Vài dòng cảm nhận sau khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh”.
Tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh là đại diện tiêu biểu cho lối văn chương tả thực, lối viết thẳng thắn mô tả...
Tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh là đại diện tiêu biểu cho lối văn chương tả thực, lối viết thẳng thắn mô tả những gì đằng sau sự vinh quang của chiến thắng trước và sau ngày thống nhất 2 miền đất nước. Lối viết cuốn hút, mê mẩn người đọc cho dù câu từ tràn đầy mùi của khói, lửa chiến tranh, của mất mát, đau thương, của tâm hồn đã cằn cỗ, trở nên biến chất sau hậu chiến. Trong từ trang tiểu thuyết, câu từ của tác giả dẫn dắt chúng ta qua từng thăng trầm ám mùi chiến tranh của nhân vật Kiên, một người lính trinh sát may mắn trong mươi người của tiểu đoàn của anh trở về sau chiến tranh. Tác giả Bảo Ninh viết về Kiên là người in đậm mùi chiến tranh từ xương tủy đến bộ óc, từ thân thể đến nội tâm. Tuy là kẻ may mắn, sống sót sau những trận bom, lửa càn quét của quân địch, Kiên trở về với đời sống bình thường nhưng những gì là bình thường trước mặt anh lúc đó lại “không bình thường” và trở nên dần không còn quen thuộc với anh. Anh cảm thấy lạc lõng, thấy xa lạ với chính cuộc sống hiện tại. Kiên chọn rượu, thuốc và việc viết lách để giúp anh có những phút giây bình yên với mình, để tránh khỏi giấc ngủ, nơi sẽ kéo anh lại những hồi ức thời chiến đầy ám ảnh, đau thương. Câu từ của tác giả Bảo Ninh là không ẩn trong đó sự khoan nhường hay một chút gì đó câu lệ. Từ câu chuyện của Kiên, Bảo Ninh đã vẽ lên một thực tế đời sống chiến tranh đầy chất khắc khổ, sự đau thương bủa vây khắp nơi. Những mất mát, những đau khổ. Ngập trùng, trải rộng từ đầu đến cuối. Sự đau thương của chiến tranh mà chúng ta ngày nay nghe có lẽ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với thực tế mà “Nỗi buồn chiến tranh” đưa tới. Có một câu thỉnh thoảng được Kiên nhắc lại trong cuộc đời mình: “Có người nằm xuống thì có người mới được sống”.
Những đánh đổi bằng cả tính mạng đã thường xuyên xuất hiện trong từng hơi thở, nhịp sống của Kiên khi anh trong quân ngũ. Những sự mất mát xuất phát từ từng cái chết của các thành viên trong đội trinh sát của anh, của những người anh đồng hành cùng. Họ ngã sống để Kiên được sống. Họ để lại phần đời còn lại cho cuộc sống, thứ đã vô tình bám lấy và ngày đêm giằng xé nội tâm bé nhỏ của Kiên. Ta thấy nội tâm anh thật bé nhỏ và đáng thương, chúng mang vẻ có sự đầy ải, khổ hạnh. Khi tâm hồn không thể thoát ra được cái bóng của quá khứ, nó như trở thành cái bóng trong cuộc đời. Và rồi cái bóng đó sẽ trở thành chính chủ thể. Chúng đã thành công chiếm lấy tâm trí Kiên. Nhưng hỡi ôi, thật kì lạ, Kiên, anh vẫn tồn tại, anh vẫn cố tìm cho mình một hy vọng để trở lại cuộc đời bình thường, dù hành trình đó liên tục là những lần anh bị kéo lại hồi ức đau buồn của chiến tranh. Giấc ngủ với anh như cuộn phim tua ngược, đặt trong 1 chiếc rạp duy nhất 1 chiếc ghế với 1 người xem là Kiên. Đoạn phim đó quay vòng liên tục, bật tắt lúc nào không ai biết trước, cứ vậy ám ảnh vào đời Kiên. Có lẽ đó là cái giá cho người sống sót, dù qua tất cả những đêm thức thâu viết về quá khứ cuộc đời mình như một cách Kiên cởi xiềng xích cho bản thân mình. Anh đã sống và giờ anh vẫn đang tiếp tục chiến đấu. Cho bản thân anh và cả những người đã nằm sống.
Mạch tiểu thuyết đôi khi không hẳn là liền mạch, có những đoạn tưởng chừng sẽ được phát triển thêm nhưng rồi lại chỉ dừng lại tại đó. Những cái chết, được tôn vinh và nhắc tới như một điều hiển nhiên. Điều đó ám ảnh lên Kiên, anh bị ám ảnh bởi cuộc đời quá khứ, có lẽ chúng đã phá hủy nhân cách của anh. Một cậu học sinh Chu Văn An 17 tuổi chính trực, ngây ngô và yêu say đắm Phương. Người yêu của Kiên. Nhưng tình cảm đó chắc kéo dài được bao lâu, nó cũng không giống bất kì một chuyện tình cảm nảo thời đó. Và cái kết, có lẽ đã luôn đợi sẵn họ từ đâu, giữa hai người yêu nhau nhưng về tâm hồn lại thật khác nhau. Đó là sự rời xa. Trong tiểu thuyết có 2 lần rời xa, và cả hai nhân vật đều đã thực hiện việc này. Lần đầu là Kiên, Kiên đã chủ động rời xa Phương khi nhận thấy Phương đã quá dễ chấp nhận con người hiện tại mà đánh mất Phương trong quá khứ. Lần thứ 2 là Phương, Phương đã chủ động bỏ đi rời xa Kiên, có lẽ Phương đã nghĩ mình không còn xứng với Kiên nữa hay cô đã bị những thú vui hoan lạc đó nhấn chìm từ lâu. Sự bỏ đi đó chỉ là cách cô khẳng định về con người Phương hiện tại?
Trong tiểu thuyết, Kiên đã không thể thoát ra được cái bóng của quá khứ. Chúng ám ảnh anh. Cả trong mơ và thức. Có lẽ Kiên có tâm hồn nhạy cảm, chỉ một cơn gió lạnh thổi qua đã kéo anh ngay từ trong căn phòng quen thuộc của mình về lại nơi mình từng chiến đấu, nơi những đồng đội anh nằm xuống. Và điều đó ám ảnh Kiên hằng ngày, liên tục đến không ngừng nghỉ. Và rồi anh đã lựa chọn cách để giải quyết mọi việc, đó là hướng mình vào quá khứ, lao vào bóng đêm để mong rằng những ngày tương sáng của hiện tại rồi sẽ tới. Anh chọn cách viết lách là chất dẫn. Anh viết không ngừng nghỉ, liên tục hằng đêm. Bóng đèn phòng anh rọi sáng trong bóng đêm nơi khu phố đã được người dân trong khu phố ví von là ngọn hải đăng đêm. Anh cũng được người trong phố gọi là “Nhà văn của phường tôi”. Chất liệu văn của anh có lẽ giống với của nhà văn Bảo Ninh, vị của mùi chua xót, tang thương, ám ảnh trong từng dấu phẩy, dấu chấm. Nhưng có lẽ chẳng tự nhiên mà Kiên có chất văn như vậy, nó là sự đúc kết từ cuộc sống đầy đau thương, nỗi buồn của anh. Từ gia đình anh, cha mẹ ly dị, anh sống với người cha họa sĩ cũng có những tâm tư riêng mình. Mất cả cha và mẹ năm 17 tuổi. Anh mất cả bóng hình người con gái anh từng yêu. Anh lao vào chiến đấu nhưng đời chẳng buông tha anh. Nó không cho anh chết nhưng bắt anh chứng kiến tất cả những đau khổ, nghịch lý ngang trái của cuộc chiến, chúng trở thành những vết thương và cuộc đời bắt anh mang những vết thương găm sâu vào tâm can, đến mức méo mó nhân cách con người. Trở về cuộc sống hằng ngày, anh bị quá khứ bám lấy, ám ảnh vào cuộc đời. Anh gặp lại Phương nhưng rồi cô cũng bỏ anh mà đi. Kiên cũng có vài mối tình, những người đàn bà có tên bước vào và bước ra trong hành trình của anh. Nhưng có một người có lẽ đáng thương nhất là người đàn bà câm ở căn phòng gác mái, nơi từng là xưởng vẽ của bố Kiên. Tác giả Bảo Ninh khắc họa Kiên không một nét từ nào về hình dáng bên ngoài nhưng từng chi tiết của tiểu thuyết đã đủ viết lên sự khắc khổ trong con người anh. Và rồi, nghịch lý trớ trêu rằng anh chỉ tìm đến người đàn bà câm trên gác mái tâm sự khi anh say. Anh kể, kể hết, kể về những gì trong tác phẩm đầu tay anh đang viết, kể với người đàn bà đó. Và lúc người đàn bà đó có tình cảm và tìm đến anh thì cũng là lúc anh rời đi. Không ai biết Kiên đã đi đâu. Anh để lại tất cả trang bản thảo của mình, những gì là cuộc đời anh, thô kệch, tang thương tràn đầy. Để lại tất cả cho người đàn bà câm, có lẽ dụng ý của tác giả Bảo Ninh ở đây rằng, câu chuyện đời Kiên sẽ chẳng thế còn có ai ngoài họ biết được nữa. Chúng đã chấm dứt cũng như cách Kiên đã chọn việc rời đi vậy. Duy chỉ có duy nhất người đàn bà câm vẫn nâng niu đống bản thảo không trình tự, hệ thống, đúng chuẩn mực thời đó. Chúng được xếp và cất gọn lại. Đến khi nào chúng được mở ra hay Kiên sẽ quay lại để chạm một lần nữa vào chúng, điều đó chẳng ai hay, chẳng ai nghe tới, chẳng ai có thể khẳng định. Cái kết đầy bỏ ngỏ nhưng cũng là dấu chấm cho những gì mà Kiên đã trải qua trong cuộc đời.
Trong lúc đó, có lúc cảm tưởng tôi đang là Kiên, được thấy những gì anh thấy và cảm nhận được những gì trong bộ não anh. Đó là một sự hỗn độn của đau thương và mất mát. Tồn tại le lói một hy vọng muốn được giải thoát nhưng nó quá nhỏ so với một màn đêm tối mịt đã phủ kín bao lâu. Những suy nghĩ của Kiên chảy vào đầu tôi như một cơn lũ, chúng làm tôi hoang mang, làm tôi thấy bần thần qua từng câu chữ. Chúng không cho tôi dừng, tiếp tục cuốn tôi vào trong những câu từ của chúng. Dữ dội, mạnh mẽ, chúng cuốn tôi vào cảm xúc của Kiên và những tâm tưởng sâu thẳm trong con người anh. Có lúc tôi đã thấy “không còn lối thoát nào đó cho mình”. Đây như một mê cung, dù tôi có cố làm gì để thoát ra nó luôn chực chờ cơ hội để kéo tôi lại. Kiên, có lẽ đã sống ở đây nhiều năm, chục năm hay lâu hơn thế nữa. Thứ quà thưởng cho kẻ luôn chinh phục mê cung đó là hai món đồ “rượu” và “cây bút”. Rượu uống để quên và cây bút dành để viết. Viết ra lối thoát cho chính mình. Kiên đã làm điều đó, cần mẫn, ngày đêm, cho tới khi anh thoát ra được khỏi đó. Và rồi anh được giải thoát, anh đi. Không một ai biết người chiến thắng cái bóng đêm đó đã đi đâu.
Anh đã tìm ra sự giải thoát cho chính mình.
Tôi thích cuốn sách này vì những gì nó đem lại cho tôi. Quá nhiều thứ mà tôi có thể mường tượng và đón nhận đằng sau hơn 200 trang sách. Cuốn sách giờ đã được tôi gấp lại nhưng những ký ức về cuốn sách vẫn âm ỉ trong tôi ngày ngày, và rồi, đến một lúc nào đó, sự khám phá trỗi dậy, tôi sẽ 1 lần nữa vào mê cung ký ức đó, để tiếp tục gặp lại Kiên và cuộc đời hậu chiến của anh.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất