Người Lữ Hành
Người ta gọi những người nay đây mai đó, dừng chân tạm ở một nơi rồi lại ra đi, là những người lữ hành. Ở một khía cạnh nào đó, tất cả chúng ta đều là những người lữ hành. Ta sống ở một nơi đủ lâu rồi lại phải ra đi vì những lý do ta không thể kiểm soát. Vì thế, làm việc gì, ta cũng luôn đau đáu muốn được trở về nhà.
Nhưng sự thực là, chẳng có nơi nào là “nhà” cả. “Nhà” là gì nếu không phải là nơi mà tâm ta được an bình nhất? Nếu “nhà” là nơi tâm an, thì chẳng phải nếu tâm luôn an thì đâu cũng là nhà hay sao?
Một người đã hiểu sẽ biết cách giải thích bản chất của sự việc cho người chưa hiểu một cách đúng đắn nhất. Nhưng đôi khi, người ta cũng có thể tự nhìn ra bản chất của một vấn đề cho dù chưa bao giờ được giảng giải về nó. Nhưng cũng có người, cho dù đã được nghe, được thực hành mà vẫn không thể nhìn ra bản chất của vấn đề. Người ấy, là một người lữ hành.
Vỏ chuối
              Khi ta biết coi vạn vật trên thế giới như một chiếc vỏ chuối vô hại bên lề đường, ta sẽ không bị làm lung lay, không bị ảnh hưởng, không bị làm tổn thương bởi bất cứ thứ gì sẽ đến với ta và sẽ bỏ ta đi. Lúc ấy, ta biết rằng ta đang bước đi trên con đường đến với tự do.
Kẻ mù
              Cơ thể và tâm trí không bao giờ tĩnh lặng. Các tế bào, các nguyên tử trong ta luôn luôn di chuyển. Cơ thể có lúc khỏe mạnh, tâm trí có lúc vững vàng thì cũng sẽ có lúc yếu mềm. Nhưng có mấy ai để tâm đến điều này vì hầu hết mọi người đều quá tập trung vào những thứ tưởng như quan trọng. Giống như việc ta để một kẻ mù dẫn đường vậy. Làm sao ta có thể an tâm để một kẻ mù dẫn đường nhỉ? Một kẻ mù sẽ dẫn ta đến rừng thẳm mà tưởng rằng đang đưa ta về nhà. Tâm trí ta cũng vậy, luôn luôn bị dẫn dắt bởi những phù du, cản trở nó đến với sự tĩnh lặng. Ta thực sự muốn bình tâm nhưng ta không thể dừng lại. Ta tiếp tục đi theo, để mà vô tình chính ta trở thành kẻ mù dẫn dắt thêm nhiều người khác. Dù ta không thấy được bản chất, gốc rễ của thứ đang dẫn dắt mình, ta vẫn bám vào chúng bởi vì ta nghĩ rằng ta không còn con đường nào khác.
Uống thuốc
              Việc thực hành cũng giống như việc uống lọ thuốc đang đặt trên bàn. Trên vỏ lọ thuốc có ghi cách uống thuốc dành cho người bệnh. Nhưng nếu tất cả những gì người bệnh làm là đọc đi đọc lại hướng dẫn, hiển nhiên người ấy sẽ chẳng thể khỏi bệnh. Trước khi nhắm mắt, anh ta có thể sẽ thao thao bất tuyệt rằng bác sĩ không cứu được mình và lọ thuốc thực sự vô tác dụng. Nhưng rõ ràng, anh ta chưa một lần uống thuốc.
              Bác sĩ kê thuốc chữa bệnh. Thầy dạy lại trò để giúp trò thấy được bản chất vấn đề. Mỗi người có thể coi thầy của mình như một vị bác sĩ. Những gì họ dạy là lọ thuốc và thực hành là việc uống lọ thuốc ấy.
Trẻ con
              Hiểu “trái tim” là trái tim có nghĩa là nó không phải là bất cứ thứ gì khác. Trái tim sẽ hoạt động như thế này mà không phải như thế kia. Trong tâm trí, ta sẽ không còn gọi nó là “trái tim”, mà sẽ hình dung và hiểu nó bằng tất cả những gì cấu thành nên nó. Một khi ta thấy được điều này, ta sẽ không còn bị phụ thuộc vào suy nghĩ và xúc cảm tiêu cực, hay tích cực. Khi biết được điều này, ta chẳng cần thêm nếm gì vào vốn từ, vốn suy nghĩ và xúc cảm của mình mà sẽ biết nhìn mọi vật bằng tất cả bản chất của chúng. Một khi ta đã hiểu, suy nghĩ và xúc cảm sẽ không còn năng lực chi phối tâm trí ta.
              Điều đó giống như việc một bà mẹ trước kia luôn mắng mỏ, đánh đập đứa con của mình vì lúc nào nó cũng nghịch ngợm, phá phách. Sau này, khi hiểu và chấp nhận rằng trẻ con ắt sẽ phải có đứa như vậy thì bà chẳng còn mắng mỏ, đánh đập đứa con nữa mà bắt đầu tìm một cách giáo dục đúng đắn hơn. Biết chấp nhận và buông tay khi hiểu được bản chất của sự vật, sự việc là ta đã biết thế nào là hiểu đúng.