VÔ CẢM KHÔNG PHẢI BỆNH, ĐÓ LÀ CÁCH CHÚNG TÔI BẢO VỆ BẢN THÂN.
Cách đây gần một năm, trong giai đoạn ôn thi nước rút - bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời, tôi - một con cá bơi ngược dòng như...
Cách đây gần một năm, trong giai đoạn ôn thi nước rút - bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời, tôi - một con cá bơi ngược dòng như biết bao người khác đang vật lộn trong cơn lũ của thi cử và áp lực kéo đến cùng với nó đã biến cô đơn thành bạn và vô cảm thành người thân. Giờ là lúc bản thân tôi nhìn lại và chia sẻ góc nhìn của bản thân sau khi đã bình phục khỏi gam màu xám xịt của cái nơi mà biết bao người gọi là "thanh xuân" ấy.
1. Cái lồng mang tên "lớp học".
Qua đầu năm lớp mười hai, vừa tránh khỏi vỏ dưa tôi lại va phải vỏ dừa, cảm giác như tất cả mọi thứ như đang ngăn cản mình đến với cuộc sống "vô lo vô nghĩ" mà tôi đã từng ao ước đó. Chỉ vì một sự bốc đồng, nông nổi của một thằng nhóc nổi "máu du côn" mà cả một năm cuộc đời đó của tôi biến thành một đáy thẳm nuốt chửng mọi thứ vốn dĩ phải tuyệt vời như cách mà nó phải như thế.
Mọi thứ sau đó diễn ra đi ngược lại dự đoán của tôi. Sau khi báo cáo hành vi bắt nạt đó và được xử lý một cách thích đáng thì thay vì được mọi người an ủi vì đứng trong vị thế của "kẻ yếu", mọi người lại dường như xa lánh tôi như thể né tránh một thằng bệnh hoạn với chẳng một lời giải thích.
Nhưng thay vì những lời cay nghiệt buông ra bởi kẻ bắt nạt mình, tôi lại càng cảm thấy lạc lõng hơn với sự vô tâm của những người xung quanh khi họ chỉ đứng ngoài và lẳng lặng nhìn mọi thứ diễn ra theo cái cách hờ hững nhất có thể. Đó giống như tình cảnh mà lũ cừu im lặng vòng quanh cái xác và tôi là con cừu đang nằm thoi thóp trong vũng màu với từng đợt bổ nhào của lũ quạ háu đói.
Tôi không chết, nhưng dằn vặt với nỗi đau ấy cùng sự im lặng của bầy cừu kia, tôi trở lên trống trải, cô đơn và vô cảm, tôi dần không còn nhận ra chính mình của ngày xưa nữa, con người tôi trở lên xa lạ hơn bao giờ hết.
Mỗi ngày lên lớp đối với tôi là một loại cực hình, nó dã man đến mức tôi lựa chọn thử cái thứ mà tôi chưa từng chủ động làm trước đây là trốn học để đối phó với cảm giác bất an, tù túng và nỗi sợ sâu thẳm bên trong khi đặt chân vào cửa lớp đó.
2. Tại sao tôi còn sống?
Đến tận bây giờ tôi vẫn không có câu trả lời rõ ràng cho mình, điều gì đã khiến tôi bước tiếp được trong những ngày tháng tối tăm ấy? Có lẽ là nỗi sợ cái chết? Hoặc là chút lí trí sót lại bên trong đã nói với tôi điều này:
"Nếu mày chết thì toàn bộ những gì bố mẹ bỏ ra cho mày đều là công cốc, hãy sống để trả lại những gì họ đã bỏ ra cho mày."
Có lẽ tất cả chúng đều đúng nhưng không bao giờ là tất cả bởi vì thứ đã thật sự cưu mang tôi trong thế giới tối tăm đó là niềm vui viết lách và những cuốn sách tôi mang về từ hiệu sách cũ gần trường.
Tôi đã đọc rất nhiều sách trong năm đó, nhiều đến mức đến cả bản thân tôi cũng không biết bản thân đã dành bao nhiêu thời gian cho chúng nữa. Vài quyển có thể kể tên là To Kill A Mockingbird, The Last Bookshop in London, Garden of Beasts, Game of Thrones quyển một, hai,...
Không có hứng thú với học hành, tôi chuyển qua viết lách, mọi giờ lên lớp của tôi nếu không phải đang nghịch trộm điện thoại thì chính là đọc sách và viết ra những câu chuyện bay bổng trong đầu mình. Tất cả lặp đi lặp lại như thế ngày qua ngày, tôi vẫn vượt qua con đường sau trường với chiếc chìa khóa vung vẩy trong tay đuổi theo hi vọng lấp lánh mà chỉ mình tôi nhìn thấy.
3. Nhưng thứ gì đến cũng phải đến.
Mọi thứ bất chợt sụp đổ khi quyết định ban đầu bị thay đổi, tôi không thể nhàn nhã học cho xong để lấy cái bằng và rồi biến khỏi cái lồng giam này, quyết định của tôi bị thay đổi một cách chóng mặt, mục tiêu đặt lại bắt tôi phải nỗ lực và đạt điểm cao để vào một trường đại học "tốt" và có cơ hội làm việc.
Mọi thứ vẫn không quá tệ, đấy là cho đến khi tôi nhận ra lỗ hổng kiến thức của mình. Trải dài từ lớp 10 đến hết kiến thức lớp 12 tôi không thể làm được những bài tập cơ bản nhất mà những đứa xung quanh trở tay cái là giải xong và thời gian còn lại cho tôi chỉ là non nửa bốn tháng tính đến ngày thi quyết định cuộc đời mình.
Lo lắng, hoảng sợ và cảm giác thất bại hóa thành một cơn lũ mang tên khủng hoảng đánh ập đến tôi và với một nền đất mềm trải qua nhiều đợt mưa rào thẩm thấu, chẳng mấy chốc tôi bị đè bẹp bởi sức nặng của chính mình.
4. Chạy trốn hay đương đầu?
Tôi đã nghĩ đến chạy trốn, đó là điều đầu tiên tôi làm khi khủng hoảng tìm đến, tôi tìm cách trốn chạy hiện thực, trốn chạy gia đình, bạn bè, thầy cô và cả người tôi từng cho là sẽ dắt tay đến cuối cuộc đời mình. Tôi tìm đến game và những người bạn mới trên đó, buông thả bản thân với những thú vui tầm thường - những thứ mà tôi đã từng coi khinh và đắm chìm vào chúng lúc nào không hay.
Tôi từ bỏ mọi những thói quen đã gầy dựng trước đó và đắm chìm bản thân trong trụy lạc của những trò tiêu khiển rẻ tiền, lãng phí số thời giờ ít ỏi còn lại, lãng phí luôn cả những miền mong mỏi từ chính bên trong mình. Tôi nằm sấp trên chiếc giường rủ màn che với cái chăn che nửa người và chiếc điện thoại không bao giờ ngừng nhấp nháy, những bữa cơm lủi thủi một mình đã trở thành một nếp sống dĩ nhiên, không nói một chữ nào khi lên lớp là điều thường thấy, tôi trở thành một cái xác biết đi.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi tôi tìm thấy hi vọng trong thứ mà tôi đã từng chán ghét. Tôi tìm thấy hứng thú bên trong những video đàm đạo về lịch sử, chúng giúp tôi nhận ra những điều mà tôi vẫn hoặc đã từng ngộ nhận và dần kéo lại bên trong tôi những hi vọng nhỏ nhoi.
Và nếu không phải gặp được người phụ nữ đứng trên bục giảng kia thì có lẽ mọi cố gắng sẽ là số không tròn chĩnh. Cô giáo dạy lịch sử của tôi, một khuôn mặt với đầy đủ yếu tố để trở thành một "giáo đầu" trong trí tưởng tượng của đám học sinh bỗng chốc lại chú ý đến khả năng học lịch sử của tôi sau một vài câu trả lời ngẫu hững nhưng có hàm lượng tri thức nhất định chứa trong đó.
Cô dần đưa tôi vào danh sách trọng điểm chú ý trong một cái lớp theo hệ Toán Văn Anh mà với lịch sử thì dốt như bò đội nón. Và bắt đầu ngầm đào tạo tôi với những kiến thức khô khan của lịch sử với một đứa khác trong lớp. Tôi dù mới đầu chẳng thèm để ý lắm nhưng dần dà những câu hỏi khó ngày càng xuất hiện nhiều lên và chẳng có ai giơ tay trả lời đã khơi dậy cái tôi muốn được thể hiện trong tôi lên cao chưa từng có.
Tôi dính bẫy, điên cuồng lao vào cuộc tranh luận không hồi kết với đứa cùng lớp (mà sau này thành bạn tôi), chúng tôi giàng giật từng đợt giơ tay, từng câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa và cả những con điểm mười, nếu được nhìn sổ điểm của cô bạn sẽ thấy tên của bọn tôi cùng hai dòng điểm mười viết chen đầy cả lề mà không còn chỗ để viết, buộc cô phải đánh dấu ba chấm vào sau để chúng tôi khỏi cãi nhau là ai thắng ai thua.
Và kèm theo việc học lịch sử của tôi khởi sắc cũng đồng thời kéo theo những môn còn lại đi lên nhưng thay vì xét tuyển giống những người khác, tôi chọn lịch sử làm môn nằm trong bộ ba thi của mình và dành nhiều thời gian cho nó nhất.
5. Kết.
Tôi biết bản thân chưa hề thoát khỏi cái bóng đó, vẫn phải vật lộn hàng ngày với những di chứng còn sót lại trong những khoảnh khắc bất chợt gợi nhớ tôi đến cái quá khứ đó và sẽ còn rất lâu nữa những cảm xúc tiêu cực đó mới dần phai nhòa đi. Tôi lấy tiêu đề bài viết là vô cảm nhưng thực chất đó chẳng qua là một lời biện bạch cho quá khứ tối tăm của bản thân.
Không ai trong chúng ta có thể lường trước được chữ "ngờ", tôi cũng vậy và các bạn cũng thế, có thể các bạn ở phía đối diện bên kia ở những địa vị, độ tuổi và môi trường khác nhau, nhưng liệu có ai dám khẳng định bản thân sẽ luôn tránh khỏi những góc tối tăm đó?
Điều tôi muốn gửi gắm đến mọi người là hãy dừng việc biến mình thành nô lệ của sự vô cảm, điều đó thật kinh khủng bạn tôi à, chúng ta sinh ra có nơi bản thân thuộc về, có những người đang chờ đợi ta và cả giấc mơ cần chúng ta thực hiện ở phía trước, đừng vì một chốc sa cơ mà lầm đường lạc lối nhé, bạn của tôi.
-Albert Medicine-

Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này