ĐI VỆ SINH NHƯ NÀO CHO ĐÚNG? (P1 Hồi giáo – Một lối sống hoàn thiện)
Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 1,3 tỉ tín đồ. Nhưng không chỉ là một tôn giáo, mà vượt lên trên tất cả, Hồi...
Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 1,3 tỉ tín đồ. Nhưng không chỉ là một tôn giáo, mà vượt lên trên tất cả, Hồi giáo chính là một lối sống hoàn thiện trong mối tương giao giữa tôn giáo, chính trị, và xã hội. Cho rằng Hồi giáo nhấn mạnh đến lối sống hơn là đức tin xem chừng cũng không sai. Nói theo triết học phương Đông, đức tin trong Hồi giáo đôi khi đóng vai trò là phương tiện để tín đồ tiếp cận dễ dàng hơn với một chân lý cao thượng, bao dung, nhân bản và… vệ sinh.
Đừng ngạc nhiên khi nghe đâu đó nói rằng mọi bình diện của cuộc sống đều được lý giải và quy định chặt chẽ một cách khoa học và toàn diện trong Hồi giáo, bao gồm cả việc đi vệ sinh. Đến độ, một người ngoại đạo có lần phải đến gặp Salman the Persian (đồng hữu của Tiên tri Muhammad, cũng là người Ba Tư đầu tiên cải theo Hồi giáo) mà thốt lên rằng, “Tiên tri của các ông dạy tất cả mọi thứ, ngay cả việc đi đại tiện ra sao cũng có hướng dẫn!”
Cũng có thể do Muhammad là một người ưa sạch sẽ mà lối sống của ông được lưu lại trong các câu chuyện Sunnah trở thành chuẩn mực cho toàn thể tín đồ. Sẽ không tìm được một bộ luật nào mà vấn đề giữ cho thân thể sạch sẽ lại được nâng tầm như trong Hồi giáo. Phần 1 của series sẽ chỉ nói về việc đi vệ sinh tiểu tiện và đại tiện như thế nào cho đúng cách của một tín đồ, vấn đề mà người ngoại đạo cũng nên biết để có cách ứng xử văn minh và nhân bản hơn trong môi trường sự đa dạng văn hóa được tôn trọng.
1. Trước khi vào nhà vệ sinh thì làm gì?
Trước khi bước vào nhà vệ sinh, tín đồ sẽ xưng tụng “Bismillah” (I begin with the name of Allah) và “Allah-humma innee a’oodhu bika min al-khubuthi wa’l-kha-baa’ith” (O Allah, I seek refuge with You from male and female devils). Theo như Muhammad, khi một tín đồ xưng tụng như vậy, những loại jinn (quỷ thần) sẽ không thể nhìn được sự lõa thể của chúng ta – dòng giống Adam.
Lời xưng tụng này được áp dụng không chỉ cho nhà vệ sinh mà kể cả khi “giải quyết” ngoài thiên nhiên. Sau đó, phải nhớ bước vào phòng bằng CHÂN TRÁI.
2. Bên trong nhà vệ sinh thì làm gì?
Tín đồ Hồi giáo mỗi khi cầu nguyện thì dù ở bất cứ đâu đều hướng về Mecca. Người Hồi coi đây là một phương hướng thiêng liêng, gọi là Qiblah, nên khi đi vệ sinh, bất kể tiểu tiện hay đại tiện đều phải tránh quay mặt hay quay lưng về Qiblah. Chuyện kể rằng vào thời kì đầu của Hồi giáo, Qiblah được ước định quay về phía thành Jerusalem, nhưng sau đã được đổi sang Mecca.
Khi đi vệ sinh, tín đồ phải đảm bảo đến được một chỗ kín đáo. Trong trường hợp không thể tìm được chỗ kín (như ở ngoài sa mạc) thì cũng phải đi thật xa chỗ mọi người dừng chân. Nếu là ở trong phòng thì phải luôn nhớ phải đóng cửa, còn nếu như ở ngoài trời thì cố gắng ngồi xuống rồi mới cởi trang phục vì làm như vậy sẽ tránh để người khác thấy được nhất có thể. Đến đây có người sẽ hỏi là nam giới đi tiểu thì làm sao mà ngồi thì đúng dù là giới tính gì thì cũng được khuyên nên đi tiểu ngồi.
Ở Đức và các nước Bắc Âu phát tiển, đàn ông luôn được khuyến khích đi tiểu ngồi. Thứ nhất là vì lý do vệ sinh, khi đi tiểu đứng lên bệ xí bệt hay xổm thì khả năng cao luôn là sẽ rớt nước tiểu ra sàn nhà, gây khó khăn cho việc lau dọn mà thường là công việc phụ nữ làm. Hơn nữa, khi rớt ra sàn nhà, nước tiểu sẽ đi theo giày dép ra khắp cả ngôi nhà. Những người theo phong trào bảo vệ quyền phụ nữ coi đây là một hành vi văn minh, lịch sự mà bất cứ một quý ông nào nên có. Một số nghiên cứu cho rằng khi ngồi nước tiểu sẽ được tiết ra hết dễ dàng hơn so với tư thế đứng, mặc dù cũng có nghiên cứu chứng minh điều ngược lại.
Trong Hồi giáo, ngoài việc tiểu ngồi sẽ kín đáo hơn khi phải đi tiểu ngoài trời (nhiều xa mạc quá mà), thì vấn đề bị dây rớt nước tiểu vào thân thể và quần áo là không thể tránh khỏi. Vấn đề để chất cặn bã như phân hay nước tiểu dây ra thân thể hay quần áo mà không được rửa sạch vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là khi thực hiện nghi thức cầu nguyện salah (5 lần mỗi ngày). Việc dơ bẩn như vậy là một tội nặng không kém đi nói xấu người khác, reo rắc khẩu nghiệp.
Việc sử dụng bồn tiểu cho nam giới, ngoài vấn đề dây rớt, dù cho có sự ngăn cách giữa các bồn tiểu để che chắn, vẫn không được khuyến khích cho cộng đồng Hồi giáo vì lý do… tạo điều kiện nói chuyên giữa các anh với nhau khi đi tiểu. Nguyên tắc là khi gặp nhau, tín đồ Hồi giáo sẽ chào nhau “As-Salamu Alaikum” hay “Salam” và người kia sẽ đáp lại “Wa Alaikum Assalam”, trong đó Al- Salaam” là một trong 99 hồng danh của Allah. Do việc gọi tên Thiên Chúa trong khi đi vệ sinh là điều kiêng kị nên việc việc nói chuyện khi đi vệ sinh cũng vì thế mà không được khuyến khích theo.
Lý tưởng nhất là có một nhà vệ sinh kín đáo để giải quyết nhu cầu. Nhưng trong trường hợp phải giải quyết ngoài trời, việc đầu tiên phải lưu tâm là phải tránh xa những nơi có người đi lại và tránh những nơi như gốc cây hay những nơi mà mọi người hay tới ngồi nghỉ ngơi tránh nắng. Nói vậy để thấy “tiểu đường” là hành vi hoàn toàn bị cấm trong Hồi giáo.
3. Vệ sinh sau khi đi vệ sinh
Đối với nhu cầu phải lau rửa sau khi đi vệ sinh xong, tín đồ cũng được khuyến khích chỉ dùng TAY TRÁI. Tay phải thường được mặc định là tay dùng để ăn uống, bắt tay, thực hiện các nghi thức tôn giáo… nên tay trái sẽ được dùng để thực hiện những hành động “kém sạch sẽ” hơn cho dù sau đó luôn phải rửa tay đi chăng nữa. Lưu ý cả việc dùng tay cầm dương vật khi đi vệ sinh cũng phải được thực hiện bằng tay trái.
Không có quy định là sử dụng giấy hay nước để lau rửa nhưng được khuyến khích là sử dụng cả hai. Việc lau rửa sạch sẽ là vô cùng quan trọng và nghiêm khắc đối với tín đồ Hồi giáo. Theo học giả Ibn Majah, tội mà nhiều người phạm nhiều nhất đều là do dây rớt nước tiểu ra người hay quần áo khi đi vệ sinh. Ngay cả việc lau rửa bao nhiêu lần sau khi đi vệ sinh cũng có quy định nên là một con số lẻ. Đây không phải là một nguyên tắc mà là một lời khuyên, nếu lau rửa 1 lần thì sẽ bị coi là quá ít, 2 lần sẽ là số chẵn, nên áp theo lời khuyên đó mà thực hiện thì ít nhất phải lau rửa 3 lần mới được coi là sạch sẽ.
4. Đã xong thì làm gì?
Sau khi cơ thể sạch sẽ xong, rửa lòng bàn tay, ngóng tay, và móng tay bằng xà phòng từ 10 dến 15 giây để đảm bảo tay hoàn toàn sạch sẽ. Rửa tay đã xong, hãy bước ra khỏi nhà vệ sinh bằng CHÂN PHẢI và xưng tụng “Ghufraanak (I seek Your forgiveness) hoặc lặp lại “Alhamdu-lil-laa-hil-la-dhi adh-haba ‘a-nil a-dhaa wa ‘a-faa-ni" như khi bước vào.
———–
Đó là cơ bản nguyên tắc khi đi vệ sinh của người Hồi giáo. Đương nhiên sẽ có những nơi có những nguyên tắc khác nhau, nhưng đại loại là như vậy. Ý chính muốn bàn ở đây là Hồi giáo thực sự là một tôn giáo toàn diện, đi vào đời sống chứ không phải chỉ là nơi nương nhờ đức tin, và nếu là nương nhờ đức tin thì cũng là tin vào những điều tốt đẹp và nhân bản.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất