Nếu đọc nhiều sách dịch, đặc biệt sách xưa, bạn sẽ gặp những cuốn được dịch giả phiên âm tên. Nếu hay sinh hoạt trong các cộng đồng đọc sách bạn sẽ gặp những người đọc có thái độ vô cùng khó chịu với những cuốn sách được phiên âm như vậy, thậm chí họ coi cuốn sách là đáng vứt đi. Trên tiêu đề tôi chỉ nhắc đến các bạn trẻ bởi chưa từng thấy các bậc cha chú, cao niên nào mắc bệnh này. Và tôi đặt tên nó là “mặc cảm ngôn ngữ”.
Tôi sẽ lấy ví dụ ở 2 cuốn sách kinh điển: Thần thoại Hy LạpChúa tể những chiếc Nhẫn.

Với Thần thoại Hy Lạp. Tôi được thấy ở mỗi ngôn ngữ tên các nhân vật được viết khác nhau và cách phát âm do đó bị biến đổi đôi chút. Ví dụ vị thần Προμηθεύς (tên gốc Hy Lạp) ở tiếng Anh là Prometheus [Pơ-rô-mi-thi-ớt] còn tiếng Pháp là Prométhée [Pơ-rô-mê-tê]. Và còn ở nhiều ngôn ngữ cùng cách đọc khác, tất cả người dân của họ đều dùng qua bao nhiêu đời. Thế nhưng về Việt Nam, Nguyễn Văn Khỏa phiên âm tiếng Việt lại gặp chỉ trích dữ dội từ đời sau và gần đây các nhà sách khi tái bản đã phải cho replace tên lại tiếng Pháp.
Trong khi đó việc phiên âm là rất có lợi cho người đọc khi phát âm. Chắc chắn không nhiều người lần đầu nhìn thấy tên đã đọc đúng, đặc biệt nếu không học tiếng. Mà ngay cả là người bản địa cũng phát âm nhầm nhiều khi, tiếng Anh không có quy tắc đồng nhất khi đọc và viết, tiếng Pháp thì đồng nhất khi đọc, nhưng khi viết lại không. Riêng tiếng Việt sở hữu lợi thế là ghi âm vị, đồng nhất cả viết và đọc, chỉ cần nghe đọc là có thể viết, và ngược lại.
Vậy những người từ chối lợi thế này vì lý do gì? Nghe quê mùa, trông củ chuối là câu trả lời. Nhưng cùng là phiên âm từ tên gốc (Hy Lạp), những cái tên Anh, Pháp dùng được mà tên Việt không ngửi nổi, như vậy rõ ràng họ đang gián tiếp nói tiếng Việt là thứ ngôn ngữ thấp kém hơn
Đến đây thì câu nói “tiếng Việt giàu đẹp” đúng là trò cười. Nó không giàu vì không được người bản xứ Việt hóa để bổ sung vốn từ, cũng không đẹp vì người ta thấy quê mùa khi dùng nó.
Tôi chỉ thấy nó đang bị người dùng gán vào đầy mặc cảm. Một thứ tiếng chỉ phù hợp để nói về những thứ đời thường, thô sơ, nhược tiểu.

Chúa tể những chiếc Nhẫn. Không phải là phiên âm tên, mà là dịch tên theo ý chí của chính tác giả Tolkien. Giống loài Hobbit được Tolkien xây dựng là giống loài quê mùa và dốt nát, vậy nên cái tên của họ cũng mang ý nghĩa quê mùa: Baggins (cái bọc), Proudfoot (bàn chân tự đắc), Sandyman (người cát) vậy thì dịch ra Bao Gai, Chân Oách, Sạn Mịn là hợp tiêu chí sát nghĩa và quê mùa. Thế nhưng một đợt phản đối mạnh diễn ra khi sách phát hành. Người đọc một mực muốn để tên tiếng Anh (chứ không phải tên gốc*) bất chấp ý chí của chính tác giả (!?)
* Ngôn ngữ gốc của Chúa Nhẫn là Tây ngữ - một ngôn ngữ do Tolkien sáng tạo - tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ dịch do Tolkien dịch từ Tây ngữ ra.
Và hiển nhiên, Frodo Baggins ở tiếng Pháp là Frodo Bessac, Tây Ban Nha là Frodo Bolsón, Đức là Frodo Beutlin, nhưng ở Việt tuyệt đối phải là Baggins, không được Bao dù gì đi nữa. Và phong trào phản đối đó đến giờ vẫn tiếp diễn.

Ngoài vấn đề tên riêng, hiện nay người trẻ còn có xu hướng để nguyên tất cả từ mượn. Trộn salad, pha coffee, uống detox, đi meeting, giữ hết. Tôi đang thắc mắc cứ với đà này liệu có một ngày nào đó tôi đọc trong sách câu văn như thế này không: 
“Anh ta mặc áo chemise và đút mouchoir vào túi, rồi lên auto đi đến quán café gặp chef.”
Và cứ đà này tiếng Việt vốn nghèo từ sẽ càng nghèo hơn, cho đến khi chúng ta ngày nay dám vứt bỏ mặc cảm tự ti ngôn ngữ của mình.
Tornad