẩm trong những ngày cách ly.
Lần đầu tiên: cách ly tại Việt Nam
Tôi có lẽ là một trong những người sớm nhất phải cách ly vì dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đầu năm 2020, tôi hoàn thành chương trình thạc sỹ tại Hàn Quốc và đưa bố mẹ sang dự lễ tốt nghiệp. Bố mẹ tôi sang Hàn Quốc ngày 19/2; và trở về vào ngày 23/2. Tôi cũng về, 2 ngày sau đó. Chúng tôi được phát cho một chiếc nhiệt kế và yêu cầu tự cách ly ở nhà trong vòng 2 tuần. Đó là lần duy nhất tôi thấy cán bộ xã đến nhà tôi. Sau đó, mỗi ngày vào buổi sáng, mẹ tôi lại ra ban công gọi chị hàng xóm đi mua đồ hộ gia đình. Thi thoảng các cô các bác lại đi qua nhà tôi và treo trước cửa con gà hay vài bó rau. Những ngày ấy, lần đầu tiên sau nhiều năm tôi cảm nhận được cái gọi là “tình làng nghĩa xóm" vẫn tồn tại ở quê hương của mình. Sau 14 ngày, không thấy ai nói gì, nhưng bố mẹ tôi vẫn bảo đợi xã đến xác nhận đã rồi hãy ra ngoài. Thêm 2 ngày, vẫn không thấy gì. Tôi xin số điện thoại của chủ tịch xã rồi gọi điện phản ánh. Hôm sau thì cán bộ y tế xã đến. Hết 16 ngày cách ly tại Việt Nam.
Lần thứ hai: cách ly ở Hàn Quốc
Tháng 6, tôi trở lại Hàn Quốc. Ngay sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, tôi đã ký hợp đồng làm nghiên cứu (researcher) 1 năm với trường. Việc tôi trở về Việt Nam hoàn toàn không có trong kế hoạch năm 2020 của tôi. Dự định ban đầu của tôi là chỉ ở nhà 1 tháng để đảm bảo rằng bố mẹ tôi không sao. Tuy nhiên, do tình tình dịch bệnh diễn biến ngày càng xấu nên tôi cũng bị ảnh hưởng: chuyến bay trở về Hàn bị huỷ, visa của tôi hết hạn do không kịp tìm chuyến bay mới. Do đó, tới tháng 6 tôi mới có thể quay lại. Đó là một chuyến bay dài và mệt mỏi. Tới sân bay Incheon, tôi được đưa về Daejeon trên một toa tàu đặc biệt. Người ta đưa tôi về phòng trọ rồi đi ngay vì tài xế không nói tiếng Anh. Một lát sau, có người gọi điện đến nói tôi không được ra khỏi nhà, đồ ăn sẽ đến sớm nhất có thể. Tôi vừa lăn ra ngủ một giấc đến tận 6 giờ tối. Rồi dậy, vừa lau tủ lạnh vừa khóc, vì nhớ nhà, vì đói, vì mệt. Tôi lục vali lấy gói mỳ ra ăn tạm. Sáng hôm sau thì người ta mang đồ ăn tới. Toàn đồ hộp và cơm hộp. Chỗ đồ ấy chỉ đủ cho tôi ăn trong khoảng non 1 tuần. Nhưng chừng ấy thời gian là đủ để tôi học cách dùng Coupang và sống tốt trong tuần còn lại. Sau đợt cách ly ấy thì tôi thành con nghiện Coupang luôn. Hết ngày cách ly, người ta lại gọi đến bao đi ra y tế phường trả lại nhiệt kế cho họ. Hết 14 ngày cách ly ở Hàn.
Lần thứ 3 và hy vọng là lần cuối: cách ly ở Singapore
Cuối tháng 1 năm 2021, tôi hết hợp đồng với trường. Lúc đó tôi đã có offer cho công việc mới ở Singapore. Tôi bay trực tiếp từ Hàn qua Sing vào đầu tháng 4. Singapore làm việc rất chuyên nghiệp - nói gì thì nói, đã hơn 1 năm từ khi có đại dịch. Cách ly ở Sing là ở khách sạn và phải trả phí, vì tôi là người nước ngoài. Tôi cũng vui vẻ trả tiền vì tôi có sign-on bonus từ phía công ty. Tổng cộng chuyến bay qua Sing đó tôi trả khoảng 2500$ cho tất cả các chi phí. Cao hơn 100$ giá vé “giải cứu” về Việt Nam của ĐSQ được rao trên chợ đen. Tôi nghĩ là sau đại dịch, hầu hết mọi người sẽ nghèo đi, ngoại trừ các doanh nhân thức thời và cán bộ ĐSQ của VN ở Hàn.
Thế thì tôi muốn gì?
Việc cách ly ở VN thời kỳ đầu dịch bệnh có rất nhiều vấn đề. Công bằng mà nói thì tôi thông cảm với điều này, do dịch bệnh mới bùng phát và cả thế giới dường như đều bỡ ngỡ, không biết phải làm gì. Ngay cả ở Hàn Quốc, khi tôi sang, mọi thứ đều không đồng bộ và lúc làm thủ tục thì rất lâu do người này phải gọi điện hỏi người kia để làm rõ các nguyên tắc. Tôi cũng bị bỏ mặc trong nguyên 1 ngày. Những chuyện nhũng nhiễu xảy ra ở ĐSQ thì dường như vượt quá khả năng quản lý của chính phủ đương thời.
Tuy nhiên, tôi ước rằng gia đình tôi nhận được lời xin lỗi từ phía chính quyền vì đã để chúng tôi trong nhà mà không hề quan tâm tới việc chúng tôi sẽ sống ra sao. Tôi ước rằng những người đứng đầu chính phủ có thể xin lỗi chúng tôi, những người sống ở nước ngoài, rằng chính phủ có những lỗ hổng trong quản lý và cán bộ ĐSQ có thể lợi dụng để làm khó cho đồng bào. Đó là tất cả những gì tôi cần - một lời xin lỗi và lời hứa sẽ sửa đổi - và tôi có thể bỏ qua tất cả, tiếp tục vui vẻ gửi tiền kiều hối, tiếp tục đóng thuế. Nhưng không, chúng ta không làm điều đó.
Về các chính sách hiện nay
Hôm nay, chứng kiến cảnh người dân HCM đổ ra đường vào các siêu thị, hy vọng của tôi về việc chúng ta có thể kiểm soát được tình hình càng trở nên mong manh. Hai tháng vừa qua, người dân SG đã phải hy sinh rất nhiều về cả vật chất và tinh thần. Theo lời một chuyên gia dịch tễ, có thể sự hy sinh ấy sẽ đổ sông đổ bể chỉ vì hai ngày cuối tuần này (Ảnh). Rất nhiều câu hỏi tại sao được đặt ra. Phải chăng người SG không sợ virus, người SG ý thức kém, người SG là lũ phản động?
Trong tuyên ngôn độc lập của mình, dù chỉ là lời trích từ bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.”. Giống như câu chuyện của gia đình tôi chẳng được ai biết tới trong những ngày đầu đại dịch. Tôi tin rằng, có rất nhiều câu chuyện đã không được kể ra trong hai tháng vừa qua ở TPHCM. Những người ra đường ngày hôm nay đều có một quyền bất khả xâm phạm: quyền mưu cầu hạnh phúc. Nếu chính phủ không thể thoả mãn được quyền ấy ở một mức cơ bản nào đó, thì người dân phải tự lo cho thân mình. Chính phủ đã nói quá nhiều về nghị quyết và kết quả mong đợi, nhưng lại ít nói về các kế hoạch hành động. Khi tôi nói đến kế hoạch, tôi muốn nói tới một kế hoạch đầy đủ và chi tiết từ cấp TW tới các cấp cơ sở, với các văn bản hành chính cụ thể; không phải là những cái chung chung nói miệng với nhau. Và quan trọng nhất, cần tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh hành động liên tục để phù hợp với thực tiễn. Người dân không nên hy vọng chính phủ luôn làm đúng, nhưng tôi nghĩ chúng ta có quyền yêu cầu chính phủ nhận sai và sửa sai.
Chưa kể rằng, đã một tháng rưỡi trôi qua nhưng không có gì thay đổi. Vậy chính phủ đánh giá hiệu quả của các chính sách trước đây ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho 1 tháng rưỡi hy sinh của người dân SG? “Trận đánh cuối cùng” tới của chính phủ dựa trên cơ sở khoa học nào? Và nếu “trận đánh cuối cùng” ấy thất bại, gánh hậu quả chắc chắn là người dân, sau đó tới những người đã chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch, còn ai trong chính phủ sẽ chịu trách nhiệm? Liệu người SG có quyền được nghe chính phủ xin lỗi không? Và họ có quyền “tha thứ" cho chính phủ sau tất cả mọi chuyện không?
Sao tôi không đi mà làm
Tôi biết, nói chuyện “người dân tha thứ cho chính phủ" với thanh niên xứ này là một điều lạ lẫm. Nếu tôi giỏi thế sao không đi mà làm. Nói thật lòng, tôi không giỏi. Kiến thức về kinh tế, chính trị, chính sách công của tôi chỉ ở mức trung bình, đủ để hiểu và đặt câu hỏi chứ không đủ để đưa ra lời giải cho vấn đề. Tôi càng không có khả năng điều hành xã hội để cân bằng lợi ích của toàn người dân. Chính vì những lẽ đó, tôi mới là kỹ sư phần mềm chứ không phải chính trị gia. Là một kỹ sư phần mềm, tôi không nói với đồng nghiệp của mình “Mày giỏi thì vào mà code". Tôi hỏi họ cần tôi làm gì, và đưa ra giải pháp trong khả năng của tôi. Chính phủ đã bao giờ hỏi người dân cần gì và cảm thấy ra sao dưới sự quản lý của mình chưa?
Kết
Dù mọi chuyện có tồi tệ đến đâu thì sẽ qua hết, và có lẽ tới lúc đó người SG cũng sẽ quên tất cả. Đó có lẽ là một đức tính đáng tự hào của người Việt Nam: tinh thần vị tha, dù đôi khi tới mức ngây ngô. Tôi xin mượn lời cụ Nguyễn An Ninh thay cho kết thúc của những câu chuyện của tôi. Đó cũng là tất cả những gì tôi muốn nói với những ai đã đọc đến đây. Xin cảm ơn các bạn, và tôi hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tạm biệt.
...Đến ngày mà tuổi trẻ An Nam không còn thấy suy tôn những mảnh bằng cấp nữa, bất chấp các thành kiến xã hội, xem thường áo mão cân đai dát vàng của bọn tay sai của thực dân, khinh miệt dáng vẻ bên ngoài trịnh trọng của các vị thân giả, khinh miệt những lời ca ngợi các tài năng giả tạo, những năng lực bất lực. Đến ngày mà thanh niên An Nam ta khinh thường mọi bề ngoài giả dối, mọi lời nói xảo trá, biết ngẩng cao đầu tiến bước trên con đường chân chính mà chính lương tâm ta đã vạch ra cho chúng ta. Thì ngày ấy chúng ta có thể cùng nhau xem xét những ước mơ cao đẹp nhất của chúng ta. Ngày ấy chúng ta có thể giải bài toán khó về tạo lập một nền văn hoá cho dân tộc chúng ta và một lần nữa chúng ta khôi phục đạo lý của tổ tiên chúng ta: “Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà nâng cao vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta”.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất