Trong bài báo công bố trên tạp chí Psychological Science, theo Science Daily Adam Anderson, giáo sư về phát triển con người tại Đại học Cornell, Anderson phát hiện ra rằng, chúng ta nhận biết cảm xúc của người khác bằng cách phân tích những biểu hiện trong mắt của họ. Biểu hiện của mắt được xem là phản ứng đối với kích thích từ môi trường cũng như truyền đạt những cảm xúc sâu sắc nhất của con người. Nên, nói rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn cũng chẳng hề sai.
Ông bà ta ngày xưa khi đến thăm nhà một cô gái để tính chuyện trăm năm cho con cháu mình, gọi là "đi coi mắt". Đáng lẽ phải là "coi mặt". Không chỉ là mặt, mà còn coi dáng người, cử chỉ, điệu bộ,... Ấy thế mà hai tiếng "coi mắt" vẫn thông dụng cho đến tận bây giờ. Điều đó cho thấy đôi mắt quan trọng đến dường nào. Tưởng như chỉ nhìn vào bấy nhiêu mà trông thấy được hết cả con người.
Tranh của tác giả Phạm Đức Hạnh
Tranh của tác giả Phạm Đức Hạnh
Thoạt nhìn vào Thúy Vân, ta không thấy mắt, chỉ thấy lông mày và khuôn mặt tròn trịa của nàng:
"Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" .
Còn Kiều, Nguyễn Du lại nắn nót tả mắt và mày đủ bộ:
"Làn thu thủy, nét xuân sơn".
Thúy Vân cũng đẹp là thế, mà không có mắt nghĩa là làm sao? Nàng vẫn du xuân, tảo mộ, vẫn thấy chàng Kim và nép dưới hoa, vẫn lấy chồng và theo chồng ngàn dặm, đâu cần dắt tay chống gậy bao giờ? Tố Như tài năng là thế, không quên nghĩ đến cạo râu nhẵn nhụi cho Mã Giám Sinh, vuốt nếp áo khăn dịu dàng cho Sở Khanh, lẽ nào lại quên điểm nhãn cho cô Vân hiền hậu, xinh tươi, vì món nợ của Kiều mà thay chị trả nghĩa cho Kim Trọng?
Không! Chúng ta đều biết Thúy Vân chẳng phải là một cô gái mù lòa. Và Tố Như chẳng phải là một thiên tài vô ý.
Thúy Vân có mắt, điều ấy là đương nhiên. Mắt nàng hẳn là đôi mắt đẹp. Mắt Vân chắc sáng, chắc đen, long lanh và tình tứ. Nhưng đôi mắt nàng có lẽ chỉ là đôi mắt nằm trên khuôn mặt để làm đầy đủ lệ bộ của một khung diện. Nàng có nhìn thực, và cũng thấy thực. Nhưng bằng con mắt hững hờ như bao người mà thôi. Nấm mộ bên đường hoang lạnh, nàng cũng nhìn thấy rồi đi qua nơi ấy như cậu Vương Quan. Kim Trọng hào hoa phong nhã, nàng cũng nhìn thấy như bao cô gái thùy mị ở trong khung cửa. Cho đến gia biến của nàng tan tác, nàng cũng nhìn thấy như người vô tư êm đềm say một giấc xuân. Nàng thấy, hay nàng không thấy, điều đó vẫn không có gì đổi khác. Nàng thấy, hay người khác thấy, vẫn có đổi khác chi đâu.
Chính vì vô tư, nên nàng mới thấy chị mình:
"Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!".
Chính vì vô tư, nên sau cơn gia biến thảm thương, ngủ vùi một giấc, rồi choàng tỉnh dậy thấy chị ngồi khóc bên đèn, nàng buột miệng hỏi rằng:
"Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh?"
Rồi khi lấy chàng Kim, nàng đã nói về tấm lòng với Kiều của kẻ chung chăn gối trong bấy nhiêu lâu:
"Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình".
Tưởng chừng hết sức thản nhiên, không giữ riêng cho mình chút tự ái, nhiệt tình nào.
Xã hội, gia đình, luân lí đã nhìn thay thế cho nàng một cách bình yên như không hề biết có sự phản ứng của nàng. Cái nhìn của Vân có vẻ gì cam chịu, hiền lành, nhưng không tránh được sự dễ dàng đáng ghét. Sự tuân phục của nàng có thể làm ta cảm động nhưng chưa đủ làm ta kính yêu, tuy có làm ta yên lòng nhưng không làm ta gần gũi. Bởi vậy, trong suốt tác phẩm, không hề thấy Thúy Vân cười hay khóc. Ta ao ước chừng một giọt lệ, chừng nửa nụ cười và khuôn trăng nàng bớt đi đầy đặn, mày ngài ấy bớt chút nở nang, để ta thấy nàng sâu sắc với những ưu tư và phiền muộn. Nhưng ao ước của ta không thành hiện thực.
Có lẽ Vân đã nhường mắt cho Kiều. Vì chỉ mỗi Kiều trong tác phẩm có đôi mắt sáng và đẹp. Đôi mắt nàng không chỉ để thấy mà còn để biết, không chỉ tiếp thu mà còn phản ứng. Đôi mắt của Kiều tinh anh và có chiều sâu thăm thẳm, long lanh như làn nước mùa thu. Nó phản chiếu một sức sống tươi trẻ và trí tuệ thông minh. Điểm thêm cho đôi mắt ấy là hai nét lông mày thanh tú, nhẹ nhàng như dáng núi mùa xuân.
Đó là cặp mắt biết xót xa cho một kiếp người, biết nhìn thấy sự liên hệ giữa người và ta, giữa cái đã qua và cái sẽ đến. Nàng có đôi mắt biết khóc cho người xa lạ. Đôi mắt đa sầu đa cảm: khi đi du xuân cùng em, gặp mộ Đạm Tiên, người phụ nữ xấu số thì tỏ lòng thương cảm, thấu hiểu, xót xa được nỗi niềm của một kiếp đời khổ đau mệnh bạc.
"Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?".
Đôi mắt Kiều biết suy nghĩ bất an trước cảnh tình gia biến. Đôi mắt trải bao sương gió đắng cay mười lăm năm lưu lạc. Đôi mắt cá tính, biết tự trọng, có quan niệm tình yêu trong sạch. Đôi mắt dám yêu và dám hy sinh.
Nói như tác giả Vũ Hạnh, đó là đôi mắt biết khóc, biết cười, biết nhìn biết liếc, biết nhắm biết mở, biết trèo tường mà đi, lao đầu xuống nước. Đôi mắt ân tình và quyết liệt để báo ân báo oán. Đôi mắt sâu sắc thấu nỗi đoạn trường đủ thịt xương hiện giữa nhân gian. Đôi mắt trong hơn sóng nước mùa thu ấy cho ta thấy biết bao nhiêu điều. Âu đó cũng chính là nghệ thuật vẽ tranh bằng ngôn từ mà Nguyễn Du đã mang đến cho chúng ta.

Tài liệu tham khảo
Vũ Hạnh (1999), Đọc lại Truyện Kiều, NXB Đà Nẵng.