CÁC PHẦN TRƯỚC


CHƯƠNG I: VÙNG ĐẤT SỮA VÀ MẬT ONG.

Năm 825 A.D (Hay 825 After Death- Sau cái chết)


Đó là một nông trại đầy bò sữa tại một thung lũng hẻo lánh.
Jonah đang đứng đấy, một mình nói chuyện với những chú bò.
“Nào ngoan, đúng rồi đấy. Nào các cậu nhóc, đến giờ cho anh em chúng bây đi ăn rồi. Rồi rồi, nói với… Ôi chết tiệt!”
Một chú bê trông như đang bị cháy mất nửa mặt đang cố gắng đi ra khỏi khu vực nông trại.
“Nào nào, Dar. Tao đến với mày đây.”
Dar lại tiếp tục phóng đến hàng rào năng lượng bao quanh, nhưng càng ở gần mặt nó lại càng bốc khói dữ dội.
“Đừng, Dar! Đừng!”
Jonah đã đến và lôi nó ra khỏi hàng rào năng lượng.
“Chúa lòng lành, Darwyn. Đừng có cắm đầu chạy vào đấy nữa. Lúc nào mày cũng đòi trốn đi. Lại đây, ngoan.”
Một giọng nói phát ra từ một anh nông dân khác đang tiến lại gần.
“Chúng mày chẳng bao giờ chịu lớn gì cả. Nhìn ở vùng thịt ức của nó là biết.”
“Uh, thấy rồi.”
“Uh, vậy mà tôi thấy anh xoa bóp cho nó kỹ càng ghê lắm, đầy đủ từ dưới lên trên.”
“Chẳng qua tôi luôn thương những con còi cọc yếu ớt. Vả lại, để giết thời gian ấy mà.”
“Biết rồi. Mà nghe nói hôm nay là ngày cuối anh ở đây đúng không?”
“Đúng vậy. Cũng khó mà tin nổi.”
“Anh định đi đâu vậy?”
“Đài liên lạc ở đỉnh đồi.”
“Đỉnh đồi? Khốn thật, anh đòi được lên đó sao? Lên nghe gió hú à? Ở ngoài đấy chẳng còn gì để nghe ngóng đâu. Thậm chí chẳng ai có thể nhìn xuyên qua đám mây mù. Tôi có thể giúp anh đổi chỗ nếu…”
“Không cần. Ý tôi là, tôi cũng thích yên tịnh một chút.”
“Thôi, tùy anh vậy. Mà anh ở đây bao lâu rồi Cooke?
“Ba chu kỳ rồi.”
“Chúa ơi, ba chu kỳ… 50 năm rồi sao? Tôi còn nhớ tuần đầu anh đi làm, có một con cũng yếu còi như con bê này, thậm chí anh còn cố cho nó vượt qua hàng rào nhớ không? Anh chẳng biết gì cả” Anh nông dân nọ vừa nói vừa cười khẩy, “Lúc đó anh chỉ nghĩ đó chỉ là một cái hàng rào. Còn chẳng biết gì về xoắn enzyme nữa. Muốn đem con vật nào ra khỏi đây thì anh phải thay đổi hết toàn bộ sinh lý nội tiết của nó. Tốn phải mấy tuần. Tiêm chích. Thử máu. Muốn nuôi nó thì còn phải đem cỏ từ khu này ra mà cho nó ăn. Nhưng mà, anh vẫn cứ cố mà cứu lấy con ấy, chạy hối hả mà đem nó về trại cho kịp.”
“Con bê khốn kiếp ấy nôn đầy cả xe tôi ấy chứ.” Jonah cũng hồi tưởng.
“Uh. Mà sau bao công sức thì…”
“Nó vẫn chết đó thôi. Khi ấy nó còn thải đầy ra chỗ ngồi của tôi nữa.” Jonah vừa nói vừa cười chua cay.
“50 năm.” Anh nông dân thở dài, “Thời gian trôi qua khác biệt nhỉ?”
“Công nhận.” Jonah cụt ngủn đáp.
“Millie bảo rằng thời gian trôi qua vừa nhanh mà vừa chậm. ‘Như 2 cơn sóng khác biệt đổ chồng lên nhau ấy’. Mỗi chu kỳ con bé lại càng thông minh hơn. Tôi thì không được vậy. Anh có nghĩ mình sẽ trở lại không?”
“Có chứ. Hẹn gặp lại… Sau bao lâu nhỉ? 80 năm chăng?”
“Đủ lâu để anh biết làm thế nào mà chôm một con bò còi đúng không?”
Jonah cười sang sảng, “Chính xác."


Trời dần chiều tà, Jonah lái chiếc xe bán tải cũ kỹ băng ngang qua những khu trại, những cánh đồng quạt năng lượng để về đến căn nhà và cái kho đầy bụi bặm. Mặt anh trầm tư hơn thường ngày. Anh xuống xe và giở tấm bạt ở thùng phía sau lộ ra một chú bê. Là Darwyn.
“Không có chi đâu nhóc. Để tao cho mày xem nhà mới nhé.”
Jonah mở cánh cổng nhà kho, tuy tồi tàn nhưng trong đấy chất đầy những thứ có giá trị như một bộ giáp thời trung cổ, một tàu thoát hiểm không gian, một bể cá, một chiếc đàn dương cầm xa xỉ…
“Mày có thể ở đây, mày sẽ sớm quen thôi... cùng với những thứ trộm cắp khác.”

Tưởng tượng giùm tôi thế này.
Tưởng tượng bạn là một người thổ dân thuộc bộ tộc Aku ở Congo Tây Phi. Bạn đen xì và nhỏ bé, chỉ khoảng tầm thước rưỡi là cùng. Và tôi cũng vậy. Và chúng ta sống cùng nhau. Chúng ta cùng nhau bước đi trên mảnh đất trù phú và thẳm xanh nhất hành tinh. Chúng ta thuộc tầng lớp ấy- Là những kẻ lừng danh.
Là những người đầu tiên nhận ra những điều ấy.
Khi ấy là buổi sáng tại một khu rừng nhiệt đới, và chúng ta đang băng qua những bụi cây lởm chởm. Trên đầu chúng ta, những cành lá đang trò chuyện cùng với những giọt mưa. Chúng ta có khoảng năm người (hay theo ai đó thuật lại là vậy), và chúng ta hiểu rõ nơi này đến chân tơ kẽ tóc- Từng thân cây cọ cao to đầy dầu và đen đúa, từng thân cây Okoume có màu hồng như những thớ thịt, tất cả đều quen thuộc. Và đi cùng chúng ta có một con dê. Con dê ấy được dắt đi theo vì nó có vẻ như bị bệnh và cần vận động thêm, nhưng giờ thì đã khỏi, và nó cảm thấy vui vì đã khỏe lại, thậm chí còn kéo liên tục sợi dây buộc cổ, bước xuyên qua những vũng nước lầy lội. Chúng ta vượt qua những cây mahogany và bông gạo, chúng ta vừa đi vừa cười đùa. Rồi bỗng dưng tất cả đồng loạt dừng lại.
Ở trên nền đất khi ấy hiện ra một điều rất lạ. Một vùng màu xám. Một mẩu đất nhợt nhạt được phát hiện cách chúng ta khoảng mươi bước. Ở giữa là một con ếch đỏ đã chết, thân cong lại như một dấu hỏi. Cây cỏ ở xung quanh cũng héo tàn đậm vẻ chết chóc.
Điều thật sự làm chúng ta dừng lại chính là sự khô cằn nơi đây. Mảnh đất ở đây khô hệt như xương. Chúng ta cứ nhìn những giọt mưa rơi lã chã xuống khu vực ấy, thấm vào và tan biến, nền đất lại khô như chẳng có gì.
Trước khi có ai kịp can ngăn, con dê thoát được và lao thẳng về hướng ấy. Thủ lĩnh của chúng ta hét lên và cố tóm nó lại, vì cũng như chúng ta- với tất cả bản năng sinh tồn- ông ta nhận ra rằng nơi đây có một điều gì đó rất nguy hiểm. Và hiện tượng khô cằn kỳ lạ ấy có vẻ đã lan rộng ra thêm một thước về mỗi phía (Sao lại có thể như vậy? Hay chúng ta tưởng tượng chăng?) Nhưng chú dê thì vẫn cứ lao vào đấy, tỏ ra vô cùng hạnh phúc vì được sống và tự do.
Ở giữa là một con ếch đỏ đã chết, thân cong lại như một dấu hỏi. Cây cỏ ở xung quanh cũng héo tàn đậm vẻ chết chóc.

Vấn đề ở đây là, tôi chẳng phải là một người mà bạn sẽ trông mong là mang tầm quan trọng gì trong công cuộc tìm ra phương pháp để chống lại cái chết. Tôi chỉ là Jonah Cooke, và trước khi những điều đó xảy ra, tôi chẳng phải là một gã phi thường gì. Tôi chỉ là một gã trạc tứ tuần sống ở phía bắc của Long Island tại một căn hộ nhỏ, kiểu nhà mà bạn chẳng được quyền sơn phết lại hay dùng búa đóng đinh vào. Muốn treo tranh thì phải dùng keo dính. Hàng rào bờ giậu thì lúc nào cũng đầy mạng nhện và tổ ong bắp cày. Tôi làm việc tại một công ty xây dựng nhà tiền chế, nằm ở một khu phức hợp cách xa lộ khoảng mười phút. Chúng tôi cung cấp những căn nhà được xây hiện đại và những tiện ích đi kèm. Văn phòng của tôi nằm khuất cả khu vực trưng bày, nơi chúng tôi cho những kiểu nhà đứng sừng sững xếp hàng đều nhau như một đội quân sẵn sàng tiến vào khu dân cư của khách hàng. Khi mọi thứ diễn ra thì tôi vẫn chưa lập gia đình.
Mấu chốt là, tôi chẳng hề đặc biệt. Tôi là một tên vô danh.
Nhưng tất cả là lỗi của tôi.
Nơi khuất sau những rặng núi này.
Cách mọi thứ diễn ra.
Tất cả mọi thứ.
Tất cả chỉ vì tôi đã trộm thứ mình không nên trộm.

Thứ đầu tiên mà tôi trộm được là một máy băng ghi âm. Máy Sony Quad 1990. Nó có giá $34.99 ở Cửa hàng B and D và có mang kèm cả 12 băng cát-xét tương đương với khoảng 60 giờ ghi âm, nhiều hơn bất kỳ máy băng ghi âm nào được bày bán. Khi ấy tôi chỉ 12 tuổi và chuẩn bị vào trung học cơ sở. Trước đấy tôi chả biết trộm thứ gì bao giờ- Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ đến chuyện trộm cắp, dù là một cây kẹo hay một quyển truyện tranh. Không gì cả. Đôi khi tôi nghĩ rằng tôi có thể truy lại hết tất cả mọi thứ từ ngày có cái máy ghi âm ấy. Không chỉ những gì diễn ra với tôi, mà tất cả mọi thứ. Những cái chết. Những mạng sống được cứu. Tất cả chỉ với cái giá $34.99 ở B and D.
Khi lên 12 tuổi, tôi cũng chẳng thể giải thích với bạn vì sao tôi cần một cái máy ghi âm đến mức phải làm vậy. Tôi có thể nói tôi muốn có nó để làm gì, chứ không thể giải thích vì sao sự cần thiết có nó lại mạnh mẽ đến vậy. Mục đích sử dụng nó thật ra cũng đơn giản. Tôi muốn ghi âm lại tất cả những buổi ăn tối của tôi với cha mẹ. Kể từ ngày mẹ tôi lên cơn động kinh té xỉu ở Florida, tôi đã bắt đầu lưu lại tất cả những điều diễn ra trong cuộc sống của mình. “Đi học. Cãi nhau với Frank Tsu xem có nên được bất tử mạng trước khi đánh boss ở màn…” Đại loại như thế. Tôi chắc rằng nhiều đứa trẻ cũng làm vậy thôi, viết nhật ký ấy mà. Nhưng với tôi thì việc này có một tầm quan trọng thiết yếu hơn hẳn so với chúng.
Vậy này, vài tuần sau khi mẹ tôi ngất xỉu, lúc còn ở Florida ấy, thì bà lại bị như thế thêm 2 lần nữa. Một lần ở tiệm và một lần ở một hiệu thuốc. Ở lần thứ hai, bà ngã đập đầu đến nứt sọ và về nhà với một bên đầu bị cạo nhẵn. Những tháng sau ba lần ngất xỉu như vậy, bà đã phải làm đủ hết các cuộc khám nghiệm tồi tệ, từ chụp cắt lớp đến chụp cộng hưởng từ. Thử máu đủ các kiểu. Nghĩ đến tôi lại cứ rùng mình hết cả lên. Bảo là lo lắng thì cũng chẳng đủ để miêu tả cảm giác ấy. Những lần khám như vậy kéo dài đến cả năm, và mặc cho những lời an ủi dành cho nhau, chúng tôi đều đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất- kể cả tôi, một chú nhóc sáu tuổi. Cảm giác cứ như chúng tôi sẽ phải vượt biên giới để đến với một quốc gia tồi tệ nào đó, cha mẹ và tôi sẽ đến một nơi kinh khủng tồi tàn nào đấy để trú ẩn và sẽ không bao giờ có cơ hội chúng tôi được về nhà.
Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, tất cả đều cho ra kết quả là: chẳng có gì hết.
Từng kết quả được trả về, tất cả đều an toàn. Mẹ tôi được chẩn đoán chỉ đơn giản là bị thiếu máu. Bệnh ấy thì dễ chữa. Bà chỉ cần uống nhiều Vitamin D, và ăn uống điều độ hơn.
Ăn uống điều độ.
Chỉ vậy thôi.
Từ dạo ấy vào mỗi thứ tư, cha lại rủ mẹ đến chuỗi cửa hàng đồ Mexico nơi họ hẹn hò với nhau lần đầu tiên. Họ về nhà lúc nào cũng lâng lâng, đôi khi còn đội chiếc mũ vành nom vui vui.
Những căn nhà đá cuội phong cách New England pha lẫn giữa màu xám của biển đằng xa và lớp sơn phủ màu trắng.
Mẹ tôi về sau cũng giảm giờ làm và dành thời gian cho tôi nhiều hơn. Thứ sau sau giờ học, chúng tôi luôn dẫn nhau đi khám phá khu vực bãi biển, đi qua khỏi khu vực nông trại đến những căn nhà to kình nhìn ra ngoài biển. Những căn nhà đá cuội phong cách New England pha lẫn giữa màu xám của biển đằng xa và lớp sơn phủ màu trắng. Đây toàn là những căn nhà giá bạc triệu- những khu dinh thự thì đúng hơn- Nhưng trong cái tiết trời bão tố ngày càng tệ này thì khu vực bờ biển lại trở nên nguy hiểm và nhà thì mất giá, nên chúng bị bỏ trống suốt cả năm. Đã từng có một dự án lớn là xây bờ bao cho khu vực này bằng những tàu xe không còn sử dụng nữa, nhấn chúng xuống biển tạo thành những rặng bờ bao nhân tạo ngầm- nhưng khi vừa bắt đầu thì một torng những cơn bão lớn đầu tiên đã cuốn phăng mọi thứ đi, và người ta cho rằng cách này vô dụng. Có vài căn nhà được nâng và dời đi xa bờ biển hơn, đặt trên những kèo nhà sàn. Số còn lại vẫn ở yên chỗ cũ.
Tôi và mẹ vẫn thường lái xe vòng quanh những căn nhà ấy, lỡ mà có ai bắt gặp, dù với ý muốn giúp đỡ hay dò hỏi sao đó, thì chúng tôi chỉ trả lời là mình đi lạc hay thậm chí còn cố chuồn cho nhanh. Những khi phát hiện nhà không có ai, chúng tôi thường tổ chức picnic ở thảm cỏ nhà họ, thậm chí lén vào nhà nếu như phát hiện cửa không khóa (Mà ngạc nhiên là đa số nhà nào cũng vậy, cứ như các chủ nhà ai cũng có một người gác dan suốt ngày phải chạy việc ngoài đường). Thường thì luôn có một bầu không khí tuy buồn bã mà tuyệt vời về những căn nhà thế này, những căn biệt thự cô đơn với những bức tường kính đối mặt bờ biển với những cơn sóng ào ạt hung hăng, dữ tợn. Những căn nhà này yên vị trên những kèo nhà hệt như những người vợ của thuyền trưởng đang cố nâng vấy mình lên khỏi mắt cá để khỏi bị ướt bởi những cơn sóng ập vào. Những căn nhà này cũng treo đầy tranh là tranh, số thì rất bắt mắt, số thì còn rất mới. Nhưng chẳng cái nào có vẻ phù hợp với khung cảnh.
Mỗi căn nhà lại mang một câu chuyện khác nhau mà chúng tôi tự nghĩ ra. Ở căn cũ và cổ điển nhất, tôi và mẹ cho rằng chúng tôi là những người thừa kế của một gia đình dầu khí lừng danh. Chúng tôi sẽ viết thư gửi cho bà con dòng họ ở khắp Châu Âu, ngăn chặn những ông chú bà dì thèm khát gia sản của chúng tôi. Ở những căn tân thời hơn, chúng tôi là 2 kiến trúc sư chuyên đi xây những kiến trúc kỳ quái và khó hiểu ở khắp muôn nơi.
Có một căn cả 2 chúng tôi đều thích, mà chúng tôi gọi là Nhà Quả Trứng.
"Vùng đất sữa và mật ong"
Đó là một căn nhà vô cùng hiện đại, với những tấm kính uốn cong lồng trong những đường khuôn bằng thép và đá hoa cương, những cầu thang nổi ở khắp nơi. Phòng sách thì thật chất là cả một thang máy đầy sách. Cả nhà đều luôn tràn ngập ánh sáng đến mức đôi khi nhìn kỹ nó chẳng có hình dáng cụ thể gì cả, hệt như phần lòng trắng trứng vậy.
Căn nhà chỉ có đúng một người trông chừng, một lão già khòm lưng mà tôi và mẹ hay gọi là “Lão người Nga”, vì một cái mũ lông lão hay đội khi trời trở lạnh. Ông ta sống trong một gian nhà ở phía tây của mảnh đất này và thường có một thói quen sinh hoạt nhất định. Ông ta luôn vào thị trấn vào cùng một ngày, cùng một thời gian (Trưa thứ Ba), và kỳ lạ thay là ông ta luôn khóa cửa chính bằng chùm chìa khóa ông ta đeo ở thắt lưng nhưng lại luôn để cửa kính bên hông nhà mở toang, vì vậy mẹ và tôi luôn lẻn vào bằng ngõ ấy.
Căn nhà này dĩ nhiên cũng có treo tranh. Đẹp nhất là dãy tranh lớn ở phòng ăn. Chúng thoạt nhìn giống như tranh vẽ, nhưng thật sự thì lại được phủ một lớp nhựa epoxy và có vẻ như bức tranh thể hiện góc nhìn từ trên xuống của một đồi sa mạc cổ đại. Những đồi cát ánh vàng kim bị cắt xẻ bằng những con sông trắng uốn lượn. Tổng thể bức tranh là sự kết hợp của ba bức nhỏ, được gọi là “Vùng đất sữa và mật ong”, và điểm độc đáo của bức tranh này là nó được làm từ sữa và mật ong thật và của cả bột xương người- xương được nghiền ra như cát ấy... Những thứ này được trộn tạo thành một hỗn hợp mà thoạt nghe sẽ thấy khá là không ra gì, nhưng thật sự lại cho ra một chất liệu óng ánh đẹp mắt. 
Mẹ và tôi đến căn nhà ấy mỗi tháng một lần. Và ở căn nhà này chúng tôi là những nhà phát minh, những nhà phát minh thiên tài! Một cặp mẹ con đã tạo ra một hợp chất siêu dẻo từ những chất biến thể, đầy phóng xạ ở đâu ở tận cuối bảng tuần hoàn hóa học. Hoặc là đã chế tạo ra những cây cảnh tích hợp công nghệ có thể nở ra bất cứ thứ gì mà khách hàng yêu cầu. Đôi khi cha cũng tham gia cùng chúng tôi. Mỗi khi làm xong ông sẽ lái xe đến sau và hẹn gặp chúng tôi tại căn nhà ấy, và chúng tôi tụ họp lại thành một gia đình nhưng lại ở trong nhà của một người khác, cảm nhận được rằng chúng tôi vẫn là chính mình nhưng lại khác biệt hơn, cảm thấy cuộc sống thật sự của chúng tôi giờ đây mới bắt đầu.