Từ Bình Thuận nhớ đến những mùa thanh long "ế"
Lại một mùa thu hoạch nữa lại tràn về trên khắp các miền nông thôn. Trải qua gần 6 tháng ăn chực nằm chờ, dầm mưa dãi nắng, bây giờ...
Lại một mùa thu hoạch nữa lại tràn về trên khắp các miền nông thôn. Trải qua gần 6 tháng ăn chực nằm chờ, dầm mưa dãi nắng, bây giờ là thời điểm người nông dân thu lại thành quả, mồ hôi công sức mà họ bỏ ra, có lẽ hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng, trở ngại đối với họ chưa hết, bài toán quan trọng hơn cần được giải, không phải nằm trên những cánh đồng hay trang trại rộng lớn kia, mà lại nằm ngay trong những khu chợ, những sập hàng, những điểm bán hoa quả. Từ 5 năm trở lại đây, vấn đề đầu ra luôn phức tạp, khó khăn và vẫn chưa có lời giải nào thực sự hợp lí và hiệu quả, mọi chuyện diễn ra cứ từ năm này qua năm khác, vụ này qua vụ kia. Bình Thuận - mảnh đất luôn nổi tiếng với những đợt cầu cứu nông sản, gần đây lại được biết đến với những cuộc biểu tình thái quá, gây ra những nguy hại không hề nhỏ cho xã hội. Phải chăng có một mối liên hệ nhỏ giữa hai sự việc trên ? Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao khiến người nông dân lần lượt phá sản, và làm cách nào để chí ít là giảm thiểu tác hại, rộng ra là giải quyết triệt để vấn đề tồn đọng bấy lâu nay chưa có hồi kết.
Từ phía người dân
Trước tiên chúng ta cùng lấy ví dụ về một mặt hàng nông sản mà mấy năm gần đây "nổi tiếng" về việc "ế". Đầu năm 2018, giá dưa hấu có những thời điểm tăng vọt lên đến 12.000đồng/kg, dù có rớt giá cũng còn đến 8.000 đồng/kg. Như vậy, nếu tính toán, trừ hết chi phí thì người nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào. Nhưng chỉ khoảng 5 tháng sau, khi người nông dân đổ xô đi trồng. Dưa hấu đột ngột rớt giá, kịch đáy, xuống chỉ còn khoảng 1.000đ/kg, người nông dân thua lỗ nặng nề. Chỉ một ví dụ nhỏ nhưng cũng phần nào làm sáng tỏ sự về bản tính xưa nay của người nông dân, vì họ thiếu tri thức, nên luôn luôn chạy theo lợi nhuận trước mắt, mà không tính toán trước đầu ra, sẽ bán cho ai, và bán như thế nào. Câu chuyện chỉ là nhà bà A trồng lúa, nhà bà B trồng ớt, năm nay bà B thu hoạch lãi hơn bà A, thế là vụ sau bà A bỏ lúa để trồng ớt. Nhưng thương lái lại chỉ mua một số lượng ớt nhất định, bà A không bán được ớt, bà A phá sản. Chúng ta bao lâu nay vẫn luôn mắc phải một căn bệnh cố hữu, đó là không thể kết nối giữa cung và cầu, giữa người nông dân và thị trường. Khi mặt hàng nào đó đang ít, nhu cầu của thị trường lớn, giá cả tăng cao, người nông dân đổ xô đi sản xuất, nhưng chỉ một thời gian sau, nhu cầu đó không còn nữa, bởi mặt hàng đã quá dư thừa, giá cả cũng từ đó mà xuống dốc.
Tuy nhiên câu chuyện không hoàn toàn chỉ có vậy, trong giai đoạn giá dưa ở Quảng Ngãi chỉ còn 1.000đ/kg vẫn "ế" không bán được, trái ngược với cảnh dưa hấu Việt phải bán với giá rẻ như cho mà vẫn ế ẩm thì loại dưa hấu của Nhật Bản lại siêu đắt khách dù chúng được bán với mức giá từ 420.000-430.000 đồng/kg. Lúc này, câu chuyện lại nằm ở vấn đề chất lượng và niềm tin của người mua về chất lượng. Chạy theo lợi nhuận, người nông dân không quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như mức tối thiểu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi nhu cầu về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao, thì chất lượng sản phẩm qua thời gian vẫn không được cải thiện. Lâu dần, nó đã hình thành một thói quen mua sắm, chỉ tin dùng hàng ngoại, tẩy chay hàng nội. Tuy vậy, cũng không hề oan ức cho những mặt hàng nội này, khi đem lên cán cân với các mặt hàng nước ngoài, mọi chỉ số đều thua kém hoàn toàn. Khi đời sống người dân lên cao, không còn chỗ cho những mặt hàng rẻ mà kém chất lượng nữa.
Về phía nhà nước
Khi người dân yếu kém trong tri thức, thì nhà nước mấy năm gần đây vẫn chưa có biện pháp nào cụ thể để hỗ trợ họ. Thực tế có những địa phương làm tốt như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai… nhưng cũng có nhiều địa phương làm chưa bài bản, thất thường. Những địa phương làm tốt sẽ có quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản, doanh nghiệp được tạo điều kiện tham gia vào các khâu sản xuất, lúc đó nông dân sẽ sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp và được doanh nghiệp bao tiêu. Có địa phương còn cắt cử cán bộ vào để quản lý chất lượng sản phẩm nhằm tạo điều kiện mua bán thuận lợi hơn, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các bên.
Những yếu tố bên ngoài
Tại vựa sản xuất nông nghiệp lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian gần đây, việc khuyến khích người dân trồng cây này, nuôi con nọ chủ yếu là do thương lái Trung Quốc sang tung tin. Thương lái Trung Quốc thường xuống tận nơi thu mua sản phẩm, đẩy nhu cầu lên cao bằng việc tăng giá mua mà không có ký kết hợp đồng ràng buộc.
Về phía chính quyền địa phương thì luôn mong muốn sản phẩm của nông dân sản xuất có đầu ra nên họ ít “nhúng tay” vào việc này. Và khi người nông dân đổ xô vào trồng, nuôi quá nhiều, thương lái Trung Quốc lại “bày trò” không tiêu thụ hết, ép giá xuống dưới giá thành. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn từ cây trồng này sang vật nuôi khác và cuối cùng nông dân chịu thiệt thòi.
Giải pháp
- Người nông dân cần thay đổi tư duy của mình
Người nông dân của chúng ta cần cù, chăm chỉ nhưng cần cù theo cách sản xuất truyền thống thì không đủ, mà nó làm lãng phí thời gian, sức lao động. Khi biết mình sản xuất để làm gì? Bán cho ai? Khi các loại nông sản tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt có sự liên kết chặt chẽ và có trách nhiệm của 4 nhà trong nông nghiệp. Chắc chắn, sẽ không còn những câu chuyện về trái đắng trong nông nghiệp.
- Đẩy doanh nghiệp lên làm “đầu tàu”
Nhìn lại những mô hình sản xuất nông nghiệp còn “đứng vững” trên thị trường hiện nay, hầu hết đều có bóng dáng của các doanh nghiệp và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân.
Việc làm thế nào để những doanh nghiệp có tâm, có tầm tham gia đầu tư vào nông nghiệp được xem là yếu tố căn cơ nhất để giải quyết tình trạng nông sản ế. Chỉ khi lực lượng này đủ mạnh mới có thể “kéo” ngành ra khỏi những bất cập liên quan đến yếu tố sản xuất manh mún và những vấn đề liên quan đến thị trường như hiện nay.
Tuy nhiên, Chính phủ và Nhà nước cần có những giải pháp, hành động cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là liên quan đến chính sách tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền, ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng
- Tổ chức mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể, học tập tri thức từ các mô hình đã thành công
Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể sản xuất với số lượng ít, chất lượng thấp. Khi nhà nhập khẩu muốn đặt hàng lớn, từng nông dân sẽ không thể đáp ứng được số lượng khách hàng yêu cầu. Đây là trở ngại cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp nhập khẩu. Khi cần nguồn hàng lớn, doanh nghiệp phải thu gom của nhiều hộ nông dân mới có thể giao hàng số lượng lớn. Tuy nhiên, cách làm khiến chi phí hàng hóa, giá thành sản phẩm tăng lên, khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài khi sản xuất quy mô lớn. Trong khi đó, nhiều trang trại, hợp tác xã có khả năng phát triển, cung ứng hàng hóa số lượng lớn, chất lượng cao lại chưa được hỗ trợ thông thoáng từ chính sách. Hiện nay, mô hình phát triên của Nhật Bản, cũng như các nước phương Tây đã hoạt động khá hiệu quả, cần học hỏi, nắm bắt tri thức để từ đó thay đổi cơ cấu nông nghiệp, vón đã lạc hậu, trì trệ hàng chục năm trở lại đây.
Người tiêu dùng không thể mãi "giải cứu" người nông dân được nữa. Thêm vào đó, phương án này lại hết sức ngắn hạn, và chẳng khác nào "muối bỏ bể". Rốt cuộc, thì chỉ có họ mới cứu được chính mình. Mong rằng, sẽ là một cái kết viên mãn cho nền nông nghiệp Việt Nam, vốn rất giàu tiềm năng, nhưng chưa được phát triển đúng cách, để không còn nữa những vụ mùa giải cứu, những bữa cơm ăn chung với hoa quả. Suy cho cùng, kinh tế có vững bền thì chính trị mới ổn định. Từ vụ khủng hoảng chính trị ở Bình Thuận, cần có một cái nhìn khách quan hơn về nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc đó. Vấn đề cần phải giải quyết ở gốc rễ thì mới không để lại hậu quả về sau.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất