Nói đến Bhutan là nói đến quốc gia cho ra đời chỉ số hạnh phúc Gross National Happiness, là nói đến vương quốc được mệnh danh là Rồng Sấm, cạnh dãy Himalaya, lọt thỏm giữa Tây Tạng và Ấn Độ, rừng cây, núi non bao phủ phần lớn diện tích; là nói đến quốc gia biết đặt giới hạn cho việc du lịch: số chuyến bay giới hạn, số khách giới hạn, số công ty du lịch giới hạn, số tiền chi trong ngày của du khách cũng phải đạt giới hạn tối thiểu 250USD/ ngày (2019). Vậy mà rất nhiều tín đồ du lịch vẫn muốn đến, muốn một lần chìm đắm trong sự an yên tĩnh tại giữa thiên nhiên của đất nước Phật giáo này.
Viết về Bhutan với góc nhìn là một lữ khách dăm ba ngày đến rồi đi thì có nhiều nhưng viết với góc nhìn của một người ban đầu là khách du lịch, sau là một người sinh sống làm việc ở đây và cuối cùng là con dâu của xứ Bhutan thì chắc khó có ai qua được tác giả Linda Leaming với cuốn sách “Bhutan – đường đến hạnh phúc” của cô. 

Điểm đặc biệt của cuốn sách này có khá nhiều. Trước hết là chính tác giả.
Vốn có bằng thạc sĩ sáng tác văn học, ngòi bút miêu tả của cô khá chân thực, gãy gọn và sắc nét, đôi chỗ có tính hài hước rất tự nhiên. Cuốn sách là hồi ký, là những câu chuyện, có câu chuyện của chính tác giả, có câu chuyện là nghe được, quan sát được, trong đó cũng lồng ghép một số nội dung thuộc về kỹ năng xây dựng lối dựng hạnh phúc hơn. Điều tôi tâm đắc nhất chính là việc tác giả hầu như không hề sử dụng trích dẫn ABC của ông bà XYZ nào đó. Tôi nghĩ tác giả tin rằng nội lực củanhững câu chữ nhả ra từ ngòi bút của mình có đủ sức nặng để thuyết phục và lôi cuốn người khác chứ không cần vay mượn bệ đỡ từ bất cứ người nào khác. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều người viết trong nước, hơi chút là trích dẫn câu nói của một người nào đó hoặc trong một cuốn sách nào đó. Đành rằng việc trích dẫn này là không sai, có ghi nguồn, có chú thích sách gì đàng hoàng nhưng việc cứ trích dẫn rồi phân tích dễ khiến người đọc chán và coi thường khả năng người viết, có cảm giác người viết đang khoe mình đọc nhiều, thuộc nhiều, có thể tổng hợp nhiều nhưng không đủ khả năng dùng chính câu chữ của mình để viết một cái gì đó hay ho của riêng mình.
Là một người Mỹ chính gốc, tác giả có nhiều lợi thế khi viết về Bhutan vì Mỹ và Bhutan có quá nhiều điểm khác biệt, gần như là đối cực của nhau, về môi trường, kinh tếxã hội, văn hóa, lối sống, các thang giá trị, mối quan hệ giữa người và người…Và nhất là khi nhắc đến các giá trị vô hình (vốn không cân đo đong đếm được như GDP, tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế, các chỉ số…) thì khó mà nói được cái nào cao hơn cái nào (ví dụ như văn hóa Bhutan cao hơn hay ngược lại, văn hóa Mỹ cao hơn) mà chỉ có thể nói cái nào phù hợp hơn đối với một người/nhóm người cụ thể. Biết đặt mình, một người Mỹ 100%, trong bối cảnh Bhutan vẫn luôn có cái gì đó tách biệt với phần còn lại của thế giới khiến góc nhìn và nhữngcâu chuyện của tác giả nổi lên bần bật. Xuất thân từ một đất nước tư bản phát triển, là ao ước của bao người mang giấc mơ xứ sở cờ hoa, siêu cường kinh tế, bla bla bla (+ một núi từ để nói về sự giàu có, hào nhoáng, lối sống công nghiệp vội vã ngập đầy các báo và quảng cáo du học…), sự chậm rãi, hồn hậu Bhutan khiến cô đi từ bực dọc, khó chịu sang thích nghi được và cảm thấy đáng yêu. Tôi tin nếu không mang trong mình dòng máu và văn hóa Hoa Kỳ bản địa, cô khó mà cảm nhận trọn vẹn và viết nên những câu chuyện chân thật từ chính trải nghiệm của mình đến như vậy.
Thêm một điểm may mắn của cô tác giả này là có một thời gian đủ dài để sống, làm việc, yêu và cưới một người đàn ông Buhtan, đồng thời, trong thời gian ở đây cô có đi vào đời sống của họ, bằng việc dạy tiếng Anh cho trẻ và được chúng dạy lại tiếng địa phương, bằng việc đi đây đi đó, bằng việc tổ chức cuộc sống của mình giữa những người hàng xóm và trải nghiệm các dịch vụ sở tại, có những người bạn bản xứ…. Tổng hòa những thứ đó khiến cô có nhiều kết nối hơn với môi trường sống, con người và văn hóa Bhutan, giúp cô có nhiều thời gian tiếp xúc, trải nghiệm, quan sát hơn những người chỉ đến, gặp gỡ một vài người địa phương và về nhà viết ra. Những người viết như vậy sẽ có góc nhìn mới chạm đến bề nổi và ít nhiều dựa trên sự phán đoán, suy xét, suy diễn của mình hơn là những người từng trải và có thâm nhập vào đời sống của người dân ở đây. Nhưng trên hết những điều này là khả năng quan sát và thích nghi của tác giả, biết kềm cái tôi Mỹ của mình để hòa hợp với một xã hội Bhutan.
Tôi thích khá nhiều câu chuyện của cô kể ra. Đó là câu chuyện cô xử lí ra sao sau khi bán, cho tặng đồ của mình ở Mỹ, rồi góm ghém va li sang Bhutan để rồi bước xuốngsân bay và đi về nhà gần như là tay không vì toàn bộ hành lí kí gửi bị thất lạc. Câu chuyện cô mang len ra đan trong khi chờ giao dịch ở ngân hàng. Câu chuyệncô học lại cách thở sau khi hụt hơi khi đi bộ leo dốc hàng ngày. Câu chuyện cô mua quần áo cho một người vô gia cư ở Bhutan rồi không đủ tiền trả phải xin khấtlại trả sau, rồi phát hiện vài người khách đang mua hàng âm thầm góp tiền trả cho ông chủ tiền của chỗ quần áo đó. Câu chuyện cô ứng xử với người hàng xóm tùy tiện vào xén tỉa khu vườn lộn xộn của cô lúc mới sáng sớm mà cô nói là nếu ở Mỹ thì chắc là anh này sẽ bị kiện vì tội xâm nhập trái phép vườn nhà người khác. Câu chuyện về cái âm thanh hoang dã rừng rú của Namgay, người chồng Bhutan củacô, khi họ sắp bị đàn khỉ rừng hung dữ tấn công. Câu chuyện về việc cứu chữa cái máy giặt bị hư, máy giặt vốn là trợ thủ đắc lực của cô khi người dân ở đây đa số còn giặt tay ở bờ sông bờ suối. Rồi câu chuyện Namgay đi Mỹ với tất cả sự hồn nhiên của mình.
Thật là thiếu sót nếu không nói về Namgay. Hoàn toàn khác với tác giả, được đi học trường lớp bài bản, học tới bậc cử nhân (ngành Triết học), thạc sĩ (sáng tác văn học), đi du lịch đó đây. Namgay từ nhỏ chỉ học đạo, học chữ trong một ngôi chùa rồi khi lớn lên thì xuống núi học vẽ rồi trở thành họa sĩ vẽ tranh thangka, đồng thời cũng là thầy dạy vẽ ở một ngôi trường ở Bhutan và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Bhutan. Thỉnh thoảng, anh phải đi công tác đến những ngôi chùa nào đó để vẽ chohọ. Những bức tranh mà Namgay vẽ vừa có sự sáng tạo tung trời, vừa có sự lặp rất qui củ lề lối, nhất là bộ tranh Namgay vẽ kết hợp tàu vũ trụ và rồng, vẽ những tòa cao ốc và núi rừng Bhutan trong cùng một bức tranh. Một trong số những bức tranh kết hợp những tòa cao ốc và núi rừng được lấy làm hình minh họa cho cuốn sách gốc của Bhtuan – đường đến hạnh phúc, nhưng không hiểu sao khi bản tiếng Việt thì không minh họa bìa bằng bức tranh này.
Đọc thêm nhữngbài viết khác của mình tại https://officezombie2019.wordpress.com/