Tự do là hạnh phúc
Có muôn vàn định nghĩa hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi người khác nhau, được cảm nhận khác nhau, trong từng khoảnh khắc khác nhau lại...
Có muôn vàn định nghĩa hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi người khác nhau, được cảm nhận khác nhau, trong từng khoảnh khắc khác nhau lại thể hiện khác nhau. Một nhận định về hạnh phúc mà tôi tâm đắc nhất, đó là: “hạnh phúc là khi ta cảm thấy đủ”. Tôi chọn một định nghĩa cho mình và tôi nghĩ mọi người cũng nên như thế. Tuy nhiên, tôi nghĩ ta nên dừng điều này tại đây, bởi mục đích bài viết này không phải để định nghĩa hạnh phúc, còn có thứ khác tôi muốn nói đến nữa. Đó là sự tự do.
Nhắc lại tiêu đề, tự do là hạnh phúc
Tự do là hạnh phúc không đồng nghĩa hạnh phúc là tự do. Phải nhấn mạnh điều này, vì tôi muốn định hướng cho bạn đọc một góc nhìn rõ ràng về sự liên quan giữa tự do và hạnh phúc, mà tôi sắp nói đây. Tôi không định nghĩa hạnh phúc, không định nghĩa tự do, tôi đang nói đến cái hạnh phúc đạt được khi ta tự do. Xã hội đã thay đổi nhiều so với quá khứ, các cuộc cách mạng đã thay đổi con người. Tự do đã trở thành quyền thiêng liêng của một con người. Mọi người giờ có quyền tự do làm việc mình thích, yêu người mình yêu, sống cuộc đời mình chọn. Rõ ràng một thế giới như vậy là một thế giới hạnh phúc, như vậy tự do chẳng phải là hạnh phúc sao.
Tự do phải đi kèm với kỷ luật
Tôi mất nhiều năm để nhận ra rằng tôi yêu tự do, và mất thêm nhiều năm nữa để nhận ra tự do phải kèm với kỷ luật. Tôi cho rằng bản chất con người thường không tốt. Bộ não luôn tìm cách trốn việc, thoái thác, lười biếng. Nó thích chơi bời hơn học tập. Tự do làm những điều như thế thì tự do đâm ra xấu, nên tự do sẽ cần bạn. Tự do sẽ cần kỷ luật. Ta tự do làm công việc mình thích, nhưng kỷ luật bản thân không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong thời gian rảnh. Ta tự do yêu bất cứ ai, nhưng trước đó ta phải kỷ luật mình biết yêu bản thân trước, phải không ngừng rèn luyện, thể dục cho thể chất và trí tuệ. Ta tự do sống cuộc đời mình chọn, nhưng phải kỷ luật sống đàng hoàng, không ảnh hưởng, gây hại đến người khác.
Ta đã thật sự tự do chưa?
Tại sao tôi lại hỏi thêm như vậy, trong khi trên đây đã nói rõ tự do đã được công nhận là quyền của con người. Không có gì là hoàn hảo cả, tự do cũng thế. Mất hàng thế kỷ để cả nhân loại nhận ra rằng chúng ta đều là người. Mất thêm hàng thế kỉ nữa để cả nhân loại nhận ra nam và nữ cũng chẳng khác gì nhau. Vậy mà, vẫn có những kiểu người ưa thoái phân biệt, cái kì thị ăn sâu vào máu, đến mức đôi khi ta tự hỏi: sao lại có những người như thế này nhỉ.
Bạn thấy không, thời gian thay đổi nhiều thứ, nhưng khó nói nó thay đổi tất cả. Tự do cũng thế. Có những ông bố bà mẹ nhồi nhét con cái phải làm kỹ sư, bác sĩ, trong khi đứa bé có đôi tay người hoạ sĩ. Có những đôi tình nhân bị buộc phải xa nhau vì ánh nhìn kỳ thị với giới tính của họ. Có những người bạn chỉ vì bày tỏ quan điểm về một vấn đề xã hội, mà bạn bè xa lánh, hất hủi, kèm câu nói: "ăn rau muống cứ thích bàn chính trị". Ờ thì bạn tự do, bạn muốn làm gì làm, nhưng mà không hợp ý tôi thì dẹp. Tự do được trao, còn phải kèm theo sự tôn trọng nữa, điều đó đôi khi bị lấy cắp mất.
Tự do thể xác, không bằng tự do trong tâm tưởng
Nguyễn Ái Quốc ngày trước, có giai đoạn bị giam cầm trong ngục tối, vẫn viết được tập tuyệt tác Nhật ký trong tù. Nhìn đó, đọc đó, mới thấy dù thân xác Người bị ở nơi ngục tối, nhưng tâm hồn Người nào có tý xiềng xích. Chính lẽ đó, Người mới không mệt mỏi về tình thần, không nhục chí, vững tin vào cách mạng và quê hương, và giờ này ta có một Bác Hồ vĩ đại, mọi người Việt Nam đều kính yêu.
Cầm tù thể xác là ác, cầm tù tâm tưởng là đại ác. Cuộc sống không được nhiều người sáng như Bác, nên đôi khi vẫn có nhiều mảnh đời chịu cái đại ác này. Câu chuyện con cá leo cây rất đỗi quen thuộc mà còn đó mãi trong giáo dục Việt Nam, đánh giá khả năng leo cây của con cá là cầm tù chính con cá trong tư tưởng nó là một kẻ ngu ngốc. Người Trung Quốc cứ mãi khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của họ, vì họ được dạy như thế. Cầm tù tư tưởng của người khác là hành động của những kẻ độc tài, đó chẳng phải là tội ác sao. Đáng thương hơn là những nạn nhân này đôi khi lại không nhận ra chiếc gông đó.
Tri thức là cứu cánh của tự do.
Cổ hủ, bảo thủ, lạc hậu là do thiếu tri thức. Lệ thuộc, bị trói buộc cũng là do thiếu tri thức. Có kiến thức, người ta sẽ tự biết suy nghĩ, tự double check, triple check thông tin mà mình nhận vào, biết tự kiểm nghiệm thông tin nhận vào thì khó mà bị thao túng được. Có hiểu biết, có trãi nghiệm, người ta sẽ có chính kiến, sai cũng được, quan trọng vẫn phải có chính kiến. Chắc tôi chẳng cần phải nói thêm làm gì về sực mạnh của tri thức đâu.
May mắn, thời đại bây giờ là thời đại mở, kiến thức được chia sẻ rộng rãi và tiếp cận vô cùng dễ dàng. Mạng internet là một phát minh vĩ đại của con người, sách còn vĩ đại và lâu đời hơn. Ai đó đừng nói với tôi rằng anh ta không có thời gian để tìm đến tri thức. Tập thể dục cho bộ não cũng quan trọng như với cơ thể. Thật quá thương tâm cho những ai không có tự do, còn xót xa hơn cho những ai còn không biết được mình mất tự do. Hãy không ngừng trau dồi tri thức, tin tôi đi, sẽ không ai có thể cầm tù tâm hồn bạn.
Tự do cho cái tôi và tự do khỏi cái tôi
Phải nói trước là phần viết này mang nhiều màu sắc tâm linh, cho nên tôi dụng ý để cuối, coi như là phần đọc thêm. Tôi là một người con Phật giáo. Phật giáo luôn nhắc tôi về hai từ "bể khổ". Đức Phật Thích Ca cũng vì hai từ này mà ngày đó từ bỏ ngài vàng, vợ đẹp, con ngoan mà ra đi. Ngài tìm cách thoát khỏi bể khổ. Cái sự thoát này cũng là tự do, tự do khỏi cái tôi.
Sự tự do chúng ta đã nhắc ở trên, sự tự do này rất thực tế, nhưng về mặt tâm linh, nó chỉ là sự tự do cho cái tôi. Ta tự do thật nhưng ta vẫn bị ràng buộc bởi cái tôi. Ta tự do làm việc mình thích, nhưng thực tế ta làm việc vì ta còn muốn ăn ngon mặc đẹp, là cái thói tham lam của cải vật chất. Ta tự do yêu người mình yêu, nhưng thực tế ta bị cái tâm tư sắc dục trói buộc, ham muốn và hờn ghen. Ta tự do sống cuộc đời mình muốn, nhưng thực tế vẫn chịu cảnh đau ốm bệnh tật và cái chết chi phối. Nên thực ra tự do còn một bước nữa là tự do khỏi cái tôi. Phật khuyên người đời tu hành, để thoát khỏi bể khổ, ấy là tìm kiếm sự tự do khỏi cái tôi, để mà hạnh phúc, như vậy tự do chẳng phải là hạnh phúc sao.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất