UNDER THE HAWTHORN TREE - CHUYỆN TÌNH CÂY SƠN TRA
Under the hawthorn tree - 2010 (Hay khúc ca bi thương về một tình yêu thuần khiết ) L ại thêm một bộ phim gây xúc động mạnh,...
(Hay khúc ca bi thương về một tình yêu thuần khiết )
Lại thêm một bộ phim gây xúc động mạnh, khiến tôi thay đổi thế giới quan của mình lần nữa. Đây là 1 bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học ''Cùng anh ngắm hoa sơn tra'', dưới bàn tay của vị đạo diễn kì tài Trương Nghệ Mưu, cùng với diễn xuất của cặp nam nữ chính đã làm nên một bộ phim tình cảm đã xem là không thể nào quên. Châu Đông Vũ - nữ diễn viên chính trong phim, khi đó mới 17 tuổi, chưa từng có nụ hôn đầu và cũng có những nét tính cách e dè, ngượng ngùng trong chuyện tình cảm tương tự như nhân vật nữ chính, nhờ diễn xuất ấn tượng trong bộ phim đầu tay này mà giành được giải “Nữ diễn viên trẻ xuất sắc nhất’’ năm đó, sau này có những bộ phim tình cảm ‘’đi vào lòng giới trẻ’’ khác là Us and Them - Chúng ta của sau này, hay Better Days - Em của thời niên thiếu. Một câu nói nổi tiếng của cô: ''Người ta có thể chê tôi xấu, nhưng không ai có thể chê tôi diễn dở''. Tôi biết đến cô qua phim Us and Them, mê tít tài năng của cô sau phim Better Days, đến mức đã tìm xem các bộ phim nổi tiếng khác của cô và thực sự không phim nào làm tôi thất vọng.
Trong lĩnh vực phim ảnh, đa số chúng ta xem phim Mỹ hơn phim châu Á, tôi cũng thế, và chắc các bạn cũng phải đồng ý với tôi rằng phim Mỹ khiến ta khóc ta cười, say mê vẻ đẹp và diễn xuất của diễn viên, nhưng vẫn mang dáng vẻ... xa lạ; không thể nào xem mà thấy đồng cảm về mặt bối cảnh xã hội, văn hóa trong cuộc sống (ví dụ như chí lập thân, rạng danh gia đình, áp lực thi cử cấp 3, tự do cá nhân, lối sống, quan hệ trong gia đình, ăn mặc…) như phim châu Á. Những khung cảnh hẹn hò ở nhà hàng, club; ăn bít tết, uống rượu vang; nội thất trong nhà, lối nói chuyện họ dành cho nhau... không khiến tôi có cảm giác quen thuộc với mình. Vài bộ phim tình cảm Mỹ tôi thích nhất có thể kể đến là: 500 days with Summer, One Day, Pretty Woman, Mr Nobody, The Greatest Showman, Before Sunset; nhưng thích là thích vậy chứ "họ" là "họ", không có phim nào trong số kể trên làm tôi cảm thấy mình" có thể xuất hiện ở đó.
Đọc thêm:
Trong “Chuyện tình cây sơn trà’’, bối cảnh xã hội của phim là vào thập niên 70 - thời kì “Cách mạng Văn hóa’’ nhạy cảm của lịch sử Trung Quốc. Những bạn trẻ trạc tuổi tôi hẳn vẫn còn nhớ những câu chuyện của cha mẹ, ông bà mình kể về quãng tuổi trẻ nghèo khó sống trong thời bao cấp của họ, những từ ngữ như: đấu tố, tem phiếu… chứa chan nước mắt, những quan niệm cổ hủ như “nam nữ thụ thụ bất thân’’, "nắm tay có thể dính bầu", “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’’, “hứa hôn’’. Với tôi thì khi nghe cha mẹ mình kể chuyện về thời đó, tôi chẳng mấy xúc động, cũng không tưởng tượng được gì nhiều, đơn giản vì tôi không từng sống trong thời kì đó, chưa từng bị thời kì đó ám ảnh, nếu có nghe chuyện kể rồi tưởng tượng lại cũng là dùng những chất liệu, hình ảnh về thời hiện đại để suy nghiệm về quá khứ. Xem phim này thì tôi không phải dùng trí tưởng tượng sai lệch của mình nữa, vì vào thời đó Việt Nam sao thì Trung Quốc cũng y vậy.
Về sắc màu miêu tả làng quê, thiên nhiên trong các bộ phim chuyển thể của đạo diễn Victor Vũ như Mắt Biếc, Tôi thấy hoa vàng… là những gam màu xanh lá, vàng rực rỡ, đem đến cảm giác tươi vui hân hoan.
Đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu lại khác, đã xuất sắc chọn ra tông màu rất riêng cho kiệt tác này của mình - một tông màu xanh lá thẫm trầm buồn, thể hiện hoàn cảnh xã hội có phần u ám và thiếu tự do bấy giờ.
Đọc thêm:
Nhịp điệu của phim cũng chậm rãi và nhẹ nhàng như tông màu, là câu chuyện kể về một đôi nam nữ có có sự tương đồng và khác biệt trong cuộc sống. Cô gái nghèo khó Tịnh Thu sống trên thị xã với lý lịch ‘’đen’’: bố bị quy vào giai cấp “địa chủ’’, phải đi lao động cải tạo biệt xứ, mẹ là giáo viên bị đưa ra đấu tố, may mà thoát tội nhưng bị giáng xuống làm lao công phải chật vật với cuộc sống bị phân biệt đối xử và 1 mình nuôi dạy các con. Tịnh Thu cùng các bạn học về vùng nông thôn nghèo trong nửa năm theo yêu cầu của trường để sinh hoạt và học tập tinh thần cách mạng, tại đây cô gặp được Kiến Tân - một cán bộ địa chất gia đình khá giả. Anh có mẹ bị quy vào tầng lớp “tư sản’’, bị bức đến nhảy lầu tự sát. Hai con người với nhiều gánh nặng thời cuộc trên vai đã tìm thấy nhau như thế. Năm đó anh hai mươi tư, còn cô mười sáu.
Trích đoạn nhận xét của revelogue về phim:‘’Có thể nói rằng, dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hướng người dân đến một xã hội mà người ta chỉ đề cao cái chung, đề cao tinh thần cách mạng là trên hết, trên tất cả mọi tự do cá nhân, trong đó bao gồm cả tự do về tình yêu đôi lứa. Chính vì thế, tình yêu của Kiến Tân dành cho Tịnh Thu đã gặp muôn trùng khó khăn và trở ngại, đã để lại một cái kết gây bao nhiêu là nuối tiếc và tang thương.Nếu nói rằng, tình yêu mà Kiến Tân dành cho Tịnh Thu là một dòng suối trong vắt cũng chẳng hề sai. Nếu nói rằng, tình yêu của họ ấy được gắn cho một cái tên mỹ miều “là câu chuyện tình yêu thuần khiết nhất lịch sử điện ảnh” cũng không có gì lạ.Khi xem ta có thể cảm nhận được rằng, câu chuyện tình yêu của họ có lẽ sẽ có một cái kết khác hơn, “sáng” hơn, nếu được đặt vào một thời kì khác, chứ không phải ở một thời kì luôn sẵn sàng bóp chết mọi riêng tư cá nhân.Nếu tình yêu của Kiến Tân được đặt ở bối cảnh hiện đại, có lẽ anh đã được đáp trả một cách xứng đáng hơn, có lẽ anh cũng đã không phải luôn đứng sau dõi theo người mình yêu.’’
Hẳn ít ai xem bộ phim mộc mạc thế này mà trông chờ vào những cảnh nóng, và phim này cũng không hề có đâu nhé. Thậm chí cả một nụ hôn cũng không (chia buồn cho những ai không có tình yêu với điện ảnh).
Đọc thêm:
Tịnh Thu và Kiến Tân yêu nhau nhưng phải giấu diếm, quan tâm nhưng phải lén lút, chăm sóc cho nhau trong sự lo sợ bị phát hiện là ảnh hưởng đến tương lai của cô gái. Gánh nặng xã hội càng đè nặng hơn trên vai người phụ nữ, những khái niệm bị bóp méo lệch lạc như “thanh danh’’: cô gái yêu chàng trai mà bị từ chối, sẽ bị ô uế thanh danh; hay “tiết hạnh’’: cô gái mà bị chàng trai phụ bạc, lừa dối, sẽ phải chịu những lời đàm tiếu của thiên hạ. Vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy, tình yêu của họ dần tỏa sáng rực rỡ như đóa sen trong bùn lầy, để rồi như lời Tịnh Thu nói: ''Gặp được anh là may mắn lớn nhất trong cuộc đời em''. Và đúng là như thế!
Đây sẽ là bộ phim đứng hàng đầu trong danh sách “Những bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại’’ trong lòng tôi.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất