Là một trong những cô gái có cá tính đặc biệt nhất từng gắn bó với Markus, Trâm luôn khiến người khác bất ngờ bởi cách suy nghĩ và những nhận định vừa hài hước, vừa đanh đá của mình.

Sau 5 năm trải nghề ở nhiều công ty khác nhau, Trâm hiện đang là Creative Writer tại DSquare - Digital Agency trực thuộc Square Group. Gặp lại anh Khoa - Founder Markus Marketing School, buổi “buôn chuyện" dài 2 tiếng đã trở thành một bản recap về hành trình từ thuở cấp 3 mọt sách thích viết lách cho tới Creative Writer - gi-gỉ-gì-gi-cái-gì-có-chữ-là-viết của cô gái này.

Vậy Trâm từng là người như thế nào? Trâm đã trải qua những chuyện gì “trong ngành”? Điều gì khiến cô gái nhiều năng lượng này cảm thấy gắn bó với Content Marketing đến vậy?

Cùng Markus gỡ băng buổi chuyện trò với Trâm, hứa rằng sẽ khiến bạn phải gật gù: “Ô! Content Marketing cũng mặn ra phết đấy chứ. Dám bảo nhạt nhẽo à, dân content dùng chữ “sỉ" phát chết luôn giờ.”

Đọc thêm:


Anh nhớ rằng Trâm đã lựa chọn theo ngành Marketing từ khi còn học Đại học. Điều gì đã đưa em đến với Marketing?
Bản thân em thích viết nên vào đại học em join luôn CLB Marketing của FTU. Hết năm nhất, em bắt đầu đi làm part-time. Công việc đầu tiên cliché cực kì: đi làm content cho fanpage của nhà hàng. Nghe kiểu xoàng nhờ. Nhưng hồi năm 2013 thì đấy là một trong những công việc phổ biến nhất cho các bạn chưa có kinh nghiệm muốn làm nội dung đấy. Công việc tiếp theo thì bớt cliché hơn: Xây content cho Fanpage và Website cho Markus.
Nếu giờ được quay lại quá khứ, em có nghĩ mình sẽ nhận công việc đầu tiên cliché đó không?
Có. Vì bài học em nhận được ở công việc đầu tiên. Vẫn nhớ hồi đó lúc nào cũng có thể bị dựng dậy để làm những công việc đột xuất, lương thì bèo hơn cả em đi dạy gia sư. Thề đúng khổ. Nhưng “sụt hố” một lần để mình biết trân trọng những người sếp tốt sau này, những người khách hàng trả đúng giá và biết rằng đâu là giới hạn chịu đựng của bản thân.


Đọc thêm:

Em nói Marketing đến với em nhờ sở thích sáng tạo và viết lách. Anh đoán sở thích này được hình thành từ những năm Trâm học cấp 3 nhỉ?
Vầng. Anh cứ tưởng tượng kiểu nerd điển hình như nào thì cấp 3 em i xì như thế. Học bổng 6 kì, lúc nào cũng đang cắm đầu vào học, không yêu đương, không CLB, được giải Quốc Gia. Nói chung là typical con ngoan trò giỏi học sinh chuyên Văn gương mẫu.
Nếu đã có nền tảng về viết lách như vậy, tại sao em không theo nghề văn chương?
Nói thế nào nhỉ, mê văn đấy nhưng đi theo hướng làm nhà văn chuyên nghiệp chắc em sẽ chết vì buồn mất. Với một đứa thích hóng chỗ này, ngó chỗ kia, lúc nào cũng tò mò đủ thứ trên giời dưới biển và háo hức với những thứ mới nhất thì trở thành nhà văn chắc là chỉ “mê" thôi, còn làm Content mới khiến mình “phê” thật sự.
Thế viết lách trong Content Marketing khác với viết văn thuần tuý ở điểm nào mà khiến mình “phê"?
Content Marketing và văn học có cùng hình thức biểu hiện là ngôn ngữ. Nhưng bản chất của chúng lại khác nhau. Nếu nhà văn sử dụng ngôn ngữ để truyền tải cảm xúc và ý niệm của họ về thế giới tới người đọc, thì content writer thì quan sát xem người đọc muốn gì, cần gì rồi dùng ngôn ngữ để "bắt" những cảm xúc đó và hướng người đọc tới việc mua hàng/tiêu thụ sản phẩm.
Đơn giản là: Văn chương thì viết điều mình muốn viết. Content thì viết điều người ta muốn nghe, để người ta “tiêu tiền" theo ý mình

Đọc thêm:


Nhưng nếu vậy thì ảnh hưởng mà Content Marketing thật sự tạo ra cho độc giả là gì? Hay nó chỉ đơn giản khiến họ trả tiền cho một sản phẩm nào đó, thay vì tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc như văn chương?
Nói thế nghe xôi thịt quá. Cả hai đều tạo nên ảnh hưởng tới thế giới quan của người tiếp thu chứ. Nhưng ảnh hưởng của content/hay marketing so với văn chương thì mang tính đại chúng hơn, dễ tiếp thu với số đông hơn. Có lẽ vì thế nên dưới góc nhìn hàn lâm thì Content Marketing hay Quảng cáo trông thì có vẻ như kém sức nặng. Nhưng thật ra nó lại trực tiếp hơn, đời hơn và tất nhiên, có thể nhìn thấy hiệu quả trong thời gian ngắn hơn.

Một ví dụ cơ bản là trước đây mọi người hay nghĩ tới hình tượng người phụ nữ công dung ngôn hạnh phải đoan trang ra sao, phải tháo vát việc nhà thế nào, nhưng chỉ khoảng 5 năm gần đây, thông qua những chiến dịch Marketing (campaign) của các thương hiệu, người ta bắt đầu hình thành những suy nghĩ mới về người phụ nữ hiện đại: yêu thương bản thân, hay trở nên độc lập, mạnh mẽ. Marketing đưa những tư duy mới của họ về xã hội đến tới mọi người, để giúp xã hội trở nên tích cực hơn, chứ không chỉ đơn giản là để bán hàng nữa. Có nhiều chiến dịch Marketing ý nghĩa mà em rất ấn tượng, chẳng hạn như thông điệp “Không cần như ai, chỉ cần như ý" của Generali hoặc Bitis có đưa ra câu chuyện về ước mơ của một cô bé, rằng những ước mơ nhỏ bé như vậy thôi, không cần cao xa gì, cũng nên được trân trọng.
Nếu phải đem ra so sánh, em thấy rằng khi viết lách, có lẽ 1-2 năm mới có thể hoàn thiện được một cuốn sách. Nhưng trong cùng khoảng thời gian đó, khi làm Marketing, mình có thể làm được bao nhiêu là chiến dịch cho nhiều nhãn hàng khác nhau, và vì thế sẽ tác động được nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Góc nhìn của Trâm thực sự rất độc đáo. Vậy nếu được trở về thời điểm học lớp 10, em có nghĩ mình sẽ đưa ra lời khuyên gì cho bản thân trong quá khứ để chuẩn bị sớm hơn cho nghề nghiệp sau này không?
Có lẽ là không, bởi tới giờ này những gì em làm trong quá khứ đều hỗ trợ khá ổn cho công việc của em hiện tại. Nếu hồi cấp 3 em không đọc nhiều sách đến thế, em sẽ không thể biết những thứ mình biết bây giờ. Nếu em không tận hưởng thời gian một mình nhiều đến thế, em sẽ không rèn luyện được khả năng quan sát và từ đó come up với những ý tưởng đến từ cuộc sống hay khẩu ngữ. Cả khả năng ngồi luyện thi 8-10 tiếng hồi trước đã chuyển hoá thành sự kiên nhẫn để sửa đi sửa lại đoạn sapo 2 dòng cho vừa ý.


Học Ngoại Thương nhưng lại ra làm Content Writer trong ngành quảng cáo, bố mẹ em có ý kiến thế nào với lựa chọn của em?
Cả gia đình em đều làm nhà nước, nên bố mẹ cho rằng nếu em theo con đường của bố mẹ thì sẽ “ổn định" hơn. Nhưng khi em quyết định theo Content thì bố mẹ lại hay “vô tình" gửi vài offer công việc ở Quỹ đầu tư, tin tuyển dụng của Cục Thuế hoặc Bộ ban ngành gì đó….
Giác ngộ lớn nhất của em chính là nhận ra “Độc lập về tài chính là độc lập về quyết định”. Em chuyển vào Sài Gòn, sống riêng, thi thoảng gọi về nhà để bố mẹ thấy mình trưởng thành hơn, tự lập hơn và vẫn happy với nghề. Thế nên sau một thời gian, bố mẹ thấy em thật sự vui nên đã đồng ý rằng “Ừ thôi con vui là được”.
Anh nhận thấy “áp lực đồng trang lứa" (peer pressure) tồn tại khá rõ rệt ở Đại học Ngoại Thương, hay nói cách khác, sinh viên Ngoại Thương có vẻ chịu áp lực “thành công” sớm hơn so với các bạn trường khác. Nếu như sinh viên các trường khác năm 4 mới tìm việc thực tập, thì điều đó đã đến với các em từ năm 2, năm 3 phải không?
Peer pressure ở FTU là thật. Nhưng em đã quen với việc học ở trường chuyên từ cấp 2 và cấp 3 rồi. Cấp 2 thì chịu áp lực thi đỗ vào trường chuyên cấp 3. Cấp 3 thì chịu áp lực thi Đại học phải vào trường top, thi Quốc gia phải được giải này kia, hoặc không thì phải apply được học bổng cao vào một trường Đại học danh tiếng ở nước ngoài. Vậy nên nhìn chung peer pressure ở Ngoại Thương không tác động quá lớn tới em. Nhưng đối với những ai chưa quen, thì có lẽ đó là một khoảng thời gian rất khổ sở.
Cảm giác đáng sợ nhất có lẽ là cảm giác mình “chậm" hơn các bạn. Chậm hơn nghĩa là làm chân lon ton ở những công ty nhỏ, trong khi người ta thì được nhận vào thực tập tại những công ty có tên tuổi, rồi tham gia các cuộc thi giải case toàn quốc, được giải thưởng này giải thưởng khác. Chậm hơn nghĩa là chứng kiến những cái title, những dấu tick trong resume của họ nhiều hơn hẳn mình. Nhiều lúc em cũng đã tự hỏi bản thân rằng, tại sao xuất phát điểm mình cũng như người ta mà mình lại không được như người ta nhỉ? Những trăn trở đó khiến tất cả bọn em tự đẩy mình vào việc chạy đua với người khác.

Em tự thấy peer pressure là cần thiết, nhờ nó mà mình cố gắng vươn lên. Nhưng nếu đặt ra những mục tiêu quá sức với bản thân, áp lực này lại trở nên vô nghĩa. Tại thời điểm đó, em thấy mình còn đang chông chênh: kiến thức chuyên môn chưa vững, bản thân cũng chưa chắc chắn về nghề nghiệp muốn theo đuổi. Nếu trong tình huống đó mà cố “ném" mình vào các chương trình Management Trainee, hoặc đi thực tập 3 tháng ở những công ty lớn, có lẽ em sẽ bị choáng ngợp hoặc rơi vào trạng thái chủ quan, ảo tưởng rằng vậy là mình “biết hết rồi". Ngược lại, khi còn đang chập chững, nếu xuất phát điểm thấp hơn một chút, em sẽ biết trân trọng những cơ hội mình có và vắt kiệt chúng. Khi chỉ chú tâm vào những gì mình cần học, em sẽ rèn được tính khiêm tốn và nhẫn nại.
Vậy là Trâm đã có cho mình một chính kiến riêng khi còn học Đại học nhỉ. Sau tất cả những năm tháng ấy, em nghĩ 3 điều tuyệt nhất mà Đại học đã cho em là gì?
Người yêu này! Tất cả các anh người yêu của em đều từ Đại học mà ra đấy! Đùa một chút thôi, nghiêm túc thì quãng thời gian Đại học đã giúp em biết được mình muốn làm nghề gì, và có cơ hội đi làm part-time “đúng nghề" nhờ sự giới thiệu của các anh chị trong CLB. Và cuối cùng là… một tấm bằng! Có nhiều người nói rằng khi đi làm người ta không nhìn tới tấm bằng hay điểm số, rằng “coi trọng bằng cấp" đã là quan điểm lỗi thời. Nhưng em thấy điều đó không hoàn toàn đúng. Thử nghĩ mà xem, việc cầm bằng tốt nghiệp loại Giỏi ở trường Đại học Ngoại Thương rõ ràng là khác hẳn với việc có bằng tốt nghiệp loại Trung Bình. Tấm bằng thể hiện nỗ lực của chúng ta khi hoàn thành một nhiệm vụ được giao.

Quan niệm này khá mới nhỉ. Thế còn về mặt kiến thức thì sao? Những kiến thức em được học ở Đại học sau này có giúp ích gì cho em không?
Có một câu nói của David Foster Wallace nôm na như sau mà em rất tâm đắc: “Mục tiêu của giáo dục khai phóng không phải là nhồi sọ kiến thức mà là dạy bạn cách tư duy” (nguyên gốc: “a liberal arts education is not so much about filling you up with knowledge as it is about quote ‘teaching you how to think’’).
Việc học Đại học giúp chúng ta hình thành tư duy của mình: có thể là tư duy logic (chuyện này sẽ dẫn tới chuyện khác như thế nào) để kết nối các môn học với nhau, tạo ra một bức tranh tổng thể. Có thể mình sẽ không dùng hết tất cả những kiến thức ấy khi ra trường đi làm (ví dụ như Luật pháp chế), nhưng vì mình biết đến chúng, nên ví dụ như khi làm Marketing, em ít khi phải tìm hiểu lại hoặc chỉnh lại nhiều. Hoặc lấy ví dụ vì mình học Kinh tế Vĩ mô, nên khi làm các chiến dịch Marketing em sẽ biết được chiến dịch của mình có thể ảnh hưởng tới những cá thể to hơn như thế nào.

