Có một điểm sai lầm mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải: Đó là đặt trách nhiệm cuộc đời mình lên vai người khácNguyên nhân thì có rất nhiều: Chưa trưởng thành, thiếu bản lĩnh, thiếu nhận thức, thiếu can đảm… Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì chỉ cần ta còn đặt trách nhiệm của đời mình lên vai người khác thì thành công hay thất bại của ta cũng không hoàn toàn là của bản thân ta. Nếu đó là thành công thì chắc chẳng mấy ai đặt “công lao” đó lên kẻ khác, phần nhiều đều nghĩ là do mình giỏi. Và nếu mỗi khi thất bại lại tìm nơi, tìm người, tìm vật, tìm hoàn cảnh mà đổ lỗi thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được vấn đề, chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề.

Thế nào là trưởng thành?

Có một số bạn học sinh, sinh viên nhắn tin hỏi tôi nhiều câu có nội dung như là: “Em phải làm sao để tự lập?” “Ba mẹ/anh chị em quản lý và can thiệp vào cuộc sống của em nhiều quá, em phải làm sao?” Hoặc là những băn khoăn như: “Em nghĩ việc này chắc ba mẹ không cho phép đâu.”
Câu trả lời tôi dành cho họ là: “Đó là do em chưa thật sự trưởng thành trong mắt gia đình, em vẫn còn là một đứa con nít cần bảo bọc. Hãy chứng tỏ cho ba mẹ, anh chị thấy rằng em đã trưởng thành thì họ sẽ ít can thiệp vào những quyết định của em hơn.” Rồi họ lại hỏi: “Làm sao chứng tỏ được đây? Ba mẹ chẳng bao giờ chịu nghe em nói.”
Tôi trả lời: “Muốn biết một người có trưởng thành hay không không nhất thiết là dựa vào tuổi tác, theo anh tiêu chuẩn của trưởng thành là biết rõ việc mình làm; dám và có khả năng chịu được hậu quả mà việc làm đó có thể gây nên; kiên định với sự lựa chọn đó của mình. Còn việc ba mẹ không chịu nghe em nói thì do khi nói em vẫn đang dùng cách nói của trẻ con, em vẫn đang “xin phép” chứ không phải là “trao đổi” “chia sẻ”. Nếu em có thể có điều kiện cần là “trưởng thành” thì “cách nói” chỉ là điều kiện đủ mà thôi. Cứ thay đổi cách nói cho phù hợp đến khi nào thành công là được.”

Hãy tự gánh lấy cuộc đời mình!

Tự chịu và có khả năng chịu trách nhiệm cho việc mình làm là một tiêu chí quan trọng để xác định một người “lớn” hay “nhỏ”, trưởng thành hay chưa. Một người càng lớn càng có trách nhiệm hơn với chính mình và có thể gánh vác những trách nhiệm càng lớn.
Lúc bạn học mẫu giáo, lớp 1, cha mẹ có trách nhiệm nhắc nhở bạn phải học, và học tốt ra sao. Cha mẹ nấu cơm cho bạn ăn, giăng mùng cho bạn ngủ, chăm sóc bạn lúc ốm đau… Những trách nhiệm đó vốn là của bạn, nhưng vì bạn còn nhỏ, chưa thể tự làm hoặc làm chưa tốt nên trách nhiệm đó nằm trên người cha mẹ bạn. Cha mẹ hoàn toàn tự nguyện và xem đó là trách nhiệm của chính họ, nhưng đối với bản thân bạn mà nói thì lúc này bạn hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Phạm vi phụ thuộc nhỏ dần, nhỏ dần, nhưng một ngày còn phụ thuộc là một ngày bạn còn chưa thật sự lớn.
Muốn trưởng thành hơn trong mắt cha mẹ hay mọi người xung quanh, hãy tự giác gánh vác và chịu trách nhiệm những việc liên quan đến cuộc đời bạn. Khi bạn có thể tự chăm sóc bản thân, tự hoạch định tương lai, tự giác rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tính tình… tốt hơn thì cha mẹ bạn sẽ tự nhiên công nhận bạn là người lớn.

Đi suốt cuộc đời, cần bao nhiêu người để ta đổ lỗi?

 “Đừng đặt gánh nặng cuộc đời mình lên vai người khác” – Hiểu được điều này cũng giúp ta tránh được nhiều nỗi phiền muộn, âu lo. Khi đặt trách nhiệm của mình lên vai người khác, ta thường phải lo lắng, ưu tư, không biết người ta có thực hiện tốt nghĩa vụ với cuộc đời mình hay không!
Giống như trong tình yêu, nhiều người rất sợ bạn trai/bạn gái mình thay đổi, không còn yêu nữa hoặc có người khác. Tuy nhiên, họ lại đặt trách nhiệm cho sự “chung thủy – không thay đổi” đó lên người bạn mình theo kiểu”anh/em yêu tôi thì không được thế này, anh/em phải làm thế kia”… Điều đó sai lầm rồi. Nó sẽ làm cho bạn luôn luôn phải lo âu vì trách nhiệm cho tình cảm của bạn đã được đặt lên vai người khác. Họ thay đổi lúc nào, làm không tốt lúc nào… làm sao bạn biết được?! Dù cho đó có là người yêu hay vợ/chồng cũng thế. Hãy tự hỏi: Muốn cho tình yêu bền vững thì bạn phải làm gì? Bạn đã làm những chuyện đó tốt hay chưa?
Trong tất cả mọi vấn đề xoay quanh cuộc sống của bạn: Sức khỏe, tình bạn, tình yêu, tiền bạc, địa vị… Hãy xác định:

- Vị trí của bạn ở đâu trong vấn đề này.
- Bạn có thể tác động đến vấn đề này như thế nào/bằng cách nào?
- Hãy làm tốt nhất có thể trong khả năng của bạn! Vì sao? Vì đây là nhân tố duy nhất tự thân bạn có khả năng quyết định! Nếu như đã làm tốt nhất có thể thì chẳng bao giờ phải hối hận về sau.

Khi ta tự gánh lấy mọi trách nhiệm liên quan đến cuộc đời mình, đó là lúc ta thật sự bắt đầu làm chủ bản thân, thật sự lớn.
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo