Mình xem "To live" vào một chiều thu, trời hanh khô và nắng đã nhạt màu. Lũ chim kêu ríu rít trên mái nhà như nó lúc nào cũng thế.

Mình xem nó vì một ngày đẹp trời nổi hứng quyết xem những phim được liệt vào hàng "kinh điển". Mình đã google những phim kinh điển và nó hiện ra.
Và cảm giác đầu phim là gì nhỉ, chắc là lạ. Vì diễn viên nam chính khác với suy nghĩ của mình. Khi thực khách đã quá quen với những thước phim điện ảnh mượt mà, dàn diễn viên chính thì xinh như mộng, da dẻ hồng hào. Mình đã mong chờ điều tương tự ở "To live" và mình đã vỡ mộng ngay ở phút đầu phim. Anh nam chính không chỉ không đẹp trai, mà còn ốm nhách, xương xẩu, vàng vọt, nghiện cờ bạc, thuốc phiện. Nhìn tệ thiệt tệ, mà dân gian người ta nói là tệ hơn vợ thằng đậu. Cô nữ chính cho Củng Lợi thủ vai thì đẹp khỏi bàn rồi, Củng Lợi có một cái hay là diễn vai nào ra tròn vai ấy, trong Thu Cúc đi kiện mình không tin một mỹ nhân chớp mắt có thể trở thành một phụ nữ nông thôn không biết ăn nói, bộc trực, thẳng thắn, và hơi xấu xí. Một con người với một khí chất khác thì đã là một con người khác rồi. Trong "To live" Củng Lợi trở thành một phụ nữ quý tộc điển hình, xinh đẹp và đầy khí chất, chịu thương chịu khó, sẵn sàng rời bỏ người chồng nghiện ngập nếu anh ta không thay đổi.

Đọc thêm:

Nếu ai mong chờ đây sẽ là một phần review đầy kiến thức về điện ảnh thì xin thưa, không phải. Đây chỉ là vài dòng tản mạn suy nghĩ về bộ phim này trong một buổi chiều cận tết. Nó làm mình day dứt, đơn giản vậy thôi.
Nếu ai đã từng xem "To live" chắc sẽ hiểu những gì mình nói ra đây. Ai chưa từng xem thì có lẽ hơi khó hiểu, nhưng nghe chơi cho vui cũng được.
Đầu tiên, Trương Nghệ Mưu "khịa" quá thâm, khịa chuyện đấu tố, chuyện cách mạng văn hóa, hồng vệ binh, đại nhảy vọt chỉ trong mấy phân cảnh, khịa không dùng lời thoại mà dùng phân cảnh. Muốn phim điện ảnh thất bại là khi nó phải dùng lời thoại để kể chuyện mà nó muốn kể, phim điện ảnh xuất sắc khi nó dùng hình ảnh để kể thành công chuyện nó muốn kể.
Khịa đấu tố khi nào? Tất cả bắt đầu với căn nhà. Trong cảnh đầu phim, ta để ý thấy nhân vật chính mất nhà tổ do cờ bạc, cha ông ta tức quá mà chết, căn nhà ở mấy đời, ba mẹ ông "tưởng sẽ được chết ở đây" phải nhượng vào tay người khác. Ông ta đi thuê một căn nhà nhỏ xíu, ẩm thấp, ọp ẹp cho người mẹ già gần đất xa trời ở. Nhìn vào ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Ông mất căn nhà vào tay một người múa rối vì thua bạc, người phải khổ công làm lụng, gom góp rất lâu, bày mưu tính kế gom tiền bạc mãi mới được sống trong căn nhà mơ ước. Người này cũng là một người tốt, đồng ý chăm sóc mẹ nam chính khi ông chưa tìm được chỗ ở mới, tặng lại cho ông ta bộ rối để làm kế sinh nhai. Ông ta có được căn nhà tổ hoàn toàn từ nỗ lực tự thân. Và sau đó cũng có một phân cảnh ông ta nói rằng sẽ không cờ bạc nữa. Tréo ngoe ở chỗ, sau đó ông ta bị giết. Bị giết vì có căn nhà, mà có nhà to thì là tư sản rồi. Thật là hài hước. Tài sản mà mình làm việc chăm chỉ tích cóp để có được giờ đây là thứ hại mình. Ông ta bị bắn chết. Nam chính toát mồ hôi nghĩ thầm đó có thể là mình. Mình bị mất đi căn nhà vì cờ bạc thế mà lại hay. Đấu tố không phân biệt đúng sai, tất cả những người có tiền, dù là dùng phương cách gì, có phải do bóc lột mà có hay không đều sai trái, và phải chết. Khịa không dùng câu từ triết lí, nhưng lại đầy triết lí.

Đọc thêm:

Khịa đại nhảy vọt thế nào? Khịa đại nhảy vọt mà không một từ ngữ nào nhắc đến đại nhảy vọt. Phương châm nhà nhà làm gang thép của Mao Trạch Đông thất bại thảm hại, số thép làm ra đa số là phế phẩm. Trương Nghệ Mưu diễn tả nó như thế nào. Đầu tiên là cảnh nhà Phú Quý (nam chính) phải quyên hết xoong, nồi bằng thép trong nhà. Sau đó là vô số xoong nồi, có to, có nhỏ, có sứt, có lành được cho vào lò nung. Cảnh đỉnh nhất để khịa đại nhảy vọt là cái chết của con trai Phú Quý. Phải kể từ nguyên nhân thằng bé chết. Thằng bé chết do ông huyện trưởng lùi xe trúng phải bức tường, bị tường sập đè chết. Khoan nói về độ dỏm của bức tường khi bị đụng trúng một cánh vô tình đã tan thành từng mảnh mà hãy nhìn vào việc tại sao thằng bé không chạy trốn. Sâu xa là vì nó buồn ngủ. Tại sao nó buồn ngủ? Vì nó phải thức đêm nhiều ngày cùng mọi người canh nồi gang thép. Thậm chí khi nó vừa chợp mắt được một chút đã bị gọi đi nấu thép vì huyện trưởng đến thăm. Thằng bé ngủ quên và bức tường đè chết nó, xót thương thay. Cái chết của thằng bé còn phản ánh thêm một đức tính của người Trung Quốc, hay nói rộng hơn là dân châu Á đó là thói trọng sĩ diện. Bất chấp việc con mình thiếu ngủ nhiều ngày, nhưng chỉ vì vừa được trưởng thôn khen là gương mẫu, mà nay huyện trưởng tới thăm mà con mình không đi thành còn đâu cái danh gương mẫu, nên đành phải đi. Đáng buồn thay.

Đọc thêm:

Khịa cách mạng văn hóa thế nào? Cái chết của đứa con gái thứ hai chính là ví dụ. Cô ấy bị câm, lại sinh đứa đầu, đáng lẽ cần bác sĩ giàu kinh nghiệm thì trong bệnh viện chỉ toàn hồng vệ binh* . Người nhà lo lắng mới kéo một ông bác sĩ đang ở ngoài vào (bạn nào thắc mắc về hồng vệ binh thì tra google nhé), bác sĩ bị đem ra ngoài trời, bị bỏ đói, bị treo biển chửi rủa. Ông bác sĩ bị đưa vào là người có kinh nghiệm, mình nhớ không lầm thì là trưởng khoa sản. Khi đứa con gái bị băng huyết, vì bị câm nên không cầu cứu được, hồng vệ binh thì không biết phải làm gì, ông bác sĩ thì lâu ngày bị đói, khi được gia đình mua cho mấy cái bánh bao thì ngấu nghiến, để đến nỗi bị nghẹn mà xỉu mất. Cuối cùng đứa con gái băng huyết mà chết. Ngoài ra còn vô số chi tiết khịa thẳng thắn và nhiệt tình mà mình lười kể ra đây.
Ngoài ra có một chi tiết khịa chính quyền khá hay. Đó là bạn của phú quý, vốn chỉ là một anh lái xe trong cách mạng, sau khi kết thúc nội chiến thì trở thành huyện trưởng, quản lí cả một cái huyện. Câu hỏi đặt ra ở đây anh ta có đủ năng lực và trình độ để trở thành huyện trưởng hay không? 
Đó là vài dòng tản mạn của mình về bộ phim này, hi vọng mọi người đọc tham khảo cho vui, nếu thấy hứng thú và không ngại bị mình spoil tình tiết thì có thể xem thử phim. Thân ái.