Cuốn sách mà tôi giới thiệu với các bạn ở đây đã có tuổi thọ hơn 1 thế kỷ, với bản in lần đầu vào năm 1900. Một cuốn sách nhỏ, ngắn nhưng cũng như dân tộc Nhật Bản: đã sống trọn vẹn và sống mạnh mẽ sau từng đó biến thiên của thời cuộc. "Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản" của tác giả Nitobe Inazo 

Câu mở đầu của cuốn sách chính là một đoạn đối thoại khi một giáo sư phương Tây bất ngờ trước việc “Nhật Bản không dạy về tôn giáo. Thế làm sao giáo dục đạo đức được?” Phải, Nhật Bản không cần điều đó, bởi mọi lẽ về thiện – ác, phải – trái, lễ độ - chân thật – dũng khí. Tất cả đã được gói gọn trong tinh thần mang tên “Võ sĩ đạo”. Bản thân nó là một hệ thống đạo đức và dẫn lối cho người Nhật. Chẳng hạn “Võ sĩ đạo xem lợi ích của gia tộc và thành viên là một.” Đấy là lý do họ cùng nhau kéo một công ty đi lên, chứ không bận tâm về cái gọi là “có ích gì cho bản thân.”

Nhiều người biết về “Võ sĩ đạo”, nghe và nhắc về “Võ sĩ đạo”, nhưng không ai biết rõ về “Võ sĩ đạo” là thế nào? Bạn phải đọc cuốn sách này, và bạn sẽ hiểu về sức mạnh tinh thần đã tạo nên nước Nhật Bản hôm nay. Đọc sách, theo tôi không phải là để học thuộc và khoe khoang. Đọc sách cũng như đọc lịch sử, chính là soi gương vào và rút tỉa ra bài học. Nhật Bản là một quốc gia khiến người Việt phải ngỡ ngàng. Văn hóa Nhật, tinh thần Nhật là những điều gì đó chưa có tiền lệ. Hòa nhập rất nhanh nhưng chưa bao giờ hòa tan. Nhật Bản là Nhật Bản.

Cuốn sách này như một dòng chảy các phạm trù lý giải cái cội nguồn cốt lõi nhất, với 17 chương ngắn nhưng đi vào cái nhân sinh quan của dân Nhật. Việt Nam, một quốc gia có quá nhiều sự tùy tiện, phải chăng nên nhìn vào đây để định hình lại? Ví như: “Lời nói của võ sĩ nặng như núi, những lời hứa chắc chắn được thực hiện nên không cần phải có giấy chứng. Viết giấy chứng là hành vi làm tổn thương tính uy nghiêm của võ sĩ.”

Sự lễ phép của người Nhật ai ai cũng được gặp qua các câu chuyện, nhưng chúng đến từ đâu? Vì sao? Và thế nào? Cũng là từ võ sĩ đạo mà ra. Chẳng hạn: “Lễ nghĩa được nâng lên thành điều kiện tất yếu trong xã giao.” Bởi vì “Lễ nghĩa là bao hàm lòng tôn trọng đối với việc đáng kính, vì thế nó còn có nghĩa là lòng tôn kính vô tư đối với địa vị xã hội, không phân biệt giàu nghèo, mà dựa vào giá trị thực tế.”

Cuốn sách kể nhiều về các câu chuyện thời xưa của Nhật. Thỉnh thoảng ta vẫn gặp trong các bộ manga mà ta thích.

Trong thế chiến thứ II, chúng ta đều biết về biệt đội cảm tử kamikaze “1 đổi 1” của Nhật Bản, như là nỗ lực cuối để chống bại trận, để chống lại sự vũ nhục của ngoại bang lên Nhật Hoàng của mình. Những chiếc máy bay cảm tử đó tôi coi đó là đỉnh cao của sự dũng cảm và đức tin.

Người Nhật định nghĩa thế này về dũng cảm trong cuốn sách: “Người dũng cảm thật sự là người lúc nào cũng trầm tĩnh, không bao giờ hốt hoảng; không có việc gì có thể làm tinh thần của người đó dao động. Tỉnh táo trong lúc chiến đấu ác liệt, không kinh hoàng hấp tấp khi gặp thiên tai.” Chúng ta khâm phục những người dũng cảm thật sự, đó là người lúc nào cũng vững lòng, có thể làm thơ trong lúc nguy hiểm cận kề. Thậm chí trong dũng khí cũng có yếu tố vui tính. Chuyện nghiêm trọng đối với người thường, có nhiều khi chỉ là một trò chơi với người dũng cảm.

Cuối cùng: cuốn sách này là của Nhà Xuất Bản Trí Thức. Một trong những cuốn sách cuối cùng mà giáo sư Chu Hảo đã chịu trách nhiệm xuất bản, trước khi các vấn đề chính trị mà tôi không lạm bàn ở đây đẩy ông rời đi. Cuốn sách hướng đến cho chúng ta những cái đẹp đặc biệt về tính cách, để hiểu vì sao ta thua nước Nhật, để hiểu ta cần học điều gì?
Để đọc và để biết.

P/S:

Một thông tin khác: thứ 7 này sẽ có buổi Cà phê Gặp gỡ & Đối thoại với anh Nguyễn Quốc Vương về Chủ đề : VÕ SĨ ĐẠO-LINH HỒN CỦA NHẬT BẢN. Dưới sự Chủ trì của PGS,TS ĐINH HỒNG HẢI.

Link sự kiện: https://bom.to/Y8p3L

Các bạn ở Hà Nội mà quan tâm có thể đến dự.

Trân trọng

(Thư Quán)