Do thấy bác BSGP26cm có chuyên mục Kinh tế cơ bản quá hay, nên em học tập theo, hi vọng được sự chấp thuận từ bác ý.


George Soros luôn được coi là bậc thầy, là thiên tài bán khống trong giới tài chính. Mỗi khi nhắc đến đầu cơ hay bán khống, cái tên George Soros lại được vang lên như một ví dụ điển hình.

Trước khi cùng tìm hiểu đó là ai, là người như thế nào thì hãy cùng hiểu sơ qua về "Bán khống".

Bán khống là gì?

Thường chúng ta quen thuộc với việc hưởng lợi chênh lệch từ "mua thấp, bán cao" - khi bạn nhận thấy tiềm năng tăng giá của 1 loại hàng hóa nào đấy, bạn sẽ mua ngay nó ở giá thấp, rồi đợi đến khi giá cao, sẽ bán nó đi ngay tức thì và bạn đã kiếm được 1 món hời kha khá.

Trong khi đó, "bán khống" lại ngược với tư duy thông thường đôi chút, đó là "bán cao, mua thấp". Vâng, bạn đang không đọc nhầm đâu, là bán, rồi mới mua.

Ví dụ như: bạn thấy rằng năm nay thời tiết ôn hòa thuận lợi cho nông sản, và vài tháng nữa đến thời điểm thu hoạch, nông dân thu hoạch được nhiều gạo, cung tăng mà cầu không đổi khiến giá gạo sẽ giảm trong tháng tới. Có nghĩa là giá gạo hiện tại đang cao hơn so với kỳ vọng tương lai. Bạn "vay" người nông dân vài tấn gạo và hứa rằng tháng tới sẽ "trả". Nhưng bạn lại bán luôn gạo tại thời điểm hiện tại và tháng sau, bạn mua gạo từ thị trường trả lại người nông dân. Bạn vừa thực hiện được lời hứa, vừa ăn được giá chênh lệch.


Trên thực tế, không có khái niệm "bán khống"  nào diễn ra trên thị trường hàng hóa thông thường, mà chỉ diễn ra trên thị trường tài chính và cụ thể hơn là chứng khoán và ngoại tệ.

Trong thị trường tài chính, giá cả chứng khoán luôn dao động lên xuống không ngừng mà chỉ có thể kiếm lời khi mua ở đúng thời điểm giá thấp và bán đùng thời điểm giá cao. Như thế chỉ có lợi cho người mua. Và "bán khống" ra đời giúp nhà đầu tư có thể tận dụng mọi thời điểm để kiếm lời ngay cả khi giá tụt thảm hại (miễn là nhận định và kỳ vọng của họ chính xác).

Bán khống trong tài chính có nghĩa là một cách kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá mạnh mẽ của một loại tài sản tài chính. Phần lớn các nhà đầu tư sẽ theo đuổi một khoản đầu tư lâu dài khi họ hi vọng giá của tài sản đó sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bán khống có nghĩa là bán thứ mà nhà đầu tư không hề có trong tay. Kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá có nghĩa là người bán khống sẽ “mượn tạm” tài sản và bán đi sau này, với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận vì có thể mua lại ở mức giá thấp để trả nợ và hưởng chênh lệch giá.



Thương vụ nổi tiếng

"Ngày thứ 4 đen" của nước Anh

George Soros sinh ngày 12/8/1930, là ông trùm quỹ đầu cơ người gốc Hungary và là Chủ tịch của quỹ Soros Fund Management. Vụ bán khống đình đám nhất của Soros là “Ngày thứ 4 đen” xảy ra đối với  đồng bảng Anh năm 1992. Chính xác thì đó là ngày 16/9/1992, khi Chính phủ Anh buộc phải quyết định rút đồng bảng khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) do đồng tiền này mất giá quá mạnh. Và, kẻ khiến bảng Anh lao dốc không ai khác chính là Geogre Soros với những đợt tấn công tiền tệ dồn dập.

Năm 1979, mấy bác EU quyết định áp dụng ERM - cơ chế hướng đến một đồng tiền chung của châu Âu, cụ thể mấy bác thống nhất neo tỷ giá hối đoái vào một mức nhất định - không được phép tăng hay mất giá quá 2.25% so với các đồng tiền quốc gia khác. (Cũng xin được phép mở ngoặc thêm lúc này chưa có Eurozone, tức là chưa có đồng tiền chung Euro)

Thời điểm này, Đức đang là nền kinh tế hùng mạnh đầu tàu châu Âu với mức lãi suất thấp, lại thêm lạm phát thấp nên được anh em tin tưởng lấy đồng Deutsche Mark là bản vị làm mỏ neo cho các đồng tiên khác tham gia ERM. 

Bác UK lúc đầu chảnh chảnh không tham gia ERM, xong suy nghĩ lại thế nào thấy cũng vui vui nên năm 1987 bắt đầu ầm thầm kín đáo neo đồng tiền của mình với Deutsche Mark. Cuối cùng đến năm 1990, chính thức xin gia nhập cùng anh em.

Khi Đức thống nhất vào cuối năm 1990, khiến đồng tiền của các quốc gia châu Âu (trong đó có bảng Anh) lên giá so với các đồng tiền bên ngoài như USD hay yên Nhật. Đồng Bảng Anh vốn đã mạnh, giờ lại càng thêm mạnh. Ai cũng biết một điều căn bản rằng đồng tiện quá mạnh sẽ có hại cho nền kinh tế vì nó làm cho sức cạnh tranh xuất khẩu yếu đi, ngược lại nhập khẩu tăng lên, điều này dẫn tới việc UK nhanh chóng rơi vào khủng hoảng kinh tế.


Trước tình hình này, Soros dự đoán chắc chắn Anh sẽ phải phá giá tiền tệ trong tương lai. Cũng có nghĩa là đồng Bảng Anh đang ở mức quá cao, chắc chắn sẽ xuống giá. Cơ hội đến, chẳng có lý do gì mà không thực hiện bán khống cả. Nhưng con cáo già này lại không thực hiện một mình mà lại gọi thêm anh em từ khắp thế giới nhảy vào cùng. Lại phải nói thêm, khi thấy một bậc thầy bán khống như vậy, những cá nhân nhỏ lẻ khác cũng bắt chước theo, dù đôi khi không thực sự hiểu hành động đó. Họ bán khống đơn giản chỉ vì tin Soros, hi vọng kiếm một món hời ngay trước mắt.

Và đồng bảng bắt đầu phá giá, họ lại càng tin tưởng Soros hơn, càng bán khống với khối lượng lớn. Chính đội "kền kền" này chiếm thế thượng phong của cuộc chơi, vì họ liên kết với nhau nắm giữ khối lượng tiền quá lớn, có thể điều khiển giá đồng tiền tùy thích. Càng bán khống, bảng Anh càng rớt giá.

Quá lo sợ mất giá quá 2,25% Chính phủ Anh đã sử dụng dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất nhằm đẩy giá lên. Nhưng "anh em Soros bang hội" lại quá đông và quá nguy hiểm.

Và ngày 16/9 - ngày cả thế giới ghi nhận là Thứ Tư Đen, Soros tung ra đòn cuối cùng khi bán ra hơn 10 tỷ bảng vào ngày 16/9 năm đó. NNTW Anh chính thức sập!

UK sau khi đánh đập vùi dập, quyết định dứt áo ra đi, không dây dưa gì vào cái khung tỷ giá trói buộc kia. UK rút khỏi ERM, đồng bảng Anh mất giá 15% so với đồng mark Đức vài tuần sau đó. BoE lỗ tầm 3 tỷ bảng Anh, trong đó riêng cáo già Soros bỏ túi chừng hơn 1 tỷ.

Ngày 26/10/1992, tờ Times chuyển lời của Soros: “Chúng tôi đã có kế hoạch bán ra nhiều hơn con số 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Norman Lamont (Bộ trưởng Tài chính Anh lúc đó) đã tuyên bố sẽ vay mượn gần 15 tỷ USD để bảo vệ đồng bảng. Chúng tôi đã cảm thấy nực cười vì đó chính xác là lượng mà chúng tôi muốn bán ra”.


Không chỉ đã “phá vỡ” Ngân hàng Anh bằng cách bán khống đồng bảng và thu về khoản lợi nhuận 1 tỷ USD năm 1992, ông còn bị buộc tội là “kền kền” trục lợi từ khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 (cũng bằng cách bán khống tiền tệ) và gần đây hơn là bán khống yên Nhật vào năm 2013. Nhiều người sẽ cho rằng ông là kẻ dã tâm khi khiến nhiều nền kinh tế chao đảo, nhưng không ai có thể phủ nhận Soros có bộ óc của một thiên tài mới có thể làm như vậy.


Tham khảo từ Wiki - Bán khống Wiki - Thứ tư đen CafeF CongDongTaiChinhVie

Nếu có gì sai sót, mong mọi người góp ý nhẹ nhàng ngay bên dưới.