Thực ra ở cái đất nước mà ngày đầu năm 2021 thủ tướng phát biểu rằng cứ 50 người thì 1 người đã dính virus, thì cũng không quá bất ngờ khi một ngày nọ thức dậy tôi thấy trong người nao nao mệt mỏi, đầu vang váng và sờ vào trán thấy ấm áp lạ thường giữa ngày đông băng giá 0 độ nơi đây. Đến trưa thì những cơn đau ngực bắt đầu viếng thăm, có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất để biết về Covid.

Vậy nên, trong những ngày đầu tiên lấy lại được toàn bộ tâm trí, hết sốt và đã bắt đầu hít đất được trở lại, tự nhiên muốn viết một chút về trải nghiệm này và chia sẻ với các Nhện.

Nguồn ảnh: Anh Google
Cảm giác đầu tiên của tôi khi biết mình bị Covid là một nỗi lo sợ vô hình. Không phải chỉ vì tôi đang ở một mình, nên sẽ phải tự chăm sóc bản thân (thực ra thì cũng không muốn tự nhiên nhờ vả mang gánh nặng cho ai, virus ai chẳng hãi), mà còn vì lúc ấy vẫn còn quá ít thông tin về những biến thể mới của virus, liệu nó có nặng lên hay không, và có nhanh chóng tấn công khiến người ta mê man mất lý trí không thể kiểm soát hay không.
Và, nếu bạn từng đọc qua các bức thư của Seneca, chắc vẫn nhớ rằng con người thường lo sợ nhiều hơn trước những đe dọa mà bản thân không nắm được hay không biết chắc về nó.
Nguồn ảnh: Anh Google
Thực ra nói điều này có lẽ một số bạn sẽ hoài nghi, nhưng ngay sau thời điểm nhận thấy nỗi lo sợ ấy, thì từ đâu đó trong tâm trí tôi lại xuất hiện một câu hỏi rất Stoic: Vậy, điều tồi tệ nhất có thể xảy đến là gì? Lẽ tất nhiên, virus có nguy hiểm, có mạnh lên đến đâu, thì kết cục cuối cùng cũng chỉ có thể là cái chết mà thôi. Và vì đã qua một thời gian dài ngày nào cũng nghĩ về nó, nên từ cái chết giờ đây đến với tâm trí tôi một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Nhưng điểm đặc biệt hơn mà tôi nhận ra qua trải nghiệm lần này, đó là: phương pháp tưởng tượng tiêu cực (negative visualisation) ấy không thể làm mất đi hoàn toàn những lo âu. Tức là ngay cả khi một người đã nghĩ đến kết cục xấu nhất - cái chết, và tin rằng bản thân có thể đối mặt cũng như chấp nhận nó, thì những nỗi lo âu vẫn sẽ trở lại thường xuyên, mỗi lần với nhiều hơn những suy nghĩ mới mà có lẽ được vô thức phát triển, như: "Chết thế này chắc ba mẹ sẽ đau buồn lắm", hay "Chết mà còn bao nhiêu dự định dang dở vẫn chưa kịp thực hiện" vv. Vậy mới hiểu tại sao Marcus Aurelius cứ phải viết đi viết lại trong Meditations, tự nhắc chính ông về sự ngắn ngủi của cuộc đời con người, và liệt kê toàn bộ những tên tuổi cuối cùng cũng nằm dưới nấm mồ 6 tấc mà thôi.
“A trite but effective tactic against the fear of death: think of the list of people who had to be pried away from life. What did they gain by dying old? In the end, they all sleep six feet under—Caedicianus, Fabius, Julian, Lepidus, and all the rest. They buried their contemporaries, and were buried in turn. Our lifetime is so brief. And to live it out in these circumstances, among these people, in this body? Nothing to get excited about. Consider the abyss of time past, the infinite future. Three days of life or three generations: what’s the difference?”

Lược dịch: Một phương pháp cũ nhưng khá hiệu quả để đối mặt với nỗi sợ hãi cái chết: nghĩ về danh sách những người phải bị tống khỏi cuộc đời (ý chỉ sống mãi không chết). Họ được gì trong việc sống thọ? Sau cùng, tất cả đều nằm dưới nấm mồ 6 tấc mà thôi - cả Caedicianus, Fabius, Julian, Lepidus, và toàn bộ những thế hệ trước ta. Họ tự tay chôn những người cùng thời, rồi cũng đến lượt họ bị chôn cất. Cuộc đời con người luôn rất ngắn ngủi. Và sống - để tồn tại trong những hoàn cảnh ấy, với những người như thế, trong cái cơ thể yếu ớt này? Đâu có gì thực sự đáng vui sướng. Hãy suy nghĩ về chiều dài lịch sử, và tương lai lâu đời. Sống 3 ngày, hay thọ bằng 3 thế hệ: Liệu thực sự có gì khác biệt hay không?
Thế nên mỗi lần những suy nghĩ ấy đến, là một lần tôi lại phải tự nhắc mình về những câu nói của Marcus và Seneca, rằng ai chẳng phải chết, rằng chết ngày hôm nay hay sống thêm bao lâu nữa cũng đâu quá khác biệt, và rằng: Thái độ mà ta đối mặt với cái chết mới là quan trọng. Liệu ta có thể bình thản mà đối mặt chấp nhận nó hay không?
Đồng thời, để giảm lo âu, thứ tôi chuẩn bị là báo cho 2 anh bạn đồng nghiệp cùng phòng làm việc, những người tôi thân nhất và cũng ở gần tôi nhất. Cũng hơi mừng vì chưa kịp nhờ vả, họ đã ngay lập tức nói rằng nếu cần bất cứ thứ gì, cứ gọi ngay cho họ. Vậy coi như công tác hậu cần tạm yên tâm.
*****
Đi sâu hơn một chút, ảnh hưởng lớn nhất của con virus này đến từ hai thứ: (1) nó cố tấn công vào não bộ, gây những cơn sốt kéo dài cùng đau đầu - nhiều lúc tưởng có thể lịm đi mất ý thức, đồng thời người vô cùng nhức mỏi; và (2) nó tấn công vào phổi, có thể gây nên những đợt ho dai dẳng, từ đó dẫn đến khó thở phải sử dụng máy hô hấp.
Nhưng có một điểm tôi thu được từ kinh nghiệm của bản thân, là mỗi khi cúm sốt mà ta càng nằm nhiều thì cơ thể càng yếu, và càng dễ dẫn đến sốt mê man. Vậy nên, từ hôm biết mình dính virus, tôi chỉnh lại báo thức sáng, nâng từ 7 tiếng lên thành 8 tiếng, và quyết tâm sẽ dậy dù có yếu đến thế nào đi chăng nữa. Điều này thực sự là một cực hình, vì có lẽ cơn sốt mê mệt cộng với sự hoành hành của virus qua đêm khiến cơn đau đầu chóng mặt buổi sáng trở nên khó có thể chống đỡ (dù tôi có thể vẫn vớt vát cho là còn trẻ. Vậy mới biết tại sao nó lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế ở người già).
Ngay khi với tay tắt báo thức, tôi phải giở lại 2 câu quote của Marcus và Seneca, vì có lẽ chúng là thứ duy nhất có thể khiến tôi thay vì nằm xuống lại thì đi ra rửa mặt và bắt đầu suy nghĩ về ngày mới:
“At dawn, when you have trouble getting out of bed, tell yourself: “I have to go to work — as a human being. What do I have to complain of, if I’m going to do what I was born for — the things I was brought into the world to do? Or is this what I was created for? To huddle under the blankets and stay warm?
So you were born to feel “nice”? Instead of doing things and experiencing them? Don’t you see the plants, the birds, the ants and spiders and bees going about their individual tasks, putting the world in order, as best they can? And you’re not willing to do your job as a human being? Why aren’t you running to do what your nature demands?”
Marcus Aurelius - Meditations

Lược dịch: Buổi sáng, khi bạn gặp vấn đề với việc thức dậy khỏi giường, hãy tự nhủ: "Ta phải sống, phải làm việc - như một con người. Có gì đáng để phàn nàn, nếu ta làm thứ ta được sinh ra để làm? Không lẽ ta được sinh ra chỉ để nằm trong chăn ấm đệm êm, thay vì làm việc, cống hiến, và sống cho ra một con người? Không lẽ ta không nhớ rằng cây cối, chim muông, ngay cả lũ kiến, lũ Nhện, đàn ong, tất cả đều thực hiện công việc, nhiệm vụ của chúng, góp phần tạo ra thế giới tươi đẹp này, một cách tốt nhất chúng có thể. Và ta thì không đủ ý chí để làm vậy?"
Và:
The things hardest to bear are sweetest to remember – Seneca
Dịch: Những thứ khó khăn nhất mà ta có thể chịu đựng và vượt qua thì sẽ trở nên thật ngọt ngào khi nhớ về.
*****
Một điểm khá may mắn nữa là bức thư về cách đối mặt với bệnh tật của Seneca tôi mới dịch gần đây, và nó thực sự hữu ích. Cơn đau đầu thường dịu bớt sau bữa sáng và một khoảng lặng nghỉ ngơi + thiền, vậy nên sau đó, cũng như Seneca, tôi thử sức mình với một chút đọc. Vì trong cơn bệnh, nên thay vì đọc 1 slot 25 phút như bình thường thì tôi chỉ có thể trụ đến 15 phút mà thôi. Mà thực ra như vậy cũng đã hơi nhiều, vì có những lúc tôi thấy mình phải đọc lại đoạn mới xong, một điều mà đã khá lâu tôi không gặp phải. Sức tập trung khá yếu, vậy nên hết mỗi slot thường tôi lại nhắm mắt và tìm lại hơi thở của mình trong vài phút, trước khi ngồi nghĩ về những thứ mình mới đọc. Sau tầm 2 3 slot như thế thì cảm giác thường tốt hơn (mà tôi hoàn toàn không biết là do việc đọc hay do cơ thể đã dần dần thích ứng với điều kiện mới). Vậy nên tôi sẽ tiếp tục với những thứ khác như viết lách 1 chút, hay học qua việc nghe bài giảng hay bài nói trên Youtube.
Có lẽ điều tôi muốn nói là: Đúng, căn bệnh có thể khiến cả cơ thể và tâm trí ta yếu đi rất nhiều, nhưng ngay cả khi đó vẫn có những thứ ta có thể làm, để tốt hơn cho bản thân, thay vì chỉ nằm (không hiểu sao tôi luôn tin càng nằm sẽ chỉ càng mệt) và lo lắng về bệnh tật của mình. Và điều này có lẽ là một trong những thứ quý giá nhất tôi học được từ Stoicism.

Điểm cuối cùng tôi muốn chia sẻ, là về cảm giác của cơ thể khi ốm đau. Thật kỳ lạ, nó thực sự khá giống với cảm giác mệt mỏi sau những buổi tập sức bền với chạy bộ 5-7 km + ngồi máy chèo thuyền rowing 30'. Đồng thời, virus dù cũng khiến đôi lúc tôi cảm thấy khó thở, nhưng chỉ cần nhắm mắt và tập trung vào hơi thở thì chỉ cần vài phút là cảm giác lập tức khá hơn. Điều này tưởng như đơn giản, nhưng có lẽ chính thói quen duy trì tập luyện (mà đã có lần tôi chia sẻ như một bài tập Stoicism của tôi để đối mặt với khó khăn) và thiền là những sự chuẩn bị hiệu quả để tôi có thể đối mặt với con virus nguy hiểm này nói riêng hay bệnh tật nói chung.

A Dreamer

Vài điều nên làm nếu bạn cũng là du học sinh, sống 1 mình và có nguy cơ đối mặt với virus trước khi được tiêm vaccine:

1. Ngay lập tức contact một người gần đấy để phòng trường hợp nguy hiểm.
2. Nên ngồi nhiều hơn là nằm. Tôi tin việc nằm sẽ khiến virus lan nhanh hơn lên cả phổi, họng và não.
3. Duy trì uống nước ấm, thậm chí nóng một chút, thật đều đặn. Tốt hơn nữa là uống trà, các loại có cam thảo mật ong.
4. Ăn nhiều loại hoa quả, và đặc biệt cần ăn cam, hoặc uống chanh.
5. Dùng máy tính càng ít càng tốt. Nếu được nên thiền, hay ít nhất tập trung vào hơi thở.