Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã có thói quen nhìn vào khoảng không chơi vơi trong đêm và mơ hồ tưởng tượng về bản thân mình. Rằng ở đâu đó, trên những con đường hoang hoải nắng gió, có một ngôi nhà nằm trơ trọi như căn nhà của bố mẹ tôi, ở đó có một con bé khác, giống tôi. Chúng tôi không phải là hai đứa trẻ sinh đôi, mà nó là thế thân của tôi, hoặc ngược lại.
Tôi không thể nhớ một con bé 7 tuổi có thể lấy ý nghĩ đó ở đâu, hoặc làm thế nào mà nó đến với tôi. Có lẽ nó sinh ra từ những lời xì xầm của các chị mỗi tối trước khi đi ngủ, hoặc mấy bà đồng nát qua lại nhà tôi mỗi ngày. Có lẽ nó sinh ra từ những suy nghĩ vẩn vơ, những ảo tưởng và cả nỗi sợ hãi. Nhưng như một chân lý được định hình, tôi cảm nhận được cái tôi khác của mình rất rõ ràng.
Khi 7 tuổi, tôi được gửi tới sống ở nhiều ngôi nhà và thay đổi liên tục trong một thời gian ngắn. Sau một hành trình hôn nhân đầy bão tố, dằn vặt và đớn đau, bố mẹ tôi quyết định sống ở hai nơi khác nhau, và tôi sẽ được họ hàng nuôi dưỡng. Tôi được dạy để trả lời rằng mình là ai, sống ở khu nhà nào phòng trường hợp đi lạc hay bị ai đó bắt cóc khi mọi người không để ý. Mà đúng là mọi người không để ý thật.
Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng học cách bắt đầu cuộc sống mới ở những ngôi nhà mới với cuộc đời của riêng mình, không có bố mẹ bao bọc hay bất cứ ai để dựa dẫm. Nhưng cái ám ảnh về một cái tôi khác, trong một ngôi nhà khác, một thành phố khác chẳng bao giờ thôi quấy nhiễu tôi. Có những buổi chiều mùa đông, lang thang trên phố, tôi lại tò mò nhìn vào những căn nhà 2 bên đường, qua ánh sáng màu vàng nhạt tỏa ra từ bên trong, tôi mơ màng tưởng tượng về những gia đình hạnh phúc, bình dị sống cuộc sống thoải mái, dễ chịu của họ. Thế  rồi, tôi toát mồ hôi và lạnh gáy khi nghĩ đến một cái tôi khác đang sống ở một trong những ngôi nhà đó.
Trong một vài giấc mơ, cuộc gặp gỡ giữa tôi và cái tôi kia luôn khiến tôi sợ khiếp vía. Chúng tôi im lặng nhìn nhau, lạnh như băng. Và khi đó, trong những khoảnh khắc giữa thực tại và mộng mị, tôi ôm ghì lấy chiếc gối, trùm kín chăn, bám riết lấy chiếc giường, nơi trú chân duy nhất còn an toàn của tôi trên cõi đời này. Rồi mỗi khi cảm thấy bất hạnh, tôi lại tưởng tượng ra cảnh cái tôi kia đang sống hạnh phúc hơn mình. Nỗi ghen tỵ khiến tôi sợ hãi và lo lắng cực độ mỗi khi bố mẹ nói tôi sẽ phải chuyển sang ngôi nhà khác, thành phố khác. Biết đâu, tôi sẽ phải chứng kiến một cuộc đời khác của mình trong nỗi thèm muốn và hậm hực.
Ở thời đại của tôi, những người thành công nhất luôn là những người chịu đi xa nhất. Sự học hỏi những ngôn ngữ, văn hóa, nền văn minh mới khiến bạn bè tôi trở nên giỏi giang hơn rất nhiều. Còn tôi, nỗi sợ của tôi buộc tôi phải chôn chân ở lì trong một thanh phố, một con đường, một ngôi nhà chỉ để nhìn mãi vào bất hạnh của mình. Tôi gắn bó với Hà Nội bởi nó trở thành lý do để tôi trở thành tôi bây giờ.
Thành phố tôi lưu trú lâu nhất này đang trải qua những ngày tháng ít vinh quang, vô vị và ngán ngẩm nhất trong 1000 năm lịch sử của nó. Ngay khi đặt chân lên mảnh đất này ở tuổi 15, với tôi, nó đã là một thành phố chết với nỗi buồn của một con đàn bà chết chồng khó ở luôn phải oằn mình gánh những nặng nề chồng chất mà chiến tranh để lại. Và có lẽ, tôi sẽ dành cả cuộc đời để đánh vật với nỗi buồn này, như phần còn lại của thành phố và biến nó thành những câu chuyện của riêng tôi.
Trong cuộc đời, có bao giờ, dù chỉ một lần, chúng ta nhìn lại bản thân để hiểu hoàn cảnh ra đời của chính mình. Tại sao ta lại sinh ra, tại sao lại ở nơi này và chính khoảng thời gian này? Gia đình chúng ta mang tên, thành phố nơi ta sinh ra, ngôi nhà nơi ta đang sống, chúng ta buộc phải nói về nó bằng tình yêu như lời dạy bảo. Nhưng liệu, chúng ta có đáng được hưởng nhiều hơn thế hay không? Có lúc tôi đã nghĩ mình thật bất hạnh vì đã sinh ra ở một đất nước già nua, hỗn tạp, chỉ biết bám lấy những mảnh vỡ điêu tàn còn lại từ quá khứ. Nhưng dường như cũng có một giọng nói từ sâu bên trong tôi khẳng định tôi thật may mắn vì đã sinh ra trong một thời đại không có chiến tranh hay xung đột, cũng chẳng có đói kém và cướp bóc hoành hành. Tôi không phải là kẻ thích than vãn, nên tôi chấp nhận cuộc đời tôi sinh ra, như tôi chấp nhận hình hài của mình (tuy vẫn rất muốn trở nên xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn) và cái sự thật rằng tôi sinh ra là một đứa con gái xấu xí và mạt hạng. Đó là số phận của tôi. Kinh nghiệm dạy tôi rằng đừng dại gì mà gây sự với nó.
Những khi không thể chấp nhận được cuộc đời và bản thân mình, tôi lại tự viết những câu chuyện kiểu như: Ngày xửa ngày xưa tôi là một cô bé đáng yêu. Tôi sinh ra ở một thành phố lớn, gia đình khá giả và sự mộng mơ đã đưa tôi đến với con đường viết tiểu thuyết. Tôi thèm kể câu chuyện đời mình theo như thế. Như thể đời mình là chuyện xảy ra với người khác, như thể đời mình là một giấc mơ mà chỉ cần thêm thời gian là có thể rút lui khỏi đó. Đó là một cảm giác thật ngọt ngào, nhưng chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho nó. Một khi đã in sâu vào trong đầu một mộng tưởng hão huyền về cuộc đời mình, chúng ta sẽ cố biến hiện thực trở nên ấn tượng hơn nhiều trong mắt người khác so với những gì bản thân có. Và cũng giống như việc chúng ta biết ai đó qua lời người khác, chúng ta sẽ để mặc thiên hạ tạo khuôn cho những gì chúng ta nên nói, nên làm và nên sống. Thật đẹp khi kể lại đời mình như một câu chuyện cổ tích, như một huyền thoại đầy màu sắc tươi sáng. Nhưng liệu bạn có thể sống một đời như một kẻ không đáng tin cậy chỉ vì không thể chấp nhận nổi những khiếm khuyết mà số phận sắp đặt cho mình? Chính vì thế, hãy thật cẩn thận khi kể câu chuyện đời mình. Vì khi bạn trung thực, ít nhất bạn còn có thể đòi hỏi lại sự cảm thông.