Ngày mình học cấp 3, có lẽ là lớp 11 hay 12 gì đó, lớp mình có một chủ đề tranh cãi: “Sống hay là đam mê?”. Tóm cái ý lại là “làm nghề nuôi sống bản thân mà không thích, hay làm nghề mình thích mà nghèo rớt mùng tơi?”. Bây giờ thì nó nghe sáo vãi, nhưng ông nào hết thời đi học mà chưa làm đề văn này? 
Và tất nhiên, hồi mười mấy tuổi ấy, mình hùng hổ như con gà chọi, bảo vệ cho cái “đam mê” của mình. Cãi ở lớp chưa xong, về nhà mình còn hừng hực khí thế đăng FB, “dằn mặt” những đứa trái quan điểm với mình:
“Nếu ông không sống được bằng đam mê thì đấy là lỗi tại ông chứ không phải tại nó!”. 
Ở dưới, cô giáo mình bình luận: “Lên Facebook ít thôi, học đi em”. 
“Đam mê” hồi đấy của mình là viết lách. Mình cho vào ngoặc kép vì giờ mình không gọi nó là đam mê nữa. Mình vẫn viết đấy, nhưng có những ngày mình chẳng muốn lết thêm phím nào, có những ngày KPIs 3000 chữ khiến mình cảm thấy đuối như cây chuối, thế thì có nên gọi là đam mê nữa không nhỉ?
Thôi dẹp tạm chủ đề “đam mê” sang một bên, có nhiều điều để nói với cái từ đáng tranh cãi này lắm, có thể là ở một đêm mất ngủ khác mình sẽ viết về nó nhiều hơn, về câu “Ai trả tiền cho đam mê của em hả?” của sếp mình, và về n thứ nữa. Hôm nay thì quay về chủ đề chính “Mình đã viết ra tiền như thế nào?”.
Gửi T năm 2014, 6 năm sau mày vẫn sống được, ơn giời, nhờ cái đam mê trong ngoặc kép của mày. 
Bài viết này không ở thì hiện đại, nó được chắp vá theo trí nhớ của một con cá vàng, cố liệt kê ra những cách kiếm tiền nhờ viết lách của nó. 

1 - Viết báo lấy nhuận bút

Ngày xưa mình mê báo TNTP cực kỳ, mê đến nỗi có những quyển thuộc làu cả mục lục. Mình mon men bảo mẹ muốn đặt báo, mẹ bảo mình được giải HSG trường đi rồi mẹ đặt cho. Năm đấy mình được giải Nhì Văn của trường, động lực được giải chỉ là có báo hàng tuần mà đọc. 
Hồi đấy Internet làm gì phổ biến như bây giờ, muốn viết bài gửi báo là phải viết tay, sau đó dán phong bì, nhờ ai đó tiện lên thành phố thì gửi bưu điện. Mãi sau này mới có Internet từ con Dcom 3G, gửi mail chỉ bằng một cú click cảm thấy thần kỳ dã man. Mình nhớ có lần hơn 12 giờ đêm xong bản thảo là ấn nút gửi ngay. Háo hức vào kiểm tra lại thì phát hiện...lỗi font. Trời đất sụp đổ, sau vài phút bứt rứt mình mail tiếp kể lể với anh chủ biên là em ngốc nghếch quá, em cũng không mong được đăng chỉ cần anh đọc được là em vui lắm rồi. Sáng hôm sau nhận được mail an ủi của anh, đại ý là “Không sao lỗi này anh giải quyết được, anh sẽ cân nhắc cho vào số tiếp theo”. Khi viết những dòng này mình đang cố nhớ, lần cuối cùng mình vui mừng cực độ như khi nhận được email ấy là khi nào? 
Nhuận bút 50k, 100k cũng có, số tiền lớn nhất hình như là 300k/bài. Viết lắt nhắt chẳng được bao nhiêu, lời nhất là mình được tham dự trại sáng tác ở Hạ Long, nhận cúp “Tiềm năng” và được đi ăn với các nhà văn, nhà thơ lớn. Lúc ấy mình đã nghĩ “Ôi có khi sau này mình làm nhà văn nhỉ” :D 

Đọc thêm:

2 - Viết SEO lấy...20k

Nếu bạn đã từng thả “haha” vào những post tuyển dụng content SEO 20k/bài SEO unique thì mình đã từng là một trong số những đứa “bán rẻ chất xám” như thế. Hồi năm hai, có môn học mình bắt buộc phải đi làm để lấy kinh nghiệm viết báo cáo, mà mình thì không sắp xếp đến văn phòng được nên cần công việc remote tại nhà, và...chuyện gì đến thì cũng phải đến. Mình làm công việc này tới gần 3 tháng, KPI mỗi ngày khoảng 4000-5000 từ, yêu cầu là cóp nhặt từ nhiều nguồn rồi viết lại cho “khang khác”, tìm ảnh ọt các thứ rồi post bài lên web. 20k/bài 800 từ, 45k/bài 2500 từ. Nghĩ lại thì hồi đấy “trâu” thật sự, đi “copy” cũng có tâm lắm chứ chẳng đùa, còn nghĩ idea viết thế nào cho hay ho. Mình ở lại với công việc này vì chị lead của mình cực có tâm, mỗi lần được feedback là một lần được khai sáng. An ủi bản thân không lấy được tiền thì mình lấy được kiến thức vậy, thế nên khi chị lead nghỉ thì mình cũng nghỉ luôn. Nếu không nhận được gì ngoài mức lương 20k/bài SEO unique, mình thật lòng khuyên các bạn như 1000 giọng nói ngoài kia: ĐỪNG LÀM!

3 - Viết bài thi lấy học bổng

Nghe hơi khiên cưỡng với chuyện viết lách nhỉ, nhưng thôi không sao, đọc giáo trình cũng là đọc sách, viết bài thi thì cũng là viết cơ mà :D Huống hồ để đạt ⅝ lần học bổng trường F, mình cũng tốn không ít bút, vở và pin máy tính. 

4 - Viết freelance lấy tiền (tất nhiên)

Sau khoảng gần 2 năm chính thức lăn lộn trong giới content từ social post đến blog post thì mình cũng nhận một số job freelance. Nguồn job thì đa số từ người chị leader mình đã nhắc ở phần trước. Vẫn có job 20k (nhưng là viết 50 từ). Chuyện freelance thì không có gì nhiều để nói, việc của mình chỉ là nhận brief - viết bài - sửa lại theo feedback - nhận tiền. Công đoạn viết thì không còn quá lâu, mất thời gian nhất chắc là lúc đi tìm thông tin và chọn từ cho kỹ. Viết cho khách mà, câu chữ là “bộ mặt” của mình. Cố sao cho đừng bôi gio trát trấu lên đấy.

Đọc thêm:

5 - Viết content lấy lương

Bây giờ thì nghề tay trái của mình là viết, nghề tay phải cũng là viết :D Mình đang làm việc trong bộ phận Marketing của một trường đào tạo Marketing (nếu bạn từng thấy post nào đó của Markus Marketing School trên newsfeed thì khả năng cao post đó có sự tham gia của mình). Lương mình thì x triệu/tháng, x chạy từ 1 đến dương vô cùng, vì mình thấy công việc hiện tại cho mình nhiều thứ, ngoài lương thì mình được ăn đến nứt người và cười ngặt nghẽo mỗi ngày. Mặc dù trái với tưởng tượng hồi năm nhất sẽ đi giày cao gót, mặc váy, vest vủng các thứ cầm tập tài liệu lượn đi lượn lại trong các tập đoàn lớn, nhưng trộm vía mình hài lòng với việc ngắm view sông Tô Lịch mỗi ngày. 
Cuối cùng thì, viết lách vẫn nuôi sống được mình (cho đến thời điểm hiện tại). Viết lách thì không nhất thiết phải làm nhà văn, phải viết sách (nhưng rất nên có blog),...Viết lách thì đôi khi không phải như mơ, nhởn nhơ gõ phím uống trà, mà thực tế là chạy deadlines tới đêm muộn, “vắt” chữ đến cạn cùng. Viết lách có thể là một thú vui, có thể là một nghề, có thể là cả một sự nghiệp. Viết lách có thể ba chấm, bốn chấm, vân vân chấm tùy vào câu chuyện của bạn thế nào. 
Với mình thì câu chuyện viết lách vẫn chưa đi tới hồi kết, và rất may mình biết tới Spiderum - một cộng đồng những người thích viết, thích đọc “có chọn lọc”. Ở đây thì mình viết không có tiền, nhưng những gã nghiện chữ thỉnh thoảng hít chữ cũng thấy phê, dù lúc tỉnh hiểu rõ ràng rành mạch rằng “cơm áo không đùa với khách thơ”.