DÒNG SÔNG CỦA NHỮNG TUỔI TRẺ LẠC LỐI
Thành thực mà nói, “Sông Tô Châu” lẽ ra không phải là kiểu phim mà tôi thích, với những khung hình rung bần bật và mờ ảo đến từ máy...
Thành thực mà nói, “Sông Tô Châu” lẽ ra không phải là kiểu phim mà tôi thích, với những khung hình rung bần bật và mờ ảo đến từ máy quay cầm tay. Nền công nghiệp điện ảnh hơn trăm năm nay quả thực đã tiến thừa đủ xa để nuông chiều người xem quen mắt với những bộ phim đẹp lung linh mãn nhãn. Và nói gì thì nói, tôi cũng vẫn là một kẻ dễ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bề ngoài như ai, nên dù đã nghe tiếng Lâu Diệp và “Sông Tô Châu” trước khi chủ đích tìm hiểu về thế hệ thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc cho những buổi chiếu phim chuyên đề của mình từ rất lâu, tôi vẫn chừa lại bộ phim này không xem, vì lướt qua thấy quá nhiều cảnh quay khiến mình chóng mặt (theo đúng nghĩa đen). Cho đến khi phải ngồi vừa xem vừa ấn dừng đến cả trăm lần để khớp lại phụ đề cho bản phim định chiếu, và xem lại thêm lần nữa vì thấy nó quá ám ảnh, thì tôi mới nhận ra, hóa ra đây cũng là một kiểu phim mà mình thích, thậm chí còn thích rất nhiều.
Chỉ sinh ra sau 1 thập niên so với các đàn anh nổi tiếng ở thế hệ thứ 5 như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca,... nhưng thế hệ thứ 6 của Lâu Diệp đã có một thế giới quan về cuộc sống cũng như nghệ thuật hoàn toàn khác. Thoát ra khỏi cái bóng nặng nề với nỗi ám ảnh về quyền tự do của con người trong thời cách mạng văn hóa cùng những khái niệm quý tộc, phong kiến, tư sản... nỗi trăn trở trong lòng lớp đạo diễn mới lại chuyển sang sự hoang mang, mất cân bằng, lạc lối của xã hội khi làn sóng tự do và văn hóa phương Tây tràn vào thay thế các giá trị truyền thống cũ quá nhanh. Điển hình là những người trẻ như anh Lý, Mỹ Mỹ, Mã Đạt, Mẫu Đơn,... – những chàng trai cô gái sinh ra và lớn lên trong một thành phố giàu tính văn hóa lịch sử như Thượng Hải, nhưng bản thân họ lại chẳng hề có một chút gắn kết nào với các giá trị lâu đời này. Bên dòng sông Tô Châu đã từng một thời là tô giới và thương cảng của các thể chế chính trị, quân sự và kinh tế khác nhau đã phát triển rực rỡ từ hàng trăm năm trước, họ lang thang vật vờ như những bóng ma không đam mê mục đích, lần hồi sống từng ngày bằng những công việc không có tương lai như chụp ảnh thuê, đóng vai người cá phục vụ khách quán bar, chở hàng thuê bằng xe máy, bán hàng trong cửa hàng tiện lợi... Những công việc này, trùng hợp thay cũng là một phần của những đổi thay trong xã hội mới du nhập vào thành thị Trung Quốc thông qua làn sóng phương Tây. Những thanh niên trong câu chuyện của Lâu Diệp là những người thừa bị đẩy ra khỏi dòng chảy chung của cuộc sống hiện đại nhưng cũng không thuộc về quá khứ hoàng kim. Họ ngụp lặn trong xã hội như những mẩu rác thải bị vứt bỏ vẫn tích tụ trôi nổi trên dòng sông ô nhiễm – kết quả của công cuộc phát triển kinh tế ồ ạt từ nhiều năm trước – lúc ẩn lúc hiện giữa dòng nước đen, cũng giống như câu chuyện mập mờ về thân thế và cuộc đời của họ qua những khung hình mờ ảo quay bằng máy quay phim cầm tay mà đạo diễn kể qua ngôi tự sự thứ nhất của mình.
Đọc thêm:
Mặc dù “Sông Tô Châu” chịu ảnh hưởng của văn hóa cũng như nghệ thuật làm phim châu Âu rất nhiều nhưng chính Lâu Diệp lại thường tỏ ra phản đối những ý kiến cho rằng những hình ảnh của văn hóa phương Tây xuất hiện trong phim của thế hệ thứ 5 là vay mượn trực tiếp từ nước ngoài (ông không thích những cách phân biệt nhị nguyên như Đông – Tây, Trung Quốc – ngoại lai và muốn mọi người thừa nhận thế hệ trẻ là kết quả trọn vẹn của sự giao thoa văn hóa, tồn tại như một thực thể có hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa). Cùng với sự thay đổi của dòng sông Tô Châu từ một biểu tượng hoàng kim trở thành một dòng sông ô nhiễm vì tích tụ quá nhiều “câu chuyện, hồi ức, rác thải” (từ của Lâu Diệp trong phim), hình ảnh nàng tiên cá được thể hiện khác nhau qua góc nhìn của mỗi nhân vật trong phim cũng chính là biểu tượng cho sự chuyển dịch văn hóa này. Khác với “nàng tiên cá” trong tưởng tượng của cô gái Mẫu Đơn ngây thơ gần như được bê nguyên ra từ truyện cổ Andersen là một nàng công chúa tóc vàng của biển xanh mơ mộng đi tìm hoàng tử, “nàng tiên cá” với Mỹ Mỹ chỉ là một lớp hóa trang lộng lẫy nhưng trống rỗng và vô nghĩa mà cô khoác lên mình để kiếm sống. Ông chủ quán bar Khai Tâm thì coi “nàng tiên cá” như một thứ kỳ quan có thể bỏ tiền ra mua và chụp hình quảng cáo để chào mời khách. Anh Lý, thợ chụp ảnh dạo – nhân vật tự sự của Lâu Diệp đã nghĩ về “nàng tiên cá” như một tạo vật bí hiểm, xinh đẹp và lạc lõng ngồi trên vũng lầy của bờ sông, tiềm ẩn những mối đe dọa vô hình không biết trước. Mã Đạt mua tặng Mẫu Đơn con búp bê hình nàng tiên cá trong ngày sinh nhật, như người ta vẫn thường đem chuyện cổ tích ra kể làm quà dỗ dành trẻ con (những câu chuyện cổ tích phương Tây chứ không còn là thần thoại truyền thuyết cổ xưa như thế hệ ông bà tổ tiên của anh ta ngày trước nữa). Tất cả đều là nàng tiên cá trong nhận thức của người Trung Quốc thời đại mới, những tưởng tượng và hình dung được vẽ nên thông qua tâm trí của thị dân hai bên bờ sông Tô Châu. Đối với Lâu Diệp, sự đa dạng văn hóa chính là cái đích cuối cùng của toàn cầu hóa, vai trò của một nhà làm phim độc lập như ông là bằng tiếng nói tự do của mình thể hiện sự đa dạng ấy lên màn ảnh.
Đọc thêm:
“Sông Tô Châu” cũng sở hữu một kịch bản gốc vô cùng sâu sắc với nhiều ám dụ tinh tế chỉ có thể đến từ một người đã có nhiều thời gian quan sát và chiêm nghiệm trực tiếp trong xã hội Trung Quốc đương đại như Lâu Diệp. Sinh ra và lớn lên tại chính Thượng Hải, trong sự nghiệp điện ảnh của mình Lâu Diệp đã làm không ít phim lấy bối cảnh là đô thị phồn hoa này để kể lại những câu chuyện mắt thấy tai nghe ở quê hương. Thành phố của thế hệ ông không còn dấu tích gì của “bến Thượng Hải” hào hùng năm xưa, mà chỉ còn là những bến cảng hoang tàn, dòng sông đầy rác, những thanh niên bỏ học vất vưởng tìm việc trên đường phố, những băng đảng xã hội đen buôn lậu rượu, những kẻ tham lam ôm mộng giàu sang chỉ qua một đêm nhờ việc làm phi pháp,... Lồng ghép trong câu chuyện kể của phim là rất nhiều chi tiết thú vị gợi nhắc đến đời sống xã hội mới này.
Đó là họ của nhân vật người kể chuyện – anh Lý – họ phổ biến nhất của người Trung Quốc trong những năm cuối thập kỷ 90, thời điểm bộ phim ra đời. Cùng với việc hầu như không tiết lộ thêm một điều gì về thân thế của nhân vật này ngoại trừ công việc chụp ảnh dạo mơ mơ hồ hồ và sở thích lang thang ngắm nhìn cuộc sống, việc gán cho nhân vật cái họ chung chung được mang bởi gần 8% dân số trong nước đã phần nào thể hiện ý đồ của đạo diễn. “Anh Lý” đó có thể là bất cứ ai trong hàng triệu thanh niên đang lang thang ở ngoài kia, nhận làm tất cả mọi công việc từ cao sang đến thấp hèn, mòn mỏi sống qua ngày, không tương lai, cũng chẳng có khát khao, hy vọng gì đặc biệt để vượt lên khẳng định bản thân mình trong một xã hội đã quá thừa người như Trung Quốc. Những số máy nhắn tin được anh ta phun sơn chi chít lên tất cả các bờ tường như một nỗ lực thể hiện cái tôi của mình cũng sẽ sớm bị đè lên bởi hàng trăm lời quảng cáo khác hay bị chôn vùi trong quên lãng khi những bức tường cũ kỹ tróc lở và sụp đổ. Góc nhìn của nhân vật người kể chuyện vì thế dường như cũng trở thành đại diện cho cách nhìn và cách nghĩ của đa số thanh niên thành thị Trung Quốc.
Trong khi chỉ dành cho nhân vật tự sự ngôi thứ nhất một nhân dạng mập mờ qua cái họ (người Trung Quốc thường gọi nhau bằng họ trong quan hệ xã giao, tên được dùng giữa những người thân thiết) thì ba nhân vật chính còn lại qua lời kể của anh ta lại được nhắc đến bằng tên cụ thể: Mã Đạt, Mẫu Đơn, Mỹ Mỹ. Nhưng chính những cái tên này cũng lại là một phép ám dụ mập mờ. Mã Đạt đồng âm với từ chỉ mô tô, xe máy trong tiếng Trung – chính là phương tiện kiếm sống, phương tiện định hình nên con người nhân vật, một thanh niên thất học vô công rồi nghề cho đến khi mua được một chiếc xe máy ăn cắp. Mã Đạt từng nghĩ sẽ lái xe đến một nơi xa, làm nên sự nghiệp và công thành danh toại trở về, nhưng cuối cùng cũng chỉ trở thành một nhân viên giao hàng chạy khắp Thượng Hải, ban ngày chạy xe, tối về mở đĩa xem phim lậu, thỉnh thoảng vào quán bar tìm bạn gái và lấy thế làm hài lòng với cuộc sống của mình. Chiếc xe phân khối lớn vốn là một sản phẩm của nền công nghiệp phương Tây giờ đây là niềm ước mơ phiêu lưu, khám phá của tuổi trẻ Trung Quốc khi Arnold Schwarzenegger, Matt Dillon – những người hùng điện ảnh phương Tây trở thành thần tượng của họ. Mã Đạt cũng như anh Lý, là một trong vô số thanh niên “vô danh tiểu tốt” tràn ngập khắp các đô thị ngày nay, hoàn toàn bế tắc trong việc khẳng định bản thân mình.
Đọc thêm:
Hai nhân vật nữ do Châu Tấn thủ vai cũng mang những cái tên giàu sức gợi. Mẫu Đơn là quốc hoa, loài hoa biểu tượng cho sự danh giá, phú quý, vương giả theo văn hóa truyền thống Trung Quốc được gán cho một cô gái ngây thơ, trong sáng, nhất mực tin vào tình yêu thuần khiết ngay từ những rung động đầu đời. Dù lớn lên trong một hoàn cảnh bất thường, không được sống cùng mẹ, bố buôn rượu lậu và thường xuyên đưa người tình về nhà, mỗi khi gặp người tình là lại thuê xe ôm chở con gái đến nhà họ hàng cho rảnh nợ, Mẫu Đơn vẫn là một cô gái tươi vui và lạc quan, thánh thiện. Cô gái ấy đến khi buông mình xuống lòng sông để trả thù việc bị Mã Đạt lợi dụng tống tiền bố mình cũng vẫn còn tin vào câu chuyện cổ tích ngây ngô là sẽ biến thành tiên cá để quay về ám ảnh anh ta. Cũng với khuôn mặt và vóc dáng ấy, Châu Tấn lại thể hiện Mỹ Mỹ là một “nàng tiên cá” lõi đời hoàn toàn khác. Được trả tiền để đóng vai người cá trong quán bar, cũng giống như tất cả các cô gái làm nghề phục vụ ở chốn thị phi này, cô cũng dễ dàng buông lời đùa cợt hẹn hò với khách hàng và bắt đầu mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng với người kể chuyện. Cuộc sống của Mỹ Mỹ trôi nổi từ chỗ làm là bể kính chật hẹp trong quán bar đến nơi ở là ngôi nhà thuyền trên sông. Cô gái đẹp mang tên gần giống “mỹ nhân ngư” này chính là một “nàng tiên cá” bí ẩn có khả năng quyến rũ và làm mê muội đàn ông, nhưng bản thân cô thì lại không hề tin vào tình yêu hay những người đàn ông qua lại với mình.
Bốn nhân vật, bốn đại diện cho những người trẻ tuổi trong xã hội Trung Quốc đương đại với chân dung và tính cách là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa ấy đã cùng tạo nên hai câu chuyện tình buồn đan xen bên dòng sông Tô Châu. Tình yêu giữa Mã Đạt và Mẫu Đơn là những rung động thuần khiết của tuổi trẻ, có cả sự ngượng ngùng của đôi lứa bên nhau từ lúc mới chỉ dám nắm tay, mượn đường vòng để ở bên nhau thêm một lúc. Lúc đầu Mã Đạt coi Mẫu Đơn như một cô bé mơ mộng thích được nuông chiều, có thể mua chuộc được bằng những món quà trẻ con như búp bê người cá, nhưng bản thân anh ta cũng không tự ý thức được rằng thực ra chính mình cũng chỉ là một cậu thanh niên chưa lớn đang khao khát những quan tâm ngọt ngào. Hai tâm hồn trẻ trung tìm đến với nhau bằng thứ tình yêu cổ tích, để rồi chia xa vì thế giới trần tục mà họ đang sống vốn không như là mơ. Mẫu Đơn không tha thứ cho việc Mã Đạt thông đồng với những kẻ bắt cóc mình để tống tiền, nhưng cũng không đủ lạnh lùng để xóa bỏ hoàn toàn sự quan tâm dành cho anh ta. Cô nhảy xuống nước với ý định khiến cho Mã Đạt phải cả đời ám ảnh. Chỉ có tuổi trẻ bồng bột mới có thể có một hành động bộc phát bất chấp tính mạng như thế. Mẫu Đơn biến mất trong dòng nước, Mã Đạt đi tù, đến khi được tha thì anh ta đã hoàn toàn mất dấu Mẫu Đơn. Mang trong mình ám ảnh về tội lỗi cũng như tình yêu chưa trọn vẹn, Mã Đạt quay về với nghề giao hàng, lang thang khắp nơi để tìm kiếm Mẫu Đơn như một kẻ điên, và anh ta bắt gặp Mỹ Mỹ, “nàng tiên cá” có vẻ ngoài giống Mẫu Đơn y hệt.
Tình yêu của Mã Đạt dành cho Mẫu Đơn đã gieo vào lòng mỹ nhân ngư máu lạnh như Mỹ Mỹ một hy vọng mong manh về tình yêu cổ tích. Kẻ trước nay vẫn dùng vẻ đẹp của mình để mê hoặc, gieo hy vọng cho đám đàn ông như Mỹ Mỹ hóa ra cũng chỉ là một cô gái cô đơn và khao khát tình cảm chân thành. Mỹ Mỹ ước ao được như Mẫu Đơn, có người yêu mình và đi tìm mình đến chết. Cô thậm chí còn cố tình bắt chước những đặc điểm của Mẫu Đơn như dán hình hoa lên người và giả vờ biến mất để người yêu đi tìm. Nhưng Mỹ Mỹ chỉ giống Mẫu Đơn về ngoại hình mà khác xa về số phận. Người đàn ông ở bên cô, nhân vật người kể chuyện và quay phim của Lâu Diệp lại không hề yêu cô như thế. Trước lời nhắn nhủ cuối cùng “yêu em thì hãy đi tìm em” cũng như muôn vàn lần thề thốt sẽ đi tìm cô giống như Mã Đạt tìm Mẫu Đơn, người đàn ông hẹn hò với cô lại lựa chọn coi tất cả những gì đã có trong tình yêu ấy như một giấc mơ không có thực, tình yêu không tồn tại mãi mãi, anh ta quyết định sẽ nhắm mắt, để chờ đợi một câu chuyện tình tiếp theo.
Xem đến đây tôi không khỏi nhớ đến một câu thoại trong bộ phim Mỹ ra đời sau “Sông Tô Châu” hơn cả chục năm – “The perks of being a wallflower”: “Chúng ta chấp nhận tình yêu mà mình nghĩ là mình xứng đáng.”. Có lẽ từ nhiều năm trước Lâu Diệp đã nghĩ đến điều này khi xây dựng những câu chuyện tình buồn bên dòng Tô Châu rồi. Bất chấp những lời thề thốt của bạn trai, Mỹ Mỹ vẫn từ chối tình cảm của anh ta thông qua hành động bỏ đi không lời từ biệt. Trong sâu thẳm trái tim mình, cô hy vọng sẽ nhận được một tình yêu chân thành thuần khiết như của Mã Đạt dành cho Mẫu Đơn. Kể cả phải đánh cược bằng chính tình cảm của mình thì Mỹ Mỹ vẫn muốn chứng thực tình yêu ấy, cho dù kết quả nhận được cuối cùng đã khiến cô thất vọng. Mỹ Mỹ biến mất trong cuộc đời, tan biến với trái tim vỡ nát như kết cục cuối cùng của nàng tiên cá trong truyện cổ Andersen.
Ngược lại khi Mẫu Đơn chạy trốn khỏi Mã Đạt thì cô vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ tình cảm của mình với anh ta, cô dễ dàng quay lại và tha thứ cho Mã Đạt khi biết anh ta đã đi tìm mình suốt mấy năm trời. Hai người đó chấp nhận nhau và có được tình yêu vì đã yêu nhau chân thành, say đắm. Nhưng một chuyện tình cổ tích như thế làm sao có thể tồn tại nổi trong một thành phố ô nhiễm và tha hóa? Ngày mai ngày kia quay trở lại với cuộc đời thực, liệu tình yêu thuần khiết của họ có còn được vẹn nguyên giữa muôn vàn âm mưu toan tính vụ lợi? Lâu Diệp đã để cho tình yêu đẹp ấy trở thành vĩnh cửu thông qua cái chết dưới lòng sông. Mã Đạt và Mẫu Đơn lao xe máy xuống sông Tô Châu và chết bên nhau sau khi uống thứ rượu lậu mà bố của Mẫu Đơn đã buôn bán kiếm lời. Chai rượu từng giúp Mã Đạt tìm lại Mẫu Đơn, trớ trêu thay lại cũng chính là thứ cướp đi mạng sống của hai người.
Thành công của “Sông Tô Châu” không chỉ đến từ kịch bản hoàn hảo và tài năng đạo diễn thiên phú của Lâu Diệp mà còn có phần không nhỏ của hai diễn viên chính tài năng. Đây là vai diễn điện ảnh đầu tiên của Châu Tấn – nàng hoa đán khi ấy mới chỉ là một diễn viên mới vào nghề, chưa để lại ấn tượng gì trên màn ảnh. Diễn xuất tự nhiên và ánh mắt ám ảnh của Châu Tấn khi đóng hai vai song song ở bộ phim này đã đem đến một giải nữ diễn viên xuất sắc nhất trong liên hoan phim Paris và mở đường cho hàng loạt thành công của cô sau này. Giả Hoành Thanh, người đóng vai Mã Đạt cũng là một diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim của thế hệ đạo diễn thứ 6 – cũng thể hiện rất tốt sự ngơ ngác, ngây ngô và tình yêu kiên định của một thanh niên hiền lành chân chất. Sau khi hợp tác chung trong “Sông Tô Châu”, Châu Tấn và Giả Hoành Thanh đã nên đôi ở ngoài đời, cho dù lúc đó Châu Tấn đã có bạn trai, và mối tình đầu khắc cốt ghi tâm của cô khi đó cũng chính là Lỗ Bằng – tác giả bài hát “Đôi mắt ngấn lệ” mà Mẫu Đơn đã hát cho Mã Đạt nghe trong một cảnh phim. Tình yêu mới đâm chồi này cũng sớm kết thúc một cách đáng tiếc khi Châu Tấn phát hiện ra Giả Hoành Thanh nghiện ma túy nặng, nhưng người hâm mộ vẫn sẽ còn nhớ mãi những hình ảnh ngọt ngào của họ trong phim, lúc Mẫu Đơn dồn hết tâm tư tình cảm mình qua lời ca để trao gửi cho người mình thầm thương trộm nhớ. Có lẽ không phải ai cũng có thể trở thành nàng tiên cá để nhận được một tình yêu như cổ tích.
Câu chuyện của Lâu Diệp đã phơi bày một phần hiện thực tăm tối của Thượng Hải qua những góc quay thiếu sáng, những cú lia máy “nghiệp dư” nhằm tạo cảm giác giả tự sự và giả tài liệu. Thượng Hải trong phim – đô thị hiện đại nổi danh của Trung Quốc là những góc phố hoang tàn ẩm ướt, nhập nhòe ánh đèn neon sặc sỡ phản chiếu lên dòng sông đầy rác thải. Ở đó có những con người trôi nổi vật vờ sống qua tuổi trẻ của mình như những câu chuyện chưa kể đã cũ, chất chồng tắc nghẽn trong lòng sông ô nhiễm, chờ đến ngày được cuốn ra biển khơi để hòa vào làn nước trong xanh, rửa sạch hết bụi bặm uế tạp của cuộc đời. Anh Lý, Mã Đạt, Mỹ Mỹ hay Mẫu Đơn cũng chỉ là một vài mảnh nhỏ mà đạo diễn đã chọn nhặt lên ngẫu nhiên từ dòng nước ấy để tập trung ống kính tìm hiểu. Sự phát triển kinh tế ồ ạt và đô thị hóa, bê tông hóa quá nhanh giống như dòng nước sẽ cuốn đi bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu hồi ức và số phận vô danh khác mà nếu chỉ hững hờ nhìn nó trôi qua, chúng ta sẽ mãi mãi quên mất họ. Điều đó càng khiến cho “Sông Tô Châu” trở thành một câu chuyện đáng kể, đáng xem và đáng nhớ.
--------------------
Bài viết tham khảo một số nội dung từ tham luận của Hongwei Lu - http://asianetwork.org/ane-archived-issues/2010-fall/anex2010-fall-HongweiLu.pdf
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất