⚠️ Chủ đề và nội dung bài viết chứa thông tin và nội dung nhạy cảm, liên quan đến chủ đề về tự tử, chết, và trầm cảm. Người đọc cân nhắc kỹ càng trước khi tiếp tục.
Mình không rõ bản thân là kiểu người lạc quan hay bi quan, nhưng mình khá chắc mình là kiểu người có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tiêu cực đến mức suy nghĩ đến việc “chết đi cho rồi” - người bi quan chắc cũng không có lối suy nghĩ này đâu, đúng không?
Điều đầu tiên, cũng là điều quan trọng nhất mình muốn đưa ra trước khi vào câu chuyện của bản thân, mình không viết bài này để cổ súy hay ủng hộ suy nghĩ, ý định, và các hành vi tự tử hoặc self-harm. Nếu bạn có vấn đề hoặc bệnh về tâm lý (ví dụ như trầm cảm), hãy tìm đến sự trợ giúp của những người có chuyên môn và những người thân thiết. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, mình không viết bài viết này để phân tích bản chất đúng-sai của những hành động này. Nguyên nhân mình viết về chủ đề này là mình nhận ra sự xuất hiện thường xuyên của cái chết và hành vi tự tử trong suy nghĩ của bản thân. Do đó, mình hy vọng, qua việc viết rõ những suy nghĩ này ra, mình có thể:
Hiểu hơn về những suy nghĩ này cũng như hiểu hơn về bản thân mìnhNghiêm túc nhìn nhận các khía cạnh mà mình đang quan sát và đánh giá về suy nghĩ nàyBổ sung kiến thức cho bản thân về chủ đề này
Đây là bài viết phục vụ cho “cái tôi” của mình là chính. Tuy vậy, nếu bạn đọc có ý kiến hay muốn bổ sung, góp ý, mình sẵn lòng lắng nghe. Trong bài viết này, mình sẽ kể lại câu chuyện của mình, những thông tin mà mình tìm được, và những suy nghĩ của mình liên quan đến những thông tin đó.

Buồn rầu mở đầu câu chuyện:

Chẳng tự nhiên mình lại nhận ra sự thật rằng mình thường xuyên có suy nghĩ về cái chết và tự tử. Tự dưng một sáng tinh mơ, mở mắt dậy, bất chợt nảy ra suy nghĩ “Ơ, sao mình không viết một bài về chủ đề tự tử và cái chết của bản thân nhỉ?” thì chẳng hợp lý chút nào.
Trước đây một thời gian ngắn (rất ngắn), mình gặp một số vướng mắc trong công việc và chuyện tình cảm. Mình nhớ mang máng đã từng đọc ở đâu là mỗi người chúng ta như một diễn viên xiếc, phải tung hứng những quả bóng “Sự nghiệp”, “Gia đình”, “Tình cảm”, “Sức khỏe” và gì gì đấy nữa cùng một lúc. Khi đó, mình rớt một phát tận hai quả bóng, diễn viên này chính ra cũng tồi.
Khi đó, tay vẫn làm, khóe mắt có chút cay cay, và bủa vây trong đầu mình là mong muốn “chết đi cho rồi” mà thôi.
“Sống khổ thế này sao không chết đi? Sống làm gì? Sao không chạy ra đường mà lao ra mũi xe buýt luôn đi? Sao không hộc máu ra đấy luôn đi? Sao không chết đi cho đỡ phải buồn vì chuyện tình cảm nữa? Sao không chết đi cho đỡ phải bế tắc trong công việc nữa? Có con dao ở gần đấy, thử đi?”
Như bạn đọc có thể đã đoán ra, mình không làm theo gợi ý nào trong đầu khi đó. Mình bình tĩnh lại được. Rồi mình nhận ra những ngày gần đây, ngày nào mình cũng có suy nghĩ như thế này. Và đó cũng không phải hiện tượng mới chỉ xảy ra, trước đó mình cũng rất hay nghĩ tương tự như vậy. Đó là khi, một ý tưởng nảy ra trong đầu của mình: “Ê, dạo này mày cũng đang tập thói quen viết ký, những suy nghĩ này, trước khi mày quên mất là mày có nó, sao không thử viết ra?”
Cảm ơn em và công việc kia đã cho anh ý tưởng nhé!

“Quá khứ” của… kẻ phản diện?!?

Một người mỗi ngày trải qua không ít sự kiện cùng những cung bậc cảm xúc gắn với chúng. Nếu tích lũy qua tuần, qua tháng, qua năm, số lượng những sự kiện sẽ là vô vàn. Mình không nghĩ não bộ chúng ta có thể lưu trữ được hết những sự kiện này cùng những cảm xúc gắn liền dưới dạng ký ức (hoặc cũng có thể là có, mình không biết), nhưng số lượng của chúng vẫn là rất rất nhiều. Truy xuất toàn bộ chỗ ký ức, chưa nói đến việc chắt lọc thông tin từ chúng, chắc là điều không thể rồi. Tuy nhiên, ký ức của mình về lần đầu tiên có hành vi thực hiện tự tử thì lại tương đối rõ ràng dù đã trải qua gần hai chục năm, thứ ký ức sáng lên trong một quả cầu pha lê trong hằng hà sa số những quả cầu pha lê khác trên những hàng tủ chạy dài. Có lẽ… một ký ức “lõi” (xin lỗi các bạn chưa xem bộ phim hoạt hình này).
Trong giờ ra chơi, cả ngôi trường tiểu học nhôn nhao như bầy ong vỡ tổ. Khắp sân trường rồi trên cả các hành lang, người chơi nhảy dây, người chơi đuổi bắt, người chơi bắn bi… Dừng chân tại hành lang tầng 2 dành cho khối 2, có một thằng nhóc đang ngập ngừng đứng trên thành lan can, một chân mấp mé ra bên ngoài, đầu cúi, mắt dán chặt xuống dưới. Vâng, đó là mình. Không, câu chuyện chỉ dừng ở đấy thôi. Thằng nhóc này, trước khi kịp tiến xa hơn, đã bị một cô giáo kéo lại. Y có bị mắng, nhưng không phải viết kiếm điểm, và sự việc này cũng không được thông báo về nhà. Nguyên nhân đằng sau sự việc này… lãng xẹt. Khi đó, nếu mình nhớ không nhầm, mình chơi đuổi bắt, bị thua, và chơi mãi không bắt được ai (”mãi” trong cái giờ ra chơi có 15 phút). Mình cảm thấy rất buồn bực, và chỉ muốn không cảm thấy như vậy nữa. Rồi mình nảy ra ý định nhảy từ tầng 2 xuống, làm như vậy sẽ hết bực, hết buồn. Khi đó, và kể cả mãi đến gần đây, mình cũng chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về chuyện này, trẻ con thì nghịch dại, chỉ vậy thôi.
Em xin một lần nữa cảm ơn cô ạ, dù em quên mất tên cô rồi ạ.
Khi ngồi lại và suy ngẫm về hành động này, nhận ra đây là hành vi tự tử đến từ suy nghĩ tiêu cực của bản thân, mình bắt đầu lần mò theo những dãy tủ ký ức với bộ lọc “cảm xúc tiêu cực dẫn dắt suy nghĩ đến cái chết”. Và, mình tìm được rất nhiều những ký ức như vậy. Hồi nhỏ, đó là một số lần bị điểm kém hay mắc lỗi phải viết kiểm điểm và phải xin chữ ký phụ huynh. Rồi cũng có một số lần bị bố mẹ mắng do nghịch ngợm, khi mà suy nghĩ trong đầu là “Để xem nếu con mà chết đi thì bố mẹ thấy như thế nào”. Lớn hơn một chút, đó là những lần bế tắc và thất bại trong chuyện tình cảm. Suy nghĩ của mình vào những thời điểm đó cũng có sự tương đồng. Mình thấy bản thân vô dụng, vô giá trị và không xứng đáng có được tình yêu hay bất cứ điều tốt đẹp nào khác trong đời. Thằng vô tích sự như mình, chết đi cho xong. Tuy vậy, các lần này, những suy nghĩ chỉ dừng ở trong đầu thôi, chưa lần nào mình biến chúng thành hành động cả. Nguyên nhân là mình sợ đau, sợ bẩn (mình đọc được ở đâu đó, nguồn trust me bro, là khi chết, các cơ trong cơ thể sẽ thả lỏng hoàn toàn, dẫn tới hành vi tiểu tiện và đại tiện tại chỗ không kiểm soát).
Cảm ơn tôi vì đã hèn!
Xin các bạn đọc thứ lỗi, vì có thể các bạn cũng cảm thấy giống mình khi ngẫm lại những ký ức này. Những hoàn cảnh mình gặp phải… hoàn toàn tầm thường! Những chuyện đó chẳng có gì to tát đến mức đấy cả. Và mình cũng chỉ dám nghĩ thôi, chứ không dám làm. Tức, kể cả trong vô thức, mình có thể cũng cho rằng ý thức của mình đang trầm trọng hóa vẫn đề chứ mọi chuyện chưa hề nghiêm trọng như vậy.
Suy nghĩ về tự tử đối với mình, có lẽ có một thông điệp ẩn phía sau. Cái mình muốn là một thứ khác, không phải cái chết. Thế là mình thử đào sâu hơn nữa, xem còn những thứ gì có liên quan hay có thể gây ảnh hưởng đến những suy nghĩ của mình. Mình tìm thấy hai bài hát (và một chương truyện).
Đầu tiên, nó đến từ câu hát mình yêu thích nhất trong bài hát nằm trong top của mình: “…Funny when you're dead, how people start listenin'”
Thứ hai, đó là từ mẩu chuyện về Nữ hoàng Bi kịch trong cuốn “Tỷ phú ổ chuột” của Vikas Swarup và sau này là bài hát Drama Queen của Ngọt.
Có lẽ, mình là một “drama queen” hay một “attention wh*re”, cái dạng muốn đem sự khổ đau hay cái chết của bản thân ra để lôi kéo sự chú ý từ người khác.
Phải chăng, mình muốn được lắng nghe?
OK, mình sẽ biến nó thành lý do chính của bài viết này. Viết ra để tự lắng nghe bản thân. Viết ra để ghi nhớ rằng ngoài bản thân luôn sẵn sàng lắng nghe con drama queen trong người, mình vẫn còn những chỗ dựa tinh thần khác nữa - đó là gia đình.
Cụ thể hơn một chút về vế sau, suy nghĩ về gia đình, đặc biệt là mẹ, là thứ từ trước đến nay vẫn luôn kéo mình ra khỏi được những suy nghĩ về cái chết kia. Những lần ý định tự tử bùng phát như cơn cháy rừng, mình lại nghĩ về mẹ. Chỉ nhớ đến những lần làm mẹ khóc thôi mình cũng rớm nước mắt rồi. Và nghĩ đến những giọt nước mắt của mẹ y như trận mưa to trút xuống, bao nhiêu lửa cháy trước đó tắt ngấm. Thế là mình dần lấy lại được sự bình tĩnh của bản thân.
Thực ra, ban đầu, mục tiêu viết của mình chỉ tới đây thôi. Tuy nhiên, mình thấy những suy nghĩ này của mình còn có phần hời hợt, cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Vế đằng trước thì mình cũng không biết phải làm như thế nào, vì việc viết ra những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân đối với mình còn hơi mới, chưa kể đến việc mình chưa bao giờ ngồi ngẫm nghĩ rồi cân đo đong đếm nghiêm túc về những suy nghĩ này. Đối với phạm vi của bài viết, mình nhận định rằng việc tìm hiểu thêm về chủ đề này từ những nguồn thông tin bên ngoài cũng là một điều hay. Những kiến thức đấy, biết đâu, cũng có thể sẽ có ý nghĩa hay giúp ích cho mình thì sao?

Kiến thức đồng nát

Mẹ vẫn thường bảo mình cứ như đồng nát vì cứ trữ chai lọ với hộp các-tông trong phòng. Mình thường cãi, bảo là nhỡ có lúc dùng đến thì có cái mà dùng. Nhưng cũng mấy năm rồi cái “nhỡ” đấy vẫn chưa xảy ra. Kiến thức, đối với mình, cũng như vậy. Do đó, mình cũng chả dám nhận dưới đây là những kiến thức mình nghiên cứu, phân tích, tìm tòi được đâu. Đi “đồng nát” về để “nhỡ” có lúc dùng đến thì có cái mà dùng thôi.

Từ wibu…

Wibu desu ga, Nani ka?
Khi nói đến chủ đề tự tử, nếu là một quý bửu có thâm niên, chắc bạn đọc cũng sẽ biết tới bài hát này (nhạc nhảy sôi động?!).
Bài hát này, YOASOBI cũng đã phối riêng một bản tiếng Anh rất hoàn chỉnh và hay không kém. Tuy nhiên, khi đối chiếu lời bài hát, một số ngữ nghĩa đã bị mất đi hoặc khác đi để đảm bảo âm điệu và nhịp nên mình xin phép không đi sâu vào xem xét phiên bản này. Bạn đọc nếu có hứng thú xin cứ tự nhiên tìm nghe.
Bài hát dựa trên mẩu truyện ngắn Thanatos no Yūwaku ("An Invitation from Thanatos") được viết bởi Mayo Hoshino trên trang truyện ngắn Monogatary của Nhật vào năm 2019. Cũng vì lý do này, phân tích nội dung của mẩu truyện này thay vì phân tích lời bài hát sẽ hợp lý hơn và sát hơn với tinh thần của bài viết. Để tránh tiết lộ nội dung quá sâu, mình sẽ tóm tắt ngắn gọn nội dung của truyện ở bên dưới. Nếu bạn đọc không muốn bị spoil, vui lòng bỏ qua phần này.
Truyện kể về một chàng trai và người bạn gái - tình yêu sét đánh của anh. Cô gái nhiều lần có ý định tự tử, và mỗi lần như vậy, cô đều thông báo tới chàng trai và chàng trai đều có mặt kịp thời để ngăn cô lại. Cô gái có một căn bệnh khiến chỉ mình cô nhìn thấy thần Chết - kẻ quyến rũ cô và mời gọi cô tìm đến cái chết. Sau nhiều lần cứu người yêu, chàng trai dần cảm thấy mệt mỏi, từ bỏ, và quyết định cùng chết với cô. Chỉ đến lúc này, anh mới nhận ra mọi lần cô gái nhắn cho anh về ý định tự tử, cô không hề muốn anh ngăn cô lại, cô muốn anh “đi” cùng mình. Cô chính là “thần Chết của anh”. Hai người nắm tay nhau và “tiến vào màn đêm”.
Mình không biết tiếng Nhật, ngoại trừ mấy phrase học lỏm từ anime - những cách nói mà đời thường không ai dùng. Mình đọc truyện từ một bản dịch tiếng Anh; do đó, một số thủ pháp nghệ thuật trong việc sử dụng từ ngữ, câu chữ tiếng Nhật và một số lớp nghĩa có thể bị mất, thay đổi, hoặc không đầy đủ.
Mình nhận định, có hai lớp nghĩa cho câu chuyện này.
Lớp nghĩa thứ nhất, thật ra, chẳng có cô gái nào ở đây cả. Cô gái thực sự là “thần Chết” của người con trai này, tức chỉ có anh mới có thể nhìn thấy cô thôi. Cô gái, qua phép ẩn dụ, là hiện thân của những suy nghĩ về tự tử (hoặc cũng có thể là chứng bệnh trầm cảm - đây là một giả định của mình chứ không có bằng chứng nào trong truyện cả) của chàng trai. Những suy nghĩ này liên tục xuất hiện trong đầu anh, và sau một thời gian đấu tranh với chúng, anh từ bỏ. Lớp nghĩa này, thật lòng, làm mình hơi sợ. Bởi nó có sự liên hệ trực tiếp tới mình. Mình, nhiều lần chứ không phải ít, có những suy nghĩ về việc tự tử. Dù có thể mình chưa suy nghĩ sâu xa hay những suy nghĩ của mình chưa thực sự nghiêm túc, nhưng liệu có một ngày nào đấy mình cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi rồi từ bỏ việc chống lại nó không?
Lớp nghĩa thứ hai, không phổ biến, là lớp nghĩa mình tìm được trên Reddit. Mình thấy kết luận rút ra được từ phân tích này có sự liên hệ tới mình nên mình đưa vào đây. Cô gái thực sự tồn tại. Người ban đầu gặp vấn đề chính là cô gái. Trong quá trình giúp đỡ cô gái liên tục có ý định tự tử này, chàng trai - một người bình thường - bị ảnh hưởng theo và cũng bắt đầu nảy sinh ý định tự tử. Từ đây, chúng ta cũng có thể rút ra kết luận rằng “những người thân thiết xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và tâm lý của chúng ta”. Tuy có sự khác biệt với hướng phân tích này, nhưng kết luận ở trên lại đúng với tình trạng của mình. Vì gia đình, đặc biệt là mẹ, chính là chỗ dựa tinh thần của mình mỗi khi mình có những suy nghĩ về việc tự tử (như mình đã đề cập).

…đến những triết gia lỗi lạc:

Trong quá trình tìm hiểu, có thể nói, đây là một kho vàng mà mình vô tình đào được. Những trích đoạn và phân tích dưới đây đang có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của mình hiện tại, bên cạnh chủ đề của bài viết này. Mình xin tự note lại ở đây để có thể viết sâu hơn về phần này trong tương lai, nếu có cơ hội.
Chủ nghĩa Khắc kỷ (Stoicism) đến với mình một cách tình cờ trong một tối biếng lười xem video ngẫu hứng trên Youtube. Mình được nghe về song đề về sự kiểm soát (the dichotomy of control). Nói ngắn gọn, có những việc nằm trong sự kiểm soát của mình, có những việc không; một người chỉ nên quan tâm đến những việc nằm trong sự kiểm soát của bản thân thôi. Tìm hiểu và đọc thêm, hay làm sao, Chủ nghĩa Khắc kỷ lại “rất thích” nói về cái chết, và cả vấn đề tự tử nữa.
Cái chết, đối với Chủ nghĩa Khắc kỷ, cũng nằm trong song đề về sự kiểm soát. Con người ta không kiểm soát được cái chết. Chúng ta có thể sống đến bảy mươi tuổi, tám mươi tuổi, thậm chí là một trăm tuổi. Hoặc căn bệnh ung thư sẽ chợt tới chấm dứt chúng ta ở độ tuổi bốn mươi. Hoặc, ngày mai, ngày kia, hay tuần sau, một cơn đột quỵ hay một tài xế say khướt cũng có thể cướp đi tính mạng của chúng ta. Vậy, thứ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta là gì? Đó là thái độ và suy nghĩ của chúng ta về nó.
Ngoài lề một chút, mình đọc sách tiếng Anh nên các trích dẫn của mình cũng là tiếng Anh. Mình có thể sẽ diễn dịch chúng ra tiếng Việt cùng với trích dẫn để bạn đọc có thể so sánh, tránh trường hợp bản dịch của mình bị tối nghĩa, sai nghĩa gây hiểu lầm.
Trong tập Discourse, quyển số 2, Epictetus có nói như sau:
“If it is not to your profit, the door stands open: if it is to your profit, bear it. For in every event, the door must stand open and then we have no trouble,…”
The open door, hay cánh cửa mở, là cách diễn đạt thường dùng của Epictetus về việc tự tử. Ở đây, đoạn trích này có thể hiểu đơn giản như sau: “Trong mọi hoàn cảnh, cánh cửa luôn luôn mở đối với chúng ta. Bước qua cánh cửa lúc nào cũng là một lựa chọn khả dĩ.” Tự tử, đối với Epictetus, nằm trong sự kiểm soát của mỗi người. Chúng ta có quyền tự do cân nhắc và thực hiện việc chấm dứt cuộc đời của mình.
Trong tập Meditations, quyển số 10, Marcus Aurelius cũng đề cập đến vấn đề tự tử như sau:
“And whensoever thou findest thyself; that thou art in danger of a relapse, and that thou art not able to master and overcome those difficulties and temptations that present themselves in thy present station: get thee into any private corner, where thou mayst be better able. Or if that will not serve forsake even thy life rather.”
Bản này (mình lấy trên Gutenberg) sử dụng hành văn của tiếng Anh cổ nên hơi khó hiểu, mình phải nhờ sự trợ giúp của ChatGPT. Theo bản dịch của ChatGPT, đoạn trích có thể hiểu như sau: “Mỗi khi nhà ngươi cảm thấy mình đang ở trong hoàn cảnh có nguy cơ lặp lại những lỗi lầm cũ và nhà ngươi không thể thoát khỏi những ham muốn và cám dỗ bên ngoài, hãy lui vào một nơi kín đáo, nơi mà nhà ngươi có thể giành lại sự kiểm soát bản thân. Nếu điều đó cũng không giúp ích được gì, hãy tự nguyện đánh đổi mạng sống của mình.” Như vậy, đối với hoàng đế Aurelius, tự tử cũng là một lựa chọn tự nguyện.
Nhìn nhận suốt chiều dài lịch sử của Chủ nghĩa Khắc kỷ, cũng có không ít những tấm gương đã sử dụng cánh cửa này.
Chắc chắn không phải “Cánh cửa thần kỳ” của con mèo máy nào đó…
Tồn tại một phiên bản ghi chép rằng Zeno, cha đẻ của Chủ nghĩa Khắc kỷ, đã tuyệt thực khi cảm thấy bản thân già nua và không còn đóng góp được gì cho xã hội nữa. Cato Trẻ, một chính trị gia vào những năm cuối của chế độ Cộng hòa tại La Mã, đã tự moi ruột mình để không bị rơi vào tay của Julius Ceasar. Seneca, người từng là thầy giáo và cố vấn cho bạo chúa Nero, cũng đã tự tử theo lệnh của người học trò cũ của mình.
Mặt khác, dù Chủ nghĩa Khắc kỷ có cho rằng tự tử hay lựa chọn cái chết là quyết định tự do của mỗi cá nhân, những triết gia trên cũng nhận thức được rằng việc này chỉ nên được thực hiện với lý do đúng đắn.
Cũng trong quyển 2 của tập Discourse, Epictetus viết như sau:
“Let me describe another state of mind to be found in those who hear these precepts amiss. A friend of mine, for instance, determined for no reason to starve himself. I learnt of it when he was in the third day of his fasting, and went and asked him what had happened. ‘I have decided,’ said he. Yes, but, for all that, say what it was that persuaded you; for if your decision was right, here we are at your side ready to help you to leave this life, but, if your decision was against reason, then change your mind. ‘A man must abide by his decisions.’ What are you doing, man? Not all decisions, but right decisions.”
Dù cho Epictetus có nói rằng “cánh cửa luôn mở trong mọi hoàn cảnh”, ông cũng nhấn mạnh việc sử dụng nó phải đến từ quyết định “đúng đắn” chứ không phải những quyết định vô lý, phi logic.
Ngay tiếp nối đoạn trích trên trong tập Meditations, Marcus Aurelius cũng giải thích thêm:
“But so that it be not in passion but in a plain voluntary modest way: this being the only commendable action of thy whole life that thus thou art departed, or this having been the main work and business of thy whole life, that thou mightest thus depart.”
Lại phải nhờ ChatGPT, nội dung trên có thể hiểu như sau: “Tuy nhiên, việc thực hiện hành động đó phải đến từ sự bình tĩnh và những đánh giá cẩn trọng, không phải từ sự nóng nảy hay bồng bột nhất thời. Hãy để cho hành động này là trở thành điều đáng trân trọng trong suốt cuộc đời của nhà ngươi, hay là một thành quả của những mục đích và đóng góp cả đời của nhà ngươi.” Như vậy, Marcus Aurelius cũng cho rằng quyết định tự kết liễu đời mình cũng phải đến từ lý trí và sự bình tĩnh chứ không phải từ những quyết định bộc phát hay cảm tính. Chưa kể đến, Meditations còn là tập sách Marcus Aurelius viết riêng cho chính bản thân ông chứ không hướng đến người ngoài.
Xa hơn nữa, nhìn các tấm gương đã được kể bên trên, quyết định tự tử của Cato Trẻ và Seneca cũng không đến từ những ý nghĩ bồng bột hay vô lý. Và nếu cân nhắc đến mục tiêu sống duy nhất của Chủ nghĩa Khắc kỷ, sự đức hạnh (virtue), những tín đồ sẽ có khả năng kiểm soát để toàn tâm toàn ý theo đuổi mục tiêu sống này vì trong trường hợp nào, cánh cửa mở vẫn luôn là một lựa chọn khả dĩ đối với họ.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu suy nghĩ và ý định tự tử đến từ một căn bệnh (cụ thể là bệnh trầm cảm), chúng có thể sẽ không được coi là một “right decision”. Ngoài ra, những tìm hiểu này mở cho mình một khía cạnh mới trong việc phân tích suy nghĩ về tự tử của bản thân. Những suy nghĩ của mình khi đó đã phải là suy nghĩ cẩn trọng được đưa ra một cách bình tĩnh chưa hay chỉ là những ý tưởng nhất thời khi cảm xúc của mình đang không ổn định? Quyết định này đã “đúng đắn” chưa, mình xuất phát từ cơ sở nào (hoàn cảnh, tình huống, các phương án khác…) mà muốn đưa ra lựa chọn này?

Vài lời cuối:

Chủ đề này mình viết khá lan man, nhưng nếu không tổng kết gì mà cúp cái “xoẹt” luôn thì hơi lửng lơ. Tuy vậy, mình cũng không có một kết luận cụ thể nào cho bài viết này cả.
Mình cảm thấy bản thân cũng thu hoạch được đôi chút khi viết về chủ đề này. Đầu tiên, mình vẫn là một con người tiêu cực. Mình không phải Barney Stinson, không thể nào “stop being sad and being awesome instead” luôn được. Thấu hiểu và dành thêm tình yêu cho bản thân là điều mình sẽ phải thay đổi dần dần, thậm chí sẽ mất cả đời để thay đổi chứ không phải chuyện của vài tháng hay vài năm. Nhưng như vậy, đối với mình, cũng được. Thứ hai, Yoru ni Kakeru và câu chuyện đằng sau là một minh họa tương đối u ám của việc để những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm tâm trí. Thứ ba, Chủ nghĩa Khắc kỷ có những bài học và quan điểm sống rất phù hợp với mình, mình đang tìm hiểu và thực hành chúng. Cuối cùng, hy vọng các bạn đọc dành tình yêu cho bản thân nhiều hơn.