Đại học đã gián tiếp đưa cho em những kiến thức hữu ích rồi, giờ nói về những điều em học được trong quá trình đi làm nhé! Em có thể kể cho anh nghe về người sếp dạy em nhiều thứ nhất được không?
Em nghĩ đó chính là người sếp ở công ty hiện tại. Khi bắt đầu làm việc với chị ấy, chuyên môn của em không phải là đi từ 0 lên 1 như hồi ở Markus, bởi em đã biết làm việc có trình tự hơn rồi. Nhưng chị ấy thực sự đã “mài giũa" em trở thành một người làm việc chỉn chu hơn, từ đó làm được nhiều công việc hơn. Chị ấy luôn làm từng bước thật chuẩn chỉ, lúc nào cũng “double check" mọi thứ. Ý tưởng nhanh cũng tốt đó. Nhưng nếu cẩn thận thì sẽ hoàn hảo hơn.
Trước đây em học Kinh tế Đối ngoại, nên làm Marketing có vẻ là một lựa chọn “không đúng ngành". Trong quá trình đi làm, có chuyện gì xảy ra khiến em thấy mình bị thiếu kiến thức chuyên ngành không?
Rất nhiều là đằng khác. Khi bắt đầu, lúc nào em cũng thấy mình bị thiếu kiến thức khi liên tục không biết tại sao mình phải làm task này. Khi làm ở công ty phát hành sách, sếp hỏi “tại sao sử dụng tiền mà không ra đơn?” Đó là giây phút em giật mình và cũng không thể trả lời được tại sao. Lúc đó, em chỉ biết rằng mình đang làm mọi cách giúp người đọc yêu quý Fanpage của công ty hơn thôi, chứ không thể giải thích được chuyện tại sao không ra đơn. Bước chuyển đó khiến em nhận ra rằng mình không nên vội vã kiếm tiền nữa mà nên học trước đã.
Vậy tại sao em không chọn đi học một vài khóa về Marketing hoặc hỏi han các anh chị tiền bối, mà lại chọn tự học?
Câu chuyện của em hơi ngược đời. Người khác đi học lớp này lớp kia rồi đọc sách để bổ sung kiến thức. Em lại đi học Principles of Marketing của Kotle trong năm 3 rồi tới Markus xây content fanpage. Các "sếp" ở Markus cũng là giảng viên. Và những task hàng ngày chính là những bài học, chính ra như vậy “bao nhớ".
Và sau khi rời khỏi Markus, đi làm ở các công ty khác nhau rồi, Trâm đánh giá thế nào về quá trình học và làm tại Markus?
Em sẽ nói đó là quá trình từ 0 đến 1. Bước tiến dù nhỏ, nhưng tốn rất nhiều thời gian vì phải đi lên từ con số 0. Điểm đặc biệt là nó đã tạo ra được một tầm ảnh hưởng sâu và rộng cho quá trình làm việc của em sau này. Ở Markus, em học được nhiều điều về Marketing căn bản, một cách cụ thể và rõ ràng hơn so với việc đọc sách. Tư duy logic cũng rành mạch hơn, nên sau này đi làm ở đâu cũng có thể xử lý tốt những bài toán của Doanh nghiệp hoặc giải quyết được brief (bản yêu cầu sáng tạo) của Client một cách thông minh.


Hồi cấp 3 em là mọt sách, giờ làm Agency thì em là mọt gì? Có sự thay đổi đặc biệt nào không?
Giờ em không chỉ là mọt sách, giờ em còn là “mọt nhà”. Em là fan cứng của “Hội người lười Việt Nam" luôn. Cuối tuần em thích ở trong nhà, đọc truyện, nấu cơm dọn nhà. Nói chung là một người hướng nội điển hình vào cuối tuần để có sức “bật tung năng lượng" 5 ngày còn lại.
Thay đổi lớn nhất ngoài việc có tiền thì có thêm tư duy logic và tư duy đa chiều. Làm Marketing có cái vui là mình được tiếp xúc với nhiều người, nhiều lĩnh vực nên cuộc sống cũng phong phú hơn, mình hiểu chính mình hơn. Mà thực ra lớn lên ai chẳng như thế nhỉ.
Vậy là tư duy thay đổi, còn tích cách vẫn giữ nguyên. Thế còn lối sống thì sao?
Hồi cấp 3, em quan tâm nhiều đến ánh mắt của mọi người khi nhìn mình. Bây giờ em sẽ làm thứ em thích, cho nó nhẹ nhõm. Làm sáng tạo mà cứ chăm chăm theo người khác là bị “bay màu" đấy.
Có điều này khiến anh tò mò, liên quan tới sự thay đổi. Anh thấy hiện tượng các bạn trẻ bước chân vào làm Content Marketing được 2-3 năm rồi bỏ ngành, chuyển sang tự kinh doanh như mở shop online hoặc quán cafe, dẫn đến tình trạng chảy máu nhân sự Marketing ở Hà Nội và Sài Gòn. Em nghĩ liệu 1-2 năm tới, chuyện đó sẽ có xảy ra với em không?
Có một sự thật là mọi người thường thấy làm Content Marketing không hề vui. Để em liệt kê các vị trí trong Agency nhé! Planner rất nhiều não, được tiếp xúc với thị trường và khách hàng - quá ngầu! Account thì (trông có vẻ) nhiều tiền, lại được đi đây đi đó rất “fancy" (lộng lẫy, hoành tráng). Copy và Art luôn được xướng tên khi làm Campaign (chiến dịch) - ngầu nhất, chất nhất làng Agency ấy chứ. Riêng Content và Community chỉ ngày ngày viết bài, quản lý Fanpage, quản lý nhân sự, viết nội dung cho KOL, viết bài PR, thông cáo báo chí,... - chẳng có gì hào nhoáng, chẳng có gì vui. Vì thế mà niềm vui ban đầu cứ dần biến mất.

Nhưng đối với bản thân em, em thấy được rằng Content giúp cả bộ máy và các chiến dịch chạy được trơn tru. Chúng ta không thể lúc nào cũng “wow” người ta mãi bằng những ý tưởng độc đáo, mới lạ, những concept thay đổi liên xoành xoạch hay TVC mới tinh được. Nhưng chúng ta có thể nhắc nhở khách hàng rằng “doanh nghiệp của chúng tôi vẫn ở đây, doanh nghiệp chúng tôi vẫn đang nỗ lực làm việc và đây là chất riêng của chúng tôi" thông qua những content thật tốt. Chẳng hạn như Durex, họ ít làm chiến dịch, mà tập trung xây dựng Content ngày qua ngày như một dạng creative asset để khách hàng nhớ đến thương hiệu với hình ảnh cheeky/ playful. Cũng đúng thôi. Người ta xài đồ FMCG hàng ngày mà. Content phải hàng ngày chứ.

Dù sao thì, chuyện các bạn chuyển sang kinh doanh có thể chỉ vì làm Content Marketing không hợp hoặc cảm thấy không thể giàu được bằng việc tự kinh doanh nên chuyển hướng thôi. Nó là hai đường đi hoàn toàn khác nhau. Còn bản thân em vẫn muốn tiếp tục gắn bó với Content Marketing anh ạ.

Làm content đi mọi người, vào agency đi mọi người. Chưa vào thì thấy mê mê tại nó vui vui á. Mà vào rồi thấy PHÊ nha. Vui Phê, cười phê, bung ý tưởng cũng phê, cà não phê, làm nhọc cũng PHÊ người luôn. Nhưng không NHẠT và không lúc nào hết cái MỚI. Thế là PHÊ NHẤT.
--------------------------------------
Có thể thấy, qua lăng kính của Trâm, Content Marketing hiện lên với những giá trị tích cực và bền vững cho toàn xã hội, không hào nhoáng, màu mè.

Chuyện chọn nghề, suy cho cùng, cứ nên “thuận theo tự nhiên” như thế - một công việc phù hợp với tính cách, sở thích và khả năng, một công việc đem lại niềm vui nhiều hơn những giá trị vật chất phù phiếm. Mình thích, mình tin vào những giá trị mà ngành nghề ấy tạo ra, vậy là đủ!

Cảm ơn Trâm với những chia sẻ rất thực về cảm xúc và suy nghĩ xuyên suốt chặng hành trình với Content Marketing. Hy vọng Trâm sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ ở phía trước và tiếp tục cùng Markus đồng hành với thế hệ trẻ yêu Marketing nhé!
--------------------------------------
Series Stoa Talks:
Stoa Talks - Trò chuyện dưới Mái hiên, chủ đề Sự Nghiệp - là series những bài phỏng vấn đa chiều về câu chuyện nghề Marketing của cựu học viên Markus. Trải nghiệm từ chính những Marketer trẻ có xuất phát điểm khác nhau nhưng đều gặt hái được những thành công nhất định sẽ mang đến cho người đọc các góc nhìn mới mẻ, từ đó giải đáp “một ngàn lẻ một" những băn khoăn về ngành Marketing.
Hình ảnh: Kiên Phạm
Thiết kế: Minh Hạnh