Bài viết chia sẻ 7 bước giúp mình tự vực dậy giữa biến động. Hy vọng trải nghiệm cá nhân này sẽ giúp bạn ở một phần nào đó vào lúc này.
Bạn có phải là nạn nhân của biến động?
Tưởng chừng, những biến động của đại dịch vừa qua không tác động đến những người trẻ. Chúng ta dễ dàng dung túng cho những căng thẳng, phớt lờ tiếng nói nhỏ bên trong. Chỉ cho đến khi bản thân có những biểu hiện như: tự dưng bật khóc, quá nhạy cảm với câu nói mang tính tiêu cưc của người khác, hay dù đã tỉnh ngủ nhưng vẫn không muốn bò dậy vào mỗi sáng,…
Với cái tôi trẻ, thật khó để chấp nhận mình đang chịu áp lực với vị trí “nạn nhân”. Không chỉ riêng mỗi bạn, hay riêng mỗi mình. Mà chúng ta, những người trẻ đang gặp Stress. Không có gì đáng xấu hổ cả. Hãy thừa nhận điều này, và cố gắng từng bước để bản thân mình vượt qua.

1. Bình tĩnh: Trạng thái “Không làm gì cả”

Nhận ra sự thật này, để chúng ta dễ dàng đối mặt và tìm ra giải pháp “Chữa trị” cho bản thân. Khi Stress thế này, mình không cố gắng vùng vẫy.
Hình dung, đang có một sợi dây vô hình trói bản thân lại. Bạn càng vùng vẫy, bạn càng đau. Vậy nên hãy thả lỏng. Hãy bình tĩnh. Đừng làm gì cả, cho đến khi ta đủ sẵn sàng để tìm cách giải quyết.

2. Hạn chế tổn thương: Tránh xa các nguồn gây tiêu cực

Tránh xa mạng xã hội là điều mình thực hiện đầu tiên. Đặc biệt là nền tảng Facebook và Tiktok, nơi có quá nhiều đối tượng người tham gia, tập hợp nhiều thông tin phóng đại. Thật đấy, dù không phải toàn bộ, nhưng số ít thôi cũng khiến bạn không thoải mái, trong giai đoạn nhạy cảm quá mức này.
Tránh xa những người bạn yêu thương (tất nhiên họ cũng yêu thương bạn). Điều này nghe có vẻ rất tiêu cực. Nhưng thực sự, cảm giác bất lực và thảm hại, trước một ai đó quan trọng trong cuộc đời, là điều mà lòng tự trọng của bạn không hề cho phép.

3. Ngưng cố chấp: Chấp nhận hiện tại

Đừng tìm cách tránh xa suy nghĩ của mình. Bạn sẽ chẳng tự dưng suy nghĩ tích cực được bằng cách chối bỏ suy nghĩ tiêu cực. Cũng như bạn sẽ chẳng thể tự dưng tốt lên giữa một thực tế đang tiêu cực chưa được giải quyết. Tránh xa suy nghĩ hay cố gắng suy nghĩ cũng giống như cho bạn cái quyền tự đâm đầu vào tường ấy. Thay vào đó, chấp nhận và lắng nghe suy nghĩ là cách giúp bạn nhìn thấy căn nguyên của vấn đề, và tìm cách giải quyết chúng.
Sự thật, một lý do nào đó, khiến mình luôn cố gắng chối bỏ sự thật. Thay chúng bằng sự biện minh, mà mình nghĩ là tốt. Chằng hạn như sự tích cực độc hại (Toxic Positivity), hành vi tâm lý tạo hàng rào bảo vệ cho năng lượng bản thân, bóc kiệt năng lượng của bạn mỗi ngày.
Chấp nhận là một quá trình. Mình xin lưu ý, đây là một quá trình. Vì bạn sẽ phải thừa nhận những sự thật bất ngờ của bản thân mình hằng ngày. Hoặc chấp nhận, hoặc tìm giải pháp cho chúng.

4. Nạp năng lượng nhanh: Giải trí thoát ly đời thực

Người trẻ chúng ta được tự do điên rồ. Hãy điên rồ với những sở thích của mình. Tại sao không nhỉ? Làm bất kì sở thích nào khiến bạn tập trung đến mức quên đi thực tại, và như đang sống ở một cuộc sống mới. Cách này giúp mình đốt năng lượng cũ và nạp năng lượng mới một cách nhanh chóng. Dù biết năng lượng này sẽ không tồn tại lâu, nhưng vẫn làm vì giúp đỡ bản thân mình thoát khỏi vũng lầy ngay tức khắc.
Ví dụ mình rất thích xem phim. Mình chọn xem phim dài tập, phim có chủ đề hành động gây cấn hoặc tạo động lực, và đặc biệt không chọn phim drama. Mình cày tối đa có thể, đến mức 20 tập phim chỉ cần 2 ngày để xem hết… Bạn có thể chơi game, đọc tiểu thuyết hoặc bất cứ sở thích nào bạn cảm thấy thoải mái tức thời.

5. Chữa trị Stress: Thực hành Viết nhật ký

Dù làm nghề viết lâu nay, nhưng mình rất ít viết cho chính mình. Khi bản thân đã bình tĩnh sau quá trình không làm gì cả, mình bắt đầu viết - bước quan trọng trong việc tự chữa trị bản thân. Viết giúp mình đạt được trạng thái nhìn thấy nội tâm, đối diện với nội tâm và trò chuyện với nội tâm. Trạng thái này thật tuyệt vời. Mình thông suốt dần sau những lần như thế.

Viết để chữa trị

Khi cần trò chuyện và lắng nghe, mình sẽ viết. Lúc trước, khi có sự việc gì diễn ra, mình sẽ chọn trò chuyện với bạn bè. Nhưng thực tại, những người bạn ấy cũng đang là nạn nhân của sự biến động này, dù không nói nhưng mình cũng biết được rằng họ cũng đang Stress. Mình giải toả nhu cầu chia sẻ này bằng viết để tự trò chuyện với bản thân, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ai khác.
Khi nghĩ mãi không thông suốt, mình sẽ viết. Khi không thể sắp xếp được những suy nghĩ trong đầu nữa, mình chọn cách viết để dễ dàng kiểm soát chúng. Bày biện mọi thứ trước mắt, bằng con chữ, mình sẽ có cái nhìn tổng quan hơn để giải quyết từng khúc mắt một.
Khi đang khóc, mình sẽ viết để nín khóc. Đây là sự dỗ dành mình làm cho chính bản thân. Hãy thừa nhận rằng bạn đang vô cùng yếu đuối ở giai đoạn này. Một câu tiêu cực vô tư của ai đó, cũng khiến bạn rưng rức vơ cổ áo quẹt nước mắt, hay khóc hai dòng sông trong lòng. Lúc này mình sẽ viết hết ra những suy nghĩ trong đầu, nghĩ gì viết nấy, viết xong xoá hết cũng được, nhưng phải viết. Vậy đó, mình nín khóc lúc nào không hay.

Viết để chia sẻ

Mình có nhu cầu chia sẻ khá cao, với bản thân hay bất kì ai đó. Những bế tắc trong lòng, mình luôn ý thức hãy viết chúng với hướng tích cực nhất. Nhờ luyện tập, mình dẫn dắt được bản thân mình ra khỏi vũng lầy lúc nào không hay. Và từ đó, mình giàu năng lượng hơn để lan toả đến mọi người.
Hình dung, chúng ta-những người trẻ như đang ở phía bên trong cửa sổ, không ngừng tìm kiếm chính bản thân mình, tìm kiếm thế giới và tìm kiếm cái đẹp. Thật trùng hợp, ở cái đẹp, những điều ấy là một. Nơi mà bạn chỉ cần mở cửa ra, thì sẽ thấy da diện cái đẹp của cuộc đời.

6. Vực dậy: Tỉnh táo và đi tìm sự giúp đỡ

Đừng cố gắng đi tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài, nếu như chính bạn còn chưa rõ mình muốn và không muốn điều gì. Vô tình, những người ấy sẽ gây tổn thương cho bạn đấy. Hãy nên tìm đến những người bạn ấy khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng câu hỏi, hỏi những điều họ có thể trả lời được.
Ví dụ: khi đã tự xác định được mình muốn làm Blog Phuongminhwriter.net, mình gặp khó khăn trong khâu kỹ thuật. Xác định được vấn đề, mình nhờ đến sự giúp sức để xây dựng nền tảng Website. Thay vì cách la làng rằng “Tôi muốn có một nền tảng để chia sẻ, bạn giúp tôi tìm và xây nền tảng đó đi!”

7. Bắt đầu mới: Người trẻ hành động

Cuối cùng, đến bước thực thi. Sau khi đã “sáng mắt, thông não”, mình bắt tay vào hành động. Vì không hành động thì mình lại suy nghĩ và va vào vòng lặp lần nữa.
Hãy hiện thực hoá những mục tiêu, cho công việc hay cho cuộc sống, bằng mẹo dưới đây:
Phân loại những việc có thể bắt đầu ngay hiện tại và những việc sau giãn cách mới thực hiện được. Phân loại sẽ giúp bạn không ôm đồm quá nhiều và lại loay hoay.Xác định mục tiêu và lên kế hoạch chi tiết cho từng việc, từng giai đoạn.Bắt tay thực hiện.Duy trì trạng thái làm việc mỗi ngày. Đây cũng là lúc rèn luyện tính kỷ luật của bản thân.Ý thức tích cực, rằng đây là cơ hội, là khoảng thời gian bạn được cho để nỗ lực bù đắp thiếu sót.
Mình đã thực hành 7 bước này 2 lần trong vòng 4 tháng giãn cách xã hội. Người trẻ chúng ta không sợ áp lực. Đôi khi chúng ta còn muốn lao mình vào áp lực để tự do trải nghiệm. Lời khuyên cuối cùng của mình là, hãy cứ điên rồ với những trải nghiệm, can đảm đối mặt với những tổn thương. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta phải biết cách tự chữa lành cho chính mình sau những cuộc lao mình ấy. Vì một điều đơn giản rằng người trẻ phải tin vào chính mình.
Hy vọng những chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân mình sẽ đâu đó giúp bạn vượt qua Stress trong thời kì biến động này. Cố lên nhé, chúng ta -những người trẻ!