Để thiết kế Game hóa, bạn cần học cách suy nghĩ như một nhà thiết kế trò chơi. Không, bạn không cần trở thành một nhà thiết kế trò chơi; tôi không yêu cầu bạn xây dựng bảng phân cảnh, làm mô hình 3D, sử dụng công cụ vật lý hoặc bất kỳ thứ gì liên quan đến trò chơi điện tử hiện đại. Bởi thành thật mà nói, những ví dụ về Game hóa mà bạn từng biết chỉ giống như trò chơi theo nghĩa mơ hồ nhất mà thôi.
Tư duy Game là cách để tiếp cận và giải quyết những thách thức quản lý lâu nay như kiểm soát chất lượng tổng thể, theo dõi quy trình tái cấu trúc, xây dựng tư duy thiết kế hay bất kỳ kỹ thuật kinh doanh nào.
Hãy cùng so sánh tư duy Game với việc học lái xe ô tô. Bạn có thể đọc một cuốn sách về bàn đạp và đòn bẩy, cũng như các quy tắc giao thông trong khu vực của bạn. Không cần biết bạn đã nghiên cứu bao nhiêu, lần đầu tiên bạn ngồi sau tay lái và xoay chìa khóa, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy không thoải mái và hiểu được bản thân đang trở thành một mối đe dọa cho những người đi đường.
Bạn không thể nào trở thành một người lái xe giỏi mà không thực sự thực hành lái xe, thường là với một người hướng dẫn trong buồng lái. Những mô tả không thể khiến bạn nghĩ như một người lái xe được. Đạp ga thế nào để tăng tốc vừa đủ, cần làm gì khi chuyển làn và có nên dừng xe không khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng… là những chi tiết rất vụn vặt mà chỉ những người lái xe lâu năm mới nắm bắt được. Tương tự như vậy, các nhà thiết kế Game hóa có kinh nghiệm sẽ tiếp cận vấn đề theo những cách mà bạn không thể hình dung.
Tư duy Game cũng giống như học lái ô tô. Bạn không thể nào trở thành một người lái xe giỏi mà không thực sự thực hành lái xe.
Tư duy Game cũng giống như học lái ô tô. Bạn không thể nào trở thành một người lái xe giỏi mà không thực sự thực hành lái xe.
Một trò chơi tốt có khả năng khuyến khích người chơi giải quyết vấn đề, duy trì sự quan tâm của người chơi từ giai đoạn tân thủ đến khi trở thành cao thủ, chia nhỏ thử thách lớn thành những thử thách có thể xử lí được, thúc đẩy tinh thần đồng đội, mang lại cho người chơi cảm giác độc lập, cá nhân hóa trải nghiệm người chơi, khen thưởng cho những tư duy vượt trội, hỗ trợ các sở thích và kỹ năng đa dạng, giảm thiểu nỗi sợ thất bại đồng thời trau dồi thái độ tự tin, lạc quan… Tư duy Game tận dụng các phương tiện kể trên để giúp bạn vươn tới mục tiêu kinh doanh của mình.
Tư duy Game có nghĩa là sử dụng tất cả những gì bạn có để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn nhằm thúc đẩy các hành vi mong muốn.
Hãy nghĩ về một vấn đề mà bạn đang phải đối mặt. Có thể bạn muốn khách hàng gắn gó hơn doanh nghiệp của mình, muốn nhiều khách hàng gia hạn hợp đồng bảo hiểm hoặc muốn mọi người mua quần áo nhiều hơn trên trang bán hàng trực tuyến. Để giải quyết những vấn đề trên, tư duy truyền thống có thể tính đến đến các chiến dịch tiếp thị, thực tiễn đặt giá, đề xuất giá trị hoặc chỉ số khách hàng… Còn tư duy Game thì đặt ra một câu hỏi khác hẳn: Tại sao mọi người mua sản phẩm của bạn hoặc sử dụng dịch vụ của bạn ngay từ đầu? Động lực của họ là gì? Điều gì khiến họ muốn làm ăn với bạn? Bạn có thể làm gì để nó trông hấp dẫn, thú vị và vui nhộn hơn?
Đừng cho rằng những yếu tố này không liên quan vì doanh nghiệp của bạn hoạt động theo kiểu "tiền trao cháo múc". Hãy nhớ lại ví dụ của chúng tôi về thùng rác sâu nhất thế giới. Các nhà thiết kế trò chơi của The Fun Theory đã lấy một thứ gì đó cực kỳ nhàm chán - những cái thùng rác - và biến đổi nó. Bạn có thể áp dụng điều tương tự với doanh nghiệp của mình.
Thùng rác sâu nhất thế giới của The Fun Theory.
Thùng rác sâu nhất thế giới của The Fun Theory.
Lưu ý rằng tôi không bảo bạn phải suy nghĩ như một game thủ. Thực tế ai cũng có thể suy nghĩ như một game thủ - vì tất cả chúng ta đều chơi một trò chơi điện tử nào đó. Đó có thể là Angry Birds hoặc Red Dead Redemption; cũng có thể là Scrabble hoặc Texas Hold ’Em; và thậm chí cả "có thêm bạn bè trên Facebook", "giao dịch để trúng một chuyến đi đến Bermuda” và "vượt qua kỳ thi GMAT" cũng được tính như một trò chơi.
Khi bạn quan tâm đến một trò chơi, bạn sẽ tự nhiên muốn giành được chiến thắng, cho dù điều đó có nghĩa là bạn cần đánh bại đối thủ hay nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè. Quá trình tiến hóa đã biến bộ não của chúng ta trở thành những cỗ máy chơi trò chơi tự nhiên.
Khi sử dụng Game hóa để giải quyết các vấn đề kinh doanh, bạn cần đặt mình vào vai trò của một nhà thiết kế game, không phải của một người chơi game.
Tóm lại, game thủ cố gắng giành chiến thắng, còn các nhà thiết kế trò chơi cố gắng tạo động lực cho các game thủ tham gia trò chơi và chiến thắng. Đó là một sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng. Nếu bạn xây dựng một hệ thống Game hóa hiệu quả, người chơi của bạn sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu mà trò chơi đưa ra - là biểu tượng cho những mục tiêu mà bạn thực sự muốn hướng đến. Có thể bạn muốn mọi người giảm lượng khí thải carbon, hoặc có thể bạn muốn các chuyên gia tư vấn của mình chia sẻ thêm thông tin về khách hàng với đồng nghiệp. Mục tiêu cơ bản của bạn là khiến khách hàng của bạn chơi trò chơi và giữ chân họ chơi trò chơi ấy mãi. Chỉ khi đó, họ mới có thể tạo ra lợi ích kinh doanh mà bạn hằng mong.
Trò chơi là một quá trình, không phải là một kết quả.
Đây là lý do tại sao nhiều trò chơi điện tử lại có hệ thống cấp độ. Người chơi bắt đầu ở cấp độ một, tham gia thử thách với độ khó tăng dần, tích lũy kinh nghiệm để được thăng cấp. Lên cấp biểu thị sự tiến bộ và cung cấp các cơ hội để người chơi phản hồi. Nếu không có cấp độ, người chơi có thể mất hứng thú vì họ không cảm nhận được sự tiến bộ của mình qua những con số. Họ sẽ kết thúc trò chơi quá nhanh. Không phải tất cả các trò chơi điện tử đều có cấp độ rõ ràng, nhưng tất cả đều có chung mục đích là giúp người chơi ý thức được về sự lớn mạnh của bản thân mình. Ngay cả những "trò chơi hộp cát" (sandbox games) như The Sim, khuyến khích người chơi khám phá một thế giới không có mục tiêu xác định trước vẫn cần thước đo độ phát triển, đặc biệt là sự thành thạo kĩ năng của người chơi. Nếu không có những yếu tố ấy, trò chơi sẽ nhanh chóng trở nên trì trệ và nhàm chán.
Hệ thống kĩ năng trong The Sim.
Hệ thống kĩ năng trong The Sim.
Lưu ý rằng trong cả bài viết, tôi đều sử dụng từ "người chơi". Tôi sử dụng thuật ngữ đó để chỉ tất cả những người tham gia sử dụng hệ thống Game hóa của bạn, cho dù họ là khách hàng, nhân viên, đối tác kinh doanh hay những người trong cộng đồng chung của bạn. Từ ngữ là rất quan trọng. Khi bạn nghĩ về khách hàng của mình như là những là "người chơi", bạn sẽ cảm nhận được những hiệu ứng đặc biệt, giống như chuỗi cửa hàng bách hóa Target gọi người mua hàng của mình là “khách” (guests) và nhân viên là "thành viên trong nhóm" (team members).
Người chơi là trung tâm của trò chơi và họ cần có cảm giác kiểm soát được trò chơi. Sau tất cả, người chơi chọn trò chơi chứ trò chơi không chọn người chơi. Sự phấn khích của trải nghiệm một phần đến từ cảm giác tự chủ của người chơi.
Trong một trò chơi, cảm giác tự chủ luôn có phần mơ hồ. Nhà thiết kế trò chơi đưa ra các quy tắc và trò chơi thực thi chúng, đặc biệt là trong những trò chơi kỹ thuật số, nơi rất nhiều điều xảy ra thông qua mã phần mềm mà người chơi không bao giờ nhìn thấy được. Ngay cả khi bạn muốn, bạn cũng không thể xây chung cư trong trò chơi Cờ tỷ phú Monopoli; bạn chỉ được xây nhà và khách sạn thôi. Trong kinh doanh mọi chuyện tương tự như vậy. Khách hàng của Nike không thể thiết kế bất kỳ loại giày nào họ muốn; họ bị giới hạn trong các lựa chọn mà Nike cung cấp cho họ. Tuy nhiên, bằng cách cung cấp nhiều tùy chọn hơn, Nike thúc đẩy cảm giác nắm quyền trong người chơi. Đó là bí quyết thành công của NIKEiD, cho phép người mua chọn màu tùy ý cho mọi phần của giày.
Nếu bạn nghĩ về khách hàng của mình và thậm chí là nhân viên, với tư cách là người chơi trong trò chơi do bạn vận hành, bạn có nhiều khả năng xác định được cơ hội để cung cấp cho họ những lựa chọn có ý nghĩa.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: