Tuyên bố sử dụng 100% năng lượng tái tạo của Google và Apple thật sự có ý nghĩa gì?
Vai trò của RECs, khái niệm "bổ sung", và tác động của chúng đối với Trái Đất Các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mái tòa nhà...
Vai trò của RECs, khái niệm "bổ sung", và tác động của chúng đối với Trái Đất
Apple, Amazon, Google, Facebook và Microsoft — năm công ty được coi là “big tech” — đã tuyên bố rằng họ đang sử dụng 100% năng lượng tái tạo hoặc đang tiến sát tới tương lai ấy.
Các công ty này tổng cộng sở hữu và vận hành hơn 100 trung tâm dữ liệu (với quy mô gấp nhiều lần một sân bóng đá), gần 1000 văn phòng và vô vàn hạ tầng kiến trúc khác. Điều này đã biến chúng trở thành những công ty khát năng lượng nhất trên thế giới. Chính bởi vậy, việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo là một thành tựu rất đáng chú ý.
Nhưng có rất nhiều chỉ trích cho rằng tuyên bố này là một lời nói dối. Một số người nói rằng việc mua bán phát thải carbon là một hình thức giảm nhẹ tội lỗi hơn là bảo vệ môi trường. Để hiểu thêm về nguồn cơn của những tranh luận này, hãy bắt đầu với những điều cơ bản.
ND: Mua bán phát thải cacbon là một phần của mua bán phát thải nói chung. Trong loại hình "mua bán" này, mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép "xả". Những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép sẽ có quyền "bán" "sức chứa" khí thải còn dư của mình cho những quốc gia mà lượng khí thải vì nhiều lý do vượt quá giới hạn cho phép. Nói cách khác, các "nhà xả khói" có một mức độ khí thải tối đa mà họ được phép "xả", và họ phải chi tiền để mua "quyền xả khói" nhằm duy trì hoạt động của các cơ sở của mình. Và những cơ sở nào xả khí thải thấp hơn mức tối đa cho phép có thể bán "sức chứa khí thải" còn dư cho những ai cần "mua".
Năng lượng tái tạo là gì?
Là nguồn năng lượng được sinh ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên nằm trong nhóm năng lượng tái sinh hoặc năng lượng xanh như bức xạ Mặt Trời, gió, nước, thực vật, địa nhiệt và sinh khối.
Nhưng thiết kế hạ tầng điện lực không cho phép việc chỉ lấy “năng lượng xanh” từ mạng lưới trở nên khả dĩ.
Khi một trang trại điện Mặt Trời hay một cánh đồng gió phát điện, lượng điện năng sản xuất ra sẽ không trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà được gửi đến lưới điện chính, nơi nó sẽ hòa với các dòng điện đến từ nhiều nguồn khác nhau, tạo thành một “hồ chứa điện”. Điều này khiến cho nguồn năng lượng xanh cung cấp cho các tòa nhà của chúng ta về cơ bản không thể phân biệt được với các nguồn cung điện năng khác.
Do hơn 80% nhu cầu sử dụng điện năng tại Mỹ được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch, cho nên trên thực tế, những công ty tuyên bố sử dụng 100% năng lượng tái tạo rất có thể đã lấy điện năng từ các mạng lưới sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch. Xét cho cùng, những trung tâm dữ liệu vẫn hoạt động 24/7, trong khi gió và Mặt Trời thì không.
“Có một sự thật đơn giản rằng các lưới điện, với sự phối hợp của nguồn phát điện tái tạo và hóa thạch, là công cụ cực kì hữu ích và quan trọng đối với việc vận hành của một trung tâm dữ liệu. Và xét trên trình độ kĩ thuật như hiện tại, chỉ riêng năng lượng tái tạo sẽ không đủ độ tin cậy để vận hành một trung tâm dữ liệu,” Google thừa nhận.
Vậy tại sao các công ty lại có thể tuyên bố sử dụng 100% năng lượng tái tạo?
Chứng nhận năng lượng tái tạo (REC)
Tại Hoa Kì, một nhà máy bán năng lượng tái tạo cho lưới điện sẽ được cấp Chứng nhận năng lượng tái tạo (REC) cho mỗi megawatt giờ (MWh) năng lượng sạch mà nó tạo ra. Công ty sở hữu nhà máy đó có quyền bán các REC này cho các công ty khác — điều này nhằm khuyến khích các công ty phát triển nguồn năng lượng sạch, và cho phép bên mua tuyên bố rằng năng lượng tái tạo được sản xuất trên danh nghĩa của họ.
Giả sử một công ty sử dụng 500 MWh và mua 500 RECs mỗi năm. Công ty đó sẽ có tư cách tuyên bố “sử dụng 100% năng lượng sạch”, miễn là nó không bán lại các RECs.
Điều này cũng có nghĩa rằng một công ty nối với lưới cung cấp điện sử dụng 100% năng lượng hóa thạch vẫn có thể tuyên bố rằng nó được vận hành bằng 100% năng lượng sạch thông qua việc mua lại các RECs từ một nhà máy năng lượng xanh ở một số vùng miền khác của đất nước. Thuật ngữ mô tả các công ty tham gia vào các giao dịch thế này là “quảng cáo xanh” (greenwashing).
Nhưng xuất hiện một vấn đề ở đây. REC được cho là nguồn thu khiến các nhà sản xuất năng lượng tái tạo sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Thị trường REC hoàn toàn độc lập với thị trường điện và đang trong tình trạng thừa cung tại hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ. Điều này đã đẩy giá bán REC xuống thấp tới $0,80/MWh (~ 18500 VND/MWh).
Một hộ gia đình ở Mỹ có mức tiêu thụ trung bình 11 MWh/năm. Nếu hộ gia đình này mua 11 RECs với mức giá cao hơn nhiều là $5/REC, họ có quyền tuyên bố sử dụng 100% năng lượng tái tạo chỉ với $55 (~ 1,300,000 VND) mỗi năm.
Mức giá quá rẻ mạt khiến REC không thể trở thành một nguồn thu có ý nghĩa đối với những cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo — và là một đóng góp không đáng kể đối với các khoản đầu tư bổ sung cho ngành công nghiệp năng lượng xanh. Việc mua REC không có nghĩa rằng công ty sẽ giảm thiểu mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay tránh phát thải carbon.
“Nói tóm lại, tốt nhất chúng ta nên nghĩ rằng việc mua REC trước hết không phải một đòn chống lại nhiên liệu hóa thạch hay phát thải carbon, mà là một đòn (khiêm tốn) dành cho năng lượng sạch,” Vox đã từng viết.
Vì vậy, liệu điều này có mang nghĩa rằng tuyên bố của các công ty như Google và Apple hoàn toàn không xứng đáng và không tạo được tác động tích cực đối với môi trường?
Khái niệm Bổ sung = RECs + sản lượng năng lượng xanh mới
Các “big tech” đều nhận thức được tầm quan trọng của REC, và họ cũng rõ ràng biết thoát khỏi việc bị chỉ trích vì “quảng cáo xanh” là một việc khó khăn.
Các công ty công nghệ này vẫn cần REC để duy trì các tuyên bố về “năng lượng xanh”, nhưng thay vì chỉ mua chứng chỉ từ các dự án sẵn có, họ đang tập trung tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo mới. Cách làm này gọi là “bổ sung”.
Năm 2017. Google đạt đến cột mốc 100% năng lượng tái tạo cho toàn bộ công tác vận hành trên khắp hành tinh. Cùng với đó, công ty này cũng trở thành bên mua lớn nhất của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Tính từ tháng 4 năm 2018, Google cho biết họ đã kí hợp đồng mua 3 gigawatt năng lượng gió và Mặt Trời.
“Danh mục đầu tư cho năng lượng không carbon của chúng tôi sẽ tạo ra lượng điện năng lớn hơn tổng mức tiêu thụ mỗi năm của cả một khu vực như Washington D.C hoặc cả một quốc gia như Litva hay Uruguay.” CEO Google Sundar Pichai đã viết trong một blog vào năm ngoái.
Nhưng Google không chỉ dựa vào việc mua REC để đạt được mục tiêu của mình. Công ty này cũng tập trung vào sản xuất năng lượng tái tạo thông qua các dự án mà nó trực tiếp tài trợ.
Cách Google mua và sử dụng năng lượng tái tạo
1. Google mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo thuộc cùng mạng lưới thông qua các hợp đồng mua bán điện (PPA). Trong quá trình này, Google cũng nhận được REC cho lượng điện năng mà công ty đã mua.
2. Nhưng Google không thể cung cấp trực tiếp nguồn năng lượng xanh này cho các trung tâm dữ liệu của mình. Google phải bán chúng cho lưới điện với mức giá bán buôn phù hợp với từng địa phương.
3. Các cơ sở/trung tâm dữ liệu của Google mua điện từ lưới địa phương với giá thị trường. Lượng điện năng này cũng bao gồm dòng điện được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.
4. Sau đó, Google áp dụng REC để đưa ra các tuyên bố sử dụng năng lượng tái tạo.
Quá trình này khác gì so với việc chỉ mua REC?
Bằng cách kí kết các hợp đồng mua bán điện, Google đã khuyến khích đẩy mạnh nhu cầu cũng như sản xuất ra các nguồn năng lượng tái tạo mới thay vì chỉ sử dụng số lợi nhuận khổng lồ của mình để nuốt chửng sản lượng năng lượng tái tạo và các REC.
Các hợp đồng dài hạn này (thường là các thỏa thuận 20 năm) cũng đảm bảo cho các nhà phát triển dự án một nguồn vốn ổn định và lớn mà REC không thể cung cấp.
Google đã tạo ra các quỹ đầu tư hạ tầng trị giá hơn 3,5 tỉ đô la thông qua các hợp đồng mua bán điện. Nếu công ty này chỉ mua REC đủ cho tổng lượng tiêu thụ 11000 GWh của mình vào năm 2018, nó chỉ phải bỏ ra 55 triệu (tính theo mức giá $5/REC — một con số ước tính cao gấp nhiều lần hiện tại).
Google cho biết, cái đích cuối cùng mà họ hướng tới là trao cho tất cả mọi người quyền được truy cập vào nguồn năng lượng xanh chứ không riêng gì công ty — bạn có thể đọc thêm về các đồ án trong sách trắng của họ.
Tuyên bố năng lượng sạch của Apple tốt đến mức nào?
Năm 2018, Apple tuyên bố rằng nó cũng được vận hành bởi 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Công ty hiện có 28 dự án năng lượng tái tạo đang được sử dụng và 15 dự án đang trong quá trình thi công trên toàn thế giới, bao gồm cả trụ sở mới, chạy hoàn toàn bằng năng lượng Mặt Trời ở Cupertino. Các dự án này được kì vọng sẽ tạo ra trên 1,5 tỉ gigawatt năng lượng sạch và có thể tái tạo. Theo như báo cáo, kể từ năm 2011, chúng đã làm giảm 64% lượng khí thải nhà kính của Apple.
Tuy nhiên, tuyên bố sử dụng “100% năng lượng tái tạo” của Apple chỉ bao gồm các hoạt động vận hành trực tiếp chứ không xét tới các chuỗi cung lớn của hãng này.
Nhà sản xuất Iphone dường như đang đi trên cùng một lối mòn với Google trong việc tạo ra nguồn bổ sung. Apple lập luận rằng, bằng cách thiết lập các dự án của riêng mình hoặc kí kết các hợp đồng mua bán điện với các công ty năng lượng thuộc cùng một mạng lưới, công ty này sẽ tạo điều kiện cho việc sáng tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo mới và giữ lại các REC do chúng mang lại. “Chúng tôi muốn đưa nguồn năng lượng sạch mới vào lưới điện, nhờ vậy chúng tôi sẽ không nuốt chửng toàn bộ năng lượng sạch có ở đó,” Lisa Jackson, phó Chủ tịch của Apple mảng sáng kiến về môi trường, chính sách và xã hội, cho biết.
Trong trường hợp Apple không đủ khả năng mua hoặc sản xuất năng lượng tái tạo trong cùng một mạng lưới với các cơ sở của mình, công ty này sẽ mua REC từ nơi khác. Nhưng để tránh quảng cáo xanh, Apple cam đoan một trong những dự án của mình sản xuất được một lượng tương đương REC.
Tuy nhiên, tuyên bố sử dụng “100% năng lượng tái tạo” của Apple chỉ bao gồm các hoạt động vận hành trực tiếp chứ không xét tới các chuỗi cung lớn của hãng này. Đây là một điểm gây nhiều tranh cãi, vì rất nhiều sản phẩm của công ty này được sản xuất bởi bên cung cấp thứ ba — đối tượng tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng “nâu”. Nhưng Apple đang nỗ lực để biến các nhà cung cấp của mình thành người cùng hội cùng thuyền. Tính đến năm 2019, đã có hơn 44 nhà cung cấp đồng ý góp sức vào nỗ lực của công ty. “Apple đã có một lịch sử lâu dài trong việc đưa các nhà cung cấp vươn tầm thế giới, và đây chỉ là một phần của con đường tầm cỡ ấy” Lisa Jackson nói.
Đến cuối năm 2020, Apple và các chuỗi cung của nó được kì vọng sẽ đưa 4 gigawatt năng lượng sạch vào đường dây. Mặc dù sản lượng này chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu sử dụng của các nhà cung cấp Apple trên toàn thế giới, nhưng con đường tiến tới mục tiêu tiếp theo vẫn còn khả dĩ: vận hành toàn bộ chuỗi cung bằng năng lượng tái tạo.
Những công ty công nghệ khác đang làm thế nào?
Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Microsoft và Amazon được đồng chỉnh với Google và Apple trong việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo.
Facebook quyết tâm hoàn thành mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong năm nay và với các thỏa thuận mua hơn 3 gigawatt, công ty này sẽ trở thành một trong những bên mua năng lượng tái tạo lớn nhất.
Microsoft cam kết sẽ trở thành công ty âm carbon vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ xóa bỏ mọi dấu chân carbon mà tập đoàn đã thải ra kể từ khi thành lập vào năm 1975.
Amazon, một trong những nhà phát thải carbon lớn nhất hành tinh, cũng đã đặt hạn chót đến năm 2030 sẽ vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo.
Vào năm 2018, các tập đoàn của Mỹ đã lập kỉ lục mới về số lượng hợp đồng mua bán năng lượng tái tạo được kí kết: hơn 121 công ty tiến hành kí kết các hợp đồng mua bán điện, hơn 13 gigawatt năng lượng tái tạo đã được sản xuất. Và có hơn 228 công ty trên toàn thế giới tham gia vào chiến dịch RE100, một chiến dịch yêu cầu các bên tham gia phải cam kết sử dụng 100% năng lượng xanh.
Trước đây, REC đã mang phải tiếng xấu. Và kết quả là, những tiến bộ có thật và những cam kết “100% năng lượng tái tạo” của nhiều công ty có thể sẽ bị nhìn nhận bằng con mắt tiêu cực bất công. Nhưng nếu chúng ta có những đánh giá sâu sắc hơn về những tuyên bố này, chúng ta sẽ nhìn ra những công ty nào chỉ đơn thuần mua lại REC, và những công ty nào thật sự có đóng góp trong việc tạo ra nguồn năng lượng tái tạo mới.
Xu hướng bổ sung đang tạo ra những tác động hữu hình có thật trong việc chuyển đổi nguồn năng lượng của chúng ta sang nguồn năng lượng tái tạo, và nó cũng cho thấy rằng, ít nhất thì các công ty lớn, nếu không tính đến chính phủ, đang có những bước tiến rất lớn nhằm bảo vệ Trái Đất dấu yêu của chúng ta.
Cập nhật: Bản cũ của bài viết này đã trở nên sai lệch khi Apple tuyên bố sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Apple đưa ra thông báo lần đầu vào năm 2018. Phiên bản trước của bài viết này đã dẫn ra các thống kê năng lượng tái tạo được đề cập trong các báo cáo môi trường của Apple năm 2018. Bản mới cập nhật đề cập đến các báo cáo năm 2019.
Tác giả: Sarvesh Mathi từ Medium
Dịch giả: Mai Thu Hà từ QRVN
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất