Cánh cửa phòng hé mở, toàn là những mùi trầm bốc ra ngào ngạt, tôi bước vào trong theo lệnh triệu tập. Thiệt lạ cái điệu bộ cười nói. 
Đội trưởng tôi là người ít nói, cái thói lầm lì hay cau mặt làm người ta căng thẳng mỗi khi đối diện. Hôm nay, đội trưởng cười, điệu cười đon đả. Ngồi vào ghế, anh rót cho tôi chén nước trà
- uống đi em, xong anh bảo”. 
Não tôi rung lên. Giá mà ổng cứ bỗ bàng như cái nết hằng ngày có khi tôi còn được dịp yên tâm. Chắc cũng chẳng phải điều tốt lành gì.
Nhấp lấy ngụm nước làm vì. Tôi cười nhạt.
-Em nghe ạ!
-Có việc này anh giao, chú có làm được không?
Mặc cho cái đầu liên tục nói không, mồm tôi nói ra lại chẳng được như cái đầu nó bảo. Nhiều khi chẳng vì lý do nào cả, con ngừoi ta phải giả dối với chính mình. Thật đốn mạt!
- Vâng a cứ nói ạ
- Có tin thằng Bang, truy nã giết người trốn 15 năm rồi, nó về Việt Nam chơi, ở với bà cô nó nhưng hơi xa, không nhanh nó lại sang Cam mất. Em Ok thì chọn thêm một người cùng đội, mai xuất phát.
Không cho tôi kịp ậm ừ, ổng gí vào tay tôi mẩu giấy, trong ghi một số điện thoại, hai dòng toạ độ, tờ quyết định truy nã bị can gấp làm đôi được các cụ tiền bối 15 năm trước viết tay nắn nót, một tấm ảnh chân dung và cái cọc tiền 10 triệu gọi là công tác phí. Tất cả chỉ có thế không hơn.
Chẳng còn mùi trầm nào ở đây nữa, cái xâm chiếm cả tôi bây giờ toàn những hình ảnh vùng đất xa xôi sắp đến. Như một kẻ dốt văn, tôi lo lắng khó tả bởi có một điều tôi chắc, cái thời điểm mà Bang kia biết giết người, tôi hãy còn đang bận đối phó với mấy bài kiểm tra mười lăm phút.
Trong cái nghiệp vụ nghề trinh sát, người ta đề cao sự nhanh gọn và chính xác vì trinh sát không được phép giề già; mà tối kỵ là không được để mình vào thế bị động nên đầu tiên là phải có được cái kế hoạch càng chi tiết càng tốt.
Nhập hai dòng toạ độ kia vào google map, nó dẫn tôi đến căn nhà tại xã Vĩnh Trạch, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hoa mắt vì cái vị trí đâu đó cách chỗ tôi đang ngồi có gần một ngàn sáu trăm cây số, lại là tỉnh biên giới. Có khi nếu may mắn, biết đâu tôi kiếm được cô vợ người Camphuchia ở đây cũng nên. Là ngừoi hay mơ mộng, nhưng nghĩ đến việc mình sẽ phải nói chuyện với ngừoi ta bằng tiếng Cam, tôi chẳng còn mộng mơ được nữa.
Cất đống hồ sơ vừa mới bày ra vào tủ, tôi chạy vội về nhà thì gặp mẹ. gói tạm vài ba bộ quần áo vào túi xách. Tạm biệt mẹ, con đi, công tác chừng ba bốn hôm con về. Chẳng dám nói cụ thể mình sẽ đi đâu, làm gì. Mẹ đứng mở cổng ngõ, cười với tôi dịu dàng, ánh mắt mẹ nhìn tôi lâu hơn một chút. đi cẩn thận con nhé. Vẫn biết mẹ muốn dặn nhiều điều, hỏi han nhiều thứ, nhưng chắc mẹ quen rồi, mẹ chỉ nói có vậy.
Ngồi cùng chuyến taxi ra sân bay với tôi là người anh “Mạnh Hìu”. Sở dĩ gọi như vậy vì anh tên Mạnh nhưng hễ mở cái mồm ra là nói đến hìu và cách để kiếm hìu. Ngoài công an, anh còn làm nhiều việc khác mà theo quan điểm của anh, không có “hìu”, người đàn ông sẽ chẳng thể là đàn ông đúng nghĩa.
Anh Mạnh – từ cái tướng cho đến phong cách nhìn khá “Mạnh”. Kể ra nếu có cuộc cá cược để đoán nghề của anh, chả mấy tôi sẽ thành triệu phú. Con người này giống một tay giang hồ bặm trợn hơn là trinh sát hình sự bởi cái điệu cười hào sảng, khuôn mặt góc cạnh, nước da mịn màng như nền đất thành cổ Quảng Trị sau mỗi lần máy bay Mỹ dội bom. Sợi dây chuyền gắn cái móng hổ to và lủng lẳng. Chiếc quần túi hộp kết hợp đôi dày bốt và cái tính khẳng khái, dứt khoát. Anh bảo, như này con gái mới thích. 
Tôi cũng không chắc nữa. 
Là một tay bụi bặm và ưa phiêu lưu, anh tỏ ra phấn kích cho chuyến "săn nã" lần này. Chẳng thể lý giải nổi nhưng chúng tôi khá có duyên với nhau. Phải đến 8/10 lần đi cùng, cả hai xách về cơ quan không nghiện ngập thì trộm cắp. Tôi thích đi cùng anh Mạnh, chúng tôi hiểu ý và đặc biệt đi cùng anh làm tôi tự tin hơn, chí ít là không phải nghĩ đến tiền :)
Cũng trên cái taxi này, tôi tính đến những gì mình có. Nhập số điện thoại vào thanh tìm kiếm zalo, rồi facebook, google, chẳng có gì cả. Cũng bình thường thôi vì thằng nào trốn nã chẳng vậy. Đến tờ quyết định truy nã bị can ghi dòng tên đối tượng Vũ Nam Bang hơi nhoè mực - tên gì nghe rõ nổ, sinh năm 80, quê Hà Nam, cao một mét bảy mốt, giái tai chúc, sống mũi thẳng và nốt ruồi 2cm phía trên mép trái. Bố tên Vũ Nam Quân, mẹ là Phan Thị Mai.
Nhấc máy gọi đến công an xã quê Bang để lấy thêm thông tin về ông bà Mai Quân, tôi bị anh Mạnh ngăn lại. 
- Nhỡ nó vẫn liên lạc về quê, bằng cách nào đó công an nơi đấy là người nhà nó thì lộ hết.
- Nhưng mỗi tí thông tin thế này thì tóm nó kiểu gì?
Chẳng đáp lại tôi, anh Mạnh cười rồi bốc máy gọi cho ai đó. Một lúc sau có tập tin gửi về máy. Ra là anh đã liên hệ nhà mạng từ bao giờ, còn thứ người ta gửi đến là danh sách cuộc gọi của Bang. Thông thường việc này phải mất mấy ngày, nhưng anh Mạnh làm nó chỉ trong vài phút. 
“Wow, anh mạnh thế”. 
Mắt anh nhìn thẳng, hai cánh mũi phập phồng, cái giống đang vui nhưng tỏ ra sang chảnh thường vậy. đưa tôi file danh sách, anh bảo tôi làm việc của mình.
Xe dừng tại sảnh bay nội địa, chừng bảy rưỡi sáng. Tôi làm thủ tục check in còn anh Mạnh đi đâu đó. Ra đến ghế chờ, anh đi đến đưa tôi đôi dép tông màu đỏ.
- Cất giầy đi em, trong đấy người ta đi dép”
Tôi ngơ ngác mất một lúc, rồi cũng nhận lấy. Nhưng không, tôi quyết định sẽ không dùng đôi tông này với hai lý do. Một là nếu đi tông, công sức mỗi ngày đi giày 15 tiếng trong mười mấy năm qua để có đôi bàn chân trắng nõn coi như bỏ. Hai là vẫn biết anh đưa tôi đôi tông ấy là có lý do, hoà nhập với môi trường mới là cần thiết, nhưng giấu đi đâu cái giọng bắc đặc sệt, rồi cái thói ngơ ngác của người lạ nước lạ cái. Tôi quyết định vẫn sẽ là mình.
Ra đến cửa an ninh, cả hai bị nhân viên ở đây chặn lại vì súng và còng là hai vật không được phép mang theo ngừoi khi lên máy bay. Chúng tôi bị đưa vào một phòng nhỏ gần đó. Lần đầu tôi bị người ta tra khảo. Có cảm giác như niềm kiêu hãnh của tôi bị ném cho thú gặm vậy. Tôi đã tự thề với mình là nếu có gặp lại cái tay mặt hãm đã tra khảo tôi hôm đấy ngoài kia, không phải là trong cái phòng chết tiệt này, tôi sẽ cho hắn biết thế nào là tra khảo một cách đích thực.
Sau 15 phút giải trình có, cãi vã cũng có, bọn họ cho phép tôi mang còng theo hành lý, còn súng phải gửi đi bằng cách riêng nhưng yên tâm làm sao cho được khi súng mà mất thì đời tôi cũng hết.
Đáp xuống sân bay Cần Thơ lúc gần mười giờ sáng, chúng tôi bị hơi nóng ở đây làm cho tỉnh ngủ. Đúng thật, đa số ngừoi ở đây ai cũng đi dép y như những gì anh Mạnh bảo, chắc là do thời tiết. Khác với cảnh tranh nhau mời chào khách, taxi ở đây được quản lý khá quy củ, chỉ có một nhận viên mang theo bộ đàm đến hỏi chúng tôi có muốn đi taxi không nhưng tính đi tính lại, nếu chọn taxi để di chuyển, chắc phải ba lần cái mười triệu kia mới đủ cho chuyến công tác này. Liên lạc với người quen, tôi thuê được chiếc Vios với giá khá hời, 3 triệu 4 cho hai ngày tự lái, đương nhiên xăng phải tự túc rồi. 
Huyện Châu Thành, An giang cách cần thơ chừng 90 km, đi qua quận Thốt Nốt và thành phố Long Xuyên, men theo con sông Hậu mất đâu đó gần hai tiếng lái xe theo cách đi của người kết hợp dùng google map và hỏi đường để đến được xã Vĩnh Trạch. Ở đây ít nhà cao tầng và ngoài xe máy, ngừoi ta dùng ghe làm phương tiện để đi từ chỗ này đến chỗ khác. Họ lái ghe khá điệu nghệ, tôi không dám nghĩ đến việc hai cái ghe ấy đâm vào nhau sẽ ra sao nhưng tuyệt nhiên, họ khá giỏi tránh né.
Dừng xe bên con đường huyện lộ trồng đầy hoa mai trơ trơ toàn những cành khẳng khiu vừa được tuốt lá chuẩn bị cho mùa tết sắp tới, tôi quyết định…giải bài toán đầu tiên là tiếp cận khu vực nghi vấn với nhiều phương án.
Một giờ chiều, trong vai người của công ty bất động sản đến từ Sài Gòn đi tìm mua đất ruộng, chúng tôi có cớ để đàng hoàng đi vào từng nhà, hỏi từng người, quan sát từng ngóc ngách xem có ai khả nghi, hơn nữa còn tha hồ ngơ ngác và nói cái giọng bắc đặc sệt. Quy ước với nhau không phải tôi thì anh Mạnh, bắt đầu từ căn nhà ở cái toạ độ ấy, một người ngồi tiếp chuyện gia chủ, người còn lại sẽ vờ xin đi vệ sinh để quan sát bên trong, cùng lắm nhà nào khó quá thì cố tình đi nhầm phòng mà nhìn. Nhưng cách này tỷ lệ thành công không cao vì không biết giờ này Bang có đang ở nhà? người thân của hắn là ai và bao giờ hắn sẽ đi. Có khi lúc tôi đến, hắn đã kịp vượt biên rồi. Suy cho cùng cũng chỉ là cầu may, 50% thành công phụ thuộc vào ông trời, 50% còn lại phụ thuộc vào cái thứ đối diện với mặt đất. Nhưng chí ít cũng phải đến cái nhà trong toạ độ kia xem sao.
Trong cái xã Vĩnh Trạch này, phân nửa là người khơ me, họ ở nhà sàn và  chôn cất người thân ở miếng đất ngay sau nhà. Họ phát ra thứ sóng ngắn bằng nhiều từ địa phương với chất giọng nhanh và lảnh lót. Tôi như đứa bé lớp một mới tập nghe cải lương vậy. Bàn với anh Mạnh, em sẽ giả vờ như không hiểu họ nói gì vì giọng họ khó nghe quá, biếu họ chút tiền gọi là, mong họ tìm cho người có thể nói giọng bắc mà hiểu được tiếng trong này, dẫn anh em mình đi hỏi mua đất, biết đâu lại vớ được Bang.
Khu vực chúng tôi tìm kiếm là khu dân cư trong bán kính 300m từ cái nhà trong toạ độ đội trưởng đưa. Phương án đưa ảnh đối tượng cho người dân nhận mặt bị anh Mạnh gạt sang một bên vì sau mười lăm năm, Bang trong ảnh và Bang bây giờ khác nhiều rồi, bốn mươi tuổi đâu đó cũng được gọi là đã già, không loại trừ hắn đã có gia đình, vợ con trong này cũng nên, mà có khi nó có tên khác, thay đổi đặc điểm khuôn mặt thì sao. Chúng tôi không biết tính cách hắn ra sao, lúc này trông hắn thế nào, gầy hay béo. Cách này chắc là nước cuối nếu các phương án trên không hiệu quả. Nên…
Tôi sẽ tiếp tục từ những thứ mình chắc chắn. trong cái danh sách cuộc gọi kia, có một số hay liên lạc với Bang vào lúc 11h trưa và 6h tối. Đúng! là giờ ăn cơm. Chỉ có người nhà mới hay gọi nhau vào giờ ăn cơm như vậy. Nhập số điện thoại vào dòng tìm kiếm zalo ra tên một người phụ nữ tầm 60 tuổi - Phan Bích Mai. Niềm tin mách bảo đây là ngừoi mà tôi sẽ bám vào, kém mẹ Bang hai tuổi và cái họ Phan thì tương đồng.
Để kiếm được bà Mai, tôi và anh Mạnh tìm đến các bà trong độ tuổi sáu chục ở mấy khu chợ dân sinh gần đó dò hỏi. Những người có sóng dao động cùng pha thường sẽ tìm thấy nhau dễ hơn.
- Bà ơi trong này không có số nhà, con đi tìm người thân ở khu này, bà có biết bà Mai không ạ?
 Vừa nói vừa đưa tấm ảnh lấy được từ zalo cho các bà chúng tôi gặp dọc mấy cái chợ. Toàn là những cái lắc đầu cho đến khi cả hai tìm đến ấp Đông Bình Trạch, cách toạ độ kia chừng 700m đi bộ.
- Ủa, bà Mai nè, bà Mai bán bánh canh đầu chợ, con ra ngã ba kia quẹo phải là đó”
- Nhưng bà ơi bà Mai của con là ngừoi Bắc cơ, không phải ngừoi gốc trong này.
- Thì đó, bả lấy chồng trong này lâu rồi, bán bánh canh có tiếng lắm.
Hỏi ra mới biết, chồng bà Mai đã chết từ lâu, con gái đi lấy chồng xa, bà hằng ngày đi bán bánh Canh nuôi mẹ chồng già và đứa cháu ngoại. Vui như đứa trẻ con thấy mẹ đị chợ về, tôi dảo bước ra đầu chợ.
Gần sáu giờ tối, trời bắt đầu nhá nhem, lác đác những nhà đã bật điện ngõ nhưng ánh sáng vẫn đủ để tôi nhìn thấy bà cô chạc sáu mươi tuổi đang hối hả bê tấm bảng khắc chữ “bánh canh cô Mai” vào trong căn nhà thuê rộng chừng mười mét vuông. Cô trông không được gọn gàng, sành điệu như trong cái ảnh zalo kia nhưng trang phục bán hàng thì sao chẳng được, tôi bước tới thì bị anh Mạnh tóm lấy kéo vào góc tường.
- Đừng em, đi theo bà ấy về nhà. Trời tối rồi có moi thông tin thì cũng chẳng kịp. Đi theo xem có thấy thằng Bang ở trong nhà bà ý không đã rồi tính. Làm gì mà bà ý không biết cháu mình trốn nã. Lộ thì sao?
Kiên trì bám theo về lại khu vực gần toạ độ nghi vấn, Bà Mai mở cánh cổng sắt, dắt xe đạp điện vào trong. Là căn nhà lúc chớm chiều cách đây mấy tiếng hai anh em tôi đã vào nhưng chỉ gặp hai đứa nhỏ đang chạy ngoài sân và một bà lão chừng ngoài tám mươi đang nằm đu đưa trên võng. Đáp lại câu chào của tôi bà chỉ nhìn, cười rồi lại đua đưa nên cả hai đi ra mà chẳng thu được gì. Lúc này, trời đã tối hẳn. Để anh Mạnh đứng chặn đầu ngõ, tôi đi bộ qua lại ngắm nghía bên trong qua khe cửa hẹp. 
Bật google map lên để biết phía sau nhà là thửa ruộng to tướng, tôi quả quyết.
 - Em thấy trong sân có một xe máy với một xe đạp điện nhưng không rõ trong nhà ra sao, có tiếng trẻ con và sau nhà là ruộng lúa, anh em mình vào thấy nó có ốp luôn không?
- Nhưng phải chắc nó trong đấy thì mới vào, nhỡ ra nó không có nhà thì mai làm sao vào lại được, hơn nữa em có biết trong nhà bố trí ra sao không, nó găm hàng trong ngừoi, thấy giọng bắc, nó nghi nó mang hàng ra phang anh em mình thì sao? Cách này không ổn. Phải có cách khác để biết nó trong nhà nhưng không được để lộ. Bọn trốn nã này đa nghi lắm!
Không phải là loài ngựa, nên tôi sẽ không đi đường cũ, tôi sẽ làm theo cách của mình để biết Bang có đang trong nhà kia hay không.
Ngồi gọn gàng sau hàng cây ven đường, cả hai ôm cái bụng rỗng cho đến gần chín giờ tối, chẳng có ai ra khỏi nhà nãy giờ. Lác đác tiếng chó sủa đâu đây vọng lại còn đường cái thì gần như chẳng có ngừoi qua lại. Không gian dần tĩnh lặng. Tôi đi bộ lại căn nhà. Đứng sát vào mép tường, soạn sẵn dòng tin nhắn
“chị ơi em giao hàng, chị xuống sảnh chung cư nhận hàng giúp em ạ”
Kế hoạch là tôi sẽ gọi điện vào máy của Bang, chuông đổ ba hồi thì tắt sau đó gửi tin nhắn vừa soạn cho hắn. Không quan tâm hắn có trả lời tin nhắn hay không vì cái tôi cần là tiếng chuông điện thoại phát ra từ sau bức tường kia. Tin nhắn ấy là cái lý do để hắn đỡ sinh nghi.
Đặt điện thoại ở chế độ im lặng phòng khi hắn gọi lại, độ sáng màn hình được giảm xuống tối đa, trong cái bóng tối vây quanh, tôi bốc máy gọi vào số của Bang.
Có. Có chuông, tôi nghe thấy tiếng nhạc chuông từ trong nhà phát ra, là tiếng chuông của điện thoại 1280. Vui ra mặt, tôi rón rén trở lại chỗ anh Mạnh. 
-Nó ở trong nhà a ạ, em thấy có chuông.
Thế nhưng, trái lại cái nét rạng rỡ của tôi, anh Mạnh ngẫm nghĩ.
- Có khi nào chiều nay lúc mình vào, nó ở trong nhà thấy cả hai rồi không nhỉ? Bây giờ bắt nó trong nhà nguy hiểm lắm, mình không chủ động được, đợi nó ra khỏi nhà bắt bất ngờ thì ổn hơn. Nó mới không kịp trở tay.
Chúng tôi chia nhau ra quan sát, ngừoi này trông cho ngừoi kia ngủ, cứ 3 tiếng thì đổi ca bắt đầu từ anh Mạnh.
Gọi là ngủ thế thôi chứ nào có ai ngủ được, chằn chọc vì chưa bắt được đối tượng là ít, ngăn không để đám muỗi miền tây kia liên hoan xác thịt chúng tôi mới là phần nhiều.
Bình minh trong đây đến sớm hơn chỗ tôi sống thì phải. Năm rưỡi sáng, ngừoi ta qua lại nhiều hơn, tiếng lạch cạch cổng ngõ làm cả hai giật mình, bà Mai dắt chiếc xe đạp điện ra khỏi nhà. Chắc bà lại chợ.
Chúng tôi tập trung hơn bao giờ hết, từ lúc này trở đi, bất kể lúc nào Bang cũng có thể ra khỏi nhà. Là đối tượng 40 tuổi, cao mét bảy và có nốt ruồi 2cm trên mép trái. Dòng suy nghĩ ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu, đều đặn theo từng nhịp thở.
Chín giờ sáng, đã hơn ba tiếng kể từ lúc bà Mai ra khỏi nhà, căng thẳng liên tục làm hai anh em trùng xuống. 
- Đợi mãi thế này có ổn không anh, em sợ người qua người lại thấy anh em mình sinh dị nghị. Hay là mình điều nó ra ngoài.
Cả hai nhìn nhau rồi bất giác bật ra: “bà Mai”. Đúng! Bà Mai sẽ giúp chúng tôi lôi Bang ra khỏi ổ và hôm nay, tôi sẽ là con chim mồi đáng thương.
Chọn vị trí đứng trên cung đường bà Mai hay đi, chúng tôi đợi bà Mai về nhà. 
Mười một rưỡi, tôi đứng nấp sau gốc cây tại ngã ba đường cách nhà bà chừng 400m. Đột nhiên, anh Mạnh cách đó không xa ho lên một tiếng. Bà Mai đang đi đến.
Mười mét, từ trong chỗ đứng chạy thật nhanh băng qua đường. Bà Mai loạng choạng, ú ớ, rồi đâm sầm vào tôi.
         “Ối, Ối”
Tôi ngã nhoài ra đất, tay ôm chân kêu la tỏ thảm thiết nhất có thể.
Kêu vậy thôi chứ cái giống để cho người ta đâm mình thì bị thương sao cho được.
Mặt bà Hoa tái lại, bà lao tới đỡ lấy tôi hỏi han thì anh Mạnh cũng bước đến.
Chúng tôi bày trò ăn vạ!
- Anh ơi, em đau quá.
Hai tay tôi ôm chặt vào cái cẳng chân kia còn bà Mai thì luống cuống, bà lo cho tôi. Khoác vai anh Mạnh tập tễnh lê vào vệ đường, anh Mạnh bảo với bà:
Bọn cháu để xe ô tô tít ngoài kia đi bộ vào đây, bà có người nhà ở gần đây không gọi đến đưa em cháu đi trạm y tế.
Chúng tôi biết trong tình huống này, ít ai nghĩ được nhiều. Rút cái điện thoại trong túi xách, bà Mai mắt dim dim bấm từng nút, từng nút.
Liếc nhìn nhau thật nhanh, anh Mạnh giằng vội lấy cái điện thoại trên tay bà.
- Bà gọi cho con bà hay ai đây cháu bấm giúp cho nhanh.
- Tôi gọi cho con tôi, số đuôi 56
Đúng vậy, số của Bang đuôi cũng là 56, sau này anh Mạnh bảo với tôi là tao thuộc số nó rồi, bấm luôn số nó vào máy bà Mai, lưu mỗi là “B” nên tao gọi luôn.
Hai hồi chuông kêu lên thì có ngừoi bắt máy. 
“con à, con…” 
Chưa để bà Mai nói hết câu, anh Mạnh nhanh nhảu
- Mẹ anh đâm xe vào em tôi, anh ra đây giúp mẹ anh đưa e tôi ra trạm xá, chỗ ngã ba đây này rồi tắt cái phụp, quay lại chỗ tôi giả vờ hỏi han.
Hai phút hơn, tôi nghe thấy tiếng lạch bạch của bô xe máy ngày một rõ. Anh Mạnh đưa máy cho bà Mai bấm gọi lại cho “B” lần nữa.
- Nhà bà xa không, sao con bà lâu thế?
Anh muốn chắc rằng cái người đang đi đến kia là Bang. Bóng người lái xe rút chiếc điện thoại đang đổ chuông trong túi quần mỗi lúc một gần làm hai chúng tôi chắc chắn Bang đang đến. Nghiêng người trên mặt đất, tôi một tay vẫn ôm cái chân chẳng làm sao mà suýt xoa, tay còn lại cầm sẵn cái còng dưới thắt lưng. 
Dừng xe cách chỗ chúng tôi chừng hai mét, trước mắt tôi là một ngừoi đàn ông trung niên dáng người dong dỏng còn giọng hắn thì lơ lớ khó tả.
Sao thế? - hắn mở to mắt tiến lại ngồi xổm xuống đối diện tôi.
Chỉ đợi có thế, anh Mạnh gạt bà Mai sang một bên lao vào túm lấy cổ hắn đè xuống, hắn ngã ngửa ra đất. Tôi nhổm dậy, bằng sức nặng của mình đè lân chân hắn, loay hoay mất mấy giây mới kịp lồng cái còng vào hai cổ chân.
Xoay người lại đã thấy anh Mạnh khoá được tay phải hắn vào tay phải mình, tay còn lại vẫn kẹp cổ hét lớn.
- Bang!
- Công an hà nội đây!.
Bà Mai đứng đó nhưng không nói câu nào. Bà chứng kiến toàn bộ nhưng có lẽ bà đang nghĩ những gì trước mắt chắc là giấc mơ. Một thằng phút trước vẫn đang lăn lộn kêu đau đột nhiên vùng dậy khoá chân cháu bà lại.
Phải cho đến khi tôi tháo nốt nửa cái còng trên cổ tay anh Mạnh phập vào đuôi xe máy, bà Mai mới thốt lên
 - Chúng mày làm cái gì thế? Sao lại bắt con tao!
Trái lại, Bang chẳng mở miệng hé lấy một lời, khuôn mặt Bang đã thay đổi nhiều nhưng đâu đó vẫn còn nét sắc lạnh, vẫn còn đấy cái nốt ruồi trên mép trái khiến tôi thêm chắc chắn. Đây là lần đầu tôi thấy Bang không phải qua tấm ảnh.
-Bà Mai, chị bà có phải Phan Thị Hoa? có phải bà quê Hà Nam?
Chẳng đáp lại tôi, bà khẽ gật đầu, ánh mắt bà dồn về đứa cháu đang nằm xoài dưới đất.
- Sao thế con, con làm gì nên tội để công an người ta bắt?
Trong cái ví màu nâu rơi ra từ túi quần sau, tôi thu được chiếc căn cước công dân campuchia có hình Bang. Bằng cách này hay cách khác, Bang đã thành người campuchia từ bao giờ.
Về đến công an xã, Bang vẫn giữ cái nét trầm lặng.
- Sao mày giết người, mày giết ai?
Ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống, Bang hít một hơi thật sau sau đó trần tình về cuộc đời mình.
Ánh chiều tà chiếu qua chúng tôi, in cái bóng đổ dài dưới mặt đất. Ba người đàn ông kề vai nhau bước đều trên phi trường lên tàu bay trở lại Hà Nội, mỗi người mang theo mình một tâm trạng.
Máy bay gầm lên một tiếng rồi cất mấy bánh xe vào bụng, đèn cabin vụt tắt, tất cả là một màu tối đen. Nhưng hào quang phát ra từ hai người săn nã trở về thì sáng rực…