1. Con người không tệ từ khi mới sinh ra, nhưng họ bị đặt vào những hoàn cảnh tệ và buộc phải hành xử theo cách tệ. Triết gia Sartre trong cuốn "Being and Nothingness" lấy ví dụ về anh bồi bàn: anh là bồi bàn sở dĩ không phải vì tự thân anh đã là bồi bàn mà vì anh tự thuyết phục mình là một người bồi bàn. Ông nói: "Con người bị kết án tự do" (Man is condemned to be free). Tốp lính Đức Quốc Xã trong The Pianist chẳng phải vậy thì là gì? Dù họ có bị ném vào cái vạc dầu sôi nhân tính ấy hay lựa chọn bước vào nó, sự thật không thể thay đổi được là họ đã ở trong nó rồi. Bên dưới mũ và áo khoác quân đội. Tay lăm lăm khẩu súng. Việc của họ chỉ có hai thứ: nghe theo lệnh cấp trên, và giết. Bởi nếu không làm như vậy, họ sẽ không biết mình là ai.
2. Nhìn theo lát cắt thứ hai — tính trình diễn trong thể hiện cái tôi, một vấn đề Erving Goffman tiên phong mổ xẻ — thì cả bộ phim chẳng qua là một cuộc vật lộn giữa tiền cảnh và hậu cảnh, cá thể và cộng đồng, tuân thủ và phá luật. Khi đặt giữa một bối cảnh bất kỳ có sự quan sát của "khán giả" và sự áp đặt vô hình của những chuẩn mực, con người có xu hướng đè nén một số mặt và biểu hiện ra một số khác mặt trong con người mình mà họ cho rằng phù hợp với hoàn cảnh. Các hành vi này có thể bị bóp méo hơn nữa khi một người vô danh giữa đám đông; khi đó, người này phủ lên nhân cách của mình những đặc điểm không thuộc về bản thân — có thể là sự dối trá, thờ ơ và tàn nhẫn. Khi liên tục bị thử thách ở "tiền cảnh" (front stage), nơi con người không gì khác ngoài những "diễn viên cuộc đời" trình diễn cái tôi theo vai trò định đoạt sẵn, hai sự thể hiện cái tôi dần chập thành một. Thế nên một anh thanh niên Đức tràn đầy lý tưởng bỗng có thể ném ông già trên xe lăn từ ban công tầng cao xuống đất không thương tiếc khi khoác trên mình bộ quân phục. Thế nên quân Đức Quốc Xã, vốn quen với sự tàn bạo và máu người, bỗng chốc hỉ hả đòi đám đông Do Thái sợ sệt nhảy cho chúng xem như súc vật: chúng tưởng cả thế giới này lúc nào cũng là một cuộc hội hè linh đình. Một cuộc hội hè đầy máu tanh và sự rác rưởi.

Đọc thêm:

3. Khi người ta đói thì dù có làm văng vãi nồi cháo trên nền bùn bẩn thỉu người ta vẫn sẽ cúi xuống mà liếm. Mà hớp. Giữa tràng cười hô hố và tiếng quát tháo đe nẹt của cảnh sát, hình ảnh một người đàn ông đang nằm rạp xuống đường, cố gắng hớp từng ngụm cháo trong khi một người phụ nữ ôm lấy cổ ông mà gào khóc sẽ là một trong những hình ảnh còn tính "người" nhất mà mình ghi nhớ.
4. Lại nhắc đến chuyện đồ ăn. Chiến tranh, ngoài tiếng bom nổ rợn rợn bên tai và cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, thì còn là chuyện đói ăn. Củ khoai tây mà gia đình Szpilman cầm cố ăn tạm qua ngày chuyển thành bánh mì chuyển thành nắm thóc chuyển thành hộp dưa chuột muối. Họ ăn bất cứ cái gì có thể tìm thấy, vì cũng chẳng còn nhiều đồ ăn để mà tìm thấy. Và để ăn thì họ bất chấp. Kể cả mạng sống. Nếu mỗi lần cố tìm kiếm đồ ăn mà Szpilman bị giết thì chắc anh phải bị giết đến ngàn lần. Thế nên đồ ăn, trong những lúc tội tệ nhất của lịch sử loài người, là một sự xoa dịu êm ái và bình đẳng biết bao. Đến cuối cùng thì Szpilman được ăn, và còn là ăn tử tế. Một sĩ quan Đức tình cờ được lắng nghe tiếng đàn của anh đã ném cho anh một gói bánh mì kèm mứt và dao phết. Thử tưởng tượng Szpilman đã sung sướng thế nào khi mở gói đồ ăn ra và thấy mứt ngọt. Trong cái giây phút bi thảm nhất thì cái ta trông đợi cũng chỉ là ổ bánh mì phết mứt mà thôi.
5. Bạn mình xem xong bảo Szpilman may mắn quá, là "celebrity Jew" được bao nhiêu người giúp đỡ và bảo vệ khỏi tai mắt bọn lính canh. Mình thấy anh đáng thương thì hơn. Anh trốn chui trốn lủi từ căn hộ này sang căn hộ kia ở thành phố, còn hơn người ta bắn một phát chết tươi gia đình anh ở trại tập trung xa tít nào đó. Đi qua đứa trẻ bị đánh đập đến chết bên bờ tường ngăn cách khu Do Thái và phần còn lại của Warsaw, anh không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục bước đi. Và qua Szpilman, người ta thấy một tiến trình lịch sử man rợ thời Thế chiến thứ hai tại thủ đô Ba Lan: những cái chết tức tưởi mà anh nhìn thấy, những vụ mất tích bí ẩn của bạn bè anh, cảnh hoang tàn đổ nát sau khói lửa, sự tuyệt vọng cầu xin một người đàn ông lạ mặt nếu nhìn thấy chồng bà hãy báo tin ngay cho bà của một người phụ nữ trên phố, những tin tức bọc đường giả dối của quân chiếm đóng. Tất cả hiện hữu trong trải nghiệm vài chục năm của một con người.
Còn ta thì không có quyền làm bớt đi nỗi đau của con người ấy